Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa,
RFA
2013-02-14
Sau
một cái Tết khá ảm đạm, dân Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế
trong năm con rắn. Nhưng đâu là vấn đề, đâu là giải pháp và ai có trách nhiệm
giải quyết?
Thực
trạng
Vũ Hoàng: Xin kính chào chuyên
gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh đầu tiên của mục
Diễn đàn Kinh tế vào năm Quý Tỵ. Thưa ông, dù nhiều người còn nghỉ Tết tại Việt
Nam, sinh hoạt lễ lạt năm nay có vẻ kém khởi sắc và mối lo về kinh tế sẽ lại sớm
trở về ám ảnh mọi người. Trong chương trình đầu tiên của năm con rắn, xin đề
nghị ông phân tích các vấn đề gì ông đánh giá là quan trọng nhất cho nền kinh
tế của Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi xin
được kính chào quý thính giả gần xa của chúng ta, nhất là ở tại Việt Nam.
Về
câu hỏi của ông, tôi xin nhắc tới một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới với
sự tham gia của giới hữu trách tại Việt Nam, được thực hiện năm ngoái nhưng vẫn
có giá trị khá biểu hiện về tâm tư của người dân ở trong nước. Kết quả khảo sát
đã được Ngân hàng Thế giới phổ biến năm ngoái và nhắc lại trong báo cáo cuối
năm 2012 về kinh tế Việt Nam.
Số
là khi được hỏi về ba loại vấn đề họ cho là đáng lo nhất của Việt Nam, những
người được thăm dò ý kiến nêu ra nhận định đáng chú ý. Trong 10 vấn đề được xem
là đáng quan tâm nhất, chỉ có ba vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế. Đó là, đứng
hạng nhất, vật giá gia tăng, với 44% cho là đáng lo nhất. Hai vấn đề kinh tế
kia đứng chín và hạng 10 ở cuối bảng, đó là lợi tức và việc làm. Bảy vấn đề còn
lại được nhiều người cho là đáng lo nhất đều ở ngoài lĩnh vực thuần túy kinh
tế, mà thuộc trách nhiệm của nhà nước. Theo thứ tự từ cao đến thấp là 1) tai
nạn giao thông, 2) vệ sinh thực phẩm, 3) tội ác xã hội, 4) tham nhũng, 5) ô
nhiễm môi sinh, 6) phẩm chất của dịch vụ y tế, và 7) phẩm chất của giáo dục.
Tôi xin được nêu vài nhận xét về cuộc khảo sát này.
Vũ Hoàng: Chúng tôi cũng hơi
ngạc nhiên về cuộc khảo sát ấy, ông nhận xét thấy như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người lạc quan chỉ
nhìn thấy ly nước đã đầy một nửa mà không nói đến cái phần nửa vơi, thì cho là
trong năm 2011 và đầu năm 2012, tình hình kinh tế đã có cải thiện nên người dân
chỉ chú ý đến ba loại vấn đề thuộc kinh tế, còn lại là bảy vấn đề thuộc về xã
hội! Riêng về chuyện đáng lo nhất của họ là vật giá gia tăng thì ta nhớ lạm
phát đã hoành hành mạnh và lên tới đỉnh cao là 23% vào giữa năm 2011 nên đầu
năm 2012 mới là vấn đề đáng ngại, chứ ngày nay thì người ta có thể còn lạc quan
hơn thế dù sự thật sẽ không hẳn tốt đẹp như vậy!
Và
bước sang bảy loại vấn đề xã hội mà nhiều người cho là đáng ngại nhất như tôi
vừa nhắc lại ở trên, ta thấy trật tự và an toàn xã hội là những mối bận tâm
thiết thực trước mắt. Điều này có thể hiểu được. Nhưng đáng chú ý hơn thế là
loại vấn đề cơ bản mà lâu dài, như ô nhiễm môi sinh hay giáo dục bất cập thì
lại có mức quan tâm thấp hơn. Và then chốt hơn vậy, an ninh quốc gia và an toàn
lãnh thổ của Việt Nam lại không được nhắc đến. Vì sao lại như vậy?
Tôi
lại nhớ đến cuộc khảo sát của một cơ quan Pháp vào năm kia, khi cho thấy người
Việt Nam thuộc loại lạc quan nhất thế giới! Ta có thể nêu câu hỏi về cách thức
tiến hành khảo sát và giá trị biểu trưng của dân số mẫu, hoặc về hiện tượng tâm
lý khá phổ biến của xã hội loài người, là chối từ thực tế khi thực tế ấy đã thay
đổi, một hiện tượng xuất phát đầu tiên từ lãnh đạo rồi mới thấm xuống người
dân. Bây giờ chúng ta mới trở lại đề tài của mình, là các vấn đề kinh tế của
Việt Nam. Tôi xin được phép nói về chuyện gần rồi mới đến chuyện sâu xa trong
cốt tủy.
Viễn
ảnh
Vũ Hoàng: Nói về chuyện gần và
viễn ảnh kinh tế của năm con rắn, ông thấy ra những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việt Nam lệ thuộc
vào thị trường quốc tế, và nếu xét theo hai tiêu chuẩn quan trọng là tỷ trọng
của ngoại thương trong tổng sản lượng kinh tế và khối tiền tệ lưu hành so với
tỷ số dự trữ ngân hàng, Việt Nam bị lệ thuộc nặng nhất khu vực Á châu Thái bình
dương. Vậy mà năm nay thị trường quốc tế chưa khởi sắc sau năm năm èo uột và dù
các nước đang phát triển tại Đông Á có hy vọng tăng trưởng khá nhất, tình hình
chung của kinh tế toàn cầu vẫn chưa sáng sủa nên viễn ảnh kinh tế của Việt Nam
vẫn là tăng trưởng thấp.
Xét
vào chi tiết, năm qua, đà tăng trưởng sa sút có dấu hiệu đáng ngại nhất là
trong khu vực chế biến vì không chỉ tăng trưởng chậm hơn mà còn thụt lùi. Và
suy thoái nặng nhất là từ doanh nghiệp nhà nước. Nhưng hậu quả trầm trọng hơn
thế là có tới 10 vạn doanh nghiệp tư nhân đã phá sản hoặc ngưng hoạt động,
không trả thuế. Nghĩa là thất nghiệp sẽ là vấn đề. Vậy mà cuộc khảo sát mà ta
vừa nói đến lại cho thấy chỉ có 15% những người được thăm dò ý kiến cho là đáng
quan tâm, tức là vấn đề ít được chú ý nhất. Phải chăng, đấy là hiện tượng chối
bỏ thực tế?
Vũ Hoàng: Ông chú ý đến hoàn
cảnh bi quan của khu vực chế biến mà ta cũng biết là về cơ bản, Việt Nam đi vào
công nghiệp hóa qua việc làm gia công để xuất khẩu ra ngoài. Nếu khu vực chế
biến ấy lại sa sút thì hiển nhiên là ngoài nguy cơ thất nghiệp, ta còn thấy ra
đà sút kém về ngành ráp chế cho xuất khẩu. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đáng ngẫm hơn
thế là năm qua, Việt Nam lại đạt mức xuất khẩu cao bất ngờ mà không chỉ nhờ bán
dầu thô và dầu thô lại có giá. Nhìn sâu hơn vào cơ cấu của số hàng bán ra
ngoài, ta thấy ra nhiều vấn đề như mặt trái của bức tranh màu hồng.
Thứ
nhất, về nông sản và lương thực như cà phê hay gạo thì lượng có tăng mà giá
không tăng nên mối lợi thật ra chỉ là tương đối. Quan trọng và đau buồn hơn vậy
là Việt Nam xuất khẩu gạo rất mạnh và có thể vượt qua Thái Lan mà nông dân lại
không được hưởng kết quả vì nguồn lợi lại nằm trong tay các công ty thu mua và
xuất cảng, thuộc khu vực nhà nước.
Vũ Hoàng: Ông nêu ra nhận xét
đáng chú ý và phản ảnh sự ưu lo của nhiều người khi nói đến số phận nông dân
Việt Nam, ngoài cái nạn bị cướp đất mà không được bồi thường thoả đáng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa Việt Nam có thể
vượt Thái Lan để thành nước xuất khẩu gạo số một mà nông gia vẫn bị thiệt ở gốc
trong khi các cơ sở của nhà nước ở ngọn thì chiếm lợi thế.
Thứ
hai, về cơ cấu, sức xuất khẩu mạnh nhất là từ ngành chế biến áo quần, giày dép
và đồ gỗ hay cơ phận điện tử như máy tính, điện thoại. Nhưng loại sản phẩm hạ
đẳng và thâm dụng nhân công vì cần nhiều lao động như áo quần giày dép hay đồ
gỗ, lại tùy thuộc vào nhập lượng mua từ bên ngoài nên trị giá đóng góp của Việt
Nam thật ra chưa cao. Tức là ta vẫn làm gia công cho thiên hạ và muốn bán nhiều
thì phải mua nhiều và lệ thuộc vào sức mua của thiên hạ.
Thứ
ba, loại sản phẩm gọi là cao kỹ, vì đòi hỏi kỹ thuật cao, như linh kiện điện tử
hay phụ tùng điện thoại vẫn chỉ là gia công mà ít khả năng chuyển giao công
nghệ tỏa rộng cho cả xã hội để doanh nghiệp Việt Nam cũng học được nghề mà bước
lên trình độ sản xuất có giá trị đóng góp cao hơn. Nôm na thì mình vẫn chỉ là
khâu phụ, kiếm tiền ít hơn và còn chịu thiệt khi thiên hạ tìm ra nguồn cung cấp
rẻ hơn.
Đã
vậy và đây là vấn đề đáng quan ngại cho những ai làm chính sách là trong đà gia
tăng của xuất khẩu nhờ bắp thịt hơn trí não, loại doanh nghiệp có vốn đầu tư
ngoại quốc lại chiếm đa số. Về kim ngạch, khu vực nội địa chỉ được có hơn 37%,
và trong khu vực này, ta kể cả dầu khí nằm trong tay các tập đoàn nhà nước, chứ
tư doanh nội địa thì còn yếu. Xét cho kỹ hơn, ta còn thấy ra một vấn đề khác là
dù xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung có tăng thì phần của doanh nghiệp
nhà nước lại giảm! Đây là loại vấn đề nằm trong cơ cấu kinh tế và chính trị.
Dù
được coi là khu vực chủ đạo về kinh tế nên được ưu tiên nâng đỡ, doanh nghiệp
nhà nước của Việt Nam ít hiệu năng, kém sức cạnh tranh, là con nợ như con
nghiện và trở thành hang ổ của tham nhũng. Từ hai năm nay, người ta đã nói yêu
cầu cải tổ doanh nghiệp nhà nước mà chưa thấy làm việc gì cụ thể trong thực tế,
có thể là vì những mắc mứu về quyền lợi ở trên cùng.
Trách
nhiệm thuộc về ai
Vũ Hoàng: Đó là về lĩnh vực
sản xuất, chứ trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng thì các chuyên gia kinh tế
tại Việt Nam cũng đang báo động về sự yếu kém và những khoản nợ sẽ mất mà chẳng
ai biết là bao nhiêu và ai sẽ chịu thiệt. Ông nghĩ sao về tình trạng này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu tạm lấy cơ thể
học mà so sánh thì ta có thể nghĩ tới tập đoàn nhà nước như bộ xương sống vì
chính quyền muốn vậy. Nó không cân bằng và thiếu sức chịu đựng. Còn tư doanh
thì cũng tựa như bắp thịt để tạo ra sự chuyển động trong sinh hoạt và hệ thống
ngân hàng là bộ phận tuần hoàn có chức năng bơm máu cho cơ thể. Hệ tuần hoàn ấy
bị ô nhiễm vì các khoản nợ xấu, khó đòi nên sẽ mất. Mà khi nó chỉ bơm máu cho
cơ sở nào có quan hệ tốt thì đấy là một vấn đề.
Vì
hậu quả là ngày nay nhiều doanh nghiệp bị thiếu máu vì vay không được nên lâm
vào cảnh gọi là chết lâm sàng. Trong khi ấy vì ngân hàng lại bơm tiền vào
nghiệp vụ đầu cơ về cổ phiếu và bất động sản nên mới bị gánh nợ xấu và gieo họa
cho cả nền kinh tế. Nhưng toàn bộ vấn đề của cơ thể suy nhược này nằm tại bộ
não, nằm trong hệ thống chính trị vì đã để xảy ra tình trạng nguy ngập này mà
không chịu cải sửa.
Vũ Hoàng: Vì thời lượng có
hạn, chúng ta sẽ quay trở lại bộ máu tuần hoàn là tiền bạc của nền kinh tế Việt
Nam, nhưng tạm tổng kết cho chương trình hôm nay, ông nghĩ loại vấn đề nào mới
là trầm trọng nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vừa qua, chúng ta đã
có năm chương trình liên tiếp về các yếu tố đem lại sự thịnh vượng cho các quốc
gia và về những vấn đề gây ra sự nghèo khốn. Câu kết luận của hôm nay là dân
Việt Nam vẫn còn nghèo và nếu xét theo tiêu chuẩn của quốc tế để đánh giá mức
độ nghèo khốn thì thật ra còn nghèo hơn người ta thường nghĩ. Và sau hai thập
niên bất cập với quá nhiều vấn đề mà tiết mục chuyên đề này đã phân tích từ 16
năm qua, kể từ Tết Đinh Sửu 1997, việc giải quyết nạn nghèo đòi ấy thật ra sẽ
khó khăn hơn trong giai đoạn tới và nếu không khéo thì Việt Nam còn tụt lui vào
hố sâu nghèo khổ của năm xưa. Trách nhiệm thuộc về chính quyền, là cơ chế vốn
dĩ đã biết vì được quốc tế khuyến cáo từ 20 năm nay về những gì cần cải tổ. Cơ
chế này ngần ngại cải cách và không chịu trưởng thành vì chỉ lo cho sự tồn tại
của chính nó, với cái giá là người khác phải trả.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông
Nghĩa về cuộc trao đổi đầu năm.
Theo
dòng thời sự:
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment