Sunday, 3 February 2013

"TÙ MÙ VỀ CHỦ NGHĨA MARX" (Nguyễn Quang Duy)




Nguyễn Quang Duy
Gửi cho BBC Việt ngữ từ Úc
Cập nhật: 10:49 GMT - chủ nhật, 3 tháng 2, 2013

Trong bài “Hai từ dùng nhiều, lại tù mù nhất”, nhà báo Bùi Tín cho biết trong một “giáo trình chính trị quốc tế” có nêu:
“Chủ Nghĩa Xã Hội - Dân Chủ, do một số đảng Xã hội – Dân chủ như ở Bắc Âu thực hiện, vận dụng chủ nghĩa Marx để phân tích chủ nghĩa tư bản, nhưng dứt khoát bác bỏ chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao, nhấn mạnh dân chủ đa nguyên để luôn có cân bằng, ganh đua, thay thế, đặc biệt chú trọng nền pháp quyền dân chủ và Nhà nước phúc lợi, để toàn dân được hưởng thành quả phát triển, nhấn mạnh đến tính công khai minh bạch, chống lãng phí tham ô có hiệu quả.
Đây còn gọi là nhà nước phúc lợi, chú trọng hạn chế người quá giàu, giảm nhanh số người nghèo, quan tâm thật sự người già yếu, neo đơn, thất nghiệp, tàn tật, chú trọng dạy nghề, công tác từ thiện, san sẻ giúp đỡ, tương trợ trong xã hội.”

Không biết “giáo trình chính trị quốc tế” mà Bùi Tín dựa trên do ai soạn, ai ấn hành và vì mục đích gì, có điều đoạn văn trên chứa “ít hơn” một phần ba sự thật.

Tự do và bình đẳng

Sau khi đọc bài của Bùi Tín, tôi lại được đọc bài Diễn văn nhậm chức của của Tổng Thống Obama, ngay lời mở đầu ông đã nhắc lại lập trường lập quốc Hoa Kỳ như sau:
 “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống, quyền được Tự do và mưu cầu Hạnh phúc.”

Trong suy nghĩ của ông Bùi Tín nhà nước Bắc Âu là một nhà nước phúc lợi kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa vận dụng chủ nghĩa Marx, còn nhà nước Hoa Kỳ là một nhà nước Tư bản.

Thực ra cả hai đều là hai nhà nước Tự Do, có khác là mức độ khác biệt giữa Tự Do và Bình Đẳng tại mỗi quốc gia.

Trong bài diễn văn ông Obama, người viết đặc biệt quan tâm đến đoạn văn: “Chúng ta trung thành với lập trường lập quốc của chúng ta khi một bé gái sinh ra trong cảnh bần cùng biết rằng em có cùng cơ hội thành công như bất cứ ai khác bởi vì em là một người Mỹ, em tự do, và em bình đẳng không chỉ trong mắt Thượng Đế mà còn trong mắt của chính chúng ta.”

Đoạn văn bộc lộ sự khiếm diện và sai lầm chủ yếu của chủ nghĩa Marx, chỉ chú tâm đến giai cấp mà quên đi con người trong xã hội. Người lãnh đạo xã hội tự do như Tổng Thống Obama phải luôn quan tâm đến con người trong xã hội, bất luận họ thuộc tầng lớp giai cấp nào.

Khi Marx viết “Tư Bản Luận”, Hoa Kỳ đã lập quốc, với một Hiến Pháp, một nhà nước tam quyền phân lập, một hệ thống chính trị lưỡng đảng, đang đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa nô lệ,… đưa Hoa Kỳ từ các thuộc địa trở thành một quốc gia phát triển.

Tất cả những điều này gần như thiếu vắng trong suy nghĩ của Marx. Bởi thế các luận điểm về kinh tế chính trị của Marx, vừa phiến diện chỉ tập trung vào phân tích cách mạng kỹ nghệ đang xảy ra tại một số quốc gia Âu Châu, vừa sai lầm vì đấu tranh giai cấp theo kiểu Marx không phải là động lực tiến hóa của nhân loại, ngược lại nó đã gây chiến tranh, khủng bố, tàn phá nhân lọai.

Đảng trong Nhà Nước Tự Do

Mỗi quốc gia, trong mỗi lúc, có những hoàn cảnh khác nhau. Mỗi quốc gia lại được hình thành từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Các tầng lớp này lại luôn thay đổi theo hoàn cảnh của cá nhân và xã hội. Không ai giàu ba họ cũng chẳng ai khó ba đời.

