19/02/2013
Ngày này 34 năm trước, quân Bành trướng xâm lược đã xua
quân tràn sang trên toàn tuyến biên giới của nước ta, tàn sát đồng bao ta man
rợ. Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã đi đến bước cuối cùng trong bước đường
phản bạn nhằm rắp tâm thực hiện mưu đồ bành trướng bao đời nay muốn cướp Tổ
quốc ta. Đất nước ta được báo động.
Rồi những ngày toàn dân được đặt trong tình trạng báo
động, khắp ngõ xóm, cổng làng, ngã ba, ngã tư Thị xã mọc lên hàng loạt các lô
cốt. Lệnh Tổng động viên được đưa ra, tiếng loa đêm ngày đưa tin quân và dân
chiến đấu thắng lợi, những tội ác man rợ quân thù đã gây ra cho chiến sĩ, đồng
bào ta ở Cao Bằng, Lạng Sơn… Những bài bình luận của các cây bút làm nức lòng
người dân Việt Nam, đang trong thời kỳ đói khổ, ngặt nghèo nhất cũng dốc lòng
cho tiền tuyến.
Và cuối cùng, quân xâm lược đã phải hò nhau ôm đầu máu,
không kịp khiêng xác nhau chạy về bên kia biên giới. Nhưng tội ác chúng gây ra
cho đồng bào ta, dân tộc ta đã không hề nhỏ: Cả chục ngàn người đã bỏ mình vì
bom đạn quân thù bành trướng, bao công trình, nhà cửa bị xóa sạch, cơ đồ người
dân bỗng sạch trơn.
Tội ác trời không dung, đất không tha của bọn bành trướng
đã ghi vào lịch sử đất nước chúng ta bằng máu.
Chuyển bạn thành thù: Nghĩa tình sớm nắng chiều mưa
Trước đó, đoạn trường đã diễn ra tuần tự như cắt viện
trợ, rút chuyên gia, nạn kiều… Những lời lẽ từ hai “nước anh em trong phe xã
hội chủ nghĩa” đã cho người dân Việt Nam biết được mưu đồ thâm độc của nhà cầm
quyền CS Trung Quốc cũng như “mối tình đoàn kết môi hở răng lạnh” mà đảng và
nhà nước thường xuyên tuyên truyền, ca ngợi đã không phải là sự thật. Điển hình
là cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua” mà
Nhà xuất bản Sự thật phát hành năm 1979. Trong đó có nêu một đoạn văn kiện
tuyệt mật của Quân ủy Trung ương Đảng CSTQ như sau: “Nước ta và nhân dân
Việt Nam có mối hằn thù dân tộc hàng ngàn năm nay… Chúng ta không được coi họ
là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ… Về bề
ngoài, chúng ta phải đối xử với họ như đối với đồng chí của mình, nhưng trên
tinh thần chúng ta phải chuẩn bị cho họ trở thành kẻ thù của chúng ta”.
Trích trang 71- Sách đã dẫn (SĐD). Còn phía Việt Nam thì khẳng định: “Chính
sách ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dù được
nguỵ trang khéo léo như thế nào, vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế
“thiên triều” trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam
thành một chư hầu của Trung Quốc”. (SĐD)
Trước đó, thế hệ chúng tôi thuộc nằm lòng những bài thơ:
“Việt Nam có bác Hồ/ Trung Hoa có Bác Mao/ Nhi đồng cả hai nước/ Yêu hai bác
như nhau” được in hẳn hoi trong sách giáo khoa. Rồi nào là “Bên kia biên
giới là nhà/ Bên ni biên giới, cũng là quê hương”. Như vậy, cái gọi là môi
hở răng lạnh, đoàn kết anh em… mà cả hai bên ra sức tung hô, cũng chỉ là những
lời tuyên truyền dối trá.
Cuộc chiến xâm lược 1979 không chỉ đã bóc trần dã tâm xâm
lược của Bắc Kinh đối với đất nước ta, mà còn bóc trần những lời tuyên truyền
dối trá trước đó của chính phủ và nhà nước Việt Nam đối với cả dân tộc về mối
quan hệ này.
Phải chăng, đây chính là đặc tính chung của tuyên truyền
cộng sản? Hãy nghe hai hệ thống tuyên truyền Cộng sản nói về nhau: “Để đạt
mục tiêu và bành trướng bá quyền của họ-những người cầm quyền Bắc Kinh đã nâng
lừa dối và bịp bợm thành một quốc sách, một thủ đoạn chiến lược. Về phương diện
này, từ chỗ là những người học trò của Gơ ben, họ đã trở thành người thầy của
Gơ ben. Họ gán cho người khác những điều mà họ muốn làm. Họ đổ vấy cho người
khác những điều mà chính họ làm. Họ dựng đứng sự việc, xuyên tạc tài liệu, bóp
méo lịch sử. Họ đổi trắng thay đen, đảo ngược phải trái và cứ thế mà tuyên
truyền bằng bộ máy thông tin khổng lồ và mọi phương tiện khác”. (SĐD).
Nhớ lại giai đoạn này, câu thơ của Tố Hữu nêu rõ được sự
thay đổi như sau:
Tình bạn ngày nay có khác xưa
Nghĩa tình e sớm nắng, chiều mưa
Nghĩa tình e sớm nắng, chiều mưa
Đồi thù thành bạn: Sau cơn cắn xé, dần dà lên hương
Không lâu sau cuộc chiến 1979, các nước cộng sản thi nhau
sụp đổ không một thế lực nào cưỡng nổi, sự sụp đổ hoàn toàn không do “các thế
lực thù địch và phản động”. Đó là sự sụp đổ tự thân hệ thống XHCN đã bộc lộ sự
khủng hoảng sâu sắc mọi mặt, sự phản khoa học đối với sự phát triển đất nước,
phát triển thế giới khi dựa vào Chủ nghĩa Mác – Lênin và đi vào cõi chết. Một
số nước ít ỏi còn lại cố bám víu lấy mớ lý thuyết đó như Việt Nam, Trung Quốc,
Bắc Hàn, Cuba, đã dần dần được xếp hạng cao nhất các mặt với chỉ số về thứ tự.
Nhóm này đã trở thành những nước chiếm nhiều giải nhất về các mặt tham nhũng,
trì trệ, yếu kém… người dân một đất nước được tự ca ngợi là dân chủ gấp triệu
lần dân chủ tư sản, thì lại luôn bị phê phán về quyền con người…
Thái độ!
Việt Nam rơi vào cơn khủng hoảng về kinh tế, về lý luận,
về tư tưởng và lãnh đạo. Đất nước công khai “nghèo nàn, lạc hậu”. Trước hoàn
cảnh những “người anh em” trong phe XHCN thi nhau xuống mồ, sự cô đơn và thói
quen dựa dẫm đã buộc Việt Nam tìm một chỗ dựa mới.
Và khi đó, “kẻ thù truyền kiếp” bỗng nhiên biến thành anh
bạn “4 tốt và 16 chữ vàng”. Giai đoạn này, dân gian có những vần thơ đầy tính
thời sự:
Mối tình đoàn kết Việt – Hoa
Sau cơn cắn xé, dần dà lên hương.
Sau cơn cắn xé, dần dà lên hương.
Giai đoạn mới: Hùa với giặc, ác với dân
Đây là một giai đoạn nhiều bi kịch và dẫn tới nhiều màn
hài kịch trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước Việt Nam trong quan
hệ Việt – Trung. Một mặt, nhà nước nhún nhường, hèn đớn đến ngạc nhiên trước
thái độ ngày càng hung hăng, đe dọa dùng vũ lực và lấn chiếm Việt Nam về mặt
lãnh thổ, mặt khác, nhà nước ra sức bưng bít các thông tin về các hiệp định
biên giới trên bộ đối với Trung Quốc.
Như cuốn sách đã dẫn trên có viết: “Trong hàng nghìn
năm qua, nước Việt Nam đã bị các hoàng đế Trung Quốc xâm lược hàng chục lần,
nhân dân Việt Nam hiểu rõ những ý đồ đen tối của những người lãnh đạo Trung
Quốc, cho nên không một phút nào là không cảnh giác đối với họ”. (SĐD) Nhiều tiếng nói đòi hỏi sự minh bạch trong
Hiệp định biên giới Việt – Trung đã vào tù, nhiều người lên tiếng vì nguy cơ
mất nước, lãnh thổ bị lấn chiếm đã lãnh án.
