Sunday, 7 September 2014

LỜI KÊU GỌI CỦA TRÍ THỨC BA LAN : HÔM QUA DANZIG, HÔM NAY DONETSK (Phạm Thị Hoài dịch)




Phạm Thị Hoài dịch
Tháng 9 1, 2014

pro&contraNgày 1 tháng Chín năm 1939, Thế chiến II bùng nổ với màn nổ súng xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã. Tròn 75 năm sau, ở châu Âu lại xuất hiện nhiều dấu hiệu chính trị và xung đột tương tự trong đêm trước của cuộc Đại chiến Thế giới đó. Một nhóm các nhà trí thức Ba Lan, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như đạo diễn điện ảnh Andrzej Wajda, sử gia Władysław Bartoszewski, nhà văn Wojciech Kuczok,… vừa gửi đến công dân và các chính phủ thuộc Liên minh Châu Âu (EU, với nhà lãnh đạo cao nhất trong nhiệm kì sắp tới là Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk) “Lời kêu gọi” sau đây.

_________

“Chết cho Danzig ư?”, câu hỏi đó thể hiện thái độ của Tây Âu với Thế chiến II, nổ ra tròn 75 năm trước. Anh và Pháp đã ba lần khích lệ nhà độc tài Quốc xã: Hitler và đế chế Nazi không phải chịu một hậu quả nghiêm trọng nào cho vụ sáp nhập Áo, vụ chiếm đóng Sudetenland và cuối cùng là vụ xâm lược Tiệp Khắc. Thậm chí sau Hiệp ướp Xô-Đức, khi những phát súng đầu tiên vang lên ở Danzig ngày 1 tháng Chín 1939, các nước phương Tây cũng chỉ đủ can đảm để bắt đầu một cuộc “giả chiến” biểu tượng. Đó là lần thứ tư Hitler được khích lệ. Phương Tây đã tưởng rằng thí thành phố Danzig của Ba Lan thì chính mình sẽ thoát. Nhưng – sau Warszawa – Paris trở thành thủ đô thứ hai bị chiếm đóng và ít lâu sau thì London bắt đầu bị ném bom. Mãi đến khi ấy các nước Đồng minh mới hét lên đòi chấm dứt ngay lập tức và chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh.

Tây Âu không được phép lặp lại một chính sách ích kỉ và thiển cận như thế nữa trước một kẻ xâm lược. Hiện trạng hôm nay và sự đột biến gia tăng căng thẳng nhắc chúng ta nhớ lại tình hình năm 1939. Hôm nay, nước Nga, một quốc gia hiếu chiến, đã chiếm đóng Krym, một khu vực của nước láng giềng nhỏ bé hơn mình. Quân đội và mật vụ của Tổng thống Putin tác chiến, cho tới nay thường giấu mặt, tại miền Đông Ukraine, ủng hộ những thế lực đang khủng bố cư dân vùng này, và trắng trợn dọa sẽ tràn vào xâm lược.

Nhưng so với năm 1939 thì tình thế hiện nay có một điểm mới: Trong những năm gần đây, khi các đối tác phương Tây còn tin vào “bộ mặt người” của kẻ xâm lược thì kẻ đó đã thu hút được nhiều chính khách và doanh nhân châu Âu vào quỹ đạo quyền lợi của mình. Nhóm lợi ích hình thành từ khi đó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách Đông Âu của nhiều quốc gia, với phương châm đặc biệt ưu tiên Nga hoặc thậm chí chỉ chú trọng vào Nga. Giờ đây chính sách ấy đang phá sản. Châu Âu cần cấp bách một chính sách Đông Âu mới và thực tiễn.

Vì thế chúng tôi kêu gọi các nước láng giềng, nhân dân và các chính phủ Châu Âu:

1. Tổng thống François Hollande và chính phủ Pháp đang đứng trước cạm bẫy tiến hành một bước đi có thể còn tệ hại hơn cả sự bị động của Pháp năm 1939. Trong những tuần tới, Pháp là nước Châu Âu duy nhất có thể sẽ giúp kẻ xâm lược: qua việc bán những hàng không mẫu hạm Mistral khổng lồ mới đóng theo hợp đồng cho Nga. Pháp bắt đầu sự hợp tác này từ năm 2010 và ngay khi đó đã bị nhiều chỉ trích mà Tổng thống Pháp lúc ấy là Nicolas Sarkozy thường dẹp bỏ bằng lập luận rằng “Chiến tranh Lạnh đã qua rồi”. Giờ đây một cuộc Chiến tranh Nóng đang bùng nổ ở Ukraine; như vậy không còn cơ sở nào để Pháp phải thực hiện bản hợp đồng cũ nữa. Nhiều chính khách đã đề nghị Pháp nên bán lại số tàu đó cho Liên minh Châu Âu hay cho Khối Quân sự NATO. Nếu Tổng thống Hollande không sớm thay đổi ý kiến thì nhân dân Châu Âu nên tảy chay hàng hóa Pháp để gây sức ép. Trung thành với truyền thống vĩ đại của mình, Pháp phải kiên định là một quốc gia phụng sự cho nền tự do của Châu Âu.