Quốc gia càng tân tiến, càng dân chủ thì mức độ bình đẳng càng trở nên cấp thiết. Tổng Thống Obama, một người gốc Phi Châu, xuất thân từ một gia đình trung lưu, ông Cao Quang Ánh, một người tị nạn cộng sản mà trở thành dân biển Liên bang Mỹ là tiêu biểu của sự bình đẳng về cơ hội gia nhập guồng máy chính trị tại Hoa Kỳ.

Mặc dầu cùng dựa trên căn bản tự do và bình đẳng, quyền lợi và ý kiến chính trị mỗi cá nhân mỗi khác có khi lại trái ngược nhau. Người cổ vũ tự do, người cổ vũ bình đẳng.

Các đảng chính trị sử dụng nghị trường Quốc Hội, truyền thông tự do và hệ thống chính trị để tranh luận và tìm sự ủng hộ cho chính sách đề ra. Khi các chính sách ưu việt được đa số chọn lựa và thực hiện, xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.

Đấu tranh nghị trường là cách đối thọai để tìm ra những phương cách quản lý đất nước tốt nhất trong mỗi tình thế. Trong khi đấu tranh giai cấp là cuộc đối đầu thắng thua dẫn đến dân tộc phân hóa, đất nước điêu tàn.

Tiên đoán sai

Marx chưa nhìn ra cơ cấu nhà nước tự do dân chủ và vì thế tiên đoán sai sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa Marx lại được các phong trào cực tả cộng sản sử dụng, được thí nghiệm trên một số quốc gia trong đó có Việt Nam. Chủ nghĩa Marx là cái bào thai sinh ra chủ nghĩa cộng sản đầy tội ác đã và đang bị nhân loại đào thải.

Ở Úc, đảng Lao Động (Labour Party), từ khi hình thành vào cuối thế kỷ thứ 19 đã được Công giáo nhiệt thành ủng hộ. Khi phong trào quốc tế cộng sản phát triển, để tránh trường hợp các đảng viên ảnh hưởng khuynh hướng bạo động vũ trang cướp chính quyền, Đảng cấm các đảng viên theo hay sinh hoạt với đảng khác, bao gồm Quốc Tế Cộng Sản.

Đảng Lao Động Úc là một đảng thực tiễn, không theo bất kỳ chủ thuyết nào. Đảng này được chia thành năm cánh… Cánh cực tả trong đảng Lao Động Úc theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng họ không theo chủ nghĩa Marx, cánh này cổ vũ việc chính phủ trực tiếp can thiệp thị trường, chính phủ trực tiếp làm kinh tế nhằm san bằng các bất công trong xã hội.

Vì chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa không tưởng, không theo kịp thời đại, không thể làm căn bản để đề ra các chính sách có thể thuyết phục được cử tri nên trên thực tế không ai sử dụng nó trong cuộc đấu tranh nghị trường.
Chủ nghĩa Marx vừa phiến diện, vừa sai lầm, vừa cực đoan, vừa bạo động, vừa không tưởng. Chủ nghĩa Marx là cái bào thai sinh ra chủ nghĩa cộng sản đầy tội ác đã và đang bị nhân loại đào thải.

Các quốc gia tự do khác trên thế giới có hệ thống chính trị đa đảng, trong đó có các đảng theo chủ nghĩa xã hội. Và như đã đề cập bên trên các đảng này theo chủ nghĩa xã hội nhưng không theo chủ nghĩa Marx.

…Chủ nghĩa Marx quá sức đơn giản khi cho rằng người lao động bị bóc lột không đủ sống nên không có khả năng để dành, không có khả năng đầu tư để sinh lợi, không có thời gian để đầu tư học hỏi...

Thực tế cho thấy Marx sai lầm. Trong xã hội dân chủ mọi người đều có thể có tư sản và đều có quyền quyết định về tư sản của mình. Tư sản không phải chỉ dưới hình thức vật chất mà còn qua kiến thức, bằng sáng chế, tác quyền… và tư sản chính là động năng thăng tiến và phát triển xã hội.

Một xã hội phúc lợi ngày nay là một xã hội ở đó mọi người đều có được cơ hội bình đẳng về mọi mặt.

Mỗi quốc gia lại có những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và nhân văn khác nhau. Các quốc gia Bắc Âu có các đảng Dân Chủ Xã Hội mà Bùi Tín nhắc đến gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, đều là các quốc gia giàu tài nguyên, ít bị ảnh hưởng hai cuộc Thế chiến, trung lập trong Chiến tranh Lạnh, văn hóa và xã hội ổn định, dân chúng đa số theo Giáo hội Tin Lành Luther, nền kinh tế đã phát triển, trình độ dân trí cao, vì thế đời sống vật chất từ lâu đã cao và ổn định.

Tại các nước Bắc Âu sinh họat dân chủ nghị trường đã phát triển từ lâu. Thí dụ Đảng Dân chủ xã hội Đan Mạch đã được thành lập từ những năm 1871 hay hệ thống nhà nước an sinh phúc lợi của Thụy Điển đã hình từ những năm 1890.

Bên cạnh sinh họat của nghị trường là họat động phúc lợi của Giáo hội Tin Lành Luther. Tín đồ tôn giáo này chấp nhận đóng góp một phần lợi tức họ thu được để Giáo Hội có thể cung cấp các dịch vụ phúc lợi đặc biệt về giáo dục.
Tư tưởng bình đẳng hay công bằng vì vậy đã thấm nhuần trong suy nghĩ của các dân tộc Bắc Âu. Và là chỗ dựa của các đảng và tổ chức chính trị theo khuynh hướng Xã Hội, trong đó có đảng Dân Chủ Xã Hội.

Tới đây hy vọng rằng bạn đọc đã thấy rõ không có nhà nước kiểu: “Chủ Nghĩa Xã Hội - Dân Chủ, do một số đảng Xã hội – Dân chủ như ở Bắc Âu thực hiện, vận dụng chủ nghĩa Marx để phân tích chủ nghĩa tư bản.”

Đổi tên hay đổi bản chất?

Thay đổi suy nghĩ con người thực khó. Ông Bùi Tín đã sống ở Tây Âu trên 20 năm, vẫn chưa hiểu được điều kiện và động năng phát triển của xứ người, vẫn cứ “tù mù” tin theo các “giáo trình chính trị quốc tế” và suy nghĩ vẫn chưa thóat khỏi “chủ nghĩa Marx”.

Ở cuối bài viết “Hai từ dùng nhiều, lại tù mù nhất”, Bùi Tín nói rõ mục đích của bài viết là để vận động trưng cầu dân ý đổi tên đảng Cộng sản và đổi tên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vì tên đảng có chữ “cộng sản” và tên nước có chữ “Xã Hội Chủ Nghĩa” là hai từ dùng nhiều nhất, lại tù mù nhất.

Tới đây mới thấy rõ hơn sự “tù mù” của Bùi Tín, nếu bản chất của nhà nước vẫn độc tài đảng trị thì việc đổi tên có khác gì kêu Bùi Tín là Thành Tín, còn bản chất con người vẫn không thay đổi, suy nghĩ vẫn tù mù với “chủ nghĩa Marx” bào thai của chủ nghĩa cộng sản. Cộng sản không thể thay đổi mà phải thay thế bằng một chính thể tự do dân chủ.

Thay đổi cách suy nghĩ là một điều cực kỳ khó. Không ít người cả cuộc đời đã gắn bó với chế độ cộng sản, có khi họ nhìn ra sự sai lầm của chế độ, nhưng vì lý do này hay lý do khác vẫn chưa thể dứt khoát để đứng về phía người dân giành lại chủ quyền đất nước.

Trong thời bao cấp họ sợ mất sổ gạo, mất hộ khẩu… vì các thứ nói trên gắn liền với đời sống của họ và gia đình. Ngày nay nỗi lo sợ nói trên không còn, nhưng đứng trước sự cáo chung của chế độ, Đảng Cộng Sản lại mang sổ hưu trí ra để hù dọa và trói buộc những người trước đây đã làm việc trong guồng máy cộng sản.

Gần đây có khá nhiều bàn cãi về việc này. Một suy nghĩ đúng đắn không phải là việc bảo vệ hưu trí, mà làm sao xây dựng một hệ thống an sinh cho những bậc cao niên.

Thay đổi suy nghĩ con người thật khó, nhưng không phải vì thế không thể thay đổi được. Tóm lại chỉ có chế độ tự do dân chủ mới có thể mang lại bình đẳng cho toàn dân và mới là căn bản của phát triển quốc gia.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats