Ngô Nhân Dụng
Friday, February 15, 2013 5:48:59 PM
Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Giáo Dục cuối tuần qua, ông
Hữu Thọ đặt câu hỏi: “Tình trạng thụ động
của gần 20 triệu đảng viên Ðảng Cộng sản Liên Xô trước tình trạng tan rã của
Liên bang và sự sụp đổ của Ðảng nói lên điều gì?”
Nói
lên điều gì? Ðây là một thắc mắc chính đáng. Ðối với một người còn là đảng viên
cộng sản, nhắc đến cái chết của Liên Xô phải thấy đau đớn. Giống như một người
có 20 triệu đứa con, mà khi té ngã vỡ đầu thì không đứa con nào chịu nhúc nhích
một ngón tay để cứu bố. Tình cảnh não lòng thật. Lúc Ðảng Cộng sản Liên Xô đã
chết mà cũng không có đứa con nào làm đám tang để nhận một vòng hoa phúng điếu.
Ông Hữu Thọ vẫn thắc mắc: “Vì sao hơn 200
triệu dân Xô viết không bảo vệ Ðảng trong lúc nước sôi lửa bỏng?” Cả nước
Nga chỉ thở ra nhẹ nhõm; không còn ai muốn trở lại kiếp sống cũ.
Ðặt
câu hỏi “Vì sao” nhưng hầu như trong cả bài phỏng vấn đăng trên báo Giáo Dục,
ông Hữu Thọ không đưa ra câu trả lời nào, mặc dù ông cho biết đã đọc rất nhiều
sách viết về cuộc sụp đổ của Cộng sản Liên Xô. Người đọc chỉ có thể đoán ý
tưởng ông định dùng để trả lời cho câu hỏi đó, khi ông đưa ra những đề nghị để
giúp đảng Cộng sản Việt Nam tránh khỏi tình trạng Liên Xô. Các đề nghị của ông,
tóm tắt lại, là phải làm sao cho các người lãnh đạo đảng đảng viên tốt hơn, các
đảng viên cũng tốt hơn, thì đảng sẽ tránh khỏi tan rã.
Về
giới lãnh đạo, ông Hữu Thọ nhận xét thế này: “Một số người lãnh đạo đã ngày
càng không muốn nghe những lời nói thẳng, chỉ muốn nghe lời khen bùi tai do đó
quy tụ chung quanh những người thiếu trung thực.” Nói chung về các đảng viên
thì ông thấy có sai lầm, “sai lầm trong chọn lựa, sử dụng cán bộ, sai lầm trong
việc rèn luyện đội ngũ dẫn tới suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.” Trên
báo Nhân Dân, mà ông đã từng chỉ huy, hồi năm ngoái ông Hữu Thọ mới viết bài
“Ngậm miệng ăn tiền;” trong đó ông than rằng nhiều cán bộ, đảng viên đã chọn
thái độ “im lặng bỏ qua, không can gián, không góp ý phê bình những sai sót của
lãnh đạo.” Ông còn nói, “không ít người né tránh chọn thái độ ngậm miệng, chọn
cách yên phận trong canh bạc cơ hội.”
Những
nhận xét này thì cả nước biết cả rồi. Người dân còn biết nhiều hơn nữa kia.
Những câu hỏi vẫn là: Làm thế nào để Ðảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi những
cái tật kể trên, ngõ hầu cứu cho đảng không theo gót Liên Xô? Cứ theo những lời
ông Hữu Thọ nói, thì chỉ có một cách là “rèn luyện” và “học tập.” Học tập cái
gì? Chỉ thấy ông nhắc đến một điều là tránh chủ nghĩa cá nhân. Thay đổi con
người trong đảng, giúp họ không nghĩ đến lợi riêng nữa, thì chắc đảng sẽ thoát
chết.
Ðọc những lời ông
Hữu Thọ nói chúng ta càng tin thêm là chắc chắn đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tan
rã.
Không cách nào thoát được. Ông Hữu Thọ là một lý thuyết gia số một trong đảng,
ông từng chỉ huy cái miệng của đảng là báo Nhân Dân, lại đứng đầu ngành văn
hóa, tư tưởng. Nhưng cách suy nghĩ của ông hoàn toàn ngược lại với phương pháp
nghiên cứu của ông Karl Marx. Marx luôn luôn nghĩ rằng kinh tế quyết định, văn
hóa, tư tưởng con người đều bị kinh tế cuốn theo. Khi phân tích xã hội tư bản
và tiên đoán là nó sẽ tan rã, Marx không bao giờ nói là kinh tế tư bản sẽ chết
vì con người trong đó không chịu “học tập tốt chủ nghĩa tư bản!” Nếu sống vào
thời nay, chắc Karl Marx sẽ phân tích xem trong cơ cấu xã hội Liên Xô có cái gì
không ổn, mới gây ra cảnh 20 triệu đảng viên và 200 triệu người dân hoàn toàn
thờ ơ khi chế độ cộng sản sụp đổ. Ông Hữu Thọ đặt câu hỏi hiện tượng đó nói lên
điều gì? Nhưng trong cả bài phỏng vấn ông không nhận ra nó nói lên cái gì cả.
Ông không rút ra được một bài học thích đáng.
Lý
do chính khiến chế độ Xô Viết sụp đổ là cả guồng máy kinh tế, chính trị, tư
tưởng đã dần dần tê liệt trong hơn bốn chục năm. Các người quản lý nhà máy cho
đến các công nhân không ai quan tâm đến việc gia tăng hiệu năng sản xuất mà chỉ
lo làm sao báo cáo cho phù hợp với các kế hoạch, chỉ tiêu. Nếu cần thì nói dối.
Các cán bộ cũng chỉ tìm cách thi đua thành tích chứ không cần sự thật. Tình
trạng toàn thân xơ cứng đó khiến đến cái đầu cũng mắc bệnh xơ cứng. Dối trá trở thành một nếp sống; không
còn ai tin vào chủ nghĩa giáo điều nữa. Khi chính những cơ xưởng sản xuất vũ
khí cũng dần dần xơ cứng, giống như trong nhà máy làm giầy hay làm tủ lạnh, thì
chính ông trùm KGB Andropov thấy phải thay đổi từ trên xuống dưới. Ông kêu một
người trẻ hăng hái là Gorbachev về giao cho nhiệm vụ đó. Sau cùng Gorbachev
cũng bó tay, vì xã hội Liên Xô hư hỏng từ nền tảng, tình trạng tan rã dù có trì
hoãn cũng không thể ngăn chặn được.
Vậy
tại sao khi chế độ tan rã, các đảng viên không ai thèm đưa tay ra cứu? Bởi vì
họ lo cho con cháu. Họ đã thấy, đã biết, đã sống trong chế độ, họ hiểu rằng bất
cứ cái gì lên thay thế cũng tốt hơn tình trạng họ đang sống. Họ không muốn con
cháu sau này sẽ phải đóng tuồng sống trong giả dối như họ nữa. Khi 20 triệu
đảng viên, được hưởng đủ thứ đặc quyền mà còn nghĩ như vậy thì 200 triệu dân
Nga đâu có thiết tha gì với đảng Cộng sản? Sau 70 năm sống dưới chế độ cộng sản
người Nga chỉ muốn quay trở về sống cuộc đời bình thường, không cần mỗi ngày
phải hô những khẩu hiệu mà chính họ cũng không tin.
Các
đảng viên Xô Viết không thiết tha với đảng vì chính họ sống cảnh xã hội tan rã
từ nền tảng, ngay trong đầu của họ, mỗi ngày, suốt mấy chục năm từ năm 1956 khi
Khrushchev vén màn cho mọi người thấy tấn tuồng Stalin lừa lọc, đẫm máu, man rợ
như thế nào. Họ nhìn thấy rõ tất cả các khẩu hiệu, giáo điều, tư tưởng, kế
hoạch, chỉ tiêu, đều là một trò dối trá có hệ thống.
Ông
Hữu Thọ còn tự hỏi: “Vì sao gần 20 triệu đảng viên của Liên Xô không giữ nổi sự
sụp đổ của Ðảng, trong khi (vào thời Ðại chiến Thứ hai) chỉ có hơn 5 triệu đảng
viên đã là nòng cốt đoàn kết toàn bộ các dân tộc sống trong Liên bang cho cuộc
chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít thắng lợi vẻ vang?”
Ông
Hữu Thọ hiểu lầm dân Nga khi họ quyết tâm chống Ðúc Quốc Xã. Trong Ðại chiến
Thứ hai, dân Nga đã đánh bại quân Ðức; nhưng yếu tố quyết định không phải là
nhờ chủ nghĩa Cộng sản. Họ chiến đấu vì tinh thần yêu nước. Trong thời chiến,
chính quyền Nga không đề cao chủ nghĩa cộng sản nữa mà chỉ kêu gọi bảo vệ Mẹ Tổ
Quốc. Cũng như người Việt Nam đã đoàn kết kháng chiến chống Pháp vì yêu nước
chứ không phải vì một chủ nghĩa xa xôi nào cả!
Nhưng phải cảm ơn
ông Hữu Thọ đã nhắc đến hiện tượng 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô hoàn
toàn thờ ơ khi chế độ Xô Viết tan rã. Ðó là một sự kiện lịch sử không thể nào
nhắm mắt, bịt tai không biết tới được. Và những người biết cái đầu cũng không
thể nào làm ngơ không suy nghĩ nguyên nhân vì sao có hiện tượng đó. Nhờ ông,
các đảng viên cộng sản Việt Nam sẽ suy nghĩ và phải thấy đảng của họ không thể
nào sống mãi được.
Vì
chúng ta không thể giả thiết là 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô đều là
những người kém thông minh. Cũng không thể giả thiết là họ đều hèn nhát, ích
kỷ. Ít nhất, phải coi họ là những người bình thường, như chúng ta. Họ lãnh đạm,
bỏ rơi đảng cộng sản bởi vì trong lòng họ đã sẵn sàng từ mấy chục năm rồi. Chỉ
cần dùng lương tri bình thường, họ cũng biết đảng Cộng sản phải tan rã. Họ còn
lo là chế độ mà kéo dài thì đời con, đời cháu họ sẽ phải tiếp tục sống trong
dối trá và chịu cảnh thiếu thốn như chính họ.
Nhưng
vấn đề chính không phải là con người các đảng viên cộng sản đã thay đổi, không
còn tin tưởng vào đảng của họ nữa. Họ không thể giữ được niềm tin sau khi đã
thể nghiệm ngay trong cuộc sống của họ để thấy tất cả chủ nghĩa, chế độ chỉ là
một tấn tuồng dối trá. Người có lương tâm không thể sống trong dối trá suốt đời
mà không tự cảm thấy hổ thẹn. Chính cơ cấu tổ chức xã hội của đảng cộng sản gây
ra tình trạng niềm tin tan rã.
Như
chính ông Hữu Thọ cũng nhận ra; vấn đề chính là cơ cấu: “Chúng ta là đảng
viên,... có khi là đại biểu dự mấy kỳ đại hội Ðảng,... nhưng sau đó không còn
có cơ chế thực tế có hiệu lực nào để tiếp tục đóng góp, kiểm tra ngay cơ quan
lãnh đạo do mình bầu ra.”
Ðảng
Cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam đều được tổ chức theo lối đó. Trong
cơ cấu đảng, và trong cơ cấu xã hội, không có một “cơ chế thực tế có hiệu lực”
nào để những người bên dưới có khả năng kiểm soát những người nắm quyền. Ðiều
này đã được Robert Michels, một nhà xã hội học Ðức, nhận thấy từ năm 1911. Ông
nhận thấy những đảng chính trị tập trung quyền vào trong tay một nhóm “quả đầu”
thì không thể nào sống theo các quy tắc dân chủ được. Vì những người ngồi trên
cùng kiểm soát tất cả nhân lực và tài nguyên của đảng, tự nhiên họ muốn bảo vệ
quyền lợi đó tới cùng. Phân tích một cách khách quan ai cũng phải công nhận
điều đó là sự thật. Tình trạng đó khiến các đảng Cộng sản không thể nào tự thay
đổi từ bên trong được.
Người
phỏng vấn ông Hữu Thọ nhận xét: “thực ra nguy cơ suy thoái đạo đức, nguy cơ
đánh mất dần phẩm chất cách mạng... không phải tới bây giờ mới xuất hiện mà đã
‘song hành’ cùng với sự phát triển của chúng ta từ lâu lắm rồi...” Ðiều này đã
diễn ra trong đảng Cộng sản Liên Xô, còn đang diễn ra ở Trung Quốc, Bắc Hàn,
cũng như Việt Nam. Tất cả chỉ vì cơ cấu tổ chức của đảng, và các đảng tổ chức
xã hội, ngay từ đầu đã giết chết khả năng tự cải thiện.
Các
xã hội tự do dân chủ có khả năng tự cải thiện vì áp dụng quy tắc tạo thế cân
bằng trong cơ cấu quyền lực để những cơ quan nắm quyền tự động kiểm soát lẫn
nhau. Ðảng Cộng sản không tổ chức theo lối đó. Ông Hữu Thọ mơ ước đảng ông sẽ
có cơ chế khác, “để mỗi đảng viên trở thành thành viên tích cực, chủ động chứ
không thụ động khoanh tay nhìn mất Ðảng” như ở Liên Xô. Nhưng chính ông cũng
không biết cái cơ chế đó như thế nào? Liệu có thực hiện được không? Một đảng
chủ trương chuyên chế độc tài thì chính nó không thể nào sống theo lối dân chủ
tự do được; đó là một sự thật. Chỉ những đảng bằng lòng cai trị dân theo lối
dân chủ mới có thể tự dân chủ hóa được mà thôi.
Chúng
tôi cũng nghĩ như ông Hữu Thọ, là các đảng viên cộng sản Việt Nam cần “chủ động
chứ không thụ động khoanh tay nhìn mất Ðảng.” Họ nên đóng vai “chủ động” giúp
cho đảng của họ rút lui một cách hòa bình. Thế giới luôn luôn thay đổi. Diễn
biến hòa bình chắc chắn tốt hơn là diễn biến không hòa bình! Nếu được như vậy
thì chắc ông Hữu Thọ sẽ hết buồn. Bởi vì chắc ông cũng thấy cứ tham lam nắm lấy
quyền lực để làm gì khi không ai còn hãnh diện về chính đảng mình nữa? Khi nhìn
lại ai cũng thấy “nguy cơ suy thoái đạo đức, đã ‘song hành’ cùng với sự phát
triển của chúng ta từ lâu lắm rồi.”
Có
thể nói, trong suốt lịch sử đảng, càng phát triển, càng nắm quyền lâu ngày, thì
lại càng suy đồi! Một cái đảng như vậy thì tiếc làm gì nữa? Cho nên các đảng viên cộng sản giờ phải lo
giúp đảng giải thể một cách nhẹ nhàng, êm đẹp; hơn là “thụ động khoanh tay”
nhìn nó chết bất đắc kỳ tử như ở Liên Xô. Ðược như vậy thì may mắn cho chính
họ, cũng như cho người dân Việt Nam.
No comments:
Post a Comment