Tuesday, 19 February 2013

TẾT MẬU THÂN BỐN MƯƠI NĂM SAU (1968-2008) [Kỳ 2/3] – (Trần Giao Thủy)




Trần Giao Thủy
16-03-2008
http://www.dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=4791

Huế – Mậu Thân

Thế giới có thể quên Mậu Thân 1968 nhưng không ai có thể xoá trang Mậu Thân 1968 trong lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ 20. Nhiều người Việt Nam trẻ tuổi chưa biết đang tìm biết. Người Việt Nam đã biết lại càng không thể quên khi thủ phạm tay vấy máu đồng bào vẫn còn chưa trả lời trước toà án lương tâm và thế giới.

Vài điểm cần được nhắc lại về cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế.

Thứ nhất, những hình ảnh kinh hoàng của cuộc giết người hàng loạt trong tháng 2, 1968 tại Huế chưa khi nào xuất hiện trên màn hình TV tại Mỹ trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam người ta thích nhớ và hay nói về Mỹ Lai về Tướng Loan Bắn Bảy Lốp, về Bến Tre, về bé Kim Phúc ở Trảng bàng, v.v.... Đó là hội chứng “vô tình có lựa chọn” (selective inattention).

Thông tin trên báo chí về sự kiện này có nhiều cách nhìn khác nhau nhưng tựu chung không ai phủ nhận cuộc thảm sát Mậu Thân đã xẩy ra, và hàng ngàn người bị giết một cách thảm khốc.

Trong bài “Tet Offensive” (12) đăng trên the Vietnam Experience, Boston Publishing Company, tác giả John Colvin – một nhà ngoại giao Anh, là Tổng lãnh sự tại Hà Nội trong những năm 1965-7, viết:
Cuối tháng 2, 1968 khi quân đội VNCH đã tái chiếm Huế, chính quyền miền Nam đã tìm thấy trên 1200 xác người bị giết và chôn tập thể và sau đó, ở những mồ chôn tập thể khác trong tỉnh. Tổng số xác tìm được khoảng 2500 nhưng con số thường dân mất tích lên đến 6000 người. Nhiều người bị giết hại là tín đồn Công giáo đang tị nạn trong nhà thờ, một số khác bị quân cộng sản Việt Nam bắt đi “cải tạo” nhưng trên đường di chuyển cũng bị giết hại vì quân VNCH và đồng minh đã đuổi theo quá sát.

Nạn nhân ở các mồ chôn tập thể tại Huế là những người đã bị bắt đi và bị giết vì là “kẻ thù của nhân dân”, “kẻ thù của cách mạng”.

Bị bắt đi và bị giết vì là “kẻ thù của nhân dân”, “kẻ thù của cách mạng”.  Nguồn: bachdanggiang.com

Một tác giả khác, Douglas Pike, trong “The Viet Cong Strategy of Terror” (13) ghi nhận:
Ngày 26 tháng 2, những nạn nhân của Tổng tiến công tổng nổi dậy được tìm thấy đầu tiên là 170 xác người chôn ở sân trường trung học Gia Hội.

Trong vài tháng sau đó gần 1200 xác người khác tìm thấy ở 18 mồ chôn tập thể rải rác trong tỉnh.

Bẩy tháng đầu năm 1969, chính quyền miền Nam lại tìm thêm được 800 xác người chôn ở đồi các quận Phú Thứ, Hương Thuỷ, Vĩnh Lộc, Nam Hoà.

19 tháng 9, số nạn nhân bị thảm sát tăng cao khi chính quyền phát hiện thêm mồ chôn tập thể dân Phú Cam ở khe Đá Mài. Ngày mồng 5 Tết, khoảng 400 dân đang tị nạn tại nhà thờ đã bị Việt Cộng đem đem đi gọi là “cải tạo” nhưng đã bị thảm sát sau đó.

