Hà Tường Cát/Người Việt
Tuesday,
February 12, 2013 8:21:45 PM
WASHINGTON - Người ta chờ đợi Tổng Thống Obama trong bản Thông điệp Liên bang
sẽ đưa ra một chương trình hành động nhiều tham vọng theo quan điểm cấp tiến
như ông đã bày tỏ trong bản diễn từ nhận chức nhiệm kỳ thứ nhì ngày 21 Tháng
Giêng vừa qua.
Nhưng
với tình hình chia rẽ sâu sắc trong chính trị quốc gia và chỉ còn hơn một năm
nữa lại tới cuộc bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ, các quan sát viên cho rằng Tổng
Thống Obama không có hoàn cảnh rộng rãi để đạt tới lý tưởng về các mục tiêu dài
hạn như mong muốn, mà sẽ phải tập trung vào những ưu tiên cấp thiết của đất
nước.
Mở
đầu bài Thông điệp Liên bang, Tổng Thống Obama mượn lời của Tổng Thống John F.
Kennedy 61 năm trước: “Hiến Pháp quy định Hành Pháp và Quốc Hội không phải là
đối thủ về quyền lực mà là đối tác cho tiến bộ...” để nói rằng “nhờ sự dũng cảm
và quyết tâm của dân chúng Hoa Kỳ, tôi có rất nhiều tiến bộ để báo cáo với quý
vị đêm nay.”
Trước
khi tổng thống nói chuyện, các cơ quan truyền thông đã loan tin rằng vấn đề chủ
yếu tổng thống phải đề cập là kinh tế, tiếp đó đến di dân và kiểm soát súng
đạn. Ông cũng cần gắn bó với lập trường kiên định trong thời gian tranh cử về
sư trợ giúp cho giới trung lưu. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney hôm Thứ
Hai cho biết: “Với trách nhiệm tổng
thống, ông phải ưu tư hơn hết tới việc đảo ngược quá trình suy thoái của nền
kinh tế Mỹ. Quý vị sẽ nghe ông vạch ra kế hoạch về tạo việc làm và thăng tiến
giới trung lưu.”
Giáo Sư Thomas
Hollihan
đại học USC Los Angeles nói: “Kinh tế là
điểm quan trọng nhất đối với Tổng Thống Obama. Thành tích của ông phần lớn sẽ
được đánh giá trên kết quả tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, đặc
biệt là ở cuộc bầu cử Quốc Hội trung kỳ sang năm. Sau đó tới cải tổ luật lệ di
dân. Trong kỳ bầu cử vừa qua ông đã thu được một số phiếu lớn của dân Latino và
tương lai họ sẽ không ủng hộ đảng Dân Chủ mạnh mẽ như thế nếu không thấy rằng
Tổng Thống Obama cố gắng làm mọi điều có thể được cho họ.”
Ngay
đoạn đầu của bản Thông điệp Liên bang Tổng Thống Obama nhắc lại những việc đã
làm được sau một thập kỷ chiến tranh bây giờ đang đi đến chỗ dứt và cuộc khủng
hoảng kinh tế đã vượt qua khỏi. Theo lời ông: “Nền kinh tế của chúng ta đã tạo ra được 6 triệu việc làm. Chúng ta mua
nhiều xe Mỹ hơn 5 năm trước và ít dầu lửa ở nước ngoài hơn 20 năm trước. Thị
trường địa ốc đã hồi phục. Thị trường chúng khoán phát triển lại. Giới tiêu
thụ, khách hàng, chủ nhà, được bảo vệ vững vàng chưa từng thấy.”
Người
ta có thể nhận thấy sự thắng cử nhiệm kỳ thứ nhì rõ ràng đã khiến Tổng Thống
Obama vững tin hơn trong lúc nói chuyện, khác với ngôn ngữ phải biện bạch bào
chữa ở thời gian tranh cử. Rồi từ đó ông chuyển sang thực tế là còn nhiều việc
cần phải làm, bao gồm tình trạng nhiều người chưa có công việc đầy đủ toàn thời
gian, lương bổng và thu nhập chỉ mới thay đổi chút ít.
