Saturday 13 September 2014

BẦU CỬ GIỮA KỲ Ở MỸ : CHUYỆN GÌ CÓ THỂ XẢY RA ? (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
Thursday, September 11, 2014 6:31:49 PM

Khoảng 45 ngày nữa, cử tri Hoa Kỳ sẽ đến phòng phiếu để chọn người đại diện ở tòa nhà Quốc Hội Liên Bang. Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này được chú ý đến vì nhiều lý do, từ chuyện uy thế chính trị của Tổng Thống Barack Obama đang xuống thấp cho đến những dự đoán có thể Ðảng Cộng Hòa sẽ lấy được cả Thượng lẫn Hạ Viện.

Chưa rõ kết quả cuối cùng như thế nào nhưng tất cả các quan sát viên chính trị Hoa Kỳ đều tin trong trường hợp điều đó xảy ra, vị tổng thống Dân Chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho 2 năm cuối cùng của ông, đồng thời chiến thắng chính trị - nếu có - sẽ giúp cánh Cộng Hòa cơ hội lấy lại Tòa Bạch Ốc, trực tiếp điều khiển cả hành pháp lẫn lập pháp.

Trước ngày bầu cử (diễn ra vào mùng 4 tháng 11 năm nay), câu hỏi được ghi dưới đây là những điểm được giới truyền thông Hoa Kỳ nói tới nhiều nhất và được chúng tôi ghi lại để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quát về những gì có thể xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2014.

1- Liệu Ðảng Cộng Hòa có thể chiếm đa số ở Thượng Viện hay không?
Hầu hết các nhà quan sát bầu cử đều nói điều này có thể xảy ra, tức Ðảng Cộng Hòa có nhiều cơ hội để lấy thêm 6 ghế nghị sĩ, nắm quyền điều khiển Thượng Viện (đồng thời chắc chắn sẽ giữ được đa số ở Hạ Viện). Các chiến lược gia của Ðảng Dân Chủ nghĩ khác: họ công nhận không thể nắm đa số ở Hạ Viện, nhưng cũng không nghĩ sẽ bị thất bại ở Thượng Viện. Một số dự đoán được phía Dân Chủ đưa ra cho thấy trong trường hợp tệ nhất họ cũng chỉ thua tối đa 5 ghế (tức mỗi đảng sẽ có 50 ghế) và tiếp tục nắm đa số vì có phiếu của Phó Tổng Thống Joseph Biden.

Nhìn chung, ai cũng nói cánh Cộng Hòa đang chiếm thế thượng phong, nhưng chưa rõ sẽ lấy thêm được bao nhiêu ghế nghị sĩ ở Thượng Viện. Những cuộc thăm dò hay dự đoán khác nhau đã được thực hiện từ đầu mùa Xuân 2014 đến giờ cũng đều cho thấy Ðảng Cộng Hòa có lợi thế, trong đó có cả những cuộc thăm dò mang kết quả hầu như chắc chắn Ðảng Cộng Hòa sẽ có 51 ghế nghị sĩ để nắm khối đa số. Nhưng đó vẫn là thăm dò và dự đoán.

2- Thăm dò và dự đoán bầu cử đó dựa vào những yếu tố nào?
Nhiều yếu tố được nói đến.

Tất cả những cuộc thăm dò đều cho thấy Ðảng Cộng Hòa lấy được 3 ghế ở Montana, South Dakota và West Virginia (các vị Thượng Nghị Sĩ đương nhiệm ở 3 tiểu bang này đều không tái ứng cử). Như vậy Ðảng Cộng Hòa chỉ cần lấy thêm 3 ghế nữa là có được 51 ghế để giữ khối đa số. Ba ghế quyết định đó nằm ở 8 tiểu bang, gồm Alaska, Arkansas, Louisiana và North Carolina (đa số cử tri ủng hộ Ðảng Cộng Hòa nhưng các vị Thượng Nghị Sĩ đương nhiệm lại là người của Ðảng Dân Chủ), và tại Colorado, Iowa, Michigan và New Hampshire (nơi Tổng Thống Obama thắng cả 2 nhiệm kỳ nhưng cảm tình cử tri dành cho ông và cho Ðảng Dân Chủ đang giảm sút). Ngoài ra, cuộc tranh cử ở Georgia và Kentucky cũng chưa thật ngã ngũ, dù phía Cộng Hòa tin sẽ thành công ở 2 tiểu bang này.

3- Tại sao Ðảng Cộng Hòa lại chiếm lợi thế ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2014?
Lịch sử chính trị Hoa Kỳ cho thấy bầu cử giữa kỳ là cuộc bầu cử mà người dân dùng lá phiếu để bày tỏ quan điểm với tổng thống và đảng của tổng thống. Từ đầu năm đến giờ uy thế chính trị của Tổng Thống Obama đang giảm (42% ủng hộ, 52% nói không hài lòng) ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc vận động của những ứng cử viên cùng đảng. Gần đây những lời chỉ trích về chính sách đối ngoại cũng như quyết định ông vừa đưa ra với đại cương sẽ không có quyết định mới liên quan đến đòi hỏi cải tổ luật di trú khiến tình hình trở nên xấu hơn cho cả cá nhân ông lẫn các ứng viên của Ðảng Dân Chủ, xấu tới mức không mấy ứng cử viên cùng đảng mời ông Obama đến vận động cho họ.

Nhưng cũng phải công bằng: ông Obama bị dân chúng chê trách, nhưng Ðảng Cộng Hòa cũng chẳng phải là đảng được cảm tình của người dân, nhất là đường lối hoạt động của đảng này ở Hạ Viện. Nhưng nói như chiến lược gia Dân Chủ Steve Murphy, “Dân chúng chẳng mấy ai ưa cánh Cộng Hòa, nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 là cuộc bầu cử để cử tri bày tỏ quan điểm chính trị của họ với Tổng Thống Obama và Ðảng Dân Chủ.”

4- Cả 2 đảng đều dồn hết nỗ lực kêu gọi cử tri đi bầu. Ðảng nào có lợi thế hơn ở điểm này? Cộng Hòa hay Dân Chủ?
Câu trả lời: Cộng Hòa. Lý do: thông thường, cử tri Dân Chủ bỏ phiếu ở các cuộc bầu cử giữa kỳ không đông bằng cử tri Cộng Hòa. Một số khá đông cử tri Dân Chủ hăng hái bỏ phiếu chọn tổng thống, nhưng lại ngồi nhà không tham gia vào cuộc bầu cử giữa kỳ. Ngược lại, cử tri Cộng Hòa không hài lòng với chính sách của ông Obama sẽ hăng hái đi bầu, dùng là phiếu của họ để giúp đảng có thế vững vàng hơn ở lập pháp, xem đó là bước mở đầu cho mục tiêu lấy được ghế tổng thống để điều khiển hành pháp vào năm 2016.

Cũng như những cuộc vận động tranh cử khác, cả 2 đảng đều dồn nỗ lực kêu gọi cử tri đến phòng phiếu, đồng thời cũng tìm đủ mọi cách để thu hút lá phiếu của thành phần trẻ và tập thể cử tri độc lập. Nhưng đó không phải là điều dễ làm vì thông thường, cử tri bỏ phiếu cho những cuộc bầu cử giữa kỳ là thành phần cử tri lớn tuổi, chưa kể đến một yếu tố khác nữa là tỷ lệ cử tri da trắng tham gia bầu cử giữa kỳ hầu như luôn luôn cao hơn tỷ lệ cử tri da màu hay thành phần cử tri của những sắc tộc thiểu số khác. Ðiều này cũng được các chuyên gia chính trị Mỹ xem là lợi thế cho Ðảng Cộng Hòa.

5- Bầu cử thượng nghị sĩ ở tiểu bang nào được xem là sôi nổi nhất trong năm nay?
Rất khó trả lời câu hỏi này. Lý do: không chỉ có một mà tới hai, bà hoặc bốn cuộc vận động tranh cử đang được mọi người chú ý tới, giới truyền thông Hoa Kỳ xem đó là “những cuộc vận động tranh cử không thể bỏ qua,” chẳng hạn như tại North Carolina, nơi Tổng Thống Obama thắng nhiệm kỳ đầu nhưng thua nhiệm kỳ thứ nhì, cũng là nơi cả 2 Ðảng Dân Chủ và Cộng Hòa đổ bộn tiền vào để giành phiếu, dù chi phí cho cuộc tranh cử ở đây cũng chưa nhiều bằng chi phí của cuộc tranh cử tại quê nhà của ông Chủ Tịch Khối Thiểu Số Mith Connell là tiểu bang Kentucky. Ngoài ra, cuộc bầu cử ở Louisiana và Arkansas cũng là cuộc bầu cử mà những ai say mê chính trị đều theo dõi, vì cả Thượng Nghị Sĩ Mary Landrieu và Mark Pryor đều là người của Ðảng Dân Chủ nhưng đại diện cho một tiểu bang được xem là của Ðảng Cộng Hòa.

6- Các tổ chức Siêu Vận Ðộng (Super PACs) đóng vai trò như thế nào trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này?
Ðương nhiên vai trò của họ cũng như của các tổ chức vận động khác luôn luôn được đánh giá là rất quan trọng, đặc biệt năm nay số tiền các tổ chức Siêu Vận Ðộng (Super PACs) bỏ ra để kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà họ ủng hộ lên đến 200 triệu dollars. Ðây không phải là khoản tiền nhỏ, và chắc chắn ảnh hưởng cũng không nhỏ.

Một điểm cũng cần lưu ý về chuyện này: tính cho đến cuối tháng 8, 2014, các tổ chức Siêu Vận Ðộng (Super PACs) đông hơn, kiếm được nhiều tiễn vận động hơn những Super PACs của Ðảng Dân Chủ.

7- Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử tổng thống 2016?
Ðương nhiên kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2016, nhưng ảnh hưởng như thế nào vẫn là điều khó nói.

Trước hết, các nhà phân tích sẽ dùng cuộc bầu cử này để đưa ra những nhận định có lợi cho đảng thắng cuộc (thí dụ như Ðảng Cộng Hòa lấy được khối đa số hay Ðảng Dân Chủ vẫn giữ được khối đa số), và dựa theo kết quả cuộc bầu cử, những ứng cử viên nuôi mộng trở thành người lãnh đạo quốc gia sẽ duyệt xét lại lập trường, quan điểm chính trị của mình, điều chỉnh đường lối hoạt động, kế hoạch tranh cử để phù hợp với nguyện vọng của người dân. Ðó chính là điều Ðảng Cộng Hòa đã làm ngay sau khi thất bại ở cuộc đua 2012 bằng cách đưa ra hẳn một sách lược hoạt động cho 2014, dọn đường cho cuộc đua quan trọng hơn vào năm 2016.

Bên cạnh những điều nói trên, kết quả cuộc bầu cử thống đốc cũng vào đầu tháng 11 năm nay ở một số tiểu bang cũng quyết định danh sách những ứng cử viên có thể ra tranh cử Tổng Thống. Thí dụ như ông Thống Ðốc Cộng Hòa Scott Walker có thể sẽ dự cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc với điều kiện phải được dân chúng Wisconsin tín nhiệm để ông tái đắc cử, nếu thất bại thì, có lẽ, ông phải chờ thêm ít nhất 4 năm nữa.

Nói tóm lại, lãnh đạo của cả 2 Ðảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều hiểu không thể thua vào tháng 11 tới đây. Các chính trị gia của cả 2 đảng cũng hiểu là nếu cá nhân họ không tái đắc cử vào tháng 11, không có hy vọng sẽ được cử tri cùng đảng chọn làm đại diện để tranh cử tổng thống.



No comments:

Post a Comment

View My Stats