Sunday 24 February 2013

TỨ TRỤ ĐỘC TÀI (Nguyễn Tiến Dũng)




Nguyễn Tiến Dũng
By NTZung, on February 21st, 2013

Lịch sử thế giới có rất nhiều các chế độ độc tài khác nhau, tồn tại trong những khoảng thời gian khác nhau. Bởi vậy cũng có rất nhiều phân tích khác nhau về những trụ cột có tác dụng làm duy trì các chế độ độc tài, và khi các trụ cột đó sụp đổ, thì kéo theo sự sụp đổ của chế độ độ tài. Có thể chỉ ra 4 trụ cột chính, đó là các bộ máy:
- Khủng bố (đàn áp những người bất đồng chính kiến bên trong, và gây chiến tranh bên ngoài)
- Vơ vét (thâu tóm quyền lực kinh tế, vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân dân)
- Ngu dân (bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt thông tin, rửa não người dân, bóp méo sự thật, ngăn chặn các tin tức bất lợi cho chế độ)
- Mua chuộc (đối với các nước bên ngoài và các tầng lớp ưu tú bên trong đi theo ủng hộ chế độ độc tài, qua các chính sách hối lộ, đặc quyền đặc lợi, v.v.)
Thử phân tích thêm một chút.

Bộ máy khủng bố
Bản chất của độc tài là áp đặt bằng bạo lực, do đó đặc trưng nổi bật nhất của một chế độ độc tài là bộ máy khủng bố của nó. Ví dụ như các bộ máy khủng bố của Hitler hay của Stalin giết hại hàng triệu người và ép buộc hàng chục triệu người khác phải phục tùng chế độ. Sự ưa chuộng bạo lực của chế độ độc tài không chỉ thể hiện ở bên trong mà còn ra cả bên ngoài: phần lớn chiến tranh là do các độc tài gây ra. Ví dụ như Napoleon đem quân xâm lược khắp cả châu Âu.
Nếu như các chế độ dân chủ hướng tới giải quyết các mâu thuẫn bằng hòa bình, và chuyện thay đổi chính phủ là chuyện rất bình thường và diễn ra một cách hòa bình (gần đây nhất: thủ tưởng Bulgaria vừa tuyên bố từ chức vài ngày 20/02/2013 sau khi dân chúng biểu tình vì tình trạng kinh tế khó khăn và nạn tham nhũng của chính phủ), thì các chế độ độc tài không chấp nhận có thể có chính phủ khác lên thay mình, và do đó đàn áp tất cả những người chống đối bằng bộ máy khủng bố.
Bộ máy khủng bố và tính ham bạo lực của chế độ độc tài giúp bảo vệ chế độ độc tài, nhưng chính nó cũng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độ tài trong nhiều kịch bản “sống bằng bạo lực thì chết cũng vì bạo lực”, đặc biệt là nếu chế độ độc tài đổ quá nhiều tiền của vào chiến tranh dẫn đến kinh tế kiệt quệ, và sau đó lại thua trận. Bản thân bộ máy khủng bố đến một lúc nào đó cũng có thể chia thành các phe phái tranh giành quyền lực trong chế độ độc tài đánh lộn lẫn nhau làm cho chế độ độc tài cạn kiệt suy yếu đi.
Việc điều hành bằng bạo lực có thể làm cho dân sợ, nhưng không làm cho dân phục. Sự căm ghét với chế độ bạo lực như một ngọn lửa âm ỉ trong lòng dân, khi có cơ hội thì bùng lên.

Bộ máy vơ vét
Chế độ độc tài thường kèm theo các độc quyền về kinh tế, chiếm quyền kiểm soát các nguồn kinh tế, tài nguyên quan trọng nhất. Việc kiểm soát kinh tế này góp phẩn củng cố chế độ độc tài, bởi nó đem nuôi chế độ độc tài và những người đi theo chế độ, đồng thời tước đoạt đi khỏi những người chống đối lại chế độ lượng tài sản kinh tế cần thiết để tạo nên sức mạnh đối kháng.

Tuy nhiên, một điểm hay gặp ở bộ máy kinh tế của các chế độ độc tài là độ tham nhũng cao, và việc quản lý kinh tế không hiệu quả. Do phung phí tài nguyên, đầu tư nhầm chỗ, tiêu tốn nhiều vào khủng bố và chiến tanh, và không phát huy được năng lực và sáng tạo của nhân dân, nên kinh tế kém phát triển. Đến một lúc nào đó thì có thể bị kiệt quệ về mặt kinh tế, và đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài. Nhiều người dân có thể ngoan ngoãn tuân theo chế độ độc tài khi kinh tế còn ở mức chấp nhận được, nhưng đến khi dân chúng bị đảy vài tình trạng kinh tế khó khăn thì mức độ phản kháng tăng lên, nhiều người muốn lật đố chế độ hơn.

Bộ máy ngu dân
Dân càng “ngu” thì càng dễ cai trị., do vậy bộ máy ngu dân là công cụ đắc lực cho việc cai trị của chế độ độc tài. Nó gồm có các công cụ tuyên truyền, rửa não dân chúng bằng các giáo điều có lợi cho độc tài, đồng thời bưng bít thông tin. Nhân dân chỉ được biết “1 nửa sự thật” , còn mù tịt về nửa còn lại, nên có cái nhìn sai lệch về thế giới, tưởng mình đang sống trong một chế độ tốt, cần phải bảo vệ nó. (Nói theo một câu ngạn ngữ, thì một nửa sự thật là toàn bộ sự giả dối).

Nhiều khi, chính sách ngu dân cũng làm ngu luôn chế độ độc tài: bản thân chế độ độc tài tin tưởng vào những giáo điều hoang đường của mình, đến mức tưởng mình là chính nghĩa, là chân lý sáng ngời thật. Càng “ngu dân” và “ngu thân” thì chế độ độc tài càng theo đuổi cách chính sách xa rời thực tế, đi ngược lại thời đại, đem lại đau khổ cho người dân và cho toàn thế giới, và cuối cùng thì gây nên sự diệt vong của chính mình.

Thời đại internet, càng ngày chính sách ngu dân sẽ càng trở nên ít hiệu quả. Việc ngăn cản, kiểm duyệt các luồng thông tin sẽ ngày càng khó hơn, “dân đen” càng ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nguồn tin không qua kiểm duyệt của chế độ độc tài hơn, và những sự bip bợm lừa dối của chế độ độc tài dễ bị nhân dân phát hiện hơn. Điều này ắt dẫn đến khủng hoảng niềm tim của một bộ phận dân chúng đối với chế độ. Đầu tiên bộ phận đó có thể nhỏ, nhưng ngày càng tăng lên, thành đa số người dân nhận ra những sự lừa đảo của chế độ. Đó cũng là lúc chế độ độc tài sắp sụp đổ.

Chế độ độc tài sẽ “dẫy chết” trên mặt trận thông tin này bằng nhiều chiêu thức khác nhau, ví dụ như chiêu “tung hỏa mù đánh lộn con đen” (information stuffing), nhưng hiệu quả của các chiêu này sẽ ngày càng giảm. Một người khi đang còn tin vào chế độ, thì có thể bất chợt một lúc nào đó nhận ra một vấn đề trong chế độ (và lúc đó có thể xảy đến bất cứ lúc nào, trong quá trình “tự diễn biến” bột phát). Nhưng ngược lại một người khi đã nhận ra là chế độ có vấn đề bịp bợm, thì không còn làm sao để người đó tin được vào sự tốt đẹp trong sáng của chế độ nữa. Bởi vậy “quá trình tỉnh ngộ” của nhân dân này là quá trình không đảo ngược được.

Bộ máy mua chuộc
Theo nguyên lý “cái gậy và củ cà rốt”, một mặt thì đàn áp những ai chống đối, mặt khác chế độ độc tài mua chuộc một lực lượng đi theo để bảo vệ mình, trong đó có lực lượng cảnh sát, quân đội. Cả trí thức cũng có thể bị mua chuộc bằng các bổng lộc, trở thành các trí thức ton hót cho chế độ. Trong quan hệ đối ngoại, chế độ độc tài cũng hối lộ, mua chuộc, để thiên hạ làm ngơ đi sự độc tài của mình. Vì quyền lợi kinh tế, mà nhiều nền dân chủ lớn vẫn nhận các chế độ đọc tài là đồn minh, cho đến khi họ nhận thấy là chế độ đó sắp sụp đổ do sự nổi loạn của nhân dân, thì họ mới “duỗi ra” không nhận đồng minh nữa.

Các sự mua chuộc này “mua thời gian” cho chế độ độc tài chứ không làm cho nó tồn tại vĩnh viễn được. Các “đồng minh” của chế độ độc tài chỉ là “bạn lúc đẹp trời” và sẽ dễ quay lưng lại bất cứ lúc nào. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, các chế độ độc tài thường không có đồng minh nào đáng tin cậy.

Để mua chuộc thì chế độ độc tài cũng cần có nhiều tiền của. Ví dụ như ở các nước có nhiều dầu mỏ, chế độ độc tài có thể tồn tại lâu bằng cách múc dầu lên bán rồi dùng tiền đó mua chuộc tất thảy mọi người. Nhưng ở những nơi tài nguyên khan hiếm hơn, chế độ độc có thể rơi vào cảnh “rỗng túi” không còn khả năng mua chuộc ai nữa.

Sự sụp đổ của độc tài thời hiện đại
Nếu như vào năm 1973 có đến 43% các nước trên thế giới sống trong các chế độ độc tài không có tự do, thì ngày nay con số này chỉ còn 24%. Quá trình dân chủ hóa, sự sụp đổ của các chế độ độc tài trên thế giới, là quá trình tất yếu không đảo ngược được. Các điểm chính dẫn đến sự sụp đổ của “tứ trụ” của các chế độ độc tài chính là:

* “Trụ cột ngu dân” bị gãy bởi cách mạng thông tin
* “Trụ cột vơ vét” cũng bị gãy bởi những thứ dễ vơ vét đã vơ vét hết rồi, bất tài trong việc phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội.

Khi mất hai trụ cột trên, chế độ độc tài chỉ tồn tại chủ yếu dựa trên các bộ máy khủng bố và mua chuộc ngày càng kém hiệu quả. Những độc tài sáng suốt thì sẽ tìm cách “tự chuyển hóa” rút lui trong hòa bình và danh dự, và có thể trở lại nắm quyền trong chế độ dân chủ (tuy không còn độc tài được nữa), như đã xảy ra ở Chile hồi nửa đầu thế kỷ 20 (có một tướng đảo chính thành độc tài, rồi sau một thời gian cho đất nước dân chủ lại, rồi về sau lại được bầu làm tổng thống 1 nhiệm kỳ). Còn những độc tài ngoan cố như kiểu Kaddafi thì sẽ dẫn đến thảm sát nhân dân, rồi cuối cùng cũng bị lật đổ.

Sự sụp đổ của độc tài là tất yếu. Nhưng như kinh nghiệm của Nga sau thời Xô Viết hay của một số nước trung cận đông gần đây cho thấy, sau độc tài chưa chắc đã là tự do dân chủ thực sự, mà lại có thể rơi vào một kiểu độc tài khác, nếu các lực lượng tiến bộ không kịp thời lớn mạnh lên.




No comments:

Post a Comment

View My Stats