Chân Như, phóng viên RFA
2013-02-06
TS Nguyễn Quốc Quân,
một người Mỹ gốc Việt bị Việt Nam trục xuất hồi tháng trước, ngoài chuyện được
tự do ra khỏi nhà tù, ông còn mang theo được lá thư của một tù nhân lương tâm
nổi tiếng khác tại Việt Nam là blogger Điếu Cày sang Mỹ.
Đài Á Châu Tự Do hỏi
chuyện Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân xung quanh lá thư của blogger Điếu Cày. Mời quý
vị cùng theo dõi.
Đơn kháng án của
Blogger Điếu Cày gửi TS Nguyễn Quốc Quân chuyển ra ngoài.
Chân Như: Lời đầu tiên xin
gởi lời chào đến TS Nguyễn Quốc Quân. Xin ông có thể cho khán thính giả của Đài
Á Châu Tự Do biết là ông đã nhận được lá thư của blogger Điếu Cày trong trường
hợp nào?
TS Nguyễn Quốc Quân
:
Chào Chân Như. Kính chào quý vị khán thính giả của Đài RFA. Tôi nhận được cái
thư của anh Điếu Cày, thứ nhất là anh Điếu Cày nhập vào Trại B-34 từ nơi khác
đến vào ngày 23 tháng 9. Ảnh vào B-34 để mà chuẩn bị ra tòa về vụ Câu Lạc Bộ
Nhà Báo Tự Do, và anh Điếu Cày ở đó được khoảng chừng gần 2 tuần cho nên có cái
cơ hội anh em thò miệng ra ngoài cửa sổ để nói chuyện với nhau. Tôi quen giọng
anh Điếu Cày cho nên nghe giọng thì cũng nhận ra ảnh là anh Điếu Cày. Và những
người tù bên cạnh khi ảnh đi ngang qua thì thấy mặt và họ bảo đó chính là anh
Điếu Cày.
Khi
nhận được thủ bút của anh Điếu Cày thì tôi mới dám nghĩ rằng 99% người viết
chính là anh Điếu Cày, nhưng mà qua tính khí khái của những lời lẽ mà ảnh nói
thì quả thật tôi cho rằng tôi rất là may mắn được giao lưu, tức là trò chuyện với
anh Điếu Cày xuyên qua lỗ cửa sổ.
Tôi
ở Phòng 14 còn anh Điếu Cày ở Phòng 16, tức là chỉ cách nhau một phòng thôi. Đó
cũng là một điểm rất là lạ mà chúng tôi, tôi và Điếu Cày cũng có bàn với nhau
là không biết tại sao họ lại để cho hai người tù chính trị ở sát với nhau như
thế.
Chân Như : Như theo lời ông
kể thì có nghĩa là ông bị giam chung nhà tù với blogger Điếu Cày. Ngoài việc
giao lưu qua lại qua lỗ cửa sổ, vậy còn cơ hội gặp mặt với blogger Điếu Cày
trong tù thì sao ạ?
TS Nguyễn Quốc Quân
:
Về gặp mặt thì không thể gặp mặt rồi, và ngay cả lúc tôi đi “làm việc”, theo
cái nghĩa là đi ra ngoài để điều tra, hay là anh Điếu Cày đi ra ngoài để dự
phiên tòa đó, thì cũng không bao giờ đi ngang phòng nhau, do đó cũng không có
cơ hội để nhìn thấy mặt nhau. Nhưng mà sau khi ảnh vào rồi ảnh trò chuyện với
người bên cạnh thì người bên cạnh mới bảo là có anh Nguyễn Quốc Quân. Cho nên
chúng tôi đã lên tiếng với nhau để làm quen và nói chuyện với nhau.
Chúng
tôi mỗi lần nói chuyện, vì chỉ cách có một phòng thôi nên gần nhau, cho nên
chúng tôi có thể nói chuyện một cách trực tiếp, nghĩa là chỉ cần nói to lên
thôi là phòng bên cạnh có thể nghe được.
Trong
những giờ cửa mở, khi cửa mở thì chúng tôi ra cái hàng rào để mà có chỗ tắm,
mặc dù không thể nhìn mặt nhau và mặc dù khoảng cách vẫn nhất định như vậy,
nhưng mà mình có thể nói lớn và nói xuyên qua cái hàng rào để mà nghe được. Đó
là cơ hội để mà nói chuyện. Và ở trong tù thỉnh thoảng người ta vẫn hát cho
nhau nghe vào ban đêm. Người này hát, người kia hát, chẳng hạn như hôm đó, hai
hôm sau anh Điếu Cày có hát bản “Tự Do”, còn tôi thì tôi đọc tặng cả dãy nhưng
thực sự tặng anh Điếu Cày, tôi đọc bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của nhà thơ Phùng Quán,
mà có mấy câu thơ cuối cùng thì anh Điếu Cày rất đắc ý, mặc dù ảnh chưa từng nghe
bao giờ. Các câu thơ đó là :
Đường
mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Những
câu đó rất phù hợp với vai trò anh Điếu Cày trong thời gian này.
Chân Như : Dạ vâng. Trở lại
với nội dung chính. Xin ông có thể cho biết một vài điểm chính trong bức thư
này được không ạ?
TS Nguyễn Quốc Quân
:
Nói là bức thư thì không hẳn đúng là như vậy. Đó là cái đơn kháng cáo của anh
Điếu Cày. Như tất cả quý khán thính giả đã biết là anh Điếu Cày bị xử án, cùng
với chị Tạ Phong Tần, là 12 năm tù và 5 năm quản chế. Ảnh có nói với tôi như
thế này: Công tố viện đã đòi phải xử thật nặng, nhung khi mà vào hội đồng xét
xử thì họ đã khuyến mãi thêm 2 năm tù nữa và 5 năm quản chế. Tổng cộng là 12
năm tù và 5 năm quản chế. Ảnh bảo rằng là ảnh tin rằng cái Điều 88 khắc nghiệt
này là chắc chắn sẽ chết trước khi ảnh ra tù. Đó, tôi cho cái đó mới là thông
điệp chính.
Nói
trở lại cái tờ giấy mà tôi nhận được, đó chính là cái đơn kháng cáo sau khi
nhận được bản đó rồi về ngày hôm sau ảnh có viết một cái đơn kháng án để đòi xử
án lại. Thì cái đơn ảnh viết là khá đanh thép và rất hào hùng, do đó người quản
giáo không chịu nhận tờ giấy đó. Họ bảo rằng là muốn kháng cáo phải viết một tờ
giấy lễ phép hơn. Thế là anh Điếu Cày có tranh luận với họ, nhưng người quản
giáo chỉ biết chấp hành lệnh trên thôi. Nếu mà không viết lại thì họ không gửi
cái đơn kháng án. Do đó ảnh đã lấy tờ giấy khác để viết lại. Thế là cái tờ giấy
mà ảnh viết trước đó (tôi xin mở ngoặc kép) nó bay qua phòng của tôi giống như
một món quà, để cho tôi đọc. Và khi tôi đọc cái đơn kháng án đó thì tôi rất là
xúc động. Ảnh bảo rằng là không có gì để gửi tâm tư của mình ra bên ngoài thì
nhờ Quân thuộc cái đó để nói lại với công luận thế giới, nói lại với công luận
Việt Nam ở nước ngoài. Tôi đã quyết tâm là làm thế nào cho tờ giấy đó được đến
tay của hải ngoại.
Nếu
mà quý vị biết thì trong bất cứ nhà tù nào, đặc biệt là nhà tù cộng sản không
hề có những dòng chữ, không hề có bút hay giấy, và mỗi một tháng họ đều vào
trong phòng họ xét rất kỹ. Và tôi biết chắc rằng nếu một khi tôi rời khỏi trại
giam là họ xét tôi rất là kỹ, do đó tôi không thể giữ tờ giấy đó ở trong phòng.
Tại vì tôi nhận được từ hồi tháng 9, do đó tôi đã tìm cách nhờ những người tin
cậy chuyển tờ giấy đó ra khỏi trại. Người giúp đỡ đó tôi xin phép không được
nói tên ở đây. Rất là may mắn, mọi thứ đã êm xuôi, và tờ giấy đã ra được đến
hải ngoại sau khi tôi đã đến nơi an toàn ở bên Hoa Kỳ một ngày.
Nội
dung của tờ kháng án đó gồm 2 phần chính mà phần đầu nói lên sự sai trái trong
buổi xét xử và suốt trong thời gian điều tra, tức là những cái sai phạm, các vi
phạm pháp luật cho bộ luật tố tụng hình sự. Phần thứ hai là anh Điếu Cày đã nêu
lên những phi pháp của Điều 88 nói riêng và một số điều luật khác nói chung ở
trong bộ luật tố tụng hình sự.
Không
những thế, anh Điếu Cày còn liệt kê một số điều luật trái ngược với chính Hiến
Pháp Việt Nam nữa, do đó anh mới bảo rằng là Điều 88 là điều cần phải bị xóa bỏ
khỏi Bộ Luật Tố Tụng cùng với một số điều luật khác. Tôi cho đó là một bản
thông điệp và mong chờ hải ngoại cũng như quốc tế hãy tìm cách xóa bỏ Điều 88.
Chân Như : Vậy ông có kế
hoạch nào để vận động cho blogger Điếu Cày trong thời gian tới hay không? Và
liệu với lá đơn kháng án trong tay, ông có hy vọng gì trong việc đi tìm công lý
cho blogger Điếu Cày?
TS Nguyễn Quốc Quân
:
Cho đến nay thì cũng chưa có cái kế hoạch gì một cách cụ thể và cái đơn kháng
án của anh Điếu Cày mang ra giống như lời kêu gọi đồng bào hãy chú tâm vào điều
luật mà họ đã rất là tùy tiện bắt giữ người và rất là tùy tiện khi xét xử. Tôi
cho rằng đơn kháng án của anh Điếu Cày coi giống như là một lời nhắn gửi thân
thương của anh Điếu Cày đến đồng bào hải ngoại vì đã từ lâu rồi anh ấy vắng
mặt. Rất là mong sự tiếp tay của đồng bào, cũng như sẽ vận động để coi như là
cái bằng chứng để cho chính quyền Hoa Kỳ nếu quan tâm về tình hình nhân quyền ở
Việt Nam thì lúc đó có thể coi như là một lý do để làm thế nào vô hiệu hóa hai
Điều 79 và 88.
Chân Như : Xin cám ơn Tiến
sĩ Nguyễn Quốc Quân đã cho Đài Á Châu Tự Do những chia sẻ vừa rồi ạ.
TS Nguyễn Quốc Quân
:
Dạ vâng. Xin cảm ơn Đài đã cho tôi có cơ hội để mà hoàn thành một phần nào đó
cái thông điệp, cái tấm lòng của anh Điếu Cày, một người mà tôi vô cùng mến
phục, kính phục, và chúng tôi đã học hỏi lẫn nhau rất là nhiều điều. Trong suốt
thời gian trong tù chính anh đã chuyển thức ăn cho tôi vì tôi rất là thiếu thức
ăn, và tôi cũng tặng cho anh hai cuốn sách mà sách ở trong tù thì rất là quý.
Tôi đã tuyệt thực nhiều ngày để có các sách đó và tôi cảm thấy món quà đó vào
tay anh Điếu Cày thì nó có giá trị hơn rất là nhiều.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment