Gia
Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-09-12
2014-09-12
Đây là hình ảnh mới nhất của ông Nguyễn Xuân Nghĩa sau khi ra tù . Courtesy danlambao
Nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa vừa
mãn hạn tù sáu năm về tội danh bị gán ghép là tuyên truyền chống Nhà Nước.
Sau khi được đưa về nhà ở Hải Phòng từ trại giam An
Điềm, Quảng Nam, ông dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự do cuộc nói chuyện sau
đây.
Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Thưa tất cả quí bị, tôi rất nhớ quí vị. Tôi cám ơn tất cả quí vị nghe đài đã
nắm được tình hình của anh em dân chủ nhân quyền ở trong nước và đã quan tâm
đến chúng tôi.
Hôm nay sau 6 năm được gặp lại quí vị tôi rất vui và
tôi cảm thấy có đủ sức khỏe, đủ minh mẫn để nói chuyện với quí vị. Còn sức khỏe
của tôi, tôi xin nói đùa là ‘không đủ sức khỏe để làm việc, nhưng thừa sức khỏe
để ăn vạ chính quyền’ vì ở trại giam qua hai lần bị biệt giam và một lần bị
đánh thì sức khỏe của tôi đã bị giảm sút một cách trầm trọng. Sắp tới tôi phải
nghỉ một thời gian để chữa những căn bệnh sinh ra trong thời gian bị giam giữ
là bị đau giây thần kinh số 5 và khối u tiền liệt tuyến.
Gia
Minh: Xin ông có
thể cho biết lại những nhà tù mà ông bị đưa qua trong suốt thời gian vừa rồi?
Cựu
tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi bị đưa
qua 4 nhà tù. Nhà tù lấy cung là ở 1 năm rưỡi. Khi đã thành án rồi thì bị đưa
ra ba nhà tù.
Họ biệt giam tôi hai lần, mỗi lần ba tháng. Ở Việt
Nam thì nhà tù nào cũng khổ, nhưng tôi muốn nói với quí vị rằng việc biệt giam
thì đặc biệt hơn. Nếu bị biệt giam như trong tình trạng của tôi lâu ngày thì bị
stress khủng khiếp. Bởi vì tôi bị giam 24/24 giờ một mình trong một buồng chỉ
có 4 mét vuông. Khi bị giam chung hai người thì có thể tâm sự, nghe tiếng họ
nói cười, đi. Bước chân đi của họ có thể làm ta giảm stress. Trong khi đó tôi
bị giam 24/24 giờ một mình ba tháng trời, trong khi đó không có một tin tức,
quà cáp gì từ gia đình gửi đến.
Hai lần giam riêng họ vẫn không lay chuyển được ý
chí của tôi, họ đưa tôi vào trong trại giam Nghệ An. Trại giam này cách gia
đình tôi trên 300 cây số nữa. Ở đó tôi có một người bạn tù mà tôi khá kính
trọng: Nguyễn Văn Hải- blogger Điếu Cày. Anh cũng mới từ một trại giam trong
Sài Gòn ra. Anh em chúng tôi gặp nhau tại trại giam số 6 của Bộ Công an, chúng
tôi kết hợp nhau để đòi quyền lợi của an hem tù nhân ở đó, kể cả thường phạm và
chính trị. Họ đã dùng một biện pháp rất rẻ mạt và hèn hạ là vu cáo anh Hải vào
tù rồi mà còn tuyên truyền chống nhà nước. Người vu cáo là hai tù nhân làm gián
điệp cho Trung Quốc. Họ tin vào hai tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc tố cáo
anh Hải nên anh Hải đã tuyệt thực kéo dài 33 ngày.
Điều mà tôi lưu ý quí vị là truyền thông của nhà
nước cộng sản. Tôi biết anh Hải tuyệt thực từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ
33. Cả Trại 6, tù nhân thường phạm và chính trị đều biết. Thế mà khi họ ‘thả’
anh Hải ra được 4 hôm thì họ đưa lên TV một video anh Hải ăn cơm và (cho rẳng)
anh Hải không tuyệt thực. Quả thực anh Hải ăn cơm với chúng tôi, nhưng đó là
sau khi tuyệt thực xong rồi, vụ việc đã giải quyết rồi thì họ lại lấy hình ảnh
anh Hải vui vẻ đang ăn cơm sau khi tuyệt thực xong rồi để minh chứng anh ta
không tuyệt thực.
