Du Tử Lê
Wednesday,
February 06, 2013 2:17:20 PM
Mùa Xuân là mùa hồi sinh của vạn vật, trong đó có một sinh vật
mang tên “Con Người.” Vì thế, đa phần nhân loại thường gắn, kết hy vọng tốt
lành hơn cho mình, cho gia đình và người thân nhân dịp đổi mùa mỗi năm này.
Cũng
vì tính hồi sinh vừa kể nên từ thi ca tới âm nhạc của bất cứ quốc gia nào, cũng
là những con số không nhỏ. Nó không chỉ phản ảnh niềm hy vọng, lời cầu chúc tốt
lành cho nguyên một năm dài trước mặt mà, nó cũng cho thấy những thực tế phũ
phàng, bất hạnh... của một hay nhiều năm đã qua.
Tuy
nhiên, dù thi ca và âm nhạc có phản chiếu sinh hoạt tinh thần giữa hai mùa Xuân
của một dân tộc ở mặt tích cực là hy vọng, hay tiêu cực là những mất mát, bi
quan thì, tôi vẫn thấy có dễ không một nơi chốn nào có nhiều ca khúc viết về
mùa Xuân đẹp đẽ, nhân bản như nền tân nhạc miền Nam 20 năm.
Những
người sinh trưởng ở miền Nam hẳn chưa quên, một nửa đất nước này chỉ có được
yên bình trong ít năm khởi đầu! Sau đó, chiến tranh đem theo tai họa, chết
chóc... đã từng bước xuất hiện khắp nơi: Từ nông thôn tới thành thị.
Dù
vậy, số ca khúc viết về mùa Xuân của chúng ta không vì thế mà kém phong phú
hay, nghiêng nặng về phía u ám, tuyệt vọng.
Nếu
phải tính sổ, ta vẫn thấy số những ca khúc về mùa Xuân, tựa như lội ngược nhịp
chuyển động mang tính hồi sinh, chúng ta có rất ít. Càng ít hơn nữa, số ca khúc
viết về mùa Xuân đứng từ phía bóng tối ảm đạm, tồn tại được đến hôm nay.
Ðại
diện cho khuynh hướng này, ta có thể kể tới ca khúc “Phiên Gác Ðêm Xuân” của Nguyễn Văn Ðông:
“Ðón Giao Thừa một
phiên gác đêm
Chào xuân đến súng
xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên
báng súng
Ngỡ rằng pháo tung
bay, ngờ đâu hoa lá rơi
“Bấy nhiêu tình là
bao nước sông
Trời thương nhớ cũng
vương mây hồng
Trách chi người đem
thân giúp nước
Ðôi lần nhớ bâng
khuâng, gượng cười hái hoa xuân...”
Ngay
tự những nốt nhạc và ca từ khởi nguồn của ca khúc, giới thưởng ngoạn đã không
thấy, dù thấp thoáng tinh thần thù hận những kẻ gây nên tao loạn mà, chỉ thấy
chút buồn dịu nhẹ. Như những cơn mưa bụi và heo may vừa đủ để lòng người bâng
khuâng trước cảnh tình người lính giữa mùa Xuân nơi biên trấn.
Trước
khi ra khỏi ca khúc, tác giả buông tiếng thở dài, là lời than thở với chính
mình, hơn là với tha nhân:
“Ước mong nhiều đời
không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như
mây chiều
Tủi duyên người năm
năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân
sang, ngờ đâu đêm cứ đi
Chốn biên thùy này
xuân tới chi?
Tình lính chiến khác
chi bao người
Nếu xuân về tang
thương khắp lối
Thương này khó cho
vơi, thì đừng đến xuân ơi!”
“...Thì
đừng đến xuân ơi!” cụm từ 5 chữ mộc mạc, đơn sơ, như lời than vãn buột miệng
của bất cứ ai trong chúng ta, theo tôi, không thể chân thật, thấm thía hơn!
Nhưng tựu trung, toàn bộ ca khúc vẫn không hề lóe lên một tia lửa tuyên truyền
dù yếu ớt.
Một
ca khúc cùng loại khác, đến nay vẫn còn được nhiều người hát cũng như chịu được
sự nghe lại là ca khúc “Xuân Này Con
Không Về” của Trịnh Lâm Ngân (bút hiệu chung của Trần Trịnh, Lâm Ðệ và Nhật
Ngân):
“Con biết bây giờ mẹ
chờ tin con
khi thấy mai đào nở
vàng bên nương
Năm trước con hẹn
đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước
ngõ
mà tin con vẫn xa
ngàn xa
ôi nhớ xuân nào thuở
trời yên vui
nghe pháo giao thừa
rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo
ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng
ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi
má đào...”
