Tue, 09/09/2014 - 01:31 — ledienduc
Như
một định mệnh, số điện thoại gọi cấp cứu khẩn cấp trong mọi trường hợp 911 trên
lãnh thổ Hoa Kỳ trùng với ngày thảm hoạ xảy ra, ngày 11 tháng 9, mà theo cách
viết của người Mỹ, tháng trước, đến ngày rồi mới tới năm: 9/11.
13 năm là thời gian dài nhưng có vẻ quá ngắn ngủi
với cuộc chiến chống khủng bố và những hệ lụy của nó.
Cách đây 13 năm, ngày 11 thang 9 năm 2001 đã làm cả
Hoa Kỳ và cả thế giới bàng hoàng.
Những chiếc máy bay dân sự bị quân khủng bố biến
thành bom tự sát lao vào toà tháp đôi Twin Tower của World Trade Center và Lầu
Năm Góc ở Virginia.
Cuộc khủng bố được xem là thảm hoạ gây thiệt hại
khủng khiếp về nhân mạng sau Pearl Habor khi vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 quân
Nhật bất ngờ tấn công hải quân Hoa Kỳ dẫn đến việc tham chiến của Hoa Kỳ
vào Chiến Tranh Thế giới lần thứ Hai.
Cuộc tấn công vào một trong những biểu tượng của Hoa
Kỳ của quân khủng bố trong ngày 11 tháng 9 đã làm 2.974 người chết, 24 người
mất tích.
Vào dịp 10 năm (2011) tưởng nhớ thảm hoạ này, Tổng
Thống Barack Obama đã nói:
"Một trong những điều mà chúng ta sẽ nói là
cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã làm bật ra những gì
tốt nhất trong đất nước chúng ta. Lính cứu hỏa, cảnh sát, nhân viên cấp cứu đã
nhanh chóng, bất chấp nguy hiểm để cứu những người khác. Người Mỹ tập trung
cùng nhau thắp nến cầu nguyện, trong nhà và trên các bậc thềm của Capitol. Các
tình nguyện viên xếp hàng đợi hiến máu và đi khắp nơi trên toàn quốc sẵn sàng
giúp đỡ. Học sinh gom tiền tiết kiệm, các nhóm tôn giáo và các doanh nghiệp thu
góp thực phẩm và quần áo. Là những người Mỹ, chúng ta đã đoàn kết”.
Phản công lại cuộc tấn công của quân khủng bố Hoa Kỳ
đã mở hai cuộc chiến Afghanistan (10/2001) và Iraq (03/2003), gây ảnh hưởng sâu
sắc lên nền kinh tế, chính trị, ngoại giao và sinh hoạt của người Mỹ. Và
của cả thế giới.
Đất nước Mỹ đang êm ả, thanh bình và quyền tự do cá
nhân được tuyệt đối tôn trọng, bỗng chốc thay đổi. Nhìn rõ nhất ở các sân bay.
Những dòng người xếp hàng bỏ hành lý xách tay, áo khoác, giày dép, thắt lưng…
chạy quá máy kiểm tra của bảo vệ sân bay. Cơ quan an ninh của Hoa
Kỳ có quyền nghe trộm điện thoại, ngó mắt vào các trương mục cá nhân tại ngân
hàng...
Chi phí cho cuộc chiến tại Iraq trong năm 2003 là 48
tỷ đô la, năm 2004 đã 59 tỷ, năm 2005 là 81 tỷ, năm 2006 gần 100 tỷ. Tới năm
2007, Hoa Kỳ đã chi cho Afghanistan và Iraq 170 tỷ đô la, năm 2008 140 tỷ,
nhiều hơn cả 8 năm tham chiến tại Việt Nam (1965-1973).
Cuộc chiến Iraq đã làm thiệt mạng khoảng 650 ngàn thường
dân Iraq, hơn 3,5 ngàn lính Mỹ, hàng chục ngàn khác bị thương, hàng triệu người
Iraq bỏ nước di tản. Còn cuộc chiến Afghanistan vẫn dai dẳng, quân Taliban bị
suy yếu sau khi biệt kích Hoa kỳ giết chết trùm khủng bố Bin Laden Osama đầu
tháng 5/2011, nhưng xem ra còn đáng lo ngại.
Nhưng hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai.
Trong năm 2005, bão Katrina đã hủy hoại gần 80%
thành phố New Orleans, gây thiệt hại tới hơn 81 tỷ đôla, 1.836 người chết, 705
người mất tích, nhiều ngàn người phải ở trong những căn nhà tạm bợ.
Nhưng cơn bão tài chính bắt đầu từ tháng 9 năm 2008
còn nặng nề hơn. Quả bóng bất động sản nổ tung. Sự sụp đổ không tiền lệ hàng
loạt các ngân hàng mà tiêu biểu là “Lehman Brothers” đã làm chấn thương, rung
động thế giới.
Đất nước Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Hai nhiệm
kỳ của Tổng thống W. Bush quả thật không may mắn. Nguời ta đổ hết hậu quả lên
đầu ông mà thực tế không phải chỉ vì hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Uy tín
của Tổng thống W. Bush tuột dốc từ hơn 70% sau biến cố ngày 11 tháng 9, chỉ còn
khoảng 20% khi rời khỏi Nhà Trắng.
Trong bối cảnh ấy, người Mỹ khao khát thay đổi và đã
chọn Barack Obama, năm 2009, vị tổng thống da đen đầu tiên bước vào Nhà Trắng
với sứ mệnh "Change! Yes, We can".
Hơn 700 tỷ đôla kích thích bơm vào dòng chảy tiền tệ
cứu vãn các tập đoàn tài chính và ngân hàng khỏi phá sản và hàng chục tỷ đôla
khác vực một số ngành công nghiệp, dường như không mang lại hiệu quả bao nhiêu,
kéo thêm gánh nặng cho ngân sách đã nợ đến hơn 16 ngàn tỷ đô.