2. Từ khoảng năm 1982, CHLB Đức đã bắt đầu đẩy mình vào vị thế phụ thuộc vào khí đốt của Nga ở quy mô lớn. Ngay từ khi đó, các trí thức Ba Lan, trong đó có Czesław Miłosz và Leszek Kołakowski, đã cảnh báo rằng các đường ống dẫn khí đốt mới này có thể trở thành công cụ cưỡng bức Châu Âu. Các Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwaśniewski và Lech Kaczyński cũng từng lưu ý điều đó. Song các nhà chính trị Đức rất đề cao sự hợp tác với chính quyền Xô-viết thuở đó và chính quyền Nga sau này, có thể xuất phát từ mặc cảm tội lỗi của người Đức, có thể từ lòng tin vào một “phép màu kinh tế Nga” hay cũng có thể từ hi vọng lợi lộc cá nhân. Qua đó họ  – có lẽ vô thức – đồng thời tiếp tục một truyền thống bất hạnh của Đức, khiến họ coi Nga là đối tác duy nhất của mình ở Đông Âu. Trong những năm gần đây, các công ti nhà nước và của giới quả đầu Nga bắt rễ ngày càng sâu ở Đức, từ lĩnh vực năng lượng đến kinh doanh bóng đá và du lịch. Đức nên khống chế sự đan kết này, vì nó luôn kéo theo sự lệ thuộc chính trị.

3. Mọi người dân và mọi quốc gia Châu Âu đều nên tham gia cứu trợ Ukraine đang gặp nguy khốn. Hàng trăm ngàn người chạy nạn đang cần viện trợ nhân đạo. Nền kinh tế nước này đang cạn kiệt vì những hợp đồng dài hạn bất lợi với hãng Gazprom của Nga. Cho đến nay, nhà độc quyền khí đốt này đang ép Ukraine, một trong những khách hàng nghèo nhất, phải trả mức giá cao nhất. Kinh tế, đời sống văn hóa tuyệt vời, sống động cũng như các hoạt động truyền thông và xã hội dân sự của Ukraine đang khẩn thiết cần viện trợ, đối tác và các nhà đầu tư mới.

4. Nhiều năm nay Liên minh Châu Âu đều bảo Ukraine rằng đừng hi vọng – cả về việc gia nhập EU lẫn về việc được nhận ủng hộ gì hơn ngoài mang tính biểu tượng. Ngay cả Chương trình Đối tác Đông Âu của EU cũng không thay đổi được gì nhiều; thực tế đó chẳng qua là một chính sách thay thế vô nghĩa. Song vấn đề này bỗng vận hành theo đà của nó, chủ yếu nhờ ở sự kiên cường của các nhà dân chủ Ukraine. Lần đầu tiên trong lịch sử có những người dân gục ngã trước làn đạn, với lá cờ của EU trên tay. Lẽ nào Châu  không tỏ tình đoàn kết với họ? Nếu như vậy thì những giá trị của cuộc Cách mạng 1789, Tự do và Bác ái, đã trở thành vô nghĩa với cái Châu Âu này.

Ukraine có quyền bảo vệ lãnh thổ và công dân của mình trước một kẻ ngoại xâm, bằng cả quân đội và cảnh sát, ở cả những khu vực sát biên giới với Nga. Ở Donetsk cũng như mọi nơi khác trên toàn quốc, từ khi Ukraine tái lập nền độc lập năm 1991 đến nay là hòa bình: Không hề có xung đột bạo lực, kể cả trong vấn đề quyền của các sắc dân thiểu số. Nhưng giờ đây Vladimir Putin đã tháo xích cho “những con chó của chiến tranh” và đang tập dượt một hình thức xâm lăng mới. Ông ta đang biến Ukraine thành một vùng thí nghiệm, như Tây Ban Nha thời Nội chiến. Thời đó các lực lượng phát-xít được Đức Quốc xã ủng hộ chiến đấu chống phe Cộng hòa. Hôm nay, không hô vang khẩu hiệu “No pasarán”[1] để chặn Putin là biến Liên minh Châu Âu và những giá trị của nó thành lố bịch và đồng tình để trật tự thế giới bị đảo lộn.

Không ai biết ba năm nữa ai sẽ cai trị nước Nga. Chúng ta không biết điều gì sẽ đến với giới thượng lưu quyền lực ở Nga, những kẻ đang thúc đẩy cái chính sách phiêu lưu, đi ngược lại quyền lợi của chính dân tộc mình. Chúng ta chỉ biết rằng: Hôm nay, ai tiếp tục theo đuổi chính sách “business as usual“, bất chấp mọi sự, là đang đùa với sinh mệnh của hàng ngàn người Nga và người Ukraine. Là mạo hiểm chấp nhận thêm hàng trăm ngàn người chạy nạn và thêm một cú xâm lăng của đế quốc Putin vào những nước khác. Hôm qua Danzig (Gdańsk), hôm nay Donetsk: Chúng ta không được phép để Châu Âu sống cả vài thập kỉ với một vết thương để ngỏ và rỏ máu.

Những người kí tên: Władysław Bartoszewski, Jacek Dehnel, Inga Iwasiów, Ignacy Karpowicz, Wojciech Kuczok, Dorota Masłowska, Zbigniew Mentzel, Tomasz Różycki, Janusz Rudnicki, Piotr Sommer, Andrzej Stasiuk, Ziemowit Szczerek, Olga Tokarczuk, Eugeniusz Tkaczyszyn-Dycki, Magdalena Tulli, Agata Tuszyńska, Szczepan Twardoch, Andrzej Wajda, Kazimierz Wóycicki, Krystyna Zachwatowicz
01/9/2014

Nguồn: Bản tiếng Ba Lan: “Gdańsk 1939. Donieck 2014“, Gazeta Wyborcza. Bản tiếng Anh: 1939-2014: Die in Danzig – Live in Donetsk, EurActiv. Bản tiếng Đức: “Europa´s Auftrag“, Welt.
Bản tiếng Việt  © 2014 pro&contra


[1] Khẩu hiệu “Không cho (chúng) vượt qua”, nổi tiếng trong diễn thuyết của nhà hoạt động chính trị Dolores Ibárruri, kêu gọi phe Cộng hòa chiến đấu bảo vệ thủ đô Madrid trong Nội chiến Tây Ban Nha.


No comments:

Post a Comment

View My Stats