Ngô Nhân Dụng
Tuesday,
February 19, 2013 6:52:07 PM
Trước
đây một phần tư thế kỷ, nhà văn Lưu Quang Vũ đã dựng màn kịch cảnh trên thiên
đình, hai ông Nam Tào, Bắc Ðẩu bàn chuyện dưới trần gian, một ông nói: “Hạ giới
chúng nó đã hết sợ từ lâu rồi, ông ơi!” Tưởng tượng vào thời đó, câu đối thoại
này được nói lên trên sân khấu Nhà Hát Lớn, khán giả thay mặt cho dân Hà Nội
chắc phải vỗ tay sảng khoái!
Quả
thật, dân Việt Nam đã “hết sợ” từ lâu. Người dân đã nhìn thấy “Vua Chèo còn
chẳng ra gì! Quan Chèo một lũ khác chi thằng hề!” Nhưng thời Lưu Quang Vũ còn
sống, nói “hết sợ” chỉ có nghĩa là người dân đã biết các vị thần thánh đã hết
linh thiêng. Ðám dân hạ giới vẫn phải bái lễ các pho tượng trên ban thờ, ngày
sóc vọng vẫn phải cúng xôi chè. Nhưng trong bụng họ biết những pho tượng đó
cũng chỉ lấy đất bùn nặn lên mà thôi. Dân biết thần thánh hết thiêng, vì những
khẩu hiệu, những nghị quyết, chỉ tiêu mà các lãnh tụ hô to không đưa tới một
kết quả thực tế nào, mà nội dung cũng rỗng tuếch. Giống như những ông đồng bà
cốt làm bộ phù phép, yểm bùa, nhưng con bệnh vẫn bị ma tru, quỷ ám; làm sao ai
tin được?
Biết
thần thánh hết thiêng; nhưng bọn ông đồng bà cốt vẫn nắm quyền nhà nước kiểm
soát nồi cơm, chĩnh gạo của mọi người; công an khu vực vẫn tự do bước vô cửa
nhà dân “kiểm tra” bất cứ lúc nào, không ưa ai thì mời lên “làm việc.” Cho nên
người dân biết sự thật mà vẫn phải giả bộ tin những trò thờ cúng giả dối. Ðến
ngày đến giờ vẫn phải hô khẩu hiệu, hoan hô, đả đảo theo lệnh những cái loa
phóng thanh. Trong tình cảnh đó, dù đã hết sợ những người dân cũng chỉ dám đưa
ra những câu ám chỉ bóng bẩy, có bạo miệng cũng chỉ dám nói như nhà viết kịch
Lưu Quang Vũ cũng là bạo lắm rồi. Chưa ai dám gọi thẳng tên những vua chèo và
quan chèo mà mắng vào mặt.
Bây
giờ thì khác. Bây giờ người ta không ngần ngại chỉ thẳng vào mặt các vai vua
quan đang vẽ mặt bôi hề diễn những vở tuồng nhạt nhẽo trên sân khấu; trong vẫn
khi cấu xé nhau giành từng miếng xôi, miếng thịt trong hậu trường. Dân đã thấy
các vai hề đâm sau lưng nhau không gớm tay. Cho nên dân Việt đã hết sợ từ lâu,
nay càng bạo hơn nữa.
Có
người mới vạch ra mấy dòng chữ do đồng chí Ếch viết sai chính tả để bắt bẻ; đưa
lên mạng với hình ảnh làm bằng. Nhân đó, trưng bày cho cả nước trông thấy trình
độ học vấn của ông thủ tướng chưa bằng các em tiểu học. Việc đem mấy lỗi chính
tả ra bêu riếu càng chứng tỏ rằng: “Chúng tôi hết sợ rồi!” Nói kiểu Hà Nội, là
“Ông đ...ch sợ đứa nào cả!” Khi chính các vua chèo và quan chèo cũng day tay
mắm miệng chỉ mặt chửi nhau trước công chúng, thì làm sao cấm được đám khán giả
không làm theo? Bài chỉ trích được tung lên mạng, lan truyền rất nhanh, trong
nước và cả bên ngoài. Cả nước chê cười đồng chí Ếch dốt chữ Việt.
Nhưng
vụ bắt bẻ lỗi chính tả này có nhiều điều khả nghi.
Thứ
nhất, đây là một lỗi nhỏ. Một lỗi lầm có thể tha thứ được. Ðem phơi bày một lỗi
lầm nhỏ ra, có thể làm lạc hướng dư luận, khiến mọi người cười vui chế nhạo,
rồi quên những tội lỗi tày đình. Viết chính tả sai thì có gì đáng bắt bẻ, so
với tình trạng bao nhiêu công ty quốc doanh làm mất hàng chục tỷ đô la năm này
sang năm khác? Viết sai dấu hỏi, dấu ngã thì có gì đáng kể, so với những vụ
Vinashin, Vinalines? Khi gạo, mắm tăng giá hàng chục phần trăm mỗi năm, thì dù
viết Tỷ lệ lạm phát với chữ Tỷ (dấu hỏi) hay chữ Tỹ (dấu ngã), thằng dân cũng
khốn khổ như nhau! Những vụ ăn cắp hàng tỷ Mỹ kim thì viết là “tham nhũng” hoặc
“tham nhủng” có làm cho số tiền mất thay đổi hay không?
Vạch
lỗi đồng chí Ếch không viết thông chữ Việt có thể gây phản ứng có lợi cho chính
người bị chỉ trích. Nhiều phản ứng còn có thể gây hậu quả nặng nề, là gây chia
rẽ địa phương. Mà nếu dư luận bị chia rẽ, tạo ra xung đột trong dân tộc Việt
Nam vào lúc này, thì chỉ có đảng Cộng sản Việt Nam được lợi, trong đó có đồng
chí Ếch.
Lỗi
chính tả vì phát âm sai thì người bình thường vẫn phạm, nhiều người cầm bút
chuyên nghiệp cũng khó tránh. Ai cũng biết người miền Bắc hay viết lầm, vì phát
âm những phụ âm đầu “d, gi, và r” hoặc “s và x” giống nhau. Như một ca sĩ miền
Bắc cứ hát “Người đã đi dồi” chứ không chịu hát “đã đi rồi!” Người miền Nam
thường nhầm lẫn dấu hỏi, dấu ngã; hoặc những phụ âm cuối “n, ng.” Kim tuyến thì
viết ra kim tiếng.
Cho
nên khi ai bị chế nhạo vì viết sai những chữ “dũ dượi,” hoặc “xạch xẽ” thì có
thể đoán người phạm lỗi chính tả này sinh trưởng ở miền Bắc. Ngược lại, một
người bị chỉ trích vì viết thành “rủ rượi” hay “sạch sẻ” thì chắc sinh ra ở
trong Nam cho nên hay lầm dấu hỏi, dấu ngã.
Thầy
giáo, cô giáo sửa lỗi chính tả cho học sinh, bạn bè chỉ cho nhau, thì không
sao. Nhưng khi đem lỗi viết sai chính tả của một người ra bêu riếu trước công
chúng, thì có thể chạm tự ái người ta. Khi có những lỗi mà ai cũng biết là cố
tật của nhiều người, thì tất cả những người hay phạm lỗi đều cảm thấy thương
cảm người bị đem ra chế nhạo, vì một lỗi giống như mình hay phạm. Những người
miền Bắc hay viết “dũ dượi” hoặc những người miền Nam viết sai hỏi, ngã, sẽ
biểu lộ tình liên đới với người bị chỉ trích chỉ vì cách viết sai giống mình.
Chưa hết, họ có thể cảm thấy chính họ đang bị đem ra chế nhạo!
Vì
thế, vạch ra những lỗi viết sai chính tả của ông Nguyễn Tấn Dũng, và dư luận
đem lỗi lầm đó ra phê phán, chế nhạo có thể gây ra những phản ứng chia rẽ người
miền Nam với người miền Bắc. Ðồng chí Ếch sẽ có ngay một số người ủng hộ vô
điều kiện, mà không cần phải chia chác đồng nào cả! Những cuộc tranh chấp xôi
thịt trong nội bộ đảng có thể biến thể, trở thành một cuộc xung đột vì phân
biệt địa phương. Khi người ta cố tình khai thác óc kỳ thị địa phương thì hậu
quả rất tai hại cho nước Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẽ không vì chuyện này mà
chia rẽ Nam Bắc. Nhưng chỉ cần gây ra tình tự chia rẽ trong một thiểu số, trong
một thời gian ngắn, cũng đủ tai hại rồi.
Vì
những xung đột vì óc kỳ thị địa phương sẽ khiến mọi người chỉ chú ý đến các
ganh ghét, đố kỵ sôi nổi nhưng rất nhỏ bé, họ sẽ quên mất vấn đề nào thật sự là
quan trọng đối với tương lai nước Việt Nam. Trong lúc các nước láng giềng đều
phục hồi kinh tế sau cơn khủng hoảng, nước mình chìm đắm trong nguy cơ thụt
lùi, thì chuyện một ông thủ tướng viết sai chính tả có đáng đem ra nói hay
không? Trong lúc người “đồng chí anh em” phía Bắc đem máy bay tầu thủy ra hung
hăng đe dọa, thì có còn thời giờ để dạy dỗ các ông lãnh tụ viết chữ Việt đúng
hơn hay không?
Người
Việt Nam suy nghĩ sẽ thấy không nên làm lớn chuyện một ông thủ tướng viết sai
chính tả. Ở Mỹ, một ông tổng thống hay nói nhịu, có khi nói sai, mà không ai
làm lớn chuyện; là ông W. Bush. Có lần tuyên bố trước công chúng chủ trương của
chính phủ Mỹ về việc thành lập nước Palestine, ông Bush đã nói nhầm chữ
“contiguous” ra “continuous.” Bộ Ngoại Giao Mỹ dùng chữ contiguous, chỉ có
nghĩa là các mảnh đất thuộc nước Palestine ở gần nhau. Ông Bush nói continuous,
biến ra nghĩa là các mảnh đất này phải nối liền với nhau. Dư luận Israel bùng
nổ. Giới ngoại giao và Tòa Bạch Ốc ở Mỹ phải đính chính lời ông Bush và minh
xác lại chủ trương. Nhưng không nhà chính trị đối lập nào đem lỗi lầm đó ra chỉ
trích ông Bush.
Vạch
ra những lỗi chính tả của đồng chí Ếch chỉ có lợi cho chính ông ta. Nó cũng
đánh lạc hướng dư luận, không nhìn thẳng vào thực trạng cả đảng Cộng sản đang
tan rã. Cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng không hề nêu lên một điều nào khác
biệt về tư tưởng. Vì thật sự tư tưởng của họ đang trống rỗng. Cũng không có
những bất đồng ý kiến về chính sách, đường lối. Họ cùng theo một chủ trương là
bảo vệ các độc quyền chính trị, kinh tế, để chia chác lợi lộc cho đám đàn em.
Trong lúc tranh giành cấu xé nhau, đám lãnh tụ chóp bu đã hết chuyện để nói
rồi, cho nên mới tạo dư luận chỉ trích nhau về chữ viết sai chính tả. Người
Việt chịu suy nghĩ một chút sẽ thấy không nên để bị đánh lạc hướng.
No comments:
Post a Comment