Tháng 11, 1969 một mồ chôn tập thể khác được tìm thấy ở Phú Thứ có ít nhất 300 nạn nhân và con số có thể lên đến cả ngàn người.
Ở một góc riêng mình, Gareth Porter trong bài “The 1968 ‘Hue massacre’” (14) đăng trên “Indochina Chronicle,” số 33 ngày 24 tháng 6, 1974, phủ nhận những con số của Douglas Pike và nguyên nhân của những mồ chôn tập thể tìm thấy ở Huế và vùng phụ cận. Bằng lời chứng của Alje Vennema (15a), bác sĩ giám đốc bệnh viện trị lao phổi của Canada ở Quảng Ngãi cho đến tháng 8, 1968 (16) – có mặt tại các cuộc kiểm tra mồ chôn tập thể, Porter cho rằng số xác người chôn ở sân trường Gia Hội ít hơn số liệu của chính quyền miền Nam đưa ra.

Porter, vẫn dựa theo lời của Vennema, cho rằng trong 4 phát hiện ngay sau Tết Mậu Thân chỉ có 68 nạn nhân chứ không phải 407 như con số của chính phủ miền Nam đưa ra. Hơn nữa, đây là những người chết vì đạn lạc trong vùng giao chiến chứ không phải bị hành quyết vì chính trị.

Cùng lý luận, những phát hiện mồ chôn tập thể trong năm 1969, Porter đều cho là thành tích của sĩ quan chiến tranh tâm lý. Nạn nhân ở Vĩnh Lưu, Phú Mỹ và Tuỳ Vân, ... đều là nạn nhân của các cuộc đánh bom của máy bay Mỹ, kể cả 250 xác người (không phải 400 theo Douglas Pike) ở khe Đá Mài.

Lý luận và dẫn chứng về con số nạn nhân trong cuộc thảm sát Mậu Thân này cũng không khác như bài “The Myth of the Bloodbath: North Vietnam’s Land Reform Reconsidered”, tháng 9, 1973, pp2-15, đăng trên Bulletin of Concerned Asian Scholars – Gareth Porter đã viết về những cái chết của chỉ vài trăm người (vì sai phạm thay vì hàng chục ngàn người bị giết theo chính sách) trong cuộc cải cách ruộng đất của cộng sản Việt Nam. Nguồn tài liệu Porter dùng để biện giải như trên là tài liệu do Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành.

Gareth Porter: Làm gì có thảm sát Cải Cách Ruộng Đất; Làm gì có Thảm sát Tết Mậu Thân!
Nguồn: voltairenet.org

Trong khá nhiều tác giả, nhà báo viết về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân như Stewart Harris (16) của tờ Times London (bài đăng ở trang 4, New York Times, 28 tháng 3, 1968), Stanley Karnow (Vietnam: A History, trang 530-531), Don Oberdorfer (“Executions, Extrajudicial” (17), hay Jack Shulimson (US Marines in Vietnam: 1968, The Defining Year(18), v.v… Có lẽ, Gareth Porter là học giả Mỹ duy nhất với những lý luận bênh vực cho các thủ phạm thảm sát dân Việt Nam ở Huế.

Đến năm 2005, University of California Press cho phát hành “Perils of Dominance: Imbalance of Power and the Road to War in Vietnam”. Hãy thử đọc một đoạn Stephen J. Morris, một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Chính sách Ngoại giao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, điểm sách (19) của Gareth Porter.
Một trong những khuyết điểm cơ bản của những khảo cứu của Porter là dùng những tài liệu lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam làm bằng chứng đáng tin để lý giải về dự tính, động cơ và hành động thực sự của ban lãnh đạo Đảng CSVN. Porter không hiểu rằng họ viết những nguồn tài liệu đó chỉ để biện minh cho sự kiện đã xẩy ra chứ không phải là những phân tích nhận định lương thiện. Lối viết này của Porter mang dấu ấn bắt đầu từ hơn 30 năm trước, và dính chặt với khuynh hướng cùng đồng cảm chính trị của ông (với Đảng Cộng Sản Việt Nam – TGT).

Cuốn Perils of Dominance của Gareth Porter quá nhiều thiếu sót, sẽ không có bạn đọc uyên thâm nào để ý đến, khoan nói tới chuyện nổi lôi đình vì những nhận thức sai lạc đến kinh ngạc của tác giả. Tóm lược bao quát về những cái sai của Gareth Porter về các sự kiện lịch sử ở Đông Nam châu Á đã trở thành thông tin đại chúng. Rất tiếc, một số học giả và nhà xuất bản có tiếng ở Hoa Kỳ đã không kiểm tra những thông tin đại chúng ấy đến nỗi mua nhầm phải hàng dỏm.