Tổng
thống dành một đoạn dài nói về ngân sách trong đó ông cho rằng cần sự hợp tác
lưỡng đảng. Ông phàn nàn về việc một số nhà lập pháp đề nghị tránh cắt giảm
ngân sách quốc phòng nhưng lại cắt giảm các chương trình giáo dục, huấn nghệ,
an sinh xã hội, Medicare. Ông cổ vũ kế hoạch cải tổ thuế và tạo thêm việc làm,
không quên đề cao sự chú trọng đến đối tượng là thành phần trung lưu đúng như
mọi người đã dự đoán.
Chuyển
qua vấn đề năng lượng, Tổng Thống Obama cho rằng, “Sau nhiều năm nói tới, cuối
cùng chúng ta đang đi tới chỗ kiểm soát được tương lai năng lượng của nước Mỹ.
Chúng ta sản xuất dầu lửa nội địa nhiều hơn 15 năm trước.” Ông cũng ca ngợi sự
phát triển những loại xe hơi tiết kiệm năng lượng, sử dụng những nguồn năng
lượng mới và tiến bộ trong sự bảo vệ môi trường.
Năm
nay, bản thông điệp của Tổng Thống Obama nói về chính sách đối ngoại nhiều hơn
những năm trước. Ông cho biết 30,000 quân Mỹ đã được triệt thoái khỏi
Afghanistan và từ mùa Xuân này quân đội Hoa Kỳ sẽ chỉ đảm trách nhiệm vụ yểm
trợ để sang năm rút thêm 34,000 quân nữa. Theo ông, tình thế đã thay đổi không
còn như thời gian 11 tháng 9, 2001 nữa và Hoa Kỳ cần thích ứng với hoàn cảnh
mới, giúp đỡ cho các quốc gia như Yemen, Somalia, Libya đi đến ổn định cũng như
hỗ trợ cho đồng minh chống khủng bố như ở Mali. Cho rằng “thế giới ngày nay
không chỉ có nguy hiểm mà còn có cơ hội,” Tổng Thống Obama nêu lên sự quan tâm
phát triển của Hoa Kỳ xuyên Thái Bình Dương cũng như xuyên Ðại Tây Dương.
Phần
cuối cùng, Tổng Thống Obama đề cập tới đề tài kiểm soát súng đạn và bày tỏ sự
mong mỏi Quốc Hội tích cực hợp tác trong việc đưa ra những luật lệ và quy định
thích đáng.
Thông
điệp Liên bang là bài diễn văn tổng thống đọc hàng năm trước phiên họp hỗn hợp
của hai viện Quốc Hội nhằm trình bày tình trạng của quốc gia và phác họa chương
trình hành động cho thời gian sắp tới trong đó phải cần tới sự hợp tác của Quốc
Hội. Báo cáo thường niên này là một bổn phận của tổng thống được Hiến Pháp quy
định. Trong lịch sử, có những khoảng thời gian tổng thống không trực tiếp phát
biểu mà gởi bản báo cáo qua Quốc Hội nhưng từ nửa thế kỷ gần đây tổng thống đọc
Thông điệp Liên bang trước cuộc họp hỗn hợp hai viện Quốc Hội tại nghị trường
của Hạ Viện đã thành truyền thống. Từ 1968 thì dân chúng có thể trực tiếp theo
dõi trên các hệ thống truyền hình toàn quốc.
Cũng
đã thành truyền thống, ngay sau Thông điệp Liên bang, đảng đối lập sẽ cử một
nhân vật nói lên những nhận định và lời phản bác. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco
Rubio tiểu bang Texas, năm nay đảm nhận trách nhiệm ấy. Là người có tiềm năng
ứng cử tổng thống năm 2016 và với gốc gác Cuba, tiếng nói về cải cách luật lệ
di dân của ông có giá trị thể hiện quan điểm của đảng Cộng Hòa. (HC)
-------------------------------
RFA
13-02-2013
Tối
hôm qua ở Hoa Kỳ, Tổng Thống Barack Obama đã đọc bản thông điệp liên bang hàng
năm, trong đó ông cam kết sẽ tiếp tục những chính sách nhằm phục hồi kinh tế
quốc gia, tạo công ăn việc làm cho dân chúng.
Trong
bản thông điệp liên bang kéo dài một tiếng đồng hồ, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack
Obama nói rằng mục tiêu hàng đầu của ông cũng như trách nhiệm của những người
của thế hệ này là phải xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, để nước Mỹ có một
tầng lớp trung lưu ngày một đông hơn và quốc gia luôn luôn phát triển thịnh
vượng.
Bản
thông điệp liên bang ông đọc tối hôm qua cũng nói rằng tăng trưởng kinh tế và
tạo dựng việc làm vững chắc cho dân chúng chính là sao Bắc Đẩu dẫn dắt tất cả
các nỗ lực của nước Mỹ và Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ con đường dẫn đến sự phồn
thịnh của đất nước.
Ông
đưa ra rất nhiều kế hoạch để đi đến mục tiêu, bao gồm việc đầu tư liên bang vào
những chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và phát triền năng lượng
sạch. Bên cạnh đó là lời kêu gọi Quốc Hội cùng ông giải quyết vấn đề ngân sách,
soạn thảo và thông qua luật giải quyết tình trạng cư trú cho hơn 10 triệu người
đang sinh sống bất hợp pháp trên đất Mỹ, cùng với dự luật nhằm kiểm soát súng
đạn để bảo vệ an toàn cho người dân.
Bản
thông điệp của ông cũng nói đến một số vấn đề liên quan đến ngoại giao và quốc
phòng, như trong vòng 12 tháng tới sẽ rút 34,000 binh sĩ đang phục vụ ở chiến
trường Afghanistan về nước, tiếp tục các nỗ lực ngăn chận không cho Iran có võ
khí hạt nhân và Washington sẽ tăng cường hệ thống phi đạn phòng thủ, cũng như
cùng với cộng đồng quốc tế đưa ra những biện pháp cứng rắn đối với đe dọa đến
từ Bắc Hàn. Ông cũng nói tháng tới sẽ sang Trung Đông, tiếp tục các nỗ lực nhằm
đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực, nhắc lại cam kết giúp bảo vệ an ninh lãnh
thổ cho Israel và tiếp tục áp lực chính phủ Bashar Al-Assad phải rời khỏi chính
trường Syri, trao quyền điều khiển đất nước cho người dân.
Trong
phần phản hồi, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio của đảng Cộng Hòa cho rằng những điểm
Tổng Thống Obama đưa ra đều quy về một mối, đó là chính phủ sẽ tăng thuế, tăng
tiền nợ và tăng chi tiêu, tức sẽ gây trở ngại cho phát triển đất nước. Cũng
theo ông Rubio, tăng thuế và thâm thủng ngân sách sẽ gây thiệt hại cho giới
trung lưu, thay vì tạo dựng một tầng lớp trung lưu ngày một đông hơn mà Tổng
Thống Obama hứa hẹn.
Phát
biểu của vị Thượng Nghị Sĩ được dự đoán sẽ ra tranh cử vào năm 2016 là dấu hiệu
cho thấy vẫn còn nhiều bất đồng về chính sách giữa đảng Dân Chủ đang nắm Nhà
Trắng và đảng Cộng Hòa đang giữ khối đa số ở Hạ Viện. Đó cũng là điều hầu hết
các nhà quan sát chính trị Hoa Kỳ nói tới, cho rằng nước Mỹ vẫn đang chia hai,
một nửa tán thành đường lối của ông Obama và nửa còn lại không ủng hộ chính
sách ông đề ra.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved
------------------------------
Mai Vân - RFI
Thứ tư 13 Tháng Hai 2013
Đúng như dự kiến, vào hôm qua 12/02/2013, trong bài diễn văn truyền thống về Tình trạng Liên bang đọc trước hai viện Quốc hội Mỹ, ông Barack Obama đã gia tăng trên các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ để yêu cầu thông qua các đề nghị cải tổ mà ông mong muốn được thực hiện.
Bốn nội dung chính của bài diễn văn về Tình trạng Liên bang là nhập cư, biến đổi khí hậu, kiểm soát súng ống và dĩ nhiên là phục hồi kinh tế.
Từ Washington, thông tín viên Raphael Reynes phân tích :
« Barack Obama đã tỏ ra rất cương quyết vào tối hôm qua, cương quyết tranh thủ thắng lợi bầu cử của ông hồi tháng 11 năm ngoái, để thúc đẩy các kế hoạch cải tổ mà ông hằng ôm ấp.
Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội hãy vượt qua những chia rẽ, bất đồng để thông qua các đạo luật về nhập cư, về kiểm soát việc sử dụng súng ống, về phục hồi kinh tế và về thay đổi khí hậu. Trên điểm cuối cùng này, ông Obama đã cảnh cáo rất rõ ràng : « Nếu Quốc hội không hành động, thì bản thân tôi sẽ hành động ».
Nằm trong tầm ngắm của ông dĩ nhiên là đảng Cộng hoà, đã bị phe Dân chủ tố cáo là đã ngăn chận mọi đối thoại ở Quốc hội, nhất là trên vấn đề thâm thủng ngân sách và những khoản cắt giảm chi tiêu đáng kể vào đầu tháng 3 này. Ông Obama khẳng định là nếu từ nay đến đó mà không đạt được một thỏa thuận nào, thì « đó sẽ là một điều rất tệ hại ».
Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi hai đảng thể hiện một sự đoàn kết thiêng liêng trong Quốc hội để cải tổ hệ thống nhập cư ở Mỹ. Ông kêu gọi : « Hãy chuyển đến cho tôi một đạo luật cải tổ toàn diện, tôi sẽ ký (ban hành) ngay lập tức».
Barack Obama cũng có những lời lẽ tương tự trên vấn đề súng ống. Đây là chủ đề hàng đầu mà ông buộc phải quan tâm trong nhiệm kỳ hai của mình. Hai tháng sau vụ thảm sát ở Connecticut, tổng thống Mỹ đã dành phần cuối bài diễn văn cho chủ đề về súng đạn, khẳng định là nạn nhân các vụ nổ súng xứng đáng được Quốc hội quan tâm bỏ phiếu trên vấn đề này.
« Nếu quý vị bỏ phiếu ‘không’, đó là sự chọn lựa của quý vị. Nhưng những đề nghị này đáng được bỏ phiếu. Vì hai tháng sau Newtown, hơn một ngàn lễ sinh nhật, lễ trao bằng, lễ kỷ niệm đám cưới đã bị một viên đạn bắn đi từ một khẩu súng cướp đi khỏi cuộc sống chúng ta. Hơn một ngàn (người bị bắn chết) !
Tất cả những người này đáng được Quốc hội quan tâm bỏ phiếu... Gaby Giffords, các gia đình ở Newtown, ở Aurora đều xứng đáng, các gia đình ở Oak Creek, Tucson,
Blacksburg, vô số các cộng đồng đã gánh chịu nạn bạo động do súng đạn, tất cả đều đáng được Quốc hội bỏ phiếu ».
-------------------------------------------
Thứ ba 12 Tháng Hai 2013
Vào lúc 21 giờ đêm nay 12/02/2013 tại Washington, Tổng thống Barack Obama sẽ đọc thông điệp trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ. Ba tuần sau khi nhậm chức nhiệm kỳ hai, thông điệp liên bang đầu tiên mang nội dung
cương lĩnh hành động
trong bốn năm tới mà trọng tâm là chấn hưng kinh tế, nâng cao mức sống cho tấng lớp trung lưu đang bị cuộc khủng hoảng gây nhiều thiệt thòi
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích :
Nghe
(03:41) : Nhà báo Phạm Trần - Washington 12/02/2013
------------------------------
BBC
Cập
nhật: 05:03 GMT - thứ tư, 13 tháng 2, 2013
Trong
bài diễn văn hàng năm State of the Union của mình, Tổng thống Barack
Obama đưa ra cam kết phục hồi nền kinh tế èo uột của Mỹ thông qua tạo
dựng các công ăn việc làm tốt, dạng trung lưu.
Ông
tổng thống cũng hứa rằng chính phủ sẽ hoạt động một cách thông minh
hơn chứ không phình ra, và sẽ đại diện cho nhiều người chứ không chỉ
môt số ít.
Ông
Obama kêu gọi tăng nỗ lực kiểm soát bạo lực do súng đạn gây ra và
cải cách hệ thống luật di trú với đóng góp của cả hai đảng.
Trong
phản hồi của phe Cộng hòa, Thượng Nghị sỹ Marco Rubio yêu cầu ông
Obama chấm dứt điều mà ông gọi là "ám ảnh" về tăng thuế.
Đọc
diễn văn tại Quốc hội Hoa Kỳ, ông Obama nói với cử tọa rằng nhiệm
vụ đối với thế hệ của ông là "kích hoạt lại động cơ tăng
trưởng kinh tế của Mỹ, đó là tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và
khởi sắc".
Ông
nói thêm rằng tăng trưởng và công ăn việc làm sẽ là "ngôi sao dẫn
đường cho các nỗ lực của chúng ta".
Ông
tổng thống cũng khẳng định trong kế hoạch phục hồi kinh tế của ông,
sẽ không có điểm gì gây thâm hụt thêm cả.
Phe
Cộng hòa mạnh mẽ chống đối các ý tưởng về tăng chi tiêu công, và
các bên trên chính trường Mỹ cũng đang chia rẽ sâu sắc về cách thức
kiểm soát thâm hụt ngân sách.
Ông
Obama đề xuất cải cách nhằm giảm chi phí Medicare, chương trình y tế
cho người về hưu toàn liên bang, nhưng nói không thể cứ "cắt giảm
mà thịnh vượng" được.
Tăng
đầu tư
Trong
diễn văn, ông Obama cũng kêu gọi tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng
lượng sạch và giáo dục.
Ông
nói đại đa số người dân Mỹ ủng hộ cải cách việc cấp phép và dử
dụng vũ khí một cách có lý, trong đó có kiểm tra nhân thân chặt chẽ
hơn và hạn chế các loại vũ khí sát thương vốn dùng trong chiến
tranh.
Ông
cũng kêu gọi những người phản đối ông trong vấn đề này cho phép mở
cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để thông qua đề xuất của ông.
Tổng
thống Obama đã loan báo việc rút 34.000 lính Mỹ khỏi Afghanistan vào
năm tới.
Chưa
đầy một ngày sau khi Bắc Triều Tiên thử hạt nhân, ông Obama nói Mỹ sẽ
dẫn đầu nỗ lực quốc tế "có hành động cứng rắn để trả lời
các đe dọa đó".
Ông
ca ngợi nỗ lực của lưỡng đảng trong quá trình cải cách luật di trú,
nói nếu ông được đệ trình dự luật thì "Tôi sẽ ký ngay lập
tức".
Tổng
thống Obama sẽ có chuyến công du nước Mỹ trong những ngày tới nhằm
thúc đẩy kế hoạch phục hồi kinh tế của mình, với các điểm dừng
chân tại các bang North Carolina và Georgia, cũng như quê ông là Chicago,
Illinois.
No comments:
Post a Comment