Monday 25 February 2013

TỪ ĐIỂN NHÀ NGUYỄN của VÕ HƯƠNG AN (Phạm Xuân Đài )




2/24/2013 03:14:00 PM

Từ Điển Nhà Nguyễn, soạn giả Võ Hương-An, Nam Việt xuất bản năm 2012 tại Nam California, 760 trang, giá $40. Liên lạc với tác giả: huonganvo@yahoo.com ; với nhà xuất bản: huyphuong37@gmail.com ,  điện thoại: (949) 241-0488.

Ông bà từ ba, bốn, năm, sáu... đời của tất cả mọi người Việt Nam bây giờ đều là con dân của triều nhà Nguyễn. Một nhà Nguyễn chính thức từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 (1802-1945) cai trị toàn cõi Việt Nam; hoặc xa hơn trong quá khứ, một nhà Nguyễn của nửa phía nam Việt Nam, từ thế kỷ thứ 16, khi Nguyễn Hoàng, theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đi vào trấn ở vùng "Hoành sơn nhất đái" để được "vạn đại dung thân".

Lịch sử Việt Nam hiện đại hiển nhiên là tiếp thu gia tài về mọi mặt --văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự v.v...-- từ nhà Nguyễn. Ngoài phe cộng sản đã có thời gian đối xử rất tệ với di sản của nhà Nguyễn, còn thì tất cả dân tộc Việt Nam đều kính trọng những gì mà các chúa Nguyễn đã làm để phát triển đất nước đến tận mũi Cà Mau và vịnh Thái Lan, rồi sau đó mở màn một triều đại có lúc rất rực rỡ, trong gần một thế kỷ rưỡi.

Để góp phần tìm hiểu về cái gia tài đồ sộ mà các chúa rồi các vua nhà Nguyễn để lại qua các triều đại của mình, học giả Võ Hương-An đã dày công soạn cuốn TỪ ĐIỂN NHÀ NGUYỄN, trong đó qua việc giảng nghĩa các từ ngữ, tên gọi..., đã giải thích gần như mọi chuyện thuộc triều đại này. Trong Lời Nói Đầu của cuốn từ điển, soạn giả đã viết:
"Khởi đi từ việc Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vâng lệnh vua Lê vào trấn thủ Thuận Hóa năm Mậu Ngọ (1558) - sau trở thành vị chúa đầu tiên của 9 đời chúa Nguyễn - và chấm dứt vào năm Ất Dậu (1945), khi Hoàng đế Bảo Đại, vua cuối cùng của triều Nguyễn, tuyên bố thoái vị và trao quyền cho chế độ dân chủ mới thành hình, họ Nguyễn đã hiện hữu trong lịch sử Việt Nam 387 năm, dài nhất so với các triều đại quân chủ khác từ trước.

Trong non 4 thế kỷ đó, dù dưới cái nhìn yêu hay ghét, công bình hay đầy định kiến, cũng phải công nhận một sự thật hiển nhiên là, những định chế của triều đại này khi thiết định trong quá trình cai trị quả thật đã có ảnh hưởng sâu xa trong nhiều mặt như lịch sử, chánh trị, luật pháp, văn học, văn hóa, xã hội... của Việt Nam thời cận và hiện đại, ban đầu chỉ mới trên nửa nước phía nam sông Gianh, nhưng đến đầu thế kỷ XIX thì trùm khắp cả nước, từ Cà Mau tới Nam Quan, khi vua Gia Long thống nhất giang sơn năm 1802.


Trước nhà Nguyễn đã có các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Lê-Trịnh và Tây Sơn. Nhưng những triều đại đó đã xa rồi, đã mất hết quyền lực, những định chế của họ đã bị những định chế về sau sửa đổi và thay thế, nên ảnh hưởng đã phai nhạt dần trước ảnh hưởng của Nhà Nguyễn."


Cuốn Từ Điển Nhà Nguyễn dày 760 trang, khổ 7 x 10.5 in., bìa cứng, ấn loát công phu và mỹ thuật, nhiều hình ảnh minh họa. Phải nói đây là một kho tàng dung chứa tất cả những gì thuộc một triều đại đã qua, từ cung điện, thành quách, nhân vật, học vấn, quân sự, chính trị, địa lý, văn hóa... Ai trong chúng ta cũng có lần bối rối khi đọc những chức tước của một nhân vật lịch sử, ngay cả trên mộ bia tổ tiên, không hiểu đó là loại chức vụ gì, công việc cụ thể của các vị đó ra sao. Với quyển từ điển này, chúng ta cứ tra tên tước hiệu đó và sẽ được giải thích rõ ràng, vì tất cả các chức vụ trong bộ máy hành chánh và quân đội dưới triều Nguyễn được liệt kê và giải thích. Các danh nhân thuộc nhà Nguyễn, từ đời các chúa đến các triều vua về sau; các địa phương đơn vị tỉnh; nguồn gốc quốc hiệu nước ta Việt Nam, An Nam, Đại Nam do đâu mà có, cái nào trước cái nào sau; phẩm trật các quan lại từ trung ương đến địa phương; các loại vũ khí dùng trong quân đội; y phục của vua, quan v.v... và rất rất nhiều điều khác đã được đưa vào giải thích tường tận trong sách.

Giở bất kỳ trang nào chúng ta cũng có thể gặp nhiều điều để học hỏi, ví dụ vần Q, sẽ biết được Quốc ca dưới triều nhà Nguyễn là bài hát gì, Quốc kỳ hình dạng ra sao; gặp chữ Quốc Tử Giám, một chữ thường nghe nói tới, nhưng nội dung của nó lại phong phú hơn mình tưởng rất nhiều: đó là trường đại học quốc gia duy nhất mở ra từ thời Gia Long, cách tổ chức ra sao, sinh viên gồm những thành phần nào, chương trình học gồm những gì... Qua vần T, chữ Tiền Tệ chẳng hạn, những người chơi tiền cổ ắt hẳn rất thích thú, vì sẽ biết rành rẽ lịch sử tiền tệ của Đàng Trong thời các chúa, rồi đến tiền của các triều vua nhà Nguyễn, các loại tiền kẽm, tiền đồng, được đúc ở đâu, trị giá mỗi loại thế nào, với hình ảnh rõ ràng; rồi đến các loại bạc nén, vàng thoi dùng trang trải các chi phí lớn. Còn có cả "tiền Nam triều, tiền Bảo hộ" trong giai đoạn thuộc Pháp...

Nói chung, bất cứ lãnh vực nào, soạn giả cũng nghiên cứu một cách thấu đáo và cho chúng ta một bài giảng đầy đủ, rõ ràng, sáng sủa. Quyển từ điển này có một hấp lực rất lạ, không phải chỉ khi nào cần chúng ta mới mở ra tra cứu, mà thỉnh thoảng có thể đem ra "đọc chơi", chúng ta như được phiêu lưu một cách thích thú vào một quá khứ từ chỗ rất kề cận chúng ta là triều đình Huế, rồi xa dần mãi đến thế kỷ 16. Đây là một cuốn sử, một cuốn sách nghiên cứu về xã hội, về hành chánh, quân sự, về các tác giả văn học, một cuốn "Huế học"... Chỉ một chữ cần giảng nghĩa thôi là chúng ta có ngay cả một bài học liên quan. Sự nghiên cứu uyên thâm này rất cần thiết để điều chỉnh những giải thích sai lầm đã có trước, giúp cho giới hậu học khỏi đi lạc đường, như trong Lời Nói Đầu đã đưa ra một ví dụ điển hình:

"Thử lấy một ví dụ: trong các loại ấn tín của triều Nguyễn, có ấn quan phòng. Các dịch giả của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Tập IV, tr. 204) trong đề mục Ấn quan phòng, đã chú thích rằng đó là "Một loại ấn có chữ khác cùng chia đôi dùng để so chắp." Thực sự, tôi không hiểu chú thích này. Cũng với cái tên ấn quan phòng, dịch giả Nguyễn Sĩ Giác, vị Tiến sĩ cuối cùng của nền nho học Việt Nam, trong dịch phẩm Đại Nam điển lệ, đã chú thích rằng "Quan phòng cũng là một danh từ các dấu. Như nói Tổng đốc quan phòng, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát quan phòng là dấu của các quan ấy. ấn các quan chức còn danh từ khác nữa là; đồ ký, đồ chương. Quan phòng là cái ấn to, ấn triện hay kiềm đều là ấn nhỏ." (tr. 337) Chú thích này tuy có rõ hơn, dễ hiểu hơn chú thích của hội điển IV nhưng vẫn còn mù mờ. Thực sự, nó là gì? Ấn quan phòng là ấn chức vụ cấp cho người cầm đầu một cơ quan, một đại đơn vị quân đội, có hình chữ nhật, khác với ấn của cơ quan, gọi là ấn triện, là có hình vuông. Các dịch giả nói trên giải thích mù mờ vì không hiểu rõ nó là cái gì."


"Không hiểu rõ nó là cái gì" thì khi chuyển ngữ từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ chỉ là chuyển cái hình thức của chữ nghĩa, còn nội dung hẳn nhiên là mù mờ như ta đã thấy trong ví dụ trên. Trong trường hợp này, người dịch ngoài việc rành Hán văn, còn phải là một học giả về nhà Nguyễn, về xứ Huế, hơn nữa phải là người thấm nhuần nền văn hóa của đất Thần kinh. Soạn giả Võ Hương An đáp ứng được các yêu cầu này khi soạn ra cuốn Từ điển nhà Nguyễn. Không phải là một người con của Huế thì khó mà soạn một cái gì về Huế một cách đến nơi đến chốn như cuốn Từ điển này cho thấy. Về điểm này chúng ta có quyền đặt tin tưởng hoàn toàn nơi soạn giả, một người có sở học và hiểu biết về Huế một cách sâu xa. Và từ đó chúng ta không ngần ngại sở hữu cuốn Từ điển này như một cái kho báu, mà từ khi nhà Nguyễn chấm dứt cho tới nay, có lẽ chưa có công trình nào về loại này có thể so sánh được.

Giả sử có một tác giả văn học muốn viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh nhà Nguyễn trong thế kỷ 19 chẳng hạn, ông hay bà ta nên tìm tài liệu ở đâu? Tài liệu nhà Nguyễn thì có rất nhiều, nhưng theo tôi nhà tiểu thuyết ấy thoạt tiên cần đọc cuốn Từ điển nhà Nguyễn này. Đọc chứ không phải là tra từng chữ. Các kiến thức về triều Nguyễn, về đời sống chính trị, quân sự, xã hội, giáo dục... bắt gặp trong cuốn Từ điển này không những giúp tác giả ấy về hiểu biết mà tôi nghĩ còn về cảm hứng nữa, từ đó việc xây dựng cuốn sách sẽ dễ dàng hơn, hay ho hơn. Cũng thế về một dạng nghệ thuật khác, điện ảnh chẳng hạn. Một cuốn phim cổ về Huế, nếu cần hình ảnh nghi lễ triều đình, cờ xí cho quốc gia hay cho quân đội, phẩm phục vua, quan, quân phục, súng ống, gươm giáo, cách thức sinh hoạt từ triều đình cho đến dân giã..., một cách cơ bản cuốn Từ diển nhà Nguyễn này đều có thể cung cấp.

Có thể nói việc xuất bản cuốn Từ Điển Nhà Nguyễn của soạn giả Võ Hương An là một biến cố quan trọng bao trùm nhiều mặt của triều đại này, kể từ khi nhà Nguyễn thật sự cáo chung năm 1945.

Phạm Xuân Đài


No comments:

Post a Comment

View My Stats