Lý luận ngày xưa, cách đây đã 34 năm về những cuộc thảm sát ở Huế hay về chiến tranh Việt Nam trong cuốn Perils of Dominance cũng như nhau, chẳng có gì mới hơn để đọc. Đến năm 2008, Gareth Porter có thêm đồng minh: Đại tá quân đội nhân dân, Phó Tổng biên Tập Báo Nhân Dân, phụ trách Nhân Dân Chủ Nhật, người thoát ly với chế độ cộng sản từ năm 1990 – Bùi Tín.

Trong cuộc phỏng vấn (20) với Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt, “Mậu Thân 68: Chuyển bại thành thắng”, ngày 24 tháng Giêng 2008, Đại tá Bùi Tín nói:
… tôi biết có một kỷ luật chiến trường rất chặt chẽ, nghiêm cấm đánh đập, nghiêm cấm đối xử xấu với tù binh. Tù binh được giữ để đưa lên núi; những lượng nào (mà) những người nào (mà) gọi là phản động, nguy hiểm (thì) phải đưa ra miền Bắc; sau này được biết là anh em họ cũng có một (cái) lệnh thêm nữa là giải lên núi, lên căn cứ đó nhưng không được để cho tù binh trốn thoát. Và nếu (họ) trốn thoát là để lộ bí mật, rất là nguy hiểm; thế cho anh em mới không cho tù binh trốn thoát cho nên khi quân Mỹ, nhất là TQLC Mỹ đổ bộ lại từ Phủ Bài trở ra để lấy lại Huế, anh em họ trói (tù) hàng mấy trăm, hàng nghìn người, rồi do bị vướng chân là một, rồi lại bị (hải) pháo ở ngoài biển bắn vào rất dữ dội, cho nên phần lớn là do tự động các chỉ huy tiểu đoàn, đại đội, trung đội, cho đến trung đoàn cùng đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết. (TGT viết nghiêng)

Trước đó là việc bắt tràn lan, và đưa ra thông tin là ở Huế rất nhiều người phản động, dân vệ cũng phản động, họ hàng tôn thất cũ của hoàng gia cũng phản động, đảng Dân chủ cũng phản động, chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, đều bị coi là những phần tử nguy hiểm, phản động cả. Cho nên là trong danh sách những người không được để bỏ chạy, không được để thoát thân, rất là nguy hiểm mà cũng không đưa lên núi được vì rất vướng chân, rất khó khăn; đến khi bị truy kích theo, pháo kích theo, rồi bị bom B52 nữa, do đó phần lớn những anh em đó đã bị anh em thủ tiêu.

Tuy nhiên ở một tài liệu ‘Tuyệt Mật’ (21), khác mang tựa đề “Thông tin về chiến thắng của quân ta tại Huế từ 31 tháng 1 đến 23 tháng 2 1968”, cộng sản Việt Nam đã xác nhận:
Ở quận Hương Thủy, … khi ta tấn công trại tự vệ, quân địch vì quá sợ hãi đã lội qua sông dù không biết bơi và 20 trong bọn chúng đã chết đuối. Tổng cộng ta diệt 1.938 quân địch; 774 đầu hàng kể cả 670 tên thuộc chính quyền bù nhìn. Ta cũng giết một đảng viên trung ương của Đại Việt, một thượng nghị sĩ Việt Nam, 50 đảng viên Quốc Dân đảng, 6 đảng viên Đại Việt, 13 đảng viên đảng Cần Lao Nhân Vị, 3 đại uý, 4 trung uý, …

Phú Vang …Ta đã diệt 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 cường hào, sáu đại uý, 1 trung uý, 20 thiếu uý và nhiều sĩ quan trừ bị…”

(Trích bản dịch tài liệu “Tuyệt Mật” của cộng sản Việt Nam bị tịch thu vào tháng Tư, 1968)

“Tin Chiến Thắng Huế” (Tuyệt mật) .  Nguồn: vietnam.ttu.edu

Tài liệu kể thành thích chiến thắng trên đây không đồng ý chút nào với cả hai ông học giả Porter (ta tiêu diệt dân Huế thay vì Mỹ đánh bom chết người) và Đại tá Việt Cộng, nhà báo Bùi Tín (báo cáo thành tích diệt “kẻ thù của cách mạng” như trên chắc chắn không phải là cách “không cho cấp trên biết”).


Vài trong nhiều nhận thức sai về biến cố Mậu Thân

Yếu tố bất ngờ – Không có dấu hiệu cho biết trước sẽ có cuộc Tổng tiến công, Tổng nổi dậy của Việt cộng vào Tết Mậu Thân. Thực ra, ngày 20 tháng 12, 1967 Tướng Westmoreland gởi điện cho Washington cho hay ông tin rằng quân cộng sản “sẽ có những cố gắng trên toàn quốc, có thể là cố gắng tối đa, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.” (22)

Hơn nữa, quân báo của phe đồng minh đã thu được nhiều tài liệu, thông tin về các di chuyển quân sự đáng kể của quân cộng sản vào Nam. Nghị quyết 13 “Đồng loạt nổi dậy (ở miền Nam) đẻ đi đến thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn nhất” là một tài liệu phe đồng minh đã có từ tháng đầu tháng 10, 1967. Nghị quyết này đã được thông qua từ tháng 4, 1967 trong hội nghị Trung Ương đảng Cộng sản lần thứ 13.

Đã có thông tin trước sao vẫn còn bất ngờ? Đại tá Hoàng Ngọc Lung, cựu Trưởng Phòng 2, Bộ Tổng Tham Mưu, trong “Tổng tấn công 1968-69” (23), cũng xác định tình báo quân đội VNCH đã có bản “nghị quyết 13 của bộ chính trị cộng sản Việt Nam” và ngày 25/10/1967 có thêm một tài liệu cộng sản khác (“Tài liệu hướng dẫn để hiểu rõ tình hình mới và công tác mới của ta.”) thu được ở Tây Ninh: chấm dứt sự có mặt của Hoa Kỳ tại Việt Nam bằng cách thành lập chính phủ liên hiệp và Mặt trận Giải Phóng Miễn Nam sẽ đóng vai tròn trọng yếu. Mục đính cuộc tấn công để: đánh bại quân đội VNCH, phá huỷ mọi cơ sở chính trị, quân sự Mỹ và thứ ba là kích động dân chúng tổng khởi nghĩa. Văn bản này có mã số TCK-TKN (Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa).

Phe đồng minh tiếp tục lấy được thông tin về cuộc tổng công kích sắp xảy ra: ngày 03/11/1967, tại Dakto, tài liệu của Chiến trường B-3 nhằm tấn công vào cao nguyên; ngày 04/01/1968, quân báo Mỹ lại bắt được tài liệu “Lệnh hành quân số 1”: tấn công Pleiku trước Tết. Giữa tháng Giêng 1968, một tài liệu khác của Trung đoàn 273, Sư đoàn 9 cộng sản thu được ở vùng III chiến thuật: Kế hoạch tấn công Phú Cường, Bình Dương, v.v…

Theo Đại Tá Lung, lý do cuộc Tổng công kích Mậu Thân là một cú đánh bất ngờ của cộng sản vì cách phân tích thông tin tình báo của phe đồng minh: lượng định hướng đi của địch quân chủ yếu dựa trên khả năng, lực lượng của quân địch chứ không đặt nặng xu hướng hay dự tính của địch (24). Dựa vào thông tin đã có (về lực lượng địch), không tin rằng quân cộng sản có khả năng làm một cuộc “tổng tấn công”. Vì thế, Mậu Thân đã trở thành cú đánh bất ngờ. Một thiếu sót khác của quân đội VNCH là không có tổ chức phụ trách tình báo, không có phối hợp thông tin tình báo cho đến năm 1968 dù đã có Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Tổng thống.

Vẫn theo “Tổng tấn công 1968-69”, chiều ngày 29 tháng 1, 1968, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, cho gọi tư lệnh các vùng chiến thuật, cảnh báo cuộc tấn công sắp đến của địch và ra lệnh có biện pháp phòng thủ thích nghi với tình thế (25).

Tuy nhiên, lý do chính dẫn đến sự từ-không-đến-thiếu chuẩn bị của quân đội VNCH và đồng minh chính là cơn bão tuyên truyền “tin chiến thắng” vào cuối năm 1967 dưới sự đạo diễn của phù thủy Walt W. Rostow, Cố vấn An ninh của Tổng thống Lyndon B. Johnson. Tràn ngập màn hình TV cũng như báo đài Mỹ là những tuyên bố hồ hởi của giới lãnh đạo Hoa Kỳ.

“Chúng ta bắt đầu thắng cuộc đấu tranh này; Chúng ta đang ở thế tấn công, đang giành được đất, đang tiến vững chắc.” – Phó Tổng thống Hubert Humphrey, giữa tháng 11, 1967 trên đài truyền hình NBC (26);

“Việt cộng đã bị đánh bại; địch không có đủ lương thực; địch không có quân mới. Đối phương phải đổi chiến lược từ kiểm soát quần chúng ở miền duyên hải chuyển sang sống lây lất ở vùng miền núi.” – Bruce Palmer, một trong các Tướng tư lệnh chiến trường dưới quyền Tướng Westmoreland (27).

Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, ngày 21 tháng 11, 1967, Tướng Westmoreland đăng đàn tuyên bố, “…Tôi tuyệt đối tin rằng nếu địch đã ở thế thắng trong năm 1965 thì bây giờ địch chắc chắn đang thua…” (28).

Trong một cuộc nói chuyện khác với tạp chí Time, Tướng Westmoreland thách thức cộng sản mở cuộc tấn công, “Tôi mong địch giở trò, vì tôi đang muốn đánh.” (29).

Quân đội VNCH “lè phè”, không thiện chiến, thiếu trách nhiệm, v.v… – Người ta quên rằng hơn ½ quân lực VNCH đang nghỉ phép, xum họp gia đình trong dịp Tết Mậu Thân, ngày lễ truyền thống của dân tộc; Tết cũng là dịp hưu chiến chính thức. Giới truyền thông còn cho rằng cuộc tổng tấn công đã làm chính phủ VNCH mất hẳn kiểm soát ở nông thôn và làm tổn hại đến lòng trung thành của quần chúng.

Những nhận định thiên vị và bất lợi cho và đồng minh không phải chỉ đến từ cánh trái, ngày cả nhà báo uy tín nhất nước Mỹ, được tiếng là “cân bằng và trung thực” thời đó cũng có những nhận định hoàn toàn bất lợi cho phe đồng minh. Trong hồi ký của mình, Walter Cronkites cô đọng cái nhìn của báo giới Mỹ về chiến tranh Việt Nam trong một đoạn ngắn (30) và nói quân lực VNCH là “Một quân đội đồng minh thường không thích chiến đấu.”

Sự thật, không như thế. Chỉ một thời gian ngắn sau khi cuộc tổng tấn công bắt đầu, quân đội VNCH đã phản công, nhanh chóng giành lại sự kiểm soát lãnh thổ và đem an ninh lại cho quần chúng.

Thô bạo của quân đội Mỹ – Lính Mỹ thường dùng hoả lực tối đa để tiêu huỷ quận lỵ xóm làng tình nghi có Việt Cộng. Nhận thức sai lầm này lại được “bồi dưỡng” thêm bằng vài báo của Peter Arnett về tuyên bố của một sĩ quan Mỹ (không tên tuổi) ở Bến Tre, “Chúng tôi phải tiêu diệt cả thị xã để cứu nó.” Lời tuyên bố này đã được báo chí và phe phản chiến Hoa Kỳ, nặn, vắt, bóp tả tơi, truyền thông thiên vị, gây bất lợi cho phe đồng minh, làm nản lòng dân chúng Mỹ.

Thật ra câu tuyên bố của viên Thiếu tá Mỹ không tên tuổi, trong bản tin của Peter Arnett, không chỉ được xào nấu suốt cuộc chiến Việt Nam. Đến 32 năm sau biến cố Thảm sát Tết Mậu Thân, sư ông Nhất Hạnh vẫn chưa chịu thôi không sử dụng bản “tin” trên để (tuyên) truyền đạo như lần nói pháp ở nhà thờ Riverside, New York, sau cuộc khủng bố 911. Sư Nhất Hạnh lại nhắc đến vụ đánh bom huỷ cả thị xã Bến Tre với “300.000 người”. Nói đi như thế nhưng sau đó, khi trả lời Anne A. Simpkinson, sư ông nói lại Mỹ đánh bom huỷ cả Bến Tre với “300.000 nóc gia” (31). Chưa đến 1 tháng, sư ông Nhất Hạnh đã đổi giọng hai lần.


Bốn mươi năm sau, có gì mới?

Đảng Cộng sản Việt Nam “Kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Cũng như những thập niên trước năm trước, đúng 40 năm sau Tết Mậu Thân, Cộng sản Việt Nam mở chiến dịch “Kỷ niệm” cuộc tổng tấn công 1968 bằng một loạt bài viết tuyên truyền, ca ngợi chiến thắng và dĩ nhiên không thể thiếu phần tuyên dương “công trạng” Hồ Chí Minh.

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968” được xác định rõ rệt, trong bài “Nhớ về Tết Mậu Thân năm 1968” (32), đăng trên VietnamNnet, ngày 31/01/2008, tác giả TS Trần Viết Hoàn viết:
Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968 – một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, ...

Ngày 28/12/1967, tại căn phòng ở khu nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị (Khóa III) quyết định một chủ trương hết sức quan trọng: Mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 nhằm giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.


Đại tá Bùi Tín, trong phỏng vấn với BBC Tiếng Việt ngày Thứ Năm 24/01/2008, trả lời câu hỏi của phóng viên Nguyễn Hùng, “Khi đó chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam vẫn còn, và có lẽ cũng có bàn bạc về những diễn biến của suốt một năm 1968; phải không ạ?” như sau:
Lúc ấy ông Hồ Chí Minh vẫn còn, nhưng sức ông ấy cũng đã yếu lắm rồi; lúc xẩy ra những cuộc tiến công, ông ấy đang ở Quảng Châu, và ông ấy nghỉ ở Bắc Kinh; ông ấy đau phổi cũng kha khá, nằng nặng, ông ấy phải sang dưỡng bệnh ở bên ấy.

Có thể nói ông ấy làm bài thơ, mấy câu thơ về Tết Mậu Thân, … xong một cái là ông ấy đi dưỡng bệnh đấy.

Khác với Bùi Tín, Trần Viết Hoàn viết tiếp,
Để động viên quân, dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công này, Bác Hồ đã có ý định vào thăm miền Nam, ý định đó Bác đã viết trong thư gửi đồng chí Lê Duẩn ngày 10/3/1968:

“Chú Duẩn thân mến, Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, Chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”.


Vẫn theo Trần Viết Hoàn, ngoài bức thư (tháng 3, 1968) gởi Lê Duẩn trên đây, Hồ Chí Minh vốn sính thơ, đã sáng tác một bài thơ bằng tiếng Tầu:
Vô đề

Tam niên bất ngật tửu xuy yên,
Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên.
Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng,
Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên.

Dịch thơ:

Thuốc kiêng, rượu cũ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
(TGT nhấn mạnh)
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa Xuân.

“Bác Hồ cùng các uỷ viên Bộ Chính trị họp bàn chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.”
Nguồn: VietnamNet


Theo bài viết của Trần Viết Hoàn và hình minh hoạ – “Bác Hồ cùng các uỷ viên Bộ Chính trị họp bàn chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu” – trước và ngay sau cuộc tổng công kích và thảm sát Mậu Thân, Hồ Chí Minh không có vẻ gì là “đã yếu lắm rồi”. Chính Hồ Chí Minh nói (bằng thơ) là “Không bệnh” và đang “sướng tuyệt trần” và nhất định muốn vào Nam “đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ 3” trong thư gởi Lê Duẩn.


Tuyên truyền bằng báo chí 1968 thế nào thì tuyên truyền ở năm 2008 cũng không khác. Tuy nhiên, người ta quên một khác biệt khá quan trọng: công nghệ thông tin thế kỷ 21 cho phép người đọc thu thập dữ kiện nhanh hơn, nhiều hơn để có thể đi đến nhận định tốt hơn. Trong trường hợp điển hình trên đây, sự thật về vai trò và sức khoẻ của Hồ Chí Minh trong chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968” nằm ở đâu? Với Trần Viết Hoàn, với chính thơ của Hồ Chí Minh hay với Bùi Tín? Một câu hỏi không khó trả lời.


Tiếp tục chiến dịch “kỷ niệm 40 năm”, đúng ngày 1 tháng 2 (ngày giỗ của rất nhiều gia đình đồng bào đã từng sinh sống ở Huế) VietnamNet đi tiếp bài “Gần 10.000 người tham gia mittinh kỷ niệm Xuân Mậu Thân” (33). Bản tin cho biết:
Gần 10.000 người gồm khoảng 4.000 quần chúng, 1.500 dân quân tự vệ, hơn 2.300 người tham gia diễu binh, 1.700 người diễu hành nghệ thuật quần chúng tham gia mitting kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sáng ngày 2/1 tại Tp. HCM.
...

Phóng viên P. Cường cũng cho biết thêm lời tuyên bố chắc nịch của Bí thư Thành Uỷ Tp. Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải,

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân VN, biểu thị tinh thần độc lập, sáng tạo, tài trí mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh

Tuy hùng hồn trước hàn vạn người như thế, nhưng Lê Thanh Hải phải được phóng viên P. Cường nhắc giùm nhóm chữ “đánh cho nguỵ nhào”.

Thắng lợi đó làm cơ sở thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho Nguỵ nhào” với đại thắng mùa xuân 1975.

Cũng như bài viết khác về Mậu Thân, kỷ niệm 20 năm, 30 năm, các tác giả Việt Cộng chỉ mải mê bốc thơm chiến thắng, suốt bài báo cả Lê Thanh Hải và phóng viên không hề nhắc tới hàng ngàn tên “nguỵ” (đồng bào “máu thịt” Việt Nam) đã được quân đội Nhân dân anh hùng và được Việt Cộng nằm vùng, bắn, đâm, đập, đạp, đẩy “nhào” xuống những mồ chôn tập thể ở Huế.


Xem phần I; phần kết


© DCVOnline

Chú thích :
(12) Tet Offensive, John Colvin, The Vietnam Experience, Boston Publishing Company. Online: http://snipurl.com/21hr0 [www_vwam_com], February 15, 2008.
(13) The Viet Cong Strategy of Terror, Douglas Pike. Saigon: US Mission, 1970. 88 pp. Online: in the Virtual Vietnam Archive of the Vietnam Project, at Texas Tech University, in two parts: part 1: http://snipurl.com/21hqs [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008 and part 2: http://snipurl.com/21hqw [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008.
(14) The 1968 ‘Hue massacre’, Gareth Porter. Indochina Chronicle, số 33 ngày 24 tháng 6, 1974. Online: http://snipurl.com/21hqz [www_chss_montclair_edu], February 15, 2008.
(15) The Viet Cong Massacre at Hue, Alje Vennema. New York: Vantage Press, 1976. 212 pp.
(15a) CBC archive. Online: http://snipurl.com/21jg3 [archives_cbc_ca], February 15, 2008
(16) Misreporting that doomed millions, Red Irvine − Editor, Aust B, 1977, Accuracy in Media. Onlien: http://snipurl.com/21h4x [www_aim_org], February 15, 2008.
(17) Crimes of Wars, A-Z Guides, Online: http://snipurl.com/21hua [www_crimesofwar_org], February 15, 2008.
(18) Online: http://snipurl.com/21huu [ehistory_osu_edu], February 15, 2008.
(19) Perils of Dominance: Imbalance of Power and the Road to War in Vietnam, by Gareth Porter, University of California Press, 368 pages, $27.50. Reviewed by Stephen J. Morris. Online: http://snipurl.com/21ihz [www_feer_com], February 15, 2008.
(20) Nghe phỏng vấn ông Bùi Tín. Nguyễn Hùng, BBC Tiếng Việt, 24/01/2008. Online: http://snipurl.com/21hr6 [www_bbc_co_uk], February 15, 2008
(21) “Information on the victory of our armed forces in Huê from 31 January to 23 March 1968” (CDEC Doc Log No. 05-1131-68) Online: http://snipurl.com/21hrc [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008.
(22) Nineteen Sixty-Eight (Vietnam Experience), Stephen Weiss, Clark Dougan, Boston Publishing Company, p11
(23) General Offensive 1968-69, Hoang Ngoc Lung, General Research Corporation, Mclean Virginia, 27 June 1978, p33. Online: http://snipurl.com/21hre [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008; http://snipurl.com/21hrh [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008; http://snipurl.com/21hrk [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008.
(24) Sđd, p38
(25) Sđd, p43
(26) Nineteen Sixty-Eight (Vietnam Experience), p66
(27) The Tet Offensive: Politics, War, and Public Opinion. Schmitz, David F, Westport CT: Praeger, 2004. p 58
(28) Nineteen Sixty-Eight (Vietnam Experience), p66
(29) Vietnam: A History, Karnow, Stanley. New York: Penguin, 1991. ISBN 0-670-84218-4hc, p514
(30) Useful Idiots, How liberals get it wrong in the cold war and still blame America first, Mona Charen, Regnery Publishing, February 2003, p33-4.
Lược dịch:
“Máy thu hình TV của chúng ta đã ghi lại một số – không phải là tất cả, chỉ một số – thảm cảnh mà chiến tranh đã đem đến Việt Nam. Tôi cũng nhớ, chúng ta cũng đã tường trình về một số hình ảnh làm vỡ tan ảo tưởng chiến tranh...
Một chính quyền tham nhũng, bất lực, không được ủng hộ mà chúng ta đã cam kết ủng hộ.
Một quân đội đồng minh thường không thích chiến đấu.
Một kẻ địch thủ đoạn, quyết tâm hiến dâng tất cả cho cuộc đấu tranh bất kể thiệt hại.
Và những dối trá, sai phạm của chính các nhà lãnh đạo của chúng ta vì sự sinh tồn trong chính trường đã phải tô son cho cuộc chiến ngay cả lúc tinh thế đã quá bi đát.”

(31) Từ Bush đến Nhất Hạnh và Lê Dũng, Trần Giao Thủy, DCVOnline, 09/05/2007.
“... I heard about the bombing of Ben Tre city. The city of 300,000 was destroyed. The city of 300,000 was destroyed because seven guerrillas shot several rounds of unsuccessful anti-aircraft gunfire and then left...” Trích Embracing Anger, an evening of peace and healing with Thich Nhat Hanh at the Riverside Church, New York, September 25th, 2001 7 p.m. Riverside Church, 91 Claremont Ave., New York City.
“...we learned of the bombing of the Bentre village in Vietnam, where 300,000 homes were destroyed, and the pilots told journalists that they had destroyed the village in order to save it...” Trích What I Would Say to Osama bin Laden?, Zen monk Thich Nhat Hanh talks about how listening is the first step towards peace; Interview by Anne A. Simpkinson Beliefnet.com October 2001.
Về cuộc tấn công của Việt Cộng vào Bến Tre rạng ngày 31 tháng giêng 1968, Dan Southerland, viết cho UPI đăng ở tờ “The Guardian”, London: Khoảng 1000 thường dân, kẹt giữa hai lằn đạn, thiệt mạng trong cuộc chiến giữa Việt Cộng và Mỹ, gấp đôi số thương vong của quân lính hai bên – “About a thousand civilians caught in the fighting between the Viet Cong and Americans were killed – twice the number of dead suffered by both the armies combined” (Trích Vietnam Diary 7: Return to Ben Tre, 26/08/2005). Online: http://snipurl.com/21hs3 [www_rfa_org], May 1, 2007.
Theo Peter Brush, trong bài “Significance of local communist forces in post-Tet Vietnam, The Journal of Third World Studies”, Mùa Thu 1998: Thị xã Bến Tre (tỉnh Kiến Hoà) có khoảng 140.000 dân trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Online: http://snipurl.com/21hs9 [www_library_vanderbilt_edu], ], May 1, 2007.
(32) Nhớ về Tết Mậu Thân năm 1968, Trần Viết Hoàn, Vietnam.Net, 31/01/2008. Online: http://snipurl.com/21hse [vietnamnet_vn], February 15, 2008.
(33) Gần 10.000 người tham gia mittinh kỷ niệm Xuân Mậu Thân, P. Cường, VietnamNet, 01/02/2008. Online: http://snipurl.com/21hsg [vietnamnet_vn], February 15, 2008.



No comments:

Post a Comment

View My Stats