Tuesday, 5 February 2013

VỀ NGÔI NHÀ CŨ - PHÒNG VẼ CŨ (Nhã Ca - Việt Báo)




Nhã Ca - Việt Báo Xuân Quý Tỵ 2013
Sunday, February 3, 2013


Hồi ký Nhã Ca kể lại lần từ biệt Nguyễn Gia Trí


* Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) bậc thầy của sơn mài Việt Nam - Ảnh chụp trước phòng bệnh *

Mặt bàn và cả nhà đều nám bụi. Không sao. Thân thong thả lôi trong túi đồ nghề thầy thuốc ra từng món. Sau ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, là một chai cognac.

"Để lau bụi đi đã. Các cô, các chú..."

"Đừng lau, chị. Cứ để nguyên vậy. Chị kệ bọn em. Để bác sĩ Thân coi mạch anh lại cho chắc ăn cái đã rồi chị em mình nhậu."

Anh Lê cười cười, nói với cụ bà Nguyễn.

Vợ chồng Giao Thủy (vợ chồng Đằng Giao và Chu Vị Thủy) mang tới nồi cà ri. Cặp bạn Thân-Hằng góp thêm món phá lấu. Tôi lo bánh mì, trái cây. Tất cả đã được dọn trên bàn, kể cả chai cognac của Thân, thứ rượu hiếm có ở Sài Gòn 1988.

Khỏi cần phủi bụi. Anh Lê nói đúng. Chúng tôi họp mặt nhau ở đây, chính là với lòng trân trọng dành cho từng hạt bụi trong ngôi nhà hiu quạnh này. Chủ nhân ngôi nhà là họa sĩ lão thành Nguyễn Gia Trí
.

Họa sĩ nhìn bộ tranh Vườn Xuân phủi bụi 13 năm, vừa được khiêng ra

Nguyễn Gia Trí tới thăm đôi bạn trẻ để từ biệt - Sàigòn, Tháng Chín 1988

Từ thời tiền chiến, Nguyễn Gia Trí là người tạo ra các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ nổi tiếng trên báo Ngày Nay, Phong Hóa. Ông là người đầu tiên đã đưa kỹ thuật tranh sơn mài, vốn chỉ là một ngành thủ công nghệ, lên hàng tranh nghệ thuật có tầm vóc quốc tế, và trở thành bậc thầy của loại tranh này, không chỉ riêng với Việt Nam mà là cả thế giới. Nhiều màu sắc sơn mài, do ông khám phá ra, trong tự điển mỹ thuật phương đông được ghi là mầu Nguyễn Gia Trí. Tranh của ông, từ lâu, đã trở thành bảo vật.

Chỉ ít lâu sau 1975, chính nhà nước Cộng sản cũng hiểu ra điều này. Một sắc lệnh đặc biệt đã được họ ban hành, coi tranh Nguyễn Gia Trí là tài sản quốc gia, cấm mang ra nước ngoài.

Nhớ có lần vui chuyện, nhắc tới cái sắc luật đặc biệt này, anh bạn họa sĩ Hiếu Đệ, nguyên giám đốc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật trước 1975, thấy tôi tỏ ý không quan tâm, đã trợn mắt bảo: "Bà coi chừng. Mất mạng như chơi à. Tụi này chút xíu nữa mục xương vì nó."

"Xạo vừa, cha.

Cái gì mà mục xương?"

"Thiệt mà, bà. Chuyện vầy nè: Dạo mới đi tù về, đang đói, tự nhiên có bọn đến đặt vẽ một cái chân dung bác Hồ bự tổ chảng. Nhân dịp lễ Quốc Khánh mà. Vẽ thì vẽ. Sợ gì. Bác Hồ mà. Vẽ xong, lấy tiền bỏ túi trốn bà xã đi nhậu. Ít lâu sau, một bữa, "bỗng thấy công an súng ống cùng mình, tới vây nhà, bắt thằng bé nhốt vô sở công an thành. Ghê chưa?"

Nhớ Hiếu Đệ kể tới đây còn ngừng lại làm duyên.

"Vớ vẩn. Ông vẽ bác Hồ của chúng xí trai thì chúng nhốt, ăn thua gì..." Tôi nói.

Bấy giờ mới đủng đỉnh giải thích: "Không phải vậy. Ông nội tui biểu tui cũng không dám vẽ ẩu. Chỉ tại vầy nè: Trong hội trường trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tức là trường Quốc Gia Nghĩa Tử cũ của mình, có treo một cái tranh Nguyễn Gia Trí lớn lắm. Quốc Khánh, làm lễ lớn, cha con nhà nó mang cái tranh Bác Hồ tui vẽ treo trùm lên tranh Nguyễn Gia Trí rồi để luôn đó. Mấy tháng sau, khi giở bác Hồ ra, cái tranh Nguyễn Gia Trí bên trong đã không cánh mà bay. Vậy là bọn chúng đi bắt cái thằng vẽ bác Hồ. Oan ôi ông Địa. Mình có biết mô tê gì đâu, chỉ thấy tiền là vẽ. Phúc đức ông bà, may sao chúng chỉ nhốt ít lâu rồi thả. Đó, bà coi mà dè chừng, đừng dại mà đụng tới tranh Nguyễn Gia Trí."

Mỗi lần có dịp trở lại ngôi nhà này, tôi thường nhớ câu chuyện anh bạn Hiếu Đệ kể, nhưng đã không kể lại với cụ Trí. Ngôi nhà yên tĩnh quá. Tôi biết từ sau 1975, nhiều nhân vật chóp bu của ngành văn hóa Hà Nội đã tìm tới đây, nhưng nhà danh họa quyết định không cầm cọ vẽ nữa. Họa thất của ông, mười bốn năm qua tự nguyện cho bụi phủ, không mở cửa tiếp khách. Từng bạt bụi trong căn nhà lặng lẽ này, như vậy, tự nó có sức nặng, làm sao phủi đi được.

"Mạch khá hơn rồi. Cụ bà vẫn ép cụ ông ăn uống đều như con dặn đấy chứ?"

"Ui dào. Ông ấy có chịu ăn gì đâu. Hôm kia tôi mới làm bún chả, ép mãi mới ăn được ba miếng." Cụ bà nói.

"Được mà. Khá rồi. Ăn thấy ngon miệng." Cụ ông nhìn cụ bà cươi cười.

Họa sĩ Nguyễn đã tám mươi tuổi, xương da khô đét như thiền sư, râu tóc bạc lởm chởm, mắt sáng, lông mày cước lấp lánh như cặp đao tuốt trần, nhưng nụ cười lại hiền lành ngây thơ như con trẻ. Đóng cửa, tạ khách mười bốn năm, cụ Nguyễn gần như không ra đường. Thường lui tới với cụ, chỉ còn anh bạn Đằng Giao, người họa sĩ được coi là truyền nhân của Nguyễn Gia Trí về sơn mài. Vậy mà hai năm trước đây, ngày anh Hiếu Chân chết trong tù, tôi nhớ cụ Trí còn một mình đi tới tận nhà thắp cho bạn nén nhang.

Năm nay, vào tuổi tám mươi, sức cụ đã yếu hẳn.

"Ấy, cô đừng rót cho ông cụ."

Cụ Trí đang nhìn ly cognac vừa được Hằng đưa tới bằng ánh mắt thích thú, nghe tiếng cụ bà kêu, vội quay sang nhìn Thân cầu cứu.

"Không sao đâu, thưa cụ. Huyết áp thấp như cụ ông, uống chút rượu rất tốt, miễn là uống đúng liều lượng và đúng thứ rượu cognac này."

"Bác sĩ nói là chắc ăn rồi. Chị để anh uống chút rượu mừng bọn Từ Nhã chúng sắp lên đường.

"Nào, nâng ly. Chúc sức khỏe anh chị." Anh Lê nói.

Mới mấy tuần lễ trước, cụ Trí bị hôn mê, liệt nửa người, cả bọn hè nhau đưa cụ vào bệnh viện. Bệnh tuổi già. Một động mạch nào đó bị nghẹt. Chính Thân lo cấp cứu, xếp phòng, điều trị. Trưởng khoa tim mạch cho một bệnh viện cũ đang được để cho làm thí điểm quản trị thu tiền bệnh nhân theo kiểu bệnh viện tư thời trước, Thân vừa là y sĩ, cũng vừa là họa sĩ, từ lâu đã tự nguyện chăm sóc cho cụ Trí. Lời bác sĩ cỗ võ cho cognac được cụ bà nể nang. Hớp rượu làm cụ ông khỏe ra, chuyện trò coi phấn chấn thấy rõ.

Bàn tay thiên tài của họa sĩ lớn hơn tay người thường, đặt ly rượu xuống. Những ngón tay dài, cứng, vươn ra, nắm vào.

"Em thấy anh còn khỏe lắm. Có thể còn lái mô tô được. Anh nhớ cái mô tô hồi ngoài Bắc chứ nhỉ?"

Anh Lê nói và cụ Trí cười vui:

"Nhớ. Hồi ông Hoàng Đạo bị nhốt ở Cao Bằng, tôi lái cái xe mô tô ấy lên thăm, dọc đường, ngã xuống hố tưởng chết. Vậy mà không hề gì. Hồi đó khỏe thật."

Hoàng Đạo, tác giả cuốn Con Đường Sáng, là lý thuyết gia của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời tiền chiến. Ông vừa là nhà văn, nhà báo, lại là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng, từng bị Tây bắt đi an trí trên vùng rừng núi Thượng du Bắc Việt, về sau phải sống lưu vong rồi mất ở Quảng Châu, bên Tầu.