Tôi không thấy cơ quan truyền thông nào xảo trá như
các cơ quan truyền thông của chính quyền Việt Nam hiện hành.
Gia
Minh: Xin ngắt lời
ông, chính ông là người đưa thông tin ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực ra
ngoài, sau đó ông gặp trở ngại gì ngay ở nhà tù đối với bản thân ông?
Cựu
tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi bị một
anh tù gián điệp cho Trung Quốc đánh vào mặt.
Tôi nghĩ rằng việc để cho nhóm người tù làm gián
điệp cho Trung Quốc vu cáo người lương thiện, đấu tranh cho quyền lợi của tù
nhân theo đúng luật pháp, đến nỗi bị giam riêng, và tin tưởng vào nhóm tù nhân
làm gián điệp cho Trung Quốc thì rõ ràng chế độ này có vấn đề.
Tin vào tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc, trong
khi tù nhân đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho đất nước như anh Hải lại bị
vu cáo còn tôi bị đánh với một lý do lãng nhách.
Người đánh tôi nói một cách công khai rằng: chúng
mày nói có BBC, RFA, Chân Trời Mới thì tao đánh mày để xem chúng nó có làm được
gì tao hay không.
Đó là nguyên văn mà người ấy nói mà tôi nhớ mãi và
sẽ kể mãi sau này.
Gia
Minh: Sau trại gian
ở Nghệ An, ông còn bị đưa đến một trại giam xa hơn nữa là trại giam An Điềm,
Quảng Nam. Tại đó ông có những ấn tượng nào cho đến lúc này mà có thể chia xẻ?
Cựu
tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tại trại
giam An Điềm Quảng Nam tôi may mắn gặp luật sư Lê Quốc Quân. Tôi vào đó thì 8
tháng sau, luật sư Lê Quốc Quân vào. Chúng tôi kết hợp hai người đòi hỏi những
quyền lợi chính đáng của phạm nhân. Chúng tôi đòi được dùng phần nhỏ của
‘chuồng cọp’ để trồng những cây hoa và rau có thể ăn tươi nhằm cải thiện điều
điện ăn uống cho tù chính trị.
Điều thứ hai là anh Quân không mặc đồ tù, anh nói
rằng anh không có tội; dù có khủng bố hay tước đoạt quyền lợi cho đi gặp gia
đình, anh vẫn không bao giờ mặc đồ tù. Mặc dù bị đe dọa nhiều lần, anh ấy vẫn
sằng sàng không đi gặp gia đình, không gọi điện thoại; cuối cùng trại giam họ
phải chấp nhận để anh không mặc đồ tù để đi gặp thăm nuôi, để đi gọi điện
thoại. Điều đó làm chấn động trại giam An Điềm vì từ xưa đến nay chưa có phạm
nhân nào dám làm điều ấy.
Tôi muốn tâm sự với anh và với tất cả quí vị là
trong 6 năm họ mua chuộc tôi nhiều lần lắm. An ninh nhiều lần đến mua chuộc tôi
làm việc cho họ; mặc dù họ biết tôi không chấp nhận với xác xuất rất cao nhưng
không hiểu sao họ vẫn đến mua chuộc tôi làm việc cho họ; đó là đánh vào hàng
ngũ anh em hoạt động dân chủ- nhân quyền.
Điều họ làm rất là lố bịch vì chúng tôi có phải là
một tổ chức bí mật nào đâu, chúng tôi là công dân phát biểu chính kiến của mình
và ai cũng công khai phát biểu chính kiến của mình thì tại sao còn đánh vào một
tổ chức bí mật và không có bí mật!
Thứ hai nữa tôi là một nhà văn và tôi đã không nhận
tội, mà họ cứ nghĩ là tôi có thể thay đổi ý kiến để mà làm việc cho họ, đó là
một sự lố bịch.
Tôi đã làm văn 30 năm nay và tôi chưa bao giờ là một
nhà văn ‘cung đình’, thì ở thời điểm nay tôi không bao giờ là một ‘nhà văn cung
đình’. Đó là khẳng định của tôi như vậy.