Nếu
đối tượng của ca khúc “Phiên Gác Ðêm Xuân” là tâm cảnh người lính đóng đồn,
trong vai trò người gác giặc nơi biên ải (hay tâm sự của chính tác giả?) thì,
đối tượng của ca khúc “Xuân Này Con Không Về” lại là người mẹ, những đứa em và
tình đồng đội.
Người
nghe không ghi nhận được một hình ảnh cụ thể nào của người lính nơi trận tiền
mà, toàn thể ca khúc là lời trần tình của một đứa con chinh chiến nơi xa; cộng
với sự nhớ lại hình ảnh tiêu biểu, đặc thù của những ngày giáp Tết là hình ảnh
truyền thống gia đình quây quần canh, ngó nồi bánh chưng. Cùng lúc, tác giả
cũng cho thấy tấm lòng đau đáu thương mẹ, thương em của người lính trước nhu
cầu cần đến sự có mặt của đứa con, người anh lớn:
“Nếu con không về
chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo
không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa
đào mừng xuân
Ðàn trẻ thơ ngây chờ
mong
anh trai sẽ đem về
cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe
phố phường...”
Và
cũng tuyệt nhiên, tôi không thấy chút khói súng hận thù, tiếng gào thét cổ võ
bạo lực nào... Ra khỏi ca khúc, vẫn chỉ là lời trần tình của người lính với mẹ
già, với em thơ. Lời giải thích hay xin lỗi (nếu tôi được phép nói như vậy),
rất hồn nhiên, nhân bản:
“Con biết bây giờ mẹ
chờ em trông
nhưng nếu con về bạn
bè thương mong
bao lứa trai cùng
chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình
êm ấm
Mẹ ơi con xuân này
vắng nhà
......
Mẹ thương con xin
đợi ngày mai...”
Sự
kiện tất cả các nhạc sĩ của 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, không ai bảo
ai, đồng khước từ việc phất cao ngọn cờ thù hận; thề đổ ruột moi gan để ăn
sống, nuốt tươi kẻ thù... có thể là một quan niệm hay, cách sống không mang lại
cho người dân miền Nam một “chiến tích” nào! Nhưng trên tất cả mọi thứ, nền tân
nhạc với những ca khúc mùa Xuân ở phía u ám nhất, vẫn đứng ở phía con người
phải sống và, được sống như một con người có trái tim, biết thương yêu đồng
loại, luôn cả thiên nhiên, khi vạn vật được hồi sinh. Một vòng quay khác của
trái đất bắt đầu chu kỳ mới. Chu kỳ khởi đi với niềm hy vọng, sự tử tế mà chỉ
sinh vật mang tên “con người” mới có thể dành cho nhau. Ðồng thời, cũng dành
cho trái đất!
Du
Tử Lê
Du Tử Lê
Wednesday,
February 13, 2013 3:15:47 PM
(Tiếp
theo kỳ trước)
Như đã nói, số ca khúc mùa Xuân lội ngược vòng quay trái đất,
đập ngoài nhịp đập thiên nhiên, bốn mùa, của hai mươi năm tân nhạc miền Nam,
chúng ta có rất ít. Mặt bên kia của sự rất ít này, là số xuân-khúc cực kỳ phong
phú, giàu có... Như một may mắn, hạnh phúc cho giới thưởng ngoạn.
Mùa
Xuân đồng nghĩa với sự hồi sinh của tất cả mọi đọt, mầm. Từ đó, tin yêu, hy
vọng lấp lánh khắp cùng trời đất. Tựa trong mỗi chúng ta, vốn tiềm ẩn một phần
hay trọn vẹn trái tim thời tiết.
Tôi
nghĩ hầu như nhạc sĩ thành danh nào của sinh hoạt nghệ thuật miền Nam hai mươi
năm, chí ít cũng có một vài ca khúc viết về mùa Xuân. Dù cho chiến tranh, chết
chóc vẫn là chiếc bóng thẫm đen, khổng lồ, ẩn hiện... Nó rình rập, chực chờ
quấn lên đầu người dân trong vùng lửa đạn, những chiếc khăn tang oan nghiệt!
Phải chăng thương yêu không có chỗ trong thần chiến tranh, nhưng nó lại quá dư
thừa chia lìa, dư thừa chết chóc?
Chỉ
với một mình cố nhạc sĩ Phạm Duy thôi, đến nay, người ta đã đếm được trên dưới
mười xuân-khúc. Mà, xuân-khúc nào của ông cũng thấp thoáng hay ngào ngạt hương
hoa xuân. (1)
Một
trong những xuân-khúc của Phạm Duy tách thoát được sự mô tả một cách chung
chung, phơn phớt ngoài da mùa Xuân, cho thấy tài năng ngoại khổ của ông, theo
tôi là “Xuân Ca.”
“Xuân Ca” vẫn theo thiển ý
của tôi, không chỉ là một bức tranh xuân tuyệt vời vẽ bằng giai điệu và ca từ,
nó còn như một chuyện kể lớp lang về sự tượng hình, rồi ra đời của mỗi chúng ta
trong hành tinh địa cầu này:
“Xuân trong tôi đã
khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối
chăn phòng the đón cha mẹ về.
Xuân âm u lắt leo
trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo
nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ...”
(Theo
dactrung.com)
Khổ
đầu phần ca từ của “Xuân Ca,” bằng vào lòng biết ơn, tác giả đã minh thị rằng,
khởi từ tình yêu của cha mẹ, thai nhi được tượng hình.
Ở
phần ca từ khổ hai, là giai đoạn thai nhi được cất tiếng khóc chào đời:
“Xuân tôi ra góp
chung câu gào thiết tha
Là xinh, là tươi có
Xuân thuở xưa ước mơ hiền hòa
Xuân xanh lơ, hắt
hiu trong trời nắng mưa
Vườn Xuân là Xuân có
hoa ngày mai hát Xuân thật dài...”
(Nguồn
đd.)
Như
một vòng quay không điểm khởi, nên sẽ chẳng bao giờ có điểm kết thúc, những đứa
con ra đời từ tình yêu của mẹ cha, một ngày kia sẽ trưởng thành. Vào đời. Kế
thừa truyền thống đấng sinh thành (hay thuận theo biến chuyển tự nhiên của luật
tạo hóa), chúng ta lại đi tìm cho mình tình yêu lứa đôi... Dù cho hoàn cảnh, điều
kiện sống của chúng ta có khác biệt, có gập ghềnh buồn, vui:
“...Xuân tôi sang
bến yêu tôi tìm gió trăng
Tình Xuân là Xuân có
khi mừng vơi có khi sầu đầy
Xuân yêu đương muốn
căng lên nhựa sống ngon
Tìm em gặp em đón
Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng...”
(Nguồn
đd.)
Tôi
không biết có phải tác giả “Xuân Ca” muốn nhắc nhở chúng ta (cũng như chính
ông) rằng, từ ngàn đời, bạo lực, thù hận vốn bị mùa Xuân cự tuyệt. Nếu nhân
loại có phải đối mặt với những mùa Xuân gươm giáo, mùa Xuân súng đạn, mùa Xuân
tai ương thì, đó là hậu quả của những thảm kịch do chính con người chủ xướng để
gây cảnh nồi da xáo thịt cho nhau:
“...Xuân lên cao
chóp Xuân buông nhịp xuống sâu
Hồn Xuân hồn thiêng
ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài
Xuân trong ta đã
muôn ngàn lần đã qua
Mặc cho, mặc bao
những cơn buồn thương những cơn giận hờn...”
(Nguồn
đd.)
Từ
đó, tác giả “Xuân Ca” khẳng định:
“...Xuân tôi ơi sức
Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng
như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta
Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân
hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.”
(Nguồn
đd.)
Một
khẳng định đầy tình người. Rất nhân ái.
Nếu
“Xuân Ca” của Phạm Duy là bức tranh vẽ lại sự hình thành từ trứng nước của một
con người trên phông nền chính là lẽ tử, sinh (đôi khi đậm sắc xám) thì, “Anh cho em mùa Xuân,” thơ Kim Tuấn
(2), nhạc Nguyễn Hiền (3) lại được xây dựng trên tương quan đầy tính thơm thảo
giữa mùa xuân trái đất và niềm hân hoan, lạc quan của con người.
Trong
xuân-khúc của Nguyễn Hiền và Kim Tuấn, giới thưởng ngoạn không chỉ cảm được
nhựa xuân, mạch sống hồi sinh sung mãn, tuôn trào trên cây cỏ, đường phố, nhà
cửa mà, người nghe còn cảm nhận được tiếng chim hót, tiếng cười trẻ thơ (kể cả
tiếng cười của mùa xuân)... Khiến người nghe khó phân biệt được: Ðâu là tiếng
cười của Hoa Xuân? Ðâu là tiếng cười của muôn loài:
“Anh cho em mùa xuân
/ nụ hoa vàng mới nở / chiều đông nào nhung nhớ / Ðường lao xao lá đầy / chân
bước mòn vỉa phố / mắt buồn vin ngọn cây //
Anh cho em mùa xuân
/ mùa xuân này tất cả / lộc non vừa trẩy lá / Lời thơ thương cõi đời / bầy chim
lùa vạt nắng / trong khói chiều chơi vơi //
Ðất mẹ đầy cỏ lúa /
đồng xanh xa mấy mùa / Ngoài đê diều căng gió / thoảng câu hò đôi lứa / Trong
xóm vang chuông chùa / trăng sáng soi liếp dừa /Con sông dài mấy nhánh / cát
trắng bờ quê xưa //
Anh cho em mùa xuân
/ trẻ nô đùa khắp trời / Niềm yêu đời phơi phới / Bàn tay thơm sữa ngọt / dải
đất hiền chim hót / mái nhà xinh kề nhau //
Anh cho em mùa xuân
/ đường hoa vào phố nhỏ / nhạc chan hòa đây đó / Tình yêu non nước này / bài
thơ còn xao xuyến / rung nắng vàng ban mai //
Anh cho em mùa xuân
/ Nhạc thơ tràn muôn lối.”
(Anh
Cho Em Mùa Xuân. Trọn bài. Nguồn đd)
Tuy
là mặt khác của “Xuân Ca,” nhưng cả hai xuân-khúc này, theo tôi đã có được cho
riêng chúng cái định-mệnh-xuân - Hiểu theo nghĩa chúng sẽ tồn tại mãi mãi cùng
với vòng quay của trái đất. Dù cho Phạm Duy, Kim Tuấn, Nguyễn Hiền đã không còn
nữa. Họ đã rời bỏ chúng ta, để định cư trong mùa xuân khác. Mùa Xuân vĩnh cửu.
Du
Tử Lê
(Kỳ
sau: “Ly Rượu Mừng,” xuân-khúc “kinh điển” của tân nhạc Việt.)
Chú
thích:
(1) Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921
tại Hà Nội. Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 2013 tại Saigon. (Theo Wikipedia -
Tiếng Việt).
(2) Nhà thơ Kim Tuấn sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh (gốc
Thừa Thiên/Huế). Ông mất ngày 11 tháng 9 năm 2003 tại Saigon. (Theo Wikipedia -
Tiếng Việt).
(3) Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội.
Ông mất ngày 23 tháng 12 năm 2005 tại quận hạt Orange County, miền Nam
California. (Theo Wikipedia - Tiếng Việt).
Du Tử Lê
Wednesday,
February 20, 2013 2:42:57 PM
(Tiếp theo và hết)
“Xuân Ca” của Phạm Duy và, “Anh Cho Em Mùa Xuân” của Kim
Tuấn/Nguyễn Hiền là hai trong số những xuân-khúc tiêu biểu của nền tân nhạc
miền Nam 20 năm.
Nhưng
nếu phải tìm một xuân-khúc đại diện cho mọi tầng lớp của xã hội việt Nam, đồng
thời phản ảnh tâm cảnh của mọi lứa tuổi thì, ứng hợp nhất với đòi hỏi này, theo
tôi, là xuân-khúc “Ly Rượu Mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. (4)
Tôi
vẫn nghĩ chẳng phải ngẫu nhiên mà “Ly Rượu Mừng” không những đã trở thành “ly
rượu” không thể thiếu trong mùa Xuân của người Việt Nam mà, “ly rượu” ấy còn
được nâng cao trong những họp mặt, lễ lạt ở bất cứ thời điểm nào của một năm.
Nếu ta nhìn mỗi hội ngộ tự thân cũng là một mùa Xuân tinh thần, ấm áp.
Tôi
muốn gọi “Ly Rượu Mừng” là xuân-khúc “kinh điển” nhất của nền tân nhạc Việt
Nam. Tính chất “kinh điển” hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội
bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các
thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình. (5)
Thực
vậy, ngay phần mở đầu của ca khúc, cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã chọn ba thành
phần nòng cốt là: Nông phu, thương gia, công nhân để gửi lời chúc mừng tới họ:
“Ngày
xuân nâng chén ta chúc nơi nơi / Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi / Người
thương gia lợi tức / Người công nhân ấm no / Thoát ly đời gian lao nghèo khó //
Á
a a a / Nhấp chén đầy vơi / Chúc người người vui / Á a a a / Muôn lòng xao
xuyến duyên đời...”
Tầng
lớp nông dân kể trên vốn không được coi trọng lắm, theo quan niệm cổ xưa, căn
cứ vào khẩu truyền của dân gian: “Sĩ, nông, công, thương, binh.”
Nhưng
khi phải đối đầu với thực tế, cũng chính dân gian đã “sửa sai” bằng khẩu
truyền: “Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”
Lại
nữa, xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông nghiệp, nên sự trả lại vị trí hàng đầu
cho nông dân của họ Phạm là một trả lại hợp lý, xứng đáng.
Cũng
vậy, tầng lớp binh sĩ, theo sắp xếp có tính cách biểu kiến, hời hợt thuở trước,
vốn đứng hạng chót trong nấc thang gia trị xã hội - Nhưng, với “Ly Rượu Mừng,”
tác giả đã dành nguyên khổ thứ 2 của ca khúc, để chúc mừng họ, những người hy
sinh mạng sống của mình cho ấm no, giầu có của dân tộc:
“Rót
thêm tràn đầy chén quan san / Chúc người binh sĩ lên đàng / Chiến đấu công
thành / Sáng cuộc đời lành / Mừng người vì Nước quên thân mình...”
Khi
đề cập tới những hy sinh của người lính, họ Phạm cũng không quên những hy sinh
thầm lặng, nhưng lớn lao không kém của những bà mẹ:
“Kìa
nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa / Chúc bà một sớm
quê hương / Bước con về hòa nỗi yêu thương / Á a a a / Hát khúc hoan ca thắm
tươi đời lính / Á a a a / Chúc mẹ hiền dứt u tình...”
Kế
tiếp, tác giả mới đề cập tới những đóng góp khác:
“Rượu
hân hoan mừng đôi uyên ương / Xây tổ ấm trên cành yêu đương / Nào cạn ly, mừng
người nghệ sĩ / Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới...”
Cuối
cùng là chung khúc rực rỡ hy vọng, tin yêu nơi tương lai đất nước:
“Bạn
hỡi, vang lên / Lời ước thiêng liêng / Chúc non sông hòa bình, hòa bình / Ngày
máu xương thôi tuôn rơi / Ngày ấy quê hương yên vui / đợi anh về trong chén
tình đầy vơi //
Nhấc
cao ly này / Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do / Nước non thanh bình / Muôn
người hạnh phúc chan hòa // Ước mơ hạnh phúc nơi nơi / Hương thanh bình dâng
phơi phới.” (Theo dactrung.com)
Và,
mỗi khi cùng nhau nâng “Ly Rượu Mừng” dù ở thời điểm nào của vòng quay trái
đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “...Nước
non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hòa...”
Tôi
nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến
của tác giả ca khúc vậy.
Du Tử Lê
(Tháng
2, 2013)
Chú thích:
(4)
Phạm Ðình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội
ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống
âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ
Phạm Ðình Chương là ông Phạm Ðình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2
người con trai: Phạm Ðình Sỹ và Phạm Ðình Viêm. Phạm Ðình Sỹ lập gia đình với
nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Ðình Viêm là ca
sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Người
vợ sau của ông Phạm Ðình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang
Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm
Ðình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Ông
được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm
đầu kháng chiến, Phạm Ðình Chương cùng các anh em Phạm Ðình Viêm, Phạm Thị
Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ quân đội ở Liên Khu IV.
Phạm Ðình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu
tay là ca khúc “Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng.” Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào
miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập ban
hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm
thành công và để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân Tha Hương, Thủa Ban Ðầu, Tiếng Dân
Chài, v.v... Ðáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về
đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và
sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn
mất 4 năm để hoàn tất. (phamdinhchuong.com)
(5)
Trước tháng 4, 1975, khi cho in “Ly Rượu Mừng” hình thức một bản nhạc lẻ, cố
nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã ghi chú nguyên văn như sau: “Viết tại Sài Gòn năm
1955 để đăng trên số báo Tết, báo Ðời Mới, thể theo lời yêu cầu của cụ Trần Văn
Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Ðức Quỳnh, là hai người chủ trương tờ báo này.”
No comments:
Post a Comment