Cùng hoạt động với Hoàng Đạo và các bạn, thời trẻ, Nguyễn Gia Trí cũng đã từng bị người Pháp bắt và chỉ định cư trú một nơi trong nhiều năm. Chính nhờ những năm bị an trí, ông đã dành hết thời giờ, sức lực cho sơn mài và trở thành bậc thầy của loại nghệ thuật này.

Thêm một hớp rượu nữa, cụ Trí kết luận:

"Có lần tôi đã bảo Đằng Giao rằng sơn mài là thứ nghệ thuật chỉ những anh từng bị cầm tù mới có thể thành công được. Sự thực là vậy. Đây là thứ nghề rờ mò tỉ mỉ, tối công phu. Nếu không bị Tây cầm chân một nơi, chắc tôi đã không đủ kiên nhẫn ngồi một chỗ để mà làm việc này."

Tôi nhìn Thủy cười. Anh bạn bố thằng cu Red này, sơ sơ cũng tù Cộng sản bảy tám năm. Có lẽ nhờ vậy mà Đằng Giao là người duy nhất đã được cụ Trí chọn.

"Thời bị Tây an trí, cụ còn vẽ được, sao suốt những năm vừa qua, cụ lại không chịu vẽ nữa?" Từ hỏi.

"Tay cụ còn mạnh lắm, có thể vẽ lại được. Phần việc nào nặng nhọc, sẽ có Đằng Giao với bọn em phụ giúp."

Anh Lê hưởng ứng lời của Thân. Cụ bà bắt đầu nhai thêm miếng trầu mới: "Thì tôi vẫn bảo ông ấy vẽ đấy chứ. Mà bảo đâu có được."

Có vẻ không được thật. Khi thấy ly cognac, cụ ông lấm lét nhìn cụ bà. Nhưng lúc này thì không.

Vẫn nụ cười ngây thơ giống con trẻ, cụ Trí từ tốn nói: "Vẽ nữa cũng chẳng để làm gì. Già rồi. Có việc, lúc trẻ mình làm coi được mà già thì không được."

Có tia nắng từ khoảng sân nhỏ phía ngoài song cửa sổ rọi vào. Như thơ Phan Khôi, nắng chiều đấy. Nắng đẹp, nhưng lặng lẽ. Trong tia nắng, lại thấy những vạt bụi lung linh, làm tôi nhớ nhiều thứ. Nhớ nhà văn họ Nguyễn nay đã không còn nữa. Nhớ bông hoa súng bị bẻ cọng cột vô túi nilông sau lưng ông trong buổi họp mặt văn nghệ vui vẻ hôm nào. Rồi nhớ đến chính mình. Nhớ là chúng tôi đang từ giã bạn hữu để rời bỏ đất nước thân yêu, như cọng hoa sắp bị bứt khỏi gốc. Vậy mà mọi người và ngay cả chính mình lại thấy là đáng mừng, hệt như cọng hoa bứt gốc được khen đẹp.

Không chỉ từ biệt. Nhiều phần là vĩnh biệt. Người họa sĩ già bẻ bút vào cuối đời đã qua tuổi tám mươi. Ngày chúng tôi có thể trở lại đất nước, nếu quả có ngày ấy, không chắc gì còn được gặp lại ông. Cũng không chắc gì ngôi nhà cũ kỹ này còn đứng vững. "Đó. Đó. Nó xập tới nơi rồi." Cụ bà Trí thường kêu lên với chúng tôi vậy, khi nghe tiếng chuột rúc. Nhà chỉ có hai ông bà già, chuột cống từng đàn suốt ngày đục khoét, đùa rỡn.

Phước cho tôi, còn được thấy những hạt bụi lung linh trong căn nhà cũ kỹ này, nhờ đó mà lòng thư thái hơn, tin tưởng hơn vào phẩm giá nghệ sĩ và con người.

Nhã Ca (Trích Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng)

_________________________________

Để kỷ niệm 20 năm sau khi Nguyễn Gia Trí tạ thế, Việt Báo Xuân Quý Tỵ 2013 có ba bài về bậc họa sư này. Bài thứ nhất của Chủ biên Nguyễn-Xuân Nghĩa về bức sơn mài Nguyễn Gia Trí cùng lưu lạc với gia đình mình. Bài thứ hai của họa sĩ Đinh Cường về sơn mài nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí. Bài thứ ba là trích đoạn Hồi ký Nhã Ca kể lại lần gặp gỡ cuối với bậc danh họa, trước khi vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã Ca được Chính phủ và Văn bút Thụy Điển can thiệp để đi Thụy Điển sau nhiều năm tù đầy. Đọc kỹ bài này mới thấm thía thân phận văn nghệ sĩ....




No comments:

Post a Comment

View My Stats