Tuesday,
September 9, 2014
Về ý nghĩa chính trị của cuốn Đèn Cù của tác giả
Trần Đĩnh, nhiều người đã đề cập: Ít nhất đó là một cái nhìn vào lịch sử, vào
những góc khuất mà các sử gia quốc doanh ở Việt Nam chưa bao giờ công bố (có ai
trong số họ đã lặng lẽ nghiên cứu không thì tôi không biết). Đèn Cù khai thác
nhiều những chi tiết mà tác giả là người duy nhất trực tiếp chứng kiến và trải
nghiệm, như phong cách làm việc, thậm chí đời tư và cả đời sống tình cảm/tình
dục của các nhà chính trị cộng sản thế hệ đầu. Từ đó, Đèn Cù là một sự
giải thiêng cả Đảng Cộng sản Việt Nam, lẫn những người cộng sản thế hệ đầu, và
đặc biệt, giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa chính trị như là ưu
điểm, cuốn sách cũng bộc lộ một số nhược điểm mà độc giả, nhất là các bạn trẻ
hoặc những người có ít thời gian, nên cân nhắc trước, trong và sau khi đọc:
1.
Cuốn sách có vấn đề nghiêm trọng về cách hành văn
tiếng Việt. Nếu bạn là người rất yêu tiếng Việt, hoặc nếu bạn chưa/ không vững
về ngữ pháp và chính tả tiếng Việt lắm, bạn nên thận trọng khi quyết định có
đọc Đèn Cù hay không. Trong văn phong của Đèn Cù, rất khó phân biệt đâu là
trích dẫn trực tiếp, đâu là trích dẫn gián tiếp, đâu là văn nói, đâu là văn
viết, thậm chí, đâu là ý kiến và quan điểm của các cá nhân, kể cả tác giả
(opinion), đâu là dữ kiện thực tế (fact). Nhiều từ địa phương, từ cổ, từ cũ,
tiếng lóng (cổ) không được giải thích; nên khó hiểu ngay cả với người đọc ở
miền Bắc (coi như “đồng hương” với tác giả), chứ chưa nói với độc giả miền
Trung, miền Nam và người Việt ở nước ngoài.
2.
Cuốn sách tuy rất nhiều thông tin nhưng ít tính khoa
học. Nhiều câu chuyện được kể thiếu câu trả lời cho các câu hỏi căn bản: Ai,
cái gì, bao giờ, ở đâu, tại sao, như thế nào. Chẳng hạn, thiếu ngày tháng chính
xác cho các sự kiện, thiếu những tựa đề bài báo, tác phẩm, tư liệu nói chung,
những thông tin khả tín về các cá nhân liên quan. Tất cả những cái thiếu đó làm
giảm đáng kể độ tin cậy của thông tin và đồng thời, cũng gây khó khăn cho độc
giả nào có mong muốn kiểm chứng.
3.
Cuốn sách không có một cấu trúc rõ ràng (các bạn có
thể thấy ngay là nó không có… mục lục), nên có thể nói là nó được trình bày một
cách thiếu tính hệ thống, khiến người đọc khó theo dõi.
Dù sao, như tác giả đã có đề cập, Đèn Cù là “truyện
tôi”. Có thể hiểu “truyện tôi” là một thể loại sách mới, không phải sách lịch
sử, cũng không hẳn là hồi ký. Nhưng cũng chính vì vậy mà độc giả có lẽ chỉ nên
đọc Đèn Cù như đọc một tập hợp giai thoại để tham khảo, và lấy cái tinh thần
“giải thiêng lịch sử” của cuốn sách làm trọng.
Nói cách khác, vì Đèn Cù không phải là một cuốn sách
lịch sử – và chính tác giả Trần Đĩnh cũng bảo thế – nên một mặt, sẽ là vô lý
nếu người đọc chúng ta đòi hỏi cao ở tính xác thực của nó. Mặt khác, chúng ta
cũng chẳng nên coi nó như một tác phẩm tầm cỡ, có khả năng khai dân trí, sẽ mở
mắt cho hàng triệu độc giả Việt Nam, v.v.
Đoạn
trích (Chương 5) của Đèn Cù được đọc với sự đồng ý của Nhà xuất bản Người Việt
Books.
------------------------------
No comments:
Post a Comment