Wednesday 3 September 2014

HOA KỲ NHÌN TỪ TRUNG QUỐC (Nguyễn Cao Quyền)




Nguyễn Cao Quyền
September 2, 2014 | Bình Luận

Gần đây dư luận Hoa Kỳ lại bị bận tâm bởi những lời cảnh cáo chiến tranh gây ra vì những biến động tại biển Đông. Nhóm “diều hâu” Mỹ lại phổ biến ngững lời đe dọa của một số tướng lãnh Trung Quốc coi Hoa Kỳ là kẻ thù không đội trời chung. Người ta cũng nhắc lại cả nội dung của Bản Tuyên Ngôn Bangkok năm 1993, lên án Mỹ và Tây phương là những “đế quốc nhân quyền”.

Để theo dõi sát tình hình, những đoạn viết sau đây sẽ tóm tắt hai tầm nhìn về Hoa Kỳ đến từ phía Trung Quốc. Tầm nhìn thứ nhất là của giáo sư đại học Zhou Dunren. Tầm nhìn thứ hai là của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Li Daoyu. Hy vọng với hai tầm nhìn này, qúy độc giả sẽ tự rút ra được một nhận định chính xác.


Giáo sư Zhou Dunren cho rằng:

Hoa Kỳ ngày nay là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Chính sách đối ngoại của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề của nhân loại. Trung Quốc muốn cùng Hoa Kỳ chuẩn bị kỹ càng cho sự phát triển chính trị trong thế kỷ 21.

Trong thời gian đang diễn ra trước mắt, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cần được đặt trên cơ sở của sự ổn định, thân ái và hỗ tương tôn trọng. Nếu không có những yếu tố căn bản này thì có nhiều khả năng là các mối căng thẳng, đối nghịch và chiến tranh sẽ có thể xảy ra. Trung Quốc không muốn thấy những trường hợp đó xuất hiện.

Trong thế kỷ 20, cả hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, mặc dù là chiến tranh ủy nhiệm, cũng không mang lại lợi ích gì cho cả hai nước. Thật ra những cuộc chiến tranh thuộc loại đó không phải là không thể tránh được. Cho nên cả hai nước đều phải cẩn trọng hơn trong mọi động thái chính trị tương lai.

Sách lược hiện nay của Trung Quốc là phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của dân chúng và bảo vệ môi trường. Một thế giới hòa bình rất cần thiết cho Trung Quốc vào lúc này. Vậy thì không có lý do gì để Trung Quốc gây chiến với Hoa Kỳ. Về nhiều phương diện hai nước có những quyền lợi song hành, đặc biệt là về phương diện kinh tế.

Không ai có thể chối cãi được là vào lúc này nền kinh tế của hai quốc gia đang bổ trợ cho nhau. Nếu Hoa Kỳ và thế giới muốn Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế thì Trung Quốc cần phải được hưởng một sự tôn trọng và kính nể chân tình từ phía Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác. Điều kiện nói trên hình như chưa được Hoa Kỳ tôn trọng. Dường như người Mỹ trung bình chưa hiểu gì nhiều về Trung Quốc, trong khi một người Trung Quốc bình thường lại hiểu rất nhiều và rất kỹ càng về nước Mỹ. Kể từ năm 1840 trở đi ước mơ của mọi người dân Trung Quốc là được giàu có, được kính trọng và được đứng ngẩng mặt trong cộng đồng thế giới.

Đó là sự thật. Nguy hiểm thay, sự thật này lại được người Mỹ hiểu như là người Trung Quốc chỉ muốn đạt tới mức giàu có để có phương tiện trả thù những kẻ đã làm nhục Trung Quốc trong dĩ vãng. Cách cư xử với Hong Kong khi vùng đất này trở về với Trung Quốc là một chứng minh cho thiện chí và sự biết điều của Bắc Kinh.

Vấn đề phát triển nhanh chóng của Trung Quốc về mặt kinh tế cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều dư luận coi đó là một sự đe dọa đối với Hoa Kỳ. Lập luận đó không có căn bản thuyết phục vì, nói gì thì nói, chứ vào lúc này GDP của Trung Quốc mới chỉ là 1/7 của Hoa Kỳ. Nếu đem chia GDP này cho 1.3 tỷ người thì lợi tức theo đầu người của Trung Quốc chỉ còn là 1/35 lợi tức hàng năm của người công dân Hiệp Chủng Quốc. Chưa kể là nền kinh tế phát triển của Trung Quốc còn cần được bảo đảm để có được một sự tăng trưởng khả trì.

Lịch sử của Trung Quốc chỉ ra rằng đất nước này luôn luôn cần có bằng hữu bao quanh. Trên bàn cờ chính trị quốc tế, Trung Quốc lúc nào cũng cần thật nhiều bạn và đối tác thương mại trong mọi thời kỳ của lịch sử. Ngày nay vì có sự khác biệt về văn hóa và ý thức hệ nên Trung Quốc phải cố gắng nhiều hơn nữa để tìm hiểu Hoa Kỳ.

Mặc dầu ở một nước XHCN nhưng những người lãnh đạo và người dân Trung Quốc lúc nào cũng ý thức rằng Hoa Kỳ là một quốc gia “tam quyền phân lập” và chế độ “kiểm soát và quân bình” chi phối mọi lãnh vực của đời sống quốc gia. Quốc hội Mỹ có 535 nghị viên thì đó đồng thời cũng là 535 vị bộ trưởng ngoại giao với đầy đủ thẩm quyền trong chính sách đối ngoại.

Người Trung Quốc hiểu rằng hệ thống chính trị đó có thể là không hoàn hảo nhưng người Hoa Kỳ đã thiết kế nó như vậy và nó đã tỏ ra hữu hiệu. Trung Quốc chỉ còn một cách là chấp thuận và làm việc với một hệ thống khác lạ.

Tại Hoa Kỳ còn nhiều vấn đề khác không thuộc lãnh vực văn hóa mà người Trung Quốc khó lòng chấp nhận. Chẳng hạn như vấn đề nhân quyền. Văn hóa Hoa Kỳ cho phép bao gồm vào lãnh vực nhân quyền rất nhiều “quyền dân sự” (civil rights). Họ cũng rất tôn trọng tự do tôn giáo là một vấn đề không có trong văn hóa Trung Quốc. Đối với tất cả những vấn đề này người Trung Quốc không thể nào đồng ý, mặc dù có phải gặp khó khăn trên quan hệ ngoại giao.

Trên bàn cờ quốc tế, Trung Quốc sẽ chấp nhận chơi theo “nguyên tắc” (rule), với điều kiện là tất cả các quốc gia khác cũng phải tuân theo nguyên tắc đó. Thật ra không có một sự khác biệt căn bản nào khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể thỏa thuận với nhau, không có một trở lực nào có thể biến thành đối nghịch không thể giải quyết và dẫn đến chiến tranh. Tất cà những khó khăn hiện tại thật ra chỉ là những món ăn lưu lại từ hôm trước (leftovers), từ thời Chiến Tranh Lạnh.


Đaị sứ Li Daoyu chia sẻ một tầm nhìn chi tiết hơn nhưng cũng không có gì khác biệt :

Trong thế giới ngày nay, xây dựng hòa bình, phát triển và hợp tác là những khẩu hiệu của thời đại. Trung Quốc là một nước lớn nhất và Hoa Kỳ là một nước phát triển nhất. Chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ổn định tại Châu Á-Thái Bình Dương và tại phần còn lại của thế giới. Giữa hai nước nhu cầu hợp tác ngày càng quan trọng hơn chứ không giảm thiểu. Một sự hợp tác vững vàng và trong sáng giữa hai nước là vô cùng cần thiết.

Về phần mình Trung Quốc coi mối bang giao với Hoa Kỳ là một quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Mặc dầu giữa hai nước vẫn còn nhiều dị biệt nhưng quyền lợi chung rõ rệt là đã vượt lên trên những sự khác biệt này.

Thứ nhất, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều muốn duy trì và ổn định tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương và trên thế giới. Cả hai bên đều muốn tăng cường đối thoại chiến lược và hợp tác. Thời gian từ 1990 đến 1993 là thời gian hợp tác tốt đẹp nhất.
Thứ hai, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là những thành viên chính yếu trong nỗ lực khuyến khích hòa bình và ổn định tại Á Châu-Thái Bìng Dương và đã đóng góp tích cực cho nhiều chương trình để đẩy mạnh nỗ lực này. Riêng Bắc Kinh đã góp phần vào sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên.
Thứ ba, cả hai quốc gia chúng ta đều theo đuổi mục tiêu tối hậu là ngăn chặn sự phổ biến võ khí hạt nhân. Chúng ta đã cùng nhau thỏa thuận rộng rãi về việc kiểm soát kỹ thuật hỏa tiễn và kiểm soát việc xuất cảng những vật liệu chế tạo bom nguyên tử.
Thứ tư, hai nước chúng ta cũng đã đóng góp nhiều cho sự phát triển an ninh khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, chẳng hạn như việc thành lập ASEAN Regional Forum, (ARF )và ASIA Pacifỉc Economic Cooperation (APEC).
Thứ năm, hai nước đều nhất trí với nhau về việc bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau về việc bài trừ khủng bố, buôn lậu ma túy và nhập cư bất hợp pháp.
Thứ bảy, hai nước hợp tác với nhau về trao đổi trong các lãnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.

Thứ tám, sau cùng vấn đề quan trọng nhất là hai nước đã hợp tác với nhau về vấn đề kinh tế và mậu dịch. Trong hơn 20 năm qua, hai nước chúng ta đã được hưởng lợi về loại hợp tác này. Hiện nay Hoa Kỳ là nước lớn thứ hai trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, và Trung Quốc là nước chấp nhận nhiều nhất các loại xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Những hợp tác thâm hậu như vậy đã có từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, vậy mà vẫn có những tiếng xì xào về tranh chấp. Nhiều người xác định Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt mọi quyền lợi song hành giữa Bắc Kinh và Washington để ngày nay chỉ còn lại oán thù và đối nghịch.

Một chủ thuyết về “Sự đe dọa của Trung Quốc” đã xuất hiện tại Hoa Kỳ. Chủ thuyết này cho rằng Trung Quốc đã thay thế Liên Xô trong vai trò một kẻ thù chính yếu đe dọa vị thế bá chủ của nước Mỹ. Những người theo chủ thuyết này kêu gọi Mỹ phải lập tức bao vây Trung Quốc. Dưới con mắt của người Trung Quốc thì chủ thuyết này hoàn toàn xa thực tế.

Nhìn vào lịch sử Trung Quốc người ta thấy ngay rằng đất nước này không có một truyền thống bá quyền. Trại lại, chính đất nước chúng tôi đã là nạn nhân của chủ nghĩa bá quyền đến từ các quốc gia khác. Mặc dầu có nhiểu sự khác biệt về văn hóa và cấu trúc xã hội nhưng những lợi ích song hành về kinh tế và nhiều lãnh vực khác đã bao trùm lên những sự khác biệt này. Trong một số lãnh vực sau đây, hợp tác sẽ có lợi hơn là đối nghịch.

Hiện nay, hơn 46% lượng xuất cảng của Trung Quốc lả sản phẩm của các công ty nước ngoài. Như vậy không chỉ Trung Quốc hưởng lợi mà cả những nước khác nữa, trong đó có Hoa Kỳ. Phần lớn mặt hàng Trung Quốc xuất cảng gồm những sản phẩm sử dụng nhân công rẻ tiền là những sản phẩm mà từ lâu Hoa Kỳ đã không sản xuất nữa. Như vậy có thể nói là công ăn việc làm ở Mỹ không bị Trung Quốc cạnh tranh mà ngược lại chính Hoa Kỳ còn được hưởng lợi trong việc mua đồ với giá thấp. Trung Quốc là một nước đang phát triển với một số công nghiệp còn yếu kém không thể nào so sánh với Nhật Bản. Cho nên chính Nhật Bản mới là nước cạnh tranh lợi hại đối với Mỹ. Trên thực tế, hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là những nền kinh tế bổ trợ cho nhau để hai bên củng có lợi.

Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiêu nền văn hóa khác nhau. Thực tế này đưa đến hậu qủa là việc quan niệm về nhân quyền cũng khác biệt. Nếu dùng những tiêu chuẩn về nhân quyền của Hoa Kỳ để phê phán nhân quyền tại Trung Quốc thì đây là một việc làm không hợp lý. Nền dân chủ của Trung Quốc hiện nay là do nhân dân Trung Quốc lựa chọn, giống như nền dân chủ của Hoa Kỳ cũng là do nhân dân Hoa Kỳ thiết kế.

Chính phủ Trung Quốc cũng đặt nặng vấn đề nhân quyền tại Hoa Lục bằng cách dung hòa quan niệm nhân quyền quốc tế và quan niệm nhân quyền quốc nội để làm sao nâng cao được đời sống của dân tộc mình. Bên cạnh lo âu này là chính yếu Trung Quốc cũng cố gắng nâng cao tầm phát triển dân chủ và pháp trị để hoàn chỉnh các quyền dân sự và chính trị của người dân.

Hiện tại Trung Quốc là thành viên của 17 tổ chức nhân quyền quốc tế trong khi Hoa Kỳ chỉ tham dự có 15 tổ chức. Trung Quốc cũng đã đi đến quyết định ký kết Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế Xã Hội Và Văn Hóa (Covenant On Economic, Social And Cultural Rights).

Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu thiếu thận trọng, nó có thể nổ to thành thảm họa. Hoa Kỳ đã cam kết nhiều lần là không can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc và dần dần giảm thiểu việc bán vũ khí cho Đài Loan. Đối với Trung Quốc việc thống nhất với Đài Loan là một diễn tiến không thể đảo ngược của lịch sử. Tuy nhiên từ hơn hai thập kỷ qua Trung Quốc đã chấp nhận nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”.

Nguyên tắc này cũng đã được áp dụng cho Hong Kong như mọi người đều thấy. Từ 1/4 thế kỷ nay Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có những quan hệ tốt đẹp. Chúng ta cần giữ nguyên vẹn tình trạng tốt đẹp đó lâu dài. Làm được như thế không những sẽ có lợi cho tổ quốc của chúng ta mà còn có lợi cho toàn thể nhân loại.

Qua lời trình bày của hai nhà trí thức Trung Quốc chúng ta thấy rằng tầm nhìn của họ mặc dầu chưa thể được coi là 100% thành thật, nhiều chỗ vẫn chưa được suôi tai cho lắm, nhưng dù sao cũng không mang tính cách đe dọa hay hiếu chiến. Bắc Kinh kêu gọi và hy vọng Washington cũng “biết điều” như họ để hai nước và thế giới có thể chung sống hòa bình và phát triển, ít nhất cũng trong thời gian trước mắt. Lẽ cố nhiên là Hoa Kỳ lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác và giữ thế thượng phong để kịp thời hành động./.

Nguyễn Cao Quyền
Tháng 8 năm 2014 



No comments:

Post a Comment

View My Stats