Fri, 02/01/2013 - 11:03 — tuongnangtien
Chắc rảnh – và rảnh lắm – nên nhà văn Phạm
thị Hoài xoay ra kiếm chuyện (cà khịa) với đồng nghiệp chơi, cho nó qua
ngày:
“... tác giả văn chương, chung quy có
ba loại. Loại dành cho đồng nghiệp, tác giả của tác giả. Loại dành cho công
chúng, tác giả của độc giả. Và loại dành riêng cho sự tự mê hoặc của những tác
giả tự phong.”
Loại thứ nhất hiếm hoi, là những người
không thể thay thế, mất một ai trong số họ là cơ thể văn chương nhân loại tàn
phế một bộ phận trọng yếu...
Loại thứ hai đông hơn và là đối tượng chính
của các nhà điểm sách, phê bình và nghiên cứu văn học. Đánh giá về tài năng và
tầm cỡ của họ là việc phụ thuộc chủ yếu vào khí hậu và môi trường văn hóa...
Loại thứ ba đông hơn cả, nhưng chỉ đáng
quan tâm ở khía cạnh họ là những kẻ làm ngôn ngữ xói mòn nhanh nhất, ngốn nhiều
giấy mực và byte nhất, và là thủ phạm chính khiến văn chương bị xóa thành công
khỏi danh sách nhu yếu phẩm tinh thần của con người...”
Tôi cũng đã có lúc học đòi theo chuyện
“văn chương” nên đọc xong đoạn văn thượng dẫn mà không khỏi ... bần thần
(chút đỉnh) khi tự xét rằng chắc (chắn) mình thuộc loại ... thứ ba. Cái loại
viết “với phương châm thà bị tống vào thùng rác còn hơn không tồn tại.” Nói
cho nó gọn: cái thứ người cầm bút như tôi thiên hạ gọi là lều văn, túp văn,
hay chòi văn, hoặc chuồng văn ... gì đó!
Cùng với đám chuồng văn này, nước Việt
còn có một hiện tượng độc đáo khác nữa gọi là chuồng học – theo như cách mô
tả của phóng viên báo Dân Trí , đọc được vào hôm 5/ 9/2012:
“Huổi Chát là một bản Mông chừng vài
chục nóc nhà ở huyện nghèo Mường Tè. Hôm chúng tôi có mặt, chỉ còn 7 ngày nữa
là đến ngày hội khai giảng, nhưng những gì bày ra trước mắt thật đắng lòng:
Một căn lều tranh tre nứa lá gió thổi tứ
bề, xiêu vẹo, ghế gãy bàn long, ủn ỉn trong đó một cặp lợn mán, được cô giáo
cắm bản giới thiệu là trường học...
Cô giáo Đinh Thị Vin nói bằng tiếng Mông,
vẫy chúng xuống lớp. Lớp học là một căn chòi lá rộng độ bằng 4 chiếc chiếu đôi
xiêu vẹo, vách tre vọc vạch, hở hoác. Bên trong bàn ghế gãy nát, đầy mạng nhện,
ngổn ngang phân heo. Không biết đã từ bao giờ, trường học của lũ trẻ đã trở
thành nơi trú ngụ cho một cặp heo mán với 4 heo con. Có người trong số chúng
tôi gọi đùa, giọng không ít cay đắng: “Đây là chuồng học chứ đâu phải trường
học...”
Ảnh: Dân Trí
“7 năm trước, cô giáo Đinh Thị Vin từ
Phú Thọ rừng cọ đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện...Và giờ, cô
giáo người Kinh đã trở thành đứa con của Huổi Chát, của Nậm Manh, nói tiếng
Mông để dạy tiếng phổ thông, ăn mèn mén, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị
là một ngày nào đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.”
Vạn sự khởi đầu nan mà. Qua khỏi bậc tiểu học (nghĩa là sau giai đoạn thụ
giáo ở những chuồng học) học sinh sẽ được nghe giảng bài bằng tiếng của người
Kinh, và bước chân vào những trường trung học bề thế hơn nhiều – như
cái trường này đây: Trường THCS Nậm Kè.
Ảnh: Dongsongxanh
Phải đợi cho đến khi lên đến bậc đại học
thì những mầm non Việt Nam – xuất thân từ chuồng học – sẽ mới có cơ hội
bước vào những cơ sở giáo dục hoành tráng, ở tầm mức quốc tế, được giảng
dậy bằng Anh ngữ, theo như ... dự án (Bắt Tay Xây Dựng Trường Đại Học Trí Việt)
đã được thông báo, từ nhiều năm trước:
“Sáng 7.11.2007, tại trụ sở Ủy ban về
người VN ở nước ngoài (NVNƠNN) TP.HCM, Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật NVNƠNN
(OVSCLUB) và Hội đồng sáng lập Dự án trường Đại học tư thục Trí Việt đã ký kết
Thỏa thuận hợp tác: xây dựng một trường đại học chính quy hiện đại, trên tinh
thần thực học để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc hiện đại
hóa và công nghiệp hóa đất nước.
Đại diện cho Hội đồng sáng lập Dự án Đại
học tư thục Trí Việt là bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng và đại diện của
OVSCLUB là TSKH Trần Hà Anh, Trưởng Ban điều hành. Buổi lễ ký kết diễn ra với
sự chứng kiến của Ban Chủ nhiệm Ủy ban NVNƠNN, Ban Liên lạc NVNƠNN TP.HCM...
Theo kế hoạnh, khoảng năm 2010 trường sẽ
bắt đầu tuyển sinh cho một số khoa và dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng được phần
nào nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ cho Nam Bộ mà còn
vươn rộng ra phạm vi toàn quốc.”
Nguồn ảnh: talawas
Nói vậy (ngó bộ) vẫn chưa đã miệng nên
trong những cuộc phỏng vấn sau đó, bà
Tôn Nữ Thị Ninh – người được mô tả là “một nữ ngoại
giao lừng lẫy một thời” – còn cho “nổ” thêm vài lần nữa,
khiến rất nhiều người bị ù tai:
- Luật chơi của Trí Việt là: nói không
với thiếu trung thực.
- Hiện dự án còn trong giai đoạn cấp phép,
trước dự tính đặt ở Vũng Tàu nay thì đặt ở TP. HCM. Gọi là trường quốc tế bởi
vì sẽ dạy bằng tiếng Anh kể từ năm thứ 2, với lập luận rằng thanh niên Việt Nam
thời hội nhập phải có tiếng Anh như là một ngôn ngữ làm việc của mình, ngoài
tiếng mẹ đẻ...
Coi: sống trong một chế độ mà lường
gạt, dối trá và nghi ngờ là chủ trương xuyên suốt mà bà Tôn Nữ Thị Ninh lại
đặt ra “luật chơi là nói không với thiếu trung thực” và còn nói bằng ngoại ngữ
nữa (cơ) thì “giai đoạn cấp phép” e sẽ còn “bùng nhùng” cho
đến Tết hoặc (không chừng) cho tới khi ... bà ấy chết!
Theo nhà báo Huy Đức: “Chủ nghĩa xã hội là một
thực thể chỉ có thể hiểu được bằng sự trải nghiệm” (*). Tuổi đời của bà TNTN (ngó bộ) hơi nhiều, thời gian “trải nghiệm”
với xã hội chủ nghĩa (xem ra) cũng không phải ít. Rõ ràng, bà là một người
hiểu chậm.
Bữa nay – nhằm ngày cuối tuần – tôi cũng
đang (rất) rảnh nên xin được phép góp ý cùng bà Tôn Nữ Thị Ninh, với hy vọng
giúp cho chuyện xây dựng viện đại học Trí Việt được nhanh chóng và toàn hơn
chút xíu.
Về địa điểm, tôi đề nghị bà Ninh nên
lắng nghe qua lời khuyên của một nhân vật có thẩm quyền – giáo sư Đặng Hùng
Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: ” Không ‘bôi trơn’ không có đất đâu!”
Kế tiếp, xin nghe lời phát biểu của một
nhân vật đã có kinh nghiệm (và thành công) trong việc thành lập một đại
học tư ở Việt Nam – qua lời tường thuật của giáo sư Đào Trung Đạo, đọc được
trên RFA vào hôm 9 tháng 9
năm 2012:
“Mới đây tôi có một người bạn ở Việt Nam
du lịch sang Mỹ – anh ta khá thành công trong những dự án kinh doanh kể cả việc
đầu tư thành lập đại học tư thục...
Dựa vào sự hiểu biết chung chung của tôi
(cũng như của hầu hết mọi người về chế độ cọng sản hiện nay) nên tôi hỏi anh
(giả bộ ngớ ngẩn): nói chung anh chốt cho tôi hiểu một điểm quan trọng nhất về
lý do của sự hiện hữu và tồn tại của toàn bộ những cơ sở sinh hoạt kinh tế, xã
hội, giáo dục, y tế, báo chí, tòa án… (dĩ nhiên không thể kể vào danh sách này
những cơ sở do chính quyền lập ra) ở Việt Nam hiện nay, thì câu trả lời khá
‘hài’ của anh ta là: ở tất
cả những cơ sở đó luôn luôn có một cái ‘bàn thờ vô hình’ trên đó ‘ngự’ một cán
bộ cọng sản đã được bố trí ngồi vào đó bất kể khả năng và tư cách của anh ta.
Và ở phía dưới cái bàn thờ đó các anh có thể bỏ công sức làm bất cứ điều gì các
anh cho là đúng đắn hữu ích trong một giới hạn có thể chấp nhận được (giới hạn
này khá rộng rãi kể cả những hành vi tham nhũng, vô đạo đức) nhưng tuyệt đối
không được đụng đến cái bàn thờ này, nhất là đừng có ý định ngồi vào đó thì mọi
chuyện sẽ ‘cũng được thôi’.
Ngẫm nghĩ về nhận định khá ấn tượng của anh
bạn tôi thấy mình vẫn thuộc vào loại ‘thiếu đào sâu tư tưởng’ vì sờ sờ trước
mắt toàn bộ con dân Việt đều bị đặt dưới cái bàn thờ khổng lồ là cái Lăng Bác ở
Hà Nội! Vì chủ nghĩa cộng sản chính thức đã trở thành một tôn giáo và đúng như
di huấn của Marx ‘tôn giáo là thuốc phiện’ cho nên Đảng đã biến dân chúng thành
những người nghiện kinh niên.
Nhưng nghĩ xa hơn thêm chút nữa, căn cứ vào
những gì đã và đang xảy ra thì tôi thấy: Thứ nhất, bàn thờ cũng có nhiều thứ
bậc cao thấp. Thứ nhì, giữa những anh ngồi trên những bàn thờ khác nhau đó
không phải là lúc nào họ cũng ‘nhất trí’ nhưng nhiều khi lại còn âm thầm tìm
cách ‘đàn áp’, hất cẳng nhau vì ngồi trên những bàn thờ này vốn là những ma
quỉ. Đấy là cảnh tượng của một thứ tôn giáo thờ ma quỉ. Tình hình chính trị
hiện nay dường như đang diễn ra sự cạnh tranh thứ bậc của ba bàn thờ ma quỉ:
‘Tổng Bí thư’, ‘Chủ tịch Nước’, và ‘Thủ tướng’ dưới sự chứng kiến câm nín của
‘Bàn thờ Bác.”
Có lẽ vì chưa chọn được một cái “bàn thờ”
thích hợp nên nhiều năm đã trôi qua mà Đại Học Trí Việt vẫn còn đang phải
... chờ cấp phép. Sự cân nhắc và thận trọng của bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong
hoàn cảnh hiện tại, nên được đánh giá cao. Nếu không, mai hậu, Đại Học Trí
Việt sẽ gặp “rắc rối” (y như Đại học Dân lập Hùng Vương bây giờ) chỉ vì chọn
nhầm ... cái bàn thờ nên gặp “rắc rối” và lôi thôi lớn – theo như tường
thuật của BBC, nghe được vào hôm 19 tháng 9 năm
2012:
“Thời gian gần đây, hai chị em ông Đặng
Thành Tâm đã gặp một số rắc rối. Ngoài việc bà Yến bị tố cáo không trung
thực, ông Tâm cũng bị đình chỉ chức Chủ tịch và Hiệu trưởng Đại học Dân lập
Hùng Vương, cơ sở mà ông hỗ trợ tài chính, hồi tháng Ba vì “vi phạm nguyên
tắc quản lý."
Trong khi chờ đợi thực hiện Dự Án Đại Học
Quốc Tế Trí Việt (Tri Viet International University Project)
giảng dậy bằng Anh Ngữ, hàng ngày vẫn có những cô giáo ở miền xuôi như cô “Đinh Thị Vin từ Phú Thọ rừng cọ
đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện... nói tiếng Mông để dạy tiếng
phổ thông, ăn mèn mén, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị là một ngày nào
đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.”
Cùng lúc, nhiều bậc thức giả cũng đang
chăm lo những dự án “giản dị” không kém – như Dự Án Bữa Cơm Có Thịt của của tiến sĩ
Trần Đăng Tuấn và nhà văn Phạm Ngọc Tiến (cùng với nhóm bằng hữu của hai
ông) cho những học sinh ở vùng cao. Trước những sự kiện này, nhà báo Trương Duy Nhất đã thốt lên đôi lời
vô cùng cảm khái:
“Có một lúc nào đó, chúng ta góp tiền không phải để mua
thịt cho các bé học sinh nghèo Tây Bắc, mà để dựng tượng đài những thầy cô giáo
trẻ từ xuôi lên sống và dạy học ở Tây Bắc? Sẽ không phải là tượng đài hoành
tráng. Hãy là tượng đài mà người ta nhìn thấy ở đó cái rét tê buốt trong lớp
học và ánh lửa nhẫn nại trong bếp độc thân.”
Rồi ra, không chừng, dám cũng sẽ có tượng
đài của bà Tôn Nữ Thị Ninh – người (trước khi chuyển qua từ trần) đã có ý
hướng độc đáo là sẽ xây dựng một trường đại học quốc tế, với sứ mệnh Trí Cao – Tâm Rộng – Tầm Xa trong
một chế độ mà những kẻ cầm quyền tầm nhìn thì chỉ thấp bằng con kiến,
và lòng dạ thì bé xíu như một cái cây tăm.
T.N.T
(*) Huy Đức. Bên Thắng Cuộc.
Westminster: OsinBooK, 2012. Vol.2.
No comments:
Post a Comment