Friday, 8 February 2013

XE BỐN BÁNH NHÃN HIỆU "NGK" (Bùi Tín)




07.02.2013

Cuộc thảo luận về hiến pháp mới đang được mở rộng. Đã có kiến nghị kéo dài thời gian góp ý kiến suốt cả năm để cuộc góp ý được đầy đủ, đến nơi đến chốn. Cũng có ý kiến nên mở đầu bằng một quyết định lịch sử là chuyển hẳn hệ thống độc đảng sang hệ thống dân chủ đa đảng, như tuyệt đại đa số các nước dân chủ trên thế giới.

Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Kiến Giang, một cán bộ nghiên cứu, một nhà báo trẻ nổi bật trong tư duy độc lập, do đó gặp nhiều trắc trở, oan khiên. Anh có tâm huyết đặc biệt xây dựng một nước Việt Nam dân chủ đích thật. Dạo này anh rất ít lên tiếng, do sức khỏe anh sa sút nhanh, sau nhiều đợt bị kết án “chống đảng “, mỗi đợt là những năm dài trong tù, rồi bị quản thúc nghiêm ngặt.

Anh bị đảng của mình trừng phạt vì dám cứng đầu đòi từ bỏ những điều cổ lỗ có hại mà đảng quyết tâm kiên định, như kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, chế độ độc đảng, coi quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế. Bản án thứ nhất nằm trong 34 nhân vật “xét lại - chống đảng “, năm 1964 bị tù 5 năm, đến năm 1990 lại dính vào vụ án đòi đa nguyên liên quan đến các ông Trần Xuân Bách, rồi Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, Hà Sỹ Phu … lại ở tù CS năm năm nữa. Đảng Cộng sản ở đâu cũng vậy, cứ như nghiện ăn thịt những đứa con xuất sắc nhất, có tư duy độc lập sáng tạo. Thế là anh chào “bai” đảng, một đi không trở lại, như các “đồng chí” Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chí Đức gần đây.

Nguyễn Kiến Giang sinh năm 1931 ở Quảng Bình, bên dòng sông Kiến Giang. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, anh mới 15 tuổi. Chăm học, thông minh, có tinh thần tự lập, anh là một cán bộ xuất sắc cấp tỉnh khi mới 20 tuổi. Năm 1954 anh ra Hà Nội đảm nhận trách nhiệm phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Tại đây anh có dịp tiếp nhận đủ các loại sách báo từ Nga, Pháp, Anh… mở rộng hiểu biết ra thế giới. Anh mê say đọc, suy tư, tranh luận, lật qua lật lại vấn đề. Cuốn sách sưu tầm lịch sử đầu tiên do anh biên sọan là “Việt Nam - Năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám“ viết vào năm 1947 nhưng đến nay vẫn bổ ích cho các nhà nghiên cứu. Nay anh 72 tuổi rồi mà hoài bão dân chủ vẫn chưa thành. Chắc anh đau lòng lắm.

Nguyễn Kiến Giang xác quyết: Độc quyền trên lĩnh vực nào cũng tệ hại, mang sức tàn phá. Về kinh tế, độc quyền của quốc doanh buộc toàn dân nhiều khi phải ăn gạo mốc, thịt thiu, cá ươn, nước mắm thối, dùng xà phòng chảy nước do không có sự lựa chọn, thay thế. Độc quyền văn hóa nghệ thuật làm văn thơ, âm nhạc, hội họa chỉ có một phong cách hiện thực, nhàm chán. Độc quyền đảng trị còn nguy hiểm gấp bội vì không có ganh đua, kiểm soát, kiềm chế, can ngăn, lại không thời hạn.

Trên sách báo Nguyễn Kiến Giang thường ký tên Lương Dân hay Lê Diên. Anh là một cây bút trẻ trong suy tư, già dặn, uyên thâm, luôn có ý mới, kịp thời đại.

Tôi nhớ rất rõ ý kiến của anh về một nền chính trị lành mạnh, tiên tiến, đa nguyên đa đảng, trong đó đảng Cộng sản sẽ có vai trò quan trọng, tùy theo khả năng trí tuệ và đạo đức của đảng. Có thêm 1 hay 2 đảng cùng ganh đua trong tình đồng bào, nghĩa anh em với nhau là điều bình thường, cần thiết, có lợi chung. Năm 1988, Nguyễn Kiến Giang cảnh báo đảng Cộng sản Việt Nam phải thức thời, dẹp bỏ ngay thái độ kiêu ngạo, cần khiêm tốn tự nâng cao trình độ, sẵn sàng ganh đua bình đẳng với các đảng anh em khác. Đó có thể là các đảng yêu nước, hậu duệ tinh thần của những nhà lãnh đạo đã qua, như Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Tường Tam, Trương Tử Anh, Nguyễn Ngọc Huy… Có tranh ganh đua tự nhiên đảng Cộng sản sẽ phải giữ mình tiến bộ, trong sạch, không sa sút, hư hỏng do một mình một chiếu như lâu nay. Quần chúng sẽ sung sướng có khả năng lựa chọn qua lá phiếu tự do của mình những đại biểu mà mình tín nhiệm. Sinh hoạt nghị trường sẽ sôi nổi khởi sắc, khác hẳn sự xuôi chiều tẻ nhạt hiện nay.

Để minh họa cho nền dân chủ đa nguyên tiến bộ, Nguyễn Kiến Giang đưa ra hình ảnh của một xe ô tô hiện đại có bốn bánh. Bánh thứ nhất là bánh “Kinh tế thị trường“, không cần cái đuôi tư bản hay vô sản, hay xã hội chủ nghĩa. Bánh thứ hai là bánh “Xã hội công dân“, cho phép người công dân thực thi mọi quyền tự do trong xã hội khai phóng. Bánh thứ ba là bánh “Nhà nước pháp quyền“, trong đó pháp luật được mọi người tôn trọng nghiêm minh, bình đẳng. Bánh thứ tư là bánh “ Chính trị dân chủ “ biểu hiện ở nề nếp dân chủ trong quản lý, cai trị xã hội của bộ máy nhà nước, nghị viện, các chính đảng, tổ chức quần chúng, có phối hợp nhịp nhàng, hài hòa, hợp tác và đấu tranh, lấy cuộc sống an lành, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc của toàn dân làm mục tiêu ganh đua chung.

Tôi rất tán đồng với ý kiến sâu sắc, có hình ảnh minh họa dễ hiểu dễ nhớ của nhà nghiên cứu thật sự có tâm và có tầm Nguyễn Kiến Giang.

Đây là cỗ xe Peugeot, xe Ford, hay xe Mercedes chính trị của Việt Nam mang nhãn NKG, xin trình làng nhân dịp đang thảo luận về hiến pháp mới, trong khi tôi được tin là anh Giang vì bị đối xử tàn nhẫn trong lao tù nên đang bị xuống sức cả về thể lực và trí tuệ, nhưng ý chí không hề suy giảm.

Tôi tin rằng anh sẽ chứng kiến sự chuyển biến tất yếu của đất nước ta từ hệ thống độc đảng hủ lậu tệ hại sang hệ thống đa đảng tiến tiến của thời đại mới, tiến nhanh, tiến vững trên cỗ xe 4 bánh NKG, giữa niềm vui vô hạn dâng trào của toàn dân, mở ra Kỷ nguyên Dân chủ Tự do của nước Việt Nam ta.


* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats