Saturday 23 February 2013

NGUYỄN THANH TÚ - CON VẸT PHẢN THẦY ! (Minh Diện)




Minh Diện
Thứ bảy, ngày 23 tháng hai năm 2013

Cách đây không lâu một ông PGS.TS quân đội với cái tên Trần Đăng Thanh đã làm thiên hạ sốc khi cho ra đời “Triết lý sổ hưu” để bảo vệ độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Mấy ngày nay dư luận lại sôi lên vì một tiến sĩ quân đội khác, trung tá nhà văn Nguyễn Thanh Tú, viết trên báo Quân đội nhân dân: “Khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng trong Hiến pháp là hợp tình hợp lý”.

Tối qua, tôi gọi điện hỏi một người quen ở Tạp chí Văn nghệ quân đội:
- Có biết Tú không?
- Tú nào? Tạp chí có hai Tú!
- Tú là Phó giáo sư-Tiến sĩ ấy?
- À, biết !
- Ông ấy làm Phó Tổng biên tập à?
- Thôi rồi, thôi lâu rồi anh ạ! Thôi luôn cả Trưởng ban Lý luận phê bình văn học rồi!
- Sao vậy ta?
- Dốt lắm, không làm được!
- Phó giáo sư-Tiến sĩ cơ mà?
- Trời ơi! Tiến với chả lùi! Ông đọc báo đi khắc hiểu !

Nghe lời người bạn, tôi tìm đọc tờ báo Gia đình và xã hội, số 143 ngày 29-11-2003, thấy bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, viết về vị PGS.TS này.

Năm 1996, Nguyễn Thanh Tú hoàn thành bản luận án tiến sĩ văn học dày 176 trang, nhan đề: “Từ quan niệm nghệ thuật đến nghệ thuật ngôn từ trong truyện trào phúng của Nguyễn Công Hoan”. Tú cam đoan: “Đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu trong luận án là trung thực, chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào” (!?). Nhưng 5 năm sau, xuất hiện cuốn sách tựa đề “Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan”, nội dung y hệt bản luận văn của Nguyễn Thanh Tú. Hai đồng tác giả cuốn sách này là GS.TS Trần Đình Sử và TS. Nguyễn Thanh Tú.

Giáo sư -Tiến sỹ Trần Đình Sử, khẳng định: “Thi pháp trào phúng trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, tôi ấp ủ từ những năm tám mươi, khi gặp trò Nguyễn Thanh Tú ham học hỏi , tôi giao cho Tú hoàn thành nốt bản thảo”.

Vậy là Nguyễn Thanh Tú đã dùng “bản thảo của thầy” làm luận văn tiến sĩ cùa mình.

Một tài năng lôm côm, một nhân cách lèm nhèm như vậy ngoi lên ghế Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội ? May mà tạp chí này đã hất Tú xuống, đỡ mất mặt với thiên hạ!

Nhẽ ra Nguyễn Thanh Tú nên biết xấu hổ giấu mặt đi, lại chiềng ra, nhân danh PGS.TS, nhà văn lên giọng cao đạo dạy nhân dân đạo đức, lẽ sống, và trách mọi người không hiểu hoặc cố tình không hiểu lịch sử, quên quá khứ .

Cáí quá khứ Nguyễn Thanh Tú trách mọi người lãng quên, là Việt Nam dưới thời Pháp thuộc 95% dân số mù chữ, bị đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện, và kết luận “Trong lịch sử hàng ngàn năm, chưa bao giờ đất nước con rồng cháu tiên lại rơi vào thảm cảnh khốn cùng như vậy”.

Thật nực cười, Nguyễn Thanh Tú trách mọi người không hiểu lịch sử, hay cố tình không hiều lịch sử, thì chính anh ta lại không hiểu hoặc cố tình không hiểu lịch sử gần ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên ta phải “lặn xuống biển mò ngọc trai, lên rừng sâu tìm ngà voi” cống nạp cho Trung Quốc, phải chịu cảnh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ!”.

Nguyễn Thanh Tú muốn xòe bàn tay che tội ác bọn xâm lược phương Bắc để bảo vệ “16 chữ vàng + 4tốt” chăng?

Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi Nguyễn Thanh Tú chưa sinh ra, Tố Hữu đã diễn tả Việt Nam thời Pháp thuộc, sâu sắc hơn nhiều: “Thưở nô lệ dân ta mất nước / Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm / Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao”.

Thời ấy người ta tin Tố Hữu, vì ông từ trong “Trời đất tối tăm” bước ra, và không có nguồn thông tin để đối chiếu, thế giới quan của người Việt Nam hạn hẹp trong luỹ tre làng. Bây giờ cả thế giới, Đông, Tây kim cổ trên mạng Internet, trên truyền hình, Nguyễn Thanh Tú còn chép những dẫn chứng trong sách vở học trò những năm sáu mươi, nhàm quá.

Nguyễn Thanh Tú cần biết, trừ Thái Lan, đầu thế kỷ 20 các nước Đông Nam Á đều bị phương Tây đô hộ, sự nghèo đói, bất công dưới chế độ thực dân cũ không riêng Việt Nam, mà các nước khác cũng như vậy. Năm 1945, Việt Nam gần 2 triệu người chết đói, thì 1947, Philipine số người chết đói được Frangscoi mô tả còn đau lòng hơn.

Việt Nam, Lào giành độc lập năm 1945, bằng cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay Phát xít Nhật. Các nước khác được trao trả độc lập từ 1950 đến 1957.

Mỗi dân tộc có một con đường đi riêng tới đích, và lịch sử có quyền so sánh, tìm ra cái hay cái dở là lẽ đương nhiên. Nguyễn Thanh Tú kết tội những người so sánh con đường giành độc lập của Việt Nam với các nước khác, khẳng định chỉ có con đường cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam là đúng đắn. Tú viết : “Trí tuệ đảng ta đưa cách mạng Việt Nam vào đúng quỹ đạo của lịch sử!”.

Vậy các nước láng giềng như Indonesia, Philipin, Malaysia, Singapore đi trệch quỹ đạo lịch sử chăng?

Bằng phương pháp hòa bình, các nước đó đã giành độc lập, và từ khi giành độc lập đến nay không phải trải qua những cuộc chiến tranh, không tốn xương máu, không mất một tấc đất. Còn Việt Nam, vừa giành độc lập, bước ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, tiếp theo cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm. Khi Tổng bí thư Lê Duẩn vừa tuyên bố vĩnh viễn không kẻ thù nào dám xâm lược nước ta, thi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tiếp theo là chiến tranh biên giới phía Bắc.

Mang danh người lính, Nguyễn Thanh Tú đã nếm mủi khói bom đạn chưa? Nhân danh nhà văn quân đội, Nguyễn Thanh Tú có biết hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, mấy triệu người Việt Nam đã chết trên cái gọi là “Tiền đồn cùa phe xã hội chủ nghĩa” không? Nguyễn Thanh Tú đã bao giờ đến biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, đến “Những cánh đồng chết”ở Campuchia, để thấy máu xương đồng đội và nhân dân ta chất chồng trước mũi súng của tay sai Trung Nam Hải ?

Dân tộc ta đã phải trả giá đắt gấp nhiều lần các dân tộc khác để giành độc lập, mà bây giờ đâu đã thực sự độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ? Nguyễn Thanh Tú không hiểu, hay cố tình không hiểu?

Về kinh tế, Singapor hiện nay GDP bình quân thu nhập đầu người 56.000 đô la, Malaysia 11.600 đô la, Indonesia 10.300 đôla, Philipin 10.115 đô la. Việt Nam, được tuần báo The Econmist xếp thứ 11 nằm trên 10 nước nghèo nhất thế giới, là Sierra Leone, Guinea, Uberia, Cộng hòa Trung Phi, Brundi, Somalia, Bukena, Mali, Etiopi, Niger.

Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn vin vào chiến tranh, đổ tội cho đế quốc làm cho nền kinh tế không phát triển. Một đảng được coi là tiên phong, là đỉnh cao trí tuệ, luôn bắt đúng mạch lịch sử thời đại, sao cứ bị xoáy vào những cơn lốc chiến tranh, và nhiều thù hơn bạn?

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam thực sự trí tuệ, đi đúng quỹ đạo như Nguyễn Thanh Tú khẳng định, thì phải vận dụng quy luật khách quan, phải ngang tầm lịch sử. Đảng phải kết hợp với sức mạnh dân tộc, thời đại tiến lên, chứ không kéo lịch sử lùi lại như ông Tú lấy năm 1945 làm cái mốc để so sánh, càng không thể tự cô lập mình trong bối cảnh một thế giới hội nhập, hòa đồng trong xu thế toàn cầu hóa.

Nguyễn Thanh Tú viết: “Chủ nghĩa đế quốc và thế lực phản động tìm mọi cách gây mất ổn định chính trị, làm đảng ta suy yếu để dễ bề xâm lấn!”.

Đế quốc nào? Thế lực phản động nào? Nó miệng ngang mũi dọc ra sao? Cũng như Trần Đăng Thanh, Nguyễn Thanh Tú không chỉ ra được, viết vu vơ lặp lại lời người khác.

Từ lâu, người ta nghi thế lực thù địch ở phía sau những người dân biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, những người dân đấu tranh đòi lại đất bị các nhóm lợi ích chiếm đoạt. Bao người đã bị bắt, thậm chí phài vào tù vì điều oan trái đó.

Sự mất ổn định chính trị, và Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trước sự tồn vong là có thật, nhưng không phải như Nguyễn Thanh Tú viết, là do chù nghĩa đế quốc và thế lực thù địch, mà là tự thân của đảng. Một hội thảo chuyên đề cũng có nhiều bậc cao kiến, cao niên nói rằng "Ta tự diễn biến mà làm hỏng đảng, đừng đổ cho thế lực thù địch nào khác". Không đế quốc và thế lực phản động nào tạo ra được “một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất” trong bộ máy lãnh đạo của đảng.

Nguyễn Thanh Tú viết: “Thế lực nào không được dân tin không được dân ủng hộ, lại bị thế lực bên ngoài can thiệp, o bế, nuôi dưỡng, giúp đỡ lực lượng phản động bên trong thì thế lực ấy sớm muộn sẽ bị diệt vong!”. Tôi cho rằng toàn bộ bài báo của PGS.TS, nhà văn, thượng tá Nguyễn Thanh Tú, hay nhất đoạn này. Bởi vì, ai cũng biết cái thế lực không được dân tin, đang bị bên ngoài can thiệp, o bế, nuôi dưỡng là thế lực nào rồi.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể tách mình ra khỏi thế giới.

Không nên nghĩ Đông Âu biến động, các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ mà Việt Nam an nhiên tự tại! Theo quy luật, Đảng cộng sản Việt Nam cũng phải nằm trong sự vận động. Những nhà nghiên cứu lý luận đã có học hàm học vị như ông nhẽ ra cần đi sâu nghiên cứu rút ra những bài học bổ ích của “phe ta” từ đống đổ nát bên trời Âu để tham mưu cho đảng nhằm thực thi dân chủ tốt hơn mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo ích nước lợi dân. Nhưng trái lại, ông cứ ngồi mà lôi ra mớ tư duy giáo điều trong kho U Bản Kỹ (y bản cũ) như con vẹt, làm chối tai thiên hạ. Muốn tồn tại đảng phài biết phá vỡ những đè nén của chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ trì trệ. Hiện nay tư duy khoa học đã lấn át tư duy giáo điều, dòng chảy của lịch sử như thác cuốn, thay đổi từng ngày. Lịch sử chứng minh từ thời Karl Marx đến thời Lenin không xa, nhưng Lenin đã đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) khác xa Karl Marx đi đôi với cơ chế chính trị phù hợp...

Đảng cộng sản Việt Nam cần phài có trí tuệ, năng lực. Trí tuệ của đảng là trí tuệ của quần chúng, muốn vậy phài có dân chủ, bóp chết dân chủ thì cạn nguồn trí tuệ, như cây không có nước.

Nguyễn Thanh Tú gọi những người kiến nghị sửa Hiến pháp, trong đó có GS.TS Trần Đình Sử, thầy dạy mình là “những kẻ cơ hội dựa vào sai lầm của đảng ta để kêu gọi sửa đổi điều 4 Hiến Pháp, đòi thay đổi vị trí lãnh đạo của đảng” và Tú khẳng định: “Không một thế lực nào, một đảng phái nào làm thay được vai trò lịch sử của đảng”.

Chao ôi, đảng vừa hé mở cánh cửa dân chủ ra thì Nguyễn Thanh Tú đã đóng sập lại. Một kẻ “bảo hoàng hơn vua” hay một anh lính gác cửa làm theo lệnh?

Dù thế nào thì cũng cần phải hiểu điều dân đang đòi hỏi, là dân chủ và công bằng xã hội, là một nhà nước pháp quyền, kết hợp truyền thống dân tộc và thời đại, hòa hợp dân tộc đưa đất nước tiến lên ngang tầm khu vực và thế giới. Muốn vậy phải thay đổi Hiến pháp. Viêc lấy ý kiến sừa đổi Hiến pháp, phải thật sự dân chủ, khách quan, không thể để những kẻ dối trá như Nguyễn Thanh Tú lèo lái dư luận, phá hỏng một tiến trình dân chủ, nếu thực sự đảng muốn đồi mới. Tư duy của nhà “trí-xít thức” này không những còn quá nặng bảo thủ, giáo điều mà còn khô cứng như đã được đổ bê tông.

Điều cuối cùng cần nói với Nguyễn Thanh Tú là, một người chửi thầy như ông thì không nên cầm bút nữa, bởi văn là người ông ạ!

M.D
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 22:13 http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif





No comments:

Post a Comment

View My Stats