Gia
Minh: Xin thay mặt quí thính giả của Đài Á châu Tự do
chúc mừng nhà văn đã trở về với gia đình.
--------------------------------
BBC
Cập nhật: 09:28 GMT - thứ sáu, 12 tháng 9,
2014
Nhà
văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người vừa mãn hạn tù, nói ông sẽ tiếp tục "nói lên
sự thật" vì đó là "nhiệm vụ chính đáng" của một nhà văn.
Ông Nghĩa bị bắt giữ cùng nhiều nhà hoạt động khác
trong đợt trấn áp hồi tháng 9 năm 2008.
Đến tháng 10 năm 2009, ông bị tuyên án 6 năm tù
giam, 3 năm quản chế tại gia vì tội 'Tuyên truyền chống phá Nhà nước' theo điều
88 Bộ Luật Hình sự.
Trả lời BBC qua điện thoại ngày 12/9, ông cho biết
tình trạng sức khỏe của ông sau khi ra tù dù "yếu nhưng vẫn đủ sức làm
việc".
Ông cũng cho biết sẽ không thay đổi con đường đã
chọn trước khi bị bắt giữ.
"Tôi là một nhà văn, một nhà văn nếu không viết đúng sự thật thì nhà
văn thì sẽ mang một nỗi buồn bực ghê gớm", ông nói.
"Tôi sẽ tiếp tục viết và nói sự thật. Viết cho tổ quốc, cho nhân dân
tôi là một con đường chính nghĩa".
'Không
cho nói về Điếu Cày'
Ông Nghĩa nói ông ít được tiếp cận với thông tin bên
ngoài ở trong tù và đã nhiều lần bị đánh đập.
"Có quy định là chúng tôi gặp gia đình một tháng một lần và mỗi lần
chỉ trong 5 phút".
"Thế nhưng khi nói đến những chuyện mà họ cho là nhạy cảm thì họ sẽ
ngắt ngang lời gia đình".
"Họ còn bịt mồm khi tôi đưa thông tin về việc ông Nguyễn Văn Hải,
tức Điếu Cày, tuyệt thực 25 ngày do bị biệt giam".
"Ông Hải bị biệt giam vô cớ, mà nơi biệt giam thì cực kỳ khổ sở. Tôi
cảm thấy có nghĩa vụ phải đưa thông tin ra bên ngoài nên đã thông báo với vợ
tôi".
"Sau khi thông tin được đưa ra ngoài thì cũng nhờ dư luận và sức ép
mà họ đã ngưng biệt giam ông Điếu Cày".
"Khi chúng tôi tạm biệt nhau thì ông Hải cũng nhờ tôi gửi lời cảm ơn
đến những người đã giúp đỡ ông ấy".
Ông Nghĩa cũng cho biết đã từng bị "một người
bị án chung thân đánh đập".
"Cùng giam chung với chúng tôi có hai người bị giam vì làm việc cho
Trung Quốc".
"Để lấy công, họ còn vu cáo ông Hải là tuyên truyền chống đối nhà
nước trong tù".
Ông Nghĩa sinh ra trong một gia đình có 'truyền
thống cách mạng' tại Nghệ An và từng du học Tiệp Khắc trong những năm 1967 -
1970, thời gian xảy ra cuộc cải cách Mùa xuân Praha.
Trở về nước, ông làm việc cho một công ty cơ khí
của Hải Phòng và bắt đầu tham gia vào các hoạt động đấu tranh cho dân chủ.
Ông cũng đã tham gia vào nhiều cuộc biểu tình chống
Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2007-2008.
Trước khi bị bắt, ông cũng được cho là đã viết đơn
yêu cầu UBND TP Hà Nội cho tổ chức cuộc biểu tình đòi chính phủ có biện pháp
đẩy lùi lạm phát, cải thiện kinh tế, khi Viêt Nam đang đối mặt với mức lạm phát
kỷ lục, lên đến gần 23%.
Hồi năm 2011, ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
(Human Rights Watch) trao giải thưởng Hellman-Hammett.
No comments:
Post a Comment