Cuối tháng Hai 2009, giữ cam kết khi tranh cử, ngày
1 tháng 9, 2010 Obama tuyên bố kết thúc cuộc chiến Iraq và thừa nhận
rằng, Mỹ “đã trả giá đắt cho cuộc chiến để tương lai của Iraq nằm trong tay
người Iraq” và “không chỉ vì lợi ích của Iraq, mà còn của chính chúng ta”. Quân
đội Mỹ tại Iraq triệt thoái hoàn toàn vào cuối năm 2011.
Sau 6 năm, kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi,
ngành khai thác dầu mỏ năng động, đặc biệt công nghệ khai thác khí phiến đá sét
phát triển làm giảm bớt giá xăng và khí đốt, thất nghiệp giảm xuống còn khoảng
7%, thị trường bất động sản ấm lên chút ít, nhưng chưa có gì bảo đảm cho sự
tăng trưởng chắc chắn và ổn định. Uy tín của Obama suy giảm xuống dưới 50% so
với hơn 70% khi nhậm chức.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại thụ động, mềm
mỏng của Barack Obama đã góp phần tạo nên sự khó xử trước những biến động quốc
tế.
Bỏ kế hoạch lá chắn chống hoả tiễn tại Ba Lan,
"reset" mối quan hệ với Moscow, không can thiệp quân sự vào Syria
trước sự lên gân mạnh mẽ của Nga, Tông thống Obama vô tình đã tạo cho Putin
hung hăng sát nhập Cremea của Ukraina vào Nga và gây bất ổn ở miền đông
Ukraina. Đến khi nhận ra chân tướng của Putin, phải dùng các biện pháp trừng
phạt cùng với Liên minh châu Âu thì mọi sự đã rồi. Vào giai đoạn tranh cử năm
2008, ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ Mitt Romney tuyên bố Nga là kẻ thù, bấy giờ
Barack Obam nói rằng chiến tranh lạnh đã kết thúc, nước Nga là đối tác!
Mặt trận Afghanistan còn nóng, quân Taliban vẫn là
lực lượng đáng lo ngại . Vụ nổ súng hôm 5 tháng 8 làm thiệt mạng tướng Harold
Greene và 15 người bị thương, cho thấy khả năng xâm nhập và gây rối của Taliban
trên các vùng đất của Afghanistan là thường trực. Kế hoạch của Barack Obam
triệt thoái quân Mỹ vào tháng 12 năm 2014 được xem là một thử thách mạo hiểm.
Bởi khi quân Mỹ rút hết khỏi Iraq, chưa dẹp được
Al-Queda, những nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria và Iraq đã thiết lập nhà nước
Hồi giáo tự xưng (ISIS) chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở phía Bắc Iraq và Syria, tàn
sát các sắc dân theo tôn giáo khác. Cắt đầu hai nhà báo Mỹ để đe doạ, ISIS đã
tạo nên lý do chính đáng để trở thành mục tiêu tấn công của Hoa Kỳ. Mặc dù,
thực chất, làm suy yếu và triệt tiêu ISIS, như Obama công bố, không phải chỉ để
trả thù và bảo vệ công dân Mỹ, mà còn bảo vệ lợi ích lâu dài của Mỹ ở Iraq và
Trung Đông.
Trong ngày 5 tháng 9 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở
Newport (Lithuania) Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi 9 quốc gia khác liên minh
với Hoa Kỳ chống lại ISIS gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ,
Canada và Úc. Chiến lược chống lại ISIS của Tổng thống Barack Obama sẽ được
công bố vào thứ Tư ngày 12 tháng 9, nhưng chắc chắn, như được biết, không có kế
hoạch đổ bộ bằng bộ binh.
Chưa biết chiến lược của Obama ra sao, nhưng liên
minh quốc tế này nếu hình thành sẽ không mang lại hiệu quả đích thực. Thời Tổng
thống W. Bush đã có một liên minh như thế (gồm 22 quốc gia tham dự) nhưng không
làm được bao nhiêu, dù họ chiến đấu trực tiếp bên cạnh lính Mỹ trên mặt trận
Iraq. Còn nếu chỉ đánh ISIS bằng không quân thì chỉ có thể làm thiệt hại và suy
yếu chứ không thể nào triệt tiêu chúng đuợc.
Vao dịp tưởng nhớ 10 năm thảm họa 11 tháng 9, tôi có
viết một bài trong đó đề cập tới bức tranh “The Truth” phac hoạ chân dung
Barack Obama của nghệ sĩ Michael D’Antuono, triển lãm trên Union Square của New
York. Barack Obama trong hình dáng của Jesus Christ, với hai cánh tay giang
rộng như đang vén bức màn lên, nhưng cũng có thể hiểu đang cầm tấm màn khép
lại.
Nghệ sĩ Michael D’Antuono hoài nghi: “What’s your
truth?". Tôi thì viết rằng, phải chăng người Mỹ đã mong đợi Barack
Obama như là một “Đấng Cứu Thế” vén rộng tấm màn, đưa nước Mỹ ra khỏi cơn khủng
hoảng từ di sản của Tổng thống W. Bush? Hay là, “Đấng Cứu Thế” Barack Obama đã
bất lực, đành khép lại nước Mỹ với các tham vọng bất thành của mình? Sự thật
dường như có chiều hướng nằm ở vế thứ hai!
Mọi thứ, sau ba năm, vào năm 2014, càng chỉ ra rằng,
có lẽ dự đoán của tôi là đúng.
©
Lê Diễn Đức
No comments:
Post a Comment