Monday 8 September 2014

MỘT VỪNG TRĂNG KHÁC (Viên Linh)




Viên Linh
Wednesday, September 03, 2014 12:37:33 PM

Còn vài ngày nữa là Tết Trung Thu, đêm hội của thiếu niên nhi đồng với những chiếc đèn lửa đủ màu đủ kiểu, nhất là đèn kéo quân (đèn cù), khi con người đón một tinh cầu gần nhất trở lại trong ánh sáng rực rỡ, một nguyệt bạch trắng ngần, khối mộng mơ của các nghệ sĩ, cõi thần thoại của nhân gian: mặt trăng giữa tháng của mùa Thu, nhưng nó đã đổi khác khi phi hành gia Neil (Arden) Armstrong, sinh quán ở Wapakoneta, tiểu bang Ohio, đặt bước chân đầu tiên của nhân loại lên tất cả những thứ vừa kể. Và ông ta vào đúng 10 giờ 56 phút giờ EDT ngày 20 tháng 7 năm 1969, đã nói vọng về Mặt Ðất: “Ðây là bước nhỏ của một con người, nhưng là một cái nhảy vĩ đại của nhân loại.” (That's a small step for a man, one giant leap for mankind.) 

Chỉ nửa tháng sau khi hai phi hành gia Hoa Kỳ, Neil Armstrong và Edwin Aldrin đổ bộ mặt trăng, tuần báo Khởi Hành (chủ nhiệm nhạc sĩ đại tá Anh Việt, thư ký tòa soạn Viên Linh) đã thực hiện chủ đề “Một Vừng Trăng Khác,” hình trên. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Là kẻ cầm bút sáng tác, không thể còn coi là tinh khôi một thứ mà kẻ khác đã giẫm chân lên, tôi phải đi tìm “một vừng trăng khác.” Ðang là thư ký toàn soạn tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, tôi kêu gọi anh em, các đồng nghiệp, viết bài bày tỏ ý kiến, do đó mà Khởi Hành đã ra hai số báo đặc biệt với chủ đề này: số 14 ra ngày 31 tháng 7, và số 15 ra ngày 7 tháng 8, 1969. Các tác giả sau đây đã có bài tham dự: Vũ Hoàng Chương (Tuổi đá Nữ Oa), Mai Thảo (Thả thuyền), Nguyễn Sỹ Tế (Phiêu du trong mãi mãi), Phan Lạc Phúc [Ký giả Lô Răng] (Thôi nhé), Tú Kếu (Trăng đổi khác), Trần Tuấn Kiệt (Tịch mịch), Nguyễn Ðức Sơn (Ảo mộng, Ngàn sau) [Các tác giả trong chủ đề, vừa với thơ mới, vừa với bài về trăng viết từ trước]. Cùng số báo 15, tôi còn sưu tập những bài thơ về trăng của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu (Siêu của “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”), Trần Kế Xương, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Phạm Văn Hạnh (nhóm Xuân Thu Nhã Tập), Quách Thoại.

Vũ Hoàng Chương
Tuổi Ðá Nữ Oa
Mài gươm từ lúc nguyệt còn non
Gươm sáng dần sao nguyệt chẳng mòn
Hay vết thương trời loang rộng mãi
Cho năm sắc đá tuổi xuân tròn.
(Cành Mai Trắng Mộng)

Phạm Văn Hạnh
Xuân Thu Nhã Tập
Trăng lần nữa mở trang thơm
Ta cùng đọc những lời thơ không nói
Ta cùng nhớ Cái-Gì-Không-Thể-Tới
Tôi đi lên cao, tôi có với được gì?

(Xuân Thu Nhã Tập)

Trần Tuấn Kiệt
Tịch Mịch
Mái nghiêng bóng nhỏ trăng tà
Tiễn đưa sương rụng canh gà quanh co
Ðèn thâu sắc biếc vào thơ
Giật mình mộng tỉnh giấc mơ lạnh người
Vầng trăng mặt nước chân trời
Nửa khuya huyền hoặc nửa ngời vàng phai
Khi thu hiu hắt bèo mây
Trơ chòm cổ thụ chim bay xa mờ
Tàn đêm đàn vắng bao giờ
Chỉ nghe gió tạt bên bờ hư không.

(Thơ Trần Tuấn Kiệt)

Nguyễn Ðức Sơn
Ảo Mộng
Sáng trăng chim trắng bay vàng
Tôi theo trăng bước lên ngàn ăn sương
Bàng hoàng say giữa rừng hương
Quên mình đang ở giữa đường u minh
Nắng lên ngày hiện nguyên hình
Trăm con chim mộng bay nhanh xuống ngàn
Giật mình biết sụp thiên đàng
Nhìn qua song ánh trăng vàng tan mau.

Ngàn Sau
Về đây say với trăng ngàn
Phiêu du hồn nhập giấc vàng đó em
Trăm năm bóng lửng qua thềm
Nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi
Mai kia tắt lửa mặt trời
Chuyện linh hồn với luân hồi có không
Thái hư chừng sắp chuyển vòng
Ðại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Chúng ta giờ ước mong gì?
Văn minh gửi cát bụi về mai sau.
(Những Bài Tình Ðầu)

Vừng trăng, hình ảnh của Ảo Mộng, đã mang theo ít nhất một cái chết chìm đắm [Lý Bạch], còn được nhắc nhở nhiều thế kỷ, là nơi mà ngày 20 tháng 7, 1969 [...] bàn chân của khoa học đã đặt xuống. Nguyệt cầu bị chinh phục, cái mờ ảo, sự huyễn hoặc có thật đã mất. “Adieu à la lune,” nhân danh các thi sĩ, Alain Bosquet vừa tuyên bố. Vì tinh tú của im lặng, từ lúc có loài người, là sự hiện diện bí mật và quyến rũ, xa vời mà gần gũi vô cùng. Cái im lặng của vầng trăng, niềm im lặng đón nhận những tâm sự trần gian, từ kiếp này sang kiếp khác. Ðêm thanh, ánh vàng êm dịu, khí trời nhẹ nhàng, con người thầm lặng ngước nhìn. Và trăng soi nỗi cô quạnh đời đời, trăng là bạn thiết.

Trăng ở với ta khởi sự từ một đêm rằm Tháng Tám thơ ấu nào. Trăng ở với ta đến những đêm khuya tĩnh mịch lủi thủi trên đường về khi mới lớn. Vì tinh tú im lặng quẩn quanh ấy ở với ta trong mối tình thanh khiết, trong những thời gian êm ả hay lạnh lẽo, cùng những ước vọng tuyệt vời, những niềm tin ngờ vực ẩn hiện mù mờ, giữa tâm hồn và trí tuệ, nay đã rớt. Nguyệt cầu cũng chấn động, những hòn đá sù sì, lớp bụi đen bao phủ, những loại siêu vi trùng làm nhiễm độc con người. [Neil Armstrong ở đó dưới sức nóng 120 độ bách phân]. Và vừng trăng từ nay trở thành một miền viễn Tây mới của Hoa Kỳ.

Vừng trăng, “con tầu run rẩy lạnh” của Mitchel Butor vừa bị neo lại. Một bàn chân trái bước xuống, một người bước xuống, Neil Armstrong. Rồi người nữa bước xuống (Edwin E. Aldrin). Hàng tấn dụng cụ đổ bộ. Một trạm ngừng trong không gian được thiết lập. “Càng cao càng lạnh chao ôi! Trên cung trăng vắng lạnh thôi mấy từng?” - thơ Xuân Diệu. Nhưng dù cao hơn dù lạnh hơn, một vừng trăng khác phải được tìm thấy cho Nghệ Thuật.(Khởi Hành số 15, ngày 7 tháng 8, 1969).



No comments:

Post a Comment

View My Stats