08.09.2014
Là khôi nguyên của giải Nobel Hòa bình năm 1991, và
là người đã trải qua 15 năm giam lỏng tại gia vì nỗ lực tranh đấu cho một Miến
Điện dân chủ, Aung San Suu Kyi trở thành một trong số rất ít các lãnh tụ tinh
thần của thế giới hiện đại được cộng đồng quốc tế nể trọng và được người Miến
Điện ưu ái gọi bằng cái tên “The Lady”. Những năm gần đây, với sự cải tổ về
chính trị ở Miến Điện, Aung San Suu Kyi đã được tự do vào tháng 11 năm 2010 và
được bầu làm nghị sĩ Miến Điện vào tháng 5, 2012.
Ngay sau đó, vào tháng 6 năm 2012, Suu Kyi công bố
trên website của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng bà muốn tranh cử tổng thống
Miến Điện vào năm 2015. Việc tranh cử của bà sẽ phụ thuộc vào việc hiến pháp
Miến Điện có thay đổi được hay không. Với hiến pháp hiện nay, bà không thể tham
gia tranh cử vì hiến pháp này quy định những người có con cái mang quốc tịch
nước ngoài không thể trở thành tổng thống của đất nước này. Mặc dù tổng thống
đương nhiệm, ông Thein Sein, được cho là ủng
hộ việc sửa đổi hiến pháp để tạo hành lang pháp lý cho Suu Kyi tranh cử
tổng thống, cho đến nay hiến pháp này vẫn chưa được sửa đổi.
Vấn đề là từ khi được tự do, đặc biệt là từ khi trở
thành nghị sĩ, Aung San Suu Kyi ít nhiều gây thất vọng với một số người vốn ủng
hộ bà. Trong một bài
phân tích thú vị vào tháng 6, 2014 trên CNN, ký giả Tim Hume phân tích lý
do tại sao The Lady lại đánh mất sự ủng hộ của một số người. Theo Tim Hume, vấn
đề chính nằm ở chỗ với tư cách là một chính trị gia trong một Miến Điện đang
chuyển đổi, Suu Kyi trở nên im lặng trước nhiều vấn đề nhức nhối về nhân quyền,
thí dụ liên quan đến chuyện xung đột sắc tộc và tàn sát cộng đồng thiểu số hồi
giáo Rohingya tại đất nước này.
Time Hume dẫn lời David Mathieson, chuyên gia nghiên
cứu cao cấp của tổ chức Human Rights Watch, cho rằng “Tôi nghĩ mọi người đều
đồng ý rằng bà đã trở thành một nỗi thất vọng trên khía cạnh thúc đẩy quyền con
người”. Kenneth Roth, giám đốc của tổ chức này cũng bình luận rằng “thế giới rõ
ràng đã lầm lẫn khi giả định rằng với tư cách là một nạn nhân đáng kính của các
vi phạm nhân quyền, bà cũng phải là một người bảo vệ các quyền con người”.
Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ vai trò của Suu Kyi, với tư
cách là một người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, một nhà bất đồng chính
kiến, khác với vai trò mới của bà, trên cương vị là một chính trị gia, một candidate
tiềm năng của chức vụ tổng thống Miến Điện.
Với tư cách là một nhà bất đồng chính kiến, một
người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, Suu Kyi có thể nói nhiều về
các ý tưởng lãng mạn của cuộc tranh đấu. Với tư cách là một chính trị gia, bà
phải chọn lựa và có những quyết định chính trị chắc chắn không thể làm hài lòng
tất cả mọi người.
Dẫu sao, Suu Kyi vẫn chưa trở thành tổng thống. Nếu
như sau cuộc bầu cử 2015, bà trở thành tổng thống, thì vai trò của bà còn trở
nên khó khăn hơn. Các ý tưởng lãng mạn của cuộc tranh đấu sẽ không còn, và thay
vào đó là các quyết định chính trị khó khăn của người đứng đầu đất nước. Khi
đó, có thể hào quang của The Lady thậm chí còn trở nên mờ nhạt hơn cả bây giờ.
Điều này làm người ta nhớ đến đương kim Tổng thống
Obama của Mỹ. Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch ốc năm 2008, ông xây dựng hình
tượng của mình với tư cách là một nhà cải cách với khẩu hiệu “Change We Need”
nổi tiếng. Với hình tượng này, ông đã chiến thắng giòn giã trước đối thủ John
McCain của đảng Cộng hòa là người được coi là bảo thủ hơn. Hào quang của Obama
sau đó đã ít nhiều bị mai một, và gần đây tỷ lệ người Mỹ ủng hộ ông giảm mạnh,
thậm chí một cuộc
khảo sát của Quinnipiac University công bố hồi giữa năm còn cho thấy Obama
được những người tham gia khảo sát đánh giá là tổng thống tệ nhất của Mỹ kể từ
Thế chiến 2.
Điều này không hẳn có nghĩa Obama hay Suu Kyi là một
chính trị gia không xuất sắc. Tuy nhiên, nó cho thấy thách thức và áp lực ghê
gớm của những chính trị gia được công chúng kỳ vọng quá lớn trong giai đoạn đầu
trước khi lên nắm quyền.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog
được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập
trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment