Thanh
Phương – RFI
Thứ hai 04 Tháng Hai 2013
Lần đầu tiên một công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt về
Hội Tam Điểm ở Việt Nam và những thành viên người Việt đầu tiên của hội này sắp
được xuất bản tại Pháp vào khoảng đầu tháng 2/2013. Cuốn sách có tựa đề: “
Hội Tam Điểm với những đóng góp của các thành viên Việt Nam đầu tiên trong công
cuộc giải phóng thuộc địa và bảo tồn văn hóa ngôn ngữ dân tộc” (Les
Franc-maçons au Vietnam), (The Story of freemasons in Vietnam).
Tác giả cuốn sách này là tiến sĩ văn chương Trần Thu
Dung, hiện sống tại Paris. Cuốn sách được phát hành bởi một nhà xuất bản vừa
mới ra đời tại Paris, đó là Nhà xuất bản SÁNG.
Tiến sĩ Trần Thu Dung từng là tác giả của công trình
nghiên cứu “Đạo Cao Đài và Victor Hugo”, đồng thời là một nhà nghiên cứu văn
hóa đối chiếu và nhà thơ. Để viết cuốn sách về Hội Tam Điểm ở Việt Nam, bà Trần
Thu Dung đã bỏ nhiều năm để tra cứu các tài liệu quý hiếm của các Hội Tam Điểm
và của nhiều thư viện Pháp, cũng như phỏng vấn một số người có liên quan.
Như lời giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch
Hội Interface Francophone Paris và cũng là giám đốc Nhà xuất bản SÁNG, những
thành viên người Việt đầu tiên của Hội Tam Điểm đã biết “ vượt qua nhiều khó
khăn của hoàn cảnh, kiên nhẫn và tương kế tựu kế, tích cực tham gia vào việc
bảo tồn văn hóa dân tộc và phong trào giành độc lập, tự do và dân chủ cho nhân
dân và đất nước”, trung thành với những giá trị của Hội Tam Điểm : tự do, bình
đẳng, tình huynh đệ bác ái, bốn biển đều là anh em.
Cũng xin nói thêm là tác giả Trần Thu Dung đã muốn cuốn
sách của bà được xuất bản ở Việt Nam, nhưng cho tới nay vẫn không được cấp giấy
phép. Nhân dịp cuốn sách về Hội Tam Điểm ở Việt Nam sắp ra mắt độc giả, RFI
Việt ngữ đã phỏng vấn tác giả Trần Thu Dung.
.
.
RFI : Xin chào tiến sĩ Trần Thu Dung, trước hết xin bà nói sơ sơ lược vài nét về lịch sử của Hội Tam Điểm nói chung và Hội Tam Điểm Pháp ?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Hội Tam Điểm mang tính chất huyền bí, nên nhiều chi tiết nguồn gốc cũng
mang tính huyền thoại. Hội xuất hiện ở châu Âu vào cuối thế kỷ 17. Thời trung
cổ, Giáo hội và nhà vua là hai thế lực mạnh nhất. Những người kiến trúc xây
dựng đền đài cung điện, nhà thờ luôn được nhà vua và Giáo hội ân sủng cho hành
nghề tự do. Họ thành lập những hội đoàn sinh hoạt riêng lấy tên những người thợ
xây tự do ( tiếng Pháp là Franc Maçonnerie). Sau này hội mở rộng thu nạp những
người xuất sắc trên mọi lĩnh vực.
Tam Điểm là cách gọi sáng tạo thông minh của người Việt
dựa trên ba dấu chấm trong các văn bản chữ ký của các bậc đại sư. Ba chấm thể
hiện ba góc hình tam giác tượng trưng sự hoàn hảo -có nghĩa là ba cấp bậc (Tập
sự - Thợ - Thầy), cả ba đều đóng vai trò chủ thể như nhau trong việc tạo dựng
thế giới và ba tiêu chí “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Tất cả mọi cấp bậc đều
bình đẳng dù ở góc độ nào. Cách dịch Tam Điểm vừa mang tính chất huyền bí vừa
mang đúng ý nghĩa của hội.
Tự do, công bằng, huynh đệ bác ái là khát vọng muôn thuở
của con người, trở thành ba nguyên tắc chính của hội và trong hiến pháp của
nước Pháp. Ba điểm chính là đòn bẩy để thu hút tất cả mọi người, mọi nơi, mọi
chính kiến khác nhau, đến với nhau trong hội. Hội trở thành một hội triết lý và
bác ái.
Các biểu tượng phong phú và đa dạng như mắt, ê ke, thước
thợ, compas, kim tự tháp của hội dựa trên chân lý ham muốn hiểu biết. Sự hiểu
biết giúp con người tự giải phóng cho chính bản thân mình ra khỏi sự lệ thuộc.
Nhiều người nhầm lẫn, đồng hóa Tam Điểm với tôn giáo. Tam Điểm không phải tôn
giáo, cũng không phải là một đảng phái.
Thành viên của hội Tam Điểm được quyền tham gia bất kỳ
tôn giáo nào và sinh hoạt bất kỳ ở tổ chức chính trị nào mà họ thấy phù hợp vì
quan điểm của hội là tôn trọng sự nhận thức của mỗi cá nhân. Song hội là một
hội kín không mở rộng cửa như các nhà thờ nên nhiều người nghĩ nhầm là một hình
thức giáo phái.
Hiện nay hội Tam Điểm ở Anh và Pháp có ảnh hưởng mạnh
nhất trên thế giới. Số lượng người theo hội trên thế giới không đông, nhưng họ
lại nằm trong bộ máy chính của chính quyền nhà nước và nắm chức vụ lớn trên mọi
lĩnh vực. Nhiều đời Tổng thống Mỹ, Pháp, thủ tướng, bộ trưởng, nhà văn nổi
tiếng trên thế giới là thành viên của hội như Washington, Lincoln, Churchill,
Allende, Napoléon; Voltaire, Montesquieu, Kipling, Pouskin, …; Tóm lại, hội thu
hút được nhiều thành phần ưu tú trong xã hội.
RFI : Vậy thì Hội Tam Điểm Pháp đã đến Việt Nam như
thế nào và đã có tác động ra sao trong chính sách khai hóa thuộc địa?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Nhiều sĩ quan, giáo chức và công chức Pháp cao cấp phục vụ tại Việt Nam là
thành viên Tam Điểm. Việc thành lập chi hội trực thuộc ở Đông Dương là sự thiết
yếu để các thành viên Tam Điểm có điều kiện sinh hoạt tiếp tục và phát triển
hội viên mới. Hội gắn liền với thời kỳ hoàng kim của nước Pháp với các thuộc
địa. Nhiều nhân vật quan trọng trong Bộ Thuộc địa là thành viên Tam Điểm, nên
sự có mặt công khai của hội ở Đông Dương là điều hiển nhiên để phô trương thế
lực.
Hội gắn chặt với sự phát triển thuộc địa Pháp và chính
sách thực dân. Do đó chính sách khai hóa thuộc địa của hội chính là chính sách
của chính quyền thuộc địa. Nhân danh đi khai sáng văn minh, và nhân danh nước
Pháp« tự do, bình đẳng, bác ái », ở Việt Nam, họ đã đóng góp trong việc mở các
trường học, xóa bỏ kỳ thi kiểu ảnh hưởng Tàu, báo chí, nhà in, kiến trúc, xây
dựng, phát triển chữ quốc ngữ, ...
Tất nhiên các thành viên Tam Điểm Pháp không bao giờ quên
quyền lợi của họ khi đến khai phá thuộc địa (như các đồn điền cà phê, cao su,
nhà máy xi măng, thuế, thuốc phiện, rượu... đã đem lại cho nước Pháp và cho
chính họ một lợi nhuận đáng kể).
RFI : Ai là các nhân
vật nổi tiếng trong số những thành viên Việt Nam đầu tiên của Hội Tam Điểm ?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Có thể nói họ đều là những người xuất sắc thành công trong xã hội trong
nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, tôn giáo như Nguyễn Văn Vĩnh, Vua Duy Tân,
Nguyễn Ái Quốc, Bùi Quang Chiêu, Tạ Thu Thâu, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Hoàng
Mịnh Giám, ... Một phần lớn được kết nạp tại Pháp khi du học.
Trường hợp đặc biệt nhất thể hiện tài năng xuất chúng là
Nguyễn Văn Vĩnh, ông xuất thân từ nhà nghèo, không đi du học Pháp, chỉ được mời
sang triển lãm hội chợ Đông Dương (1908), ông được mời ở lại thêm hơn hai tháng
nhằm mục đich kết nạp ông vào hội Tam Điểm, vượt qua một số quy chế ngặt nghèo
của hội và những rào ngăn cản ở Đông Dương khi kết nạp người bản xứ. Lúc đó hội
chưa kết nạp người Việt Nam tại bản địa.
RFI : Ông Nguyễn Ái Quốc tại sao được vào hội Tam
Điểm, và sau đó ông lại theo Cộng sản ?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Nguyễn Ái Quốc thời kỳ qua Pháp, ông tuy chỉ là thợ sửa ảnh (tức là sửa lại
cho đẹp, chứ không phải thợ rửa ảnh) nhưng được kết nạp vào hội Tam Điểm, vì
ông Nguyễn Ái Quốc lúc đó là quen Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường... những
người sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp và đang làm việc tại Pháp. Cùng một lý
tưởng « giải phóng thuộc địa », lòng yêu nước đưa họ xích lại gần nhau.
Nguyễn Thế Truyền và Phan Văn Trường
và các huynh đệ thành viên TĐ đã thấy khả năng tiềm ẩn trong NAQ, NAQ cũng vốn
xuất thân từ gia đình nhà nho, do đó họ đã giới thiệu NAQ vào hội. NAQ nhận
thấy hội TĐ là một tổ chức mang tư tưởng tiến bộ và có tinh thần bác ái huynh
đệ, nên NAQ xin tham gia năm 1922.
Nhưng Tình huynh đệ bác ái thực sự không thể có được giữa
người bị áp bức, và người áp bức, giữa người đi thực dân và người bị đô hộ, nên
năm 1923, với khát vọng giải phóng thuộc địa, ông đã sang Nga tìm hiểu về Cộng
sản khi ông thấy cách mạng Nga thành công rực rỡ vào năm 1917.
Qua Nga, NAQ đã nhận thấy chỉ có con đường CS mới giải
quyết được vấn đề giải phóng thuộc địa. Đảng CS mới thu hút mọi tầng lớp xã
hội. Giải phóng thuộc địa là phải giải phóng toàn bộ những người bị áp bức.
Trong khi hội Tam Điểm chỉ kết nạp những thành viên xuất sắc của xã hội.
Do đó, NAQ với khát vọng giải phóng thuộc địa, ông đã
chọn con đường Cộng sản. Giải phóng thuộc địa, giành độc lập là khát vọng chung
của cả dân tộc. Nhiều trí thức công chức Việt Nam thời đó cùng chung khát vọng
đã lên rừng tham gia Việt Minh kháng chiến giành độc lập trong đó có một số
thành viên Tam Điểm như Cao Triều Phát, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Minh Giám...
RFI : Các thành viên Việt Nam Hội Tam Điểm đã có những
đóng góp gì vào công cuộc bảo tồn văn hóa và giải phóng thuộc địa?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, họ đã dám vượt lên trên được ý thức tư
tưởng hệ ngoại lai, tham gia hội với khát vọng mở mang dân trí và giải phóng
thuộc địa. Đó là một trong những mưu kế để bảo tồn dân tộc. Khi những Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh, bị Pháp vô hiệu hóa bắt giam và Hoàng Hoa Thám, Nguyễn
Thái Học, Nguyễn Trung Trực bị giết, họ đã ý thức được phải vào hội và nhân
danh « Bình đẳng, tự do, huynh đệ bác ái,» đòi độc lập khi VN chưa đủ khả năng
về quân sự, nếu chống lại, nổi loạn đất nước sẽ bị diệt vong xóa sổ như Inca.
Đóng góp đầu tiên của những thành viên VN TĐ chủ yếu
trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa và ngôn ngữ dân tộc qua báo chí, mở
trường. Văn hóa và ngôn ngữ dân tộc chính là một vũ khí để giành độc lập. Phạm
Quỳnh nói một câu nổi tiếng« Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, Tiếng Việt còn là
nước ta còn ».
Họ đã mở mang dân trí bằng con đường dịch các tác phẩm
mang tư tưởng tự do, nhân đạo, dân chủ đặc biệt thời kỳ ánh sángcủa Pháp ra
tiếng Việt, giới thiệu, dịch một số tác phẩm VN ra chữ quốc ngữ, và tiếng Pháp.
Với tinh thần ái quốc, họ lập đảng, lập hội, lập đạo để
thu hút mọi tầng lớp tham gia. Qua báo chí, họ khơi dậy tinh thần ái quốc và
thổi luồng tư tưởng đòi tự do độc lập. Tên các tờ báo mà họ làm chủ bút, hoặc
phụ trách thể hiện tinh thần ái quốc và khát khao giành độc lập : Tiếng vọng An
Nam, Đông Dương hành động ,Việt Nam hồn, Phục quốc, An Nam Mới. Tương lai Bắc
kỳ. Đuốc nhà Nam, Phục sinh,...
Thời Pháp thuộc việc tham gia các tổ chức chính trị đấu
tranh bài trừ thực dân, đòi dân chủ không phải là đơn giản. Trong tình thế bắt
buộc, họ đã chọn con đường thỏa hiệp để chờ thời cơ. Dựa trên tình huynh đệ bác
ái, tự do bình đẳng, họ đã lập Đảng, lập hội như Đảng Lập hiến, Đảng Lao động,
- Đảng Việt Nam Độc lập.- Hội hỗ trợ những người Đông Dương - Hội Khai trí Tiến
Đức, ..
Một số thành viên chọn con đường hòa bình khác bằng cách
lập đạo. Đạo Cao
Đài thu hút nhiều trí thức và 2 triệu tín đồ, tồn tại đến tận ngày nay vì lý
tưởng cao đẹp "Hòa hợp tôn giáo, hòa hợp Đông Tây, hòa hợp mọi dân
tộc". Ngô Văn Chiêu sáng lập viên đầu tiên của đạo Cao Đài và Lê Văn Trung
giữ chức Giáo tông đều là thành viên TĐ. Nói chung họ tham gia các hoạt động
chính trị với tinh thần ái quốc. Một số đã tham gia Việt minh giành độc lập.
RFI : Để viết công trình
nghiên cứu này, bà đã thu thập tài liệu, chứng cứ từ những nguồn nào ?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Tài liệu thu thập rất đa dạng. Tài liệu chính là kho lưu trữ văn khố của
hội Tam Điểm tại Paris và qua phỏng vấn gia đình và các chức sắc Cao Đài trong
và ngoài nước.
Khó khăn chủ yếu là kiểm chứng tài liệu. Nhiều tài liệu
bị đốt, thất thoát khi chính phủ Vichy cấm hội kín hoạt động. Tài liệu quá cũ,
vàng ố, tên tiếng Việt do người Pháp ghi chép sai, không dấu, hoặc ngược lại,
tên người Pháp phiên âm sai qua tiếng Việt. Nhiều tài liệu không chính xác hoặc
che giấu sự thật.
Khó khăn thứ hai, khi phỏng vấn và xin tài liệu. Một số
né tránh vì vấn đề tế nhị. Có chức sắc Cao Đài rất nhiệt tình giúp nhưng bảo
tôi hãy thề « không nói xấu đạo », tôi đã hứa « tôi chỉ viết đúng như tài liệu
và sẽ kiểm chứng ở mức độ văn bản cho phép».
Tất nhiên, trong quá trình đó, có thể có sai sót, tôi
mong tất cả bạn đọc, gia đình con cháu họ hãy giúp tôi hoàn chỉnh bổ sung khi
có dịp tái bản cuốn sách.
RFI : Khi cho phát hành cuốn sách này, mong muốn của
bà là gì ?
Tiến sĩ Trần Thu Dung : Cuốn sách mang hai thông điệp : Hãy nhìn lại khái niệm yêu nước. Thánh
Gióng nằm yên câm không đồng nghĩa là Gióng không yêu nước. Sự im lặng thể hiện
khát vọng hòa bình với các nước láng giềng, với kẻ thù.
Thỏa hiệp không đồng nghĩa là chấp nhận, là đầu hàng và
không yêu nước. Hoàn cảnh không cho phép, sức yếu buộc một số người phải im
lặng, hoặc phải thỏa hiệp đề cứu dân bằng cách giáo dục dân trí và đòi tự trị
bằng con đường không bạo động.
Thời kỳ Pháp thuộc, nhiều trí thức Việt Nam như thánh
Gióng, đã thức tỉnh. Lòng ái quốc tiềm ẩn trỗi dậy thể hiện rất đa dạng và
phong phú. Ông cha chúng ta đã thông minh tương kế tựu kế, hợp nhau lại để
giành độc lập. Chúng ta theo gương ông cha phải giữ lấy độc lập và bảo vệ toàn
vẹn lãnh thổ.
Dù theo đảng nào, tư tưởng nào, Việt Nam nghèo, hay bị
mất nước, là người Việt Nam chúng ta đều xấu hổ. Hãy xóa bỏ hận thù, vì lợi ích
dân tộc, người Việt Nam hãy liên minh để bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam
tự cường và hạnh phúc như khát vọng của ông cha và khát vọng chung của toàn
người Việt Nam trên quả địa cầu. Chiến tranh không ai ca ngợi, không ai muốn
tham gia, nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ nước, giành độc lập dưới mọi hình thức
đều đáng khâm phục và xứng đáng ca ngợi.
Thông điệp thứ hai mong người Việt Nam dù ở đâu trên trái
đất theo gương ông cha luôn ý thức bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Đó là
một vũ khí để bảo vệ tổ quốc bằng con đường hòa bình và cao sang. Hiện nay
tiếng Việt mà ông cha chúng ta bao công sức bảo tồn cũng như nhiều ngôn ngữ
khác trên thế giới có xu hướng bị tiếng Anh áp đảo.
Các chương trình phát trên vô tuyến Việt Nam xen rất
nhiều tiếng Anh, trong khi tiếng Việt rất phong phú để diễn đạt. Hòa đồng cùng
thế giới không có nghĩa xóa bỏ ngôn ngữ dân tộc. Thế giới đa sắc màu, như hoa
đa sắc. Bản sắc dân tộc sẽ làm phong phú sự đa dạng trên thế giới và một hình
thức bảo vệ độc lập.
Nhân đây, tôi xin trân trọng cám ơn Giáo sư Nguyễn Thái
Sơn, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, hiệp hội Interface Paris, nhà xuất bản « Sáng » với
mục đích vì phát triển văn hóa, ngôn ngữ dân tộc và nâng cao dân trí đặc biệt ở
Việt Nam, vì một lý tưởng cao đẹp « thế giới huynh đệ bác ái » đã nhiệt tình
ủng hộ cho cuốn sách ra đời, và cám ơn đài RFI đã giúp giới thiệu cuốn sách này
đến bạn đọc.
RFI : Xin cám ơn tiến sĩ
Trần Thu Dung.
No comments:
Post a Comment