Đạp mặt người biểu tình yêu nước chống TQ tại Hà Nội
Năm 2007, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược
đã bị dập tắt, nhiều người yêu nước phải vào tù. Những hành động trấn áp trong
nước từ những người yêu nước đến hệ thống báo chí bị bịt miệng, những tờ báo đề
cập đến vấn đề lãnh thổ, lãnh hải bị trừng trị, đóng cửa…đã gây nên một tâm
trạng hoang mang chưa từng có trong lịch sử. Hệ thống thông tin cập nhật thêm
nhiều từ mới vào vùng gọi là “nhạy cảm” dần dần trở nên cấm kỵ như lãnh thổ,
lãnh hải, biên giới, hải đảo, Trung Quốc, xâm lược, bán nước… Đến mức, đã có
người kêu lên rằng: “Tổ Quốc có bao
giờ nhục thế này chăng”?. Trong khi đó những cuộc “đi sứ Tàu” liên tục
được giới thiệu với những hình ảnh khúm núm, quỵ lụy trước kẻ thù dân tộc đã
đẩy người dân dù không muốn vẫn phải đặt câu hỏi: “Nhà nước này đang phục vụ ai? Lãnh thổ, cơ đồ đất nước sẽ về đâu”?
Năm 2011, trong khi nhà cầm quyền Trung Cộng ngày càng
hung hăng và ngang nhiên tuyên bố cũng như hành động bất chấp các nguyên tắc,
luật pháp quốc tế để thực hiện các tham vọng của mình về lãnh thổ và lãnh hải,
thì cả đất nước bừng lên cơn lửa hận. Những hành động gây hấn trắng trợn của
nhà cầm quyền Trung Cộng đã đẩy người dân Việt Nam xuống đường biểu thị lòng
yêu nước. Nhưng, những cuộc biểu tình đã bị trấn áp bằng nhiều hình thức “sáng
tạo cách mạng”. Những tờ báo từ chỗ bị bịt miệng đã nhanh chóng trở thànhc ông
cụ bôi xấu những tấm lòng yêu nước, phục vụ chiến dịch trấn áp những người có
tấm lòng và suy nghĩ về Tổ Quốc.
Những hành đông của nhà cầm quyền Việt Nam, từ chỗ được
người dân đặt cho là “hèn với giặc, hung hãn với dân” đã dần dần trở
thành “Hùa với giặc, hung ác với dân” điển hình là những cuộc bắt người
yêu nước vào trại phục hồi nhân phẩm, đạp vào mặt người yêu nước… trong khi
ngang nhiên rước giặc vào nhà.
Nếu như, năm 1979, nhà nước Việt Nam nhận thức rõ ràng
nguy cơ xâm lược bởi “đội quân thứ 5” là Hoa kiều, rằng: “Mọi người chắc
chưa quên rằng Bắc Kinh đã dùng “đạo quân thứ năm” người Hoa để gây rối loạn về
chính trị, kinh tế ở nhiều nước thuộc Đông nam châu Á trước khi áp dụng ở Việt
Nam” (SĐD). Thì ngày nay, từng vùng lãnh thổ đất nước được cho người Tàu
thuê dài hạn, từ trồng rừng đến các “dự án” kéo dài đến tận 70 năm. Người Trung
Quốc đã ngang nhiên kéo hàng đoàn, hàng lũ đến mái nhà Tây Nguyên và tận vùng
cực nam của Tổ Quốc. Trong khi đó, hàng vạn người dân Việt Nam liên tục được
đưa đi làm tôi mọi bán sức lao động tận các cứ Hàn Quốc, Mã Lai…
Nếu như hơn 30 năm trước, nhà cầm quyền Việt Nam đã kịp
rút ra bài học rằng: “…Trong 30 năm qua, những người cầm quyền Trung Hoa đã
ba lần phản bội nhân dân Việt Nam… Ba lần họ phản bội Việt Nam, lần sau độc ác,
bẩn thỉu hơn lần trước!” thì ngày nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam khẳng
định: “Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí
tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải
phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam”.
Nếu như cách đây hơn 30 năm, nhà cầm quyền Việt Nam nhận
rõ rằng: “Mặc dầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979 đã
thất bại thảm hại cả về quân sự và chính trị, những người lãnh đạo Trung Quốc
vẫn theo đuổi chính sách điên cuồng chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn. Phía
Trung Quốc vẫn giữ thái độ nước lớn trong cuộc đàm phán về những vấn đề thuộc
quan hệ giữa hai nước, vẫn ngang ngược đe dọa “cho Việt Nam một bài học nữa”.
Thì ngày nay “Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc,
coi đây là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu và đường lối đối ngoại
nhất quán, lâu dài của mình”.
Những sự đổi thay, đen trắng và sáng tối nhanh chóng được
thể hiện có thể nhìn thấy rất rõ ràng là mối quan hệ Việt – Trung qua từng thời
kỳ. Sự mạnh mẽ hay yếu đuối của nhà nước có thể nhận ra rõ ràng phụ thuộc vào
những lời lẽ cứng rắn hay ngọt ngào qua những phát ngôn về mối quan hệ này.
Thế mới biết lời cha ông xưa nói là có lý: “Miệng
không xương trăm đường lắt léo…”
Vô ơn, ươn hèn và nhục nhã
Những ngày qua, hệ thống chính trị được huy động để kỷ
niệm chiến thắng “Đế quốc Mỹ xâm lược” rầm rộ bao nhiêu, thì cũng hệ thống đó
im lặng như tờ bấy nhiêu trước ngày kỷ niệm cuộc xâm lăng của Trung Cộng đối
với đất nước ta 34 năm trước. Điều đó cho chúng ta thấy sự khiếp nhược và sợ
hãi đối với các thế lực bành trướng và qua đó thấy rõ nguy cơ mất nước ngày
càng cao.
Ngoài những cuộc biểu tình yêu nước bị dập tắt, các nhân
sĩ trí thức và người dân yêu nước bị ngăn chặn trấn áp, thì ngày 17/2/2013, các
Anh hùng Liệt sĩ đã bỏ mình cho Tổ Quốc vì biên giới và lãnh thổ cũng đã bị cố
tình lãnh quên. Thậm chí, những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh anh dũng trên biên
giới đã không được nhắc đến minh bạch rõ ràng là đã chết cho Tổ Quốc trường
tồn, họ đã bị xuyên tạc rằng bị chết vì bọn côn đồ bên kia biên giới? Không chỉ
lãng quên bởi nhà nước và báo chí, truyền thông mà những hành động của người
dân tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh anh dũng cũng đã bị ngăn chặn.
Những nén hương, những vòng hoa không đến được nơi tưởng
nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, như đã vô tình để tang cho tinh thần quật
cường, bất khuất của dân tộc ta với truyền thống tự ngàn đời. Những người lính,
những người mang sắc phục ngăn cản những hành động đó, đã vô tình hay cố ý trở
thành những đao phủ giáng những nhát chém chí mạng xuống lòng tự hào dân tộc và
tình yêu Tổ Quốc thiêng liêng của người dân Việt Nam, thể hiện sự vô ơn bội
nghĩa đối với các tiền nhân đã gây dựng đất nước này bằng cả núi xương sông
máu.
Một trong những lời giải thích được sử dụng qua hệ thống
“dư luận viên” được nhà nước trả lương là “Ta là nước nhỏ, Trung Quốc là nước
lớn, ta đang yếu, Trung Quốc đang mạnh”.
Thật thê thảm cho tinh thần người Việt Nam hôm nay, bởi
chưa bao giờ Tổ Quốc ta to lớn hơn Trung Quốc khổng lồ. Còn thế nước yếu hay
mạnh, đâu phải chỉ là sự khách quan nào đó, nó có nguyên nhân từ chính đất nước
này. Câu nói của hệ thống tuyên truyền Việt Nam hơn 30 năm trước có dịp thể
hiện đầy đủ rằng: “Một đất nước mà trong ngoài lục đục, trên dưới không yên,
thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán… thì thử hỏi có sức mạnh làm sao được”.
Nhìn lại quan hệ Việt – Trung trong thời kỳ Cộng sản, có đủ màu sắc sáng
tối, khi là bạn, lúc là thù phụ thuộc vào bộ máy tuyên truyền.
Khi thù, là khi lợi ích dân tộc được nâng lên, sự toàn vẹn lãnh thổ được
đặt lên cao.
Khi bạn, là khi mà lợi ích đất nước này được đặt dưới lợi ích của lợi ích
đảng phái cộng sản và phong trào Cộng sản quốc tế, quyền lợi và lãnh thổ thuộc
hàng thứ yếu.
Hà Nội, Ngày 17/2/2013, kỷ niệm 34 năm, ngày chiến tranh
Biên giới phía Bắc
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Một số hình ảnh viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ hi sinh chống Trung
Quốc xâm lược, ngày 17/2/2013 tại Hà Nội:
XEM
HÌNH NƠI TRANG CHÍNH : http://jbnguyenhuuvinh1962.wordpress.com/2013/02/19/vonghoa-cho-truyentthong/#more-4029
No comments:
Post a Comment