Monday 11 February 2013

NĂM QUÝ TỴ NÓI CHUYỆN THẦN RẮN (Vũ Nam Hải)




Vũ Nam Hải
11-02-2013
http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=9613

Tục thờ rắn như một vị thần đã xuất hiện trong văn minh nhân loại từ rất lâu đời. Người cổ đại thấy rắn vừa quen thuộc nhưng lại vừa độc đáo. Vẻ bí hiểm, đôi mắt nhìn không chớp của rắn như chứng tỏ một sự thông minh đặc biệt, một toan tính kỹ lưỡng vượt ngoài tầm hiểu biết của người. Nọc độc của rắn làm người kinh sợ, nhưng rắn cũng giúp người giệt trừ chuột bọ cắn phá nên rắn vừa xấu mà cũng vừa tốt.

Rắn sống ẩn nấp trong hang đất nên tượng trưng cho địa ngục hay vùng đất của người chết. Rắn lột da để lớn nên được coi là biểu tượng của sự trường sinh hay hồi xuân. Khi nằm, rắn cuộn tròn thành hình xoắn, có khi ngậm đuôi thành vòng tròn; vòng xoắn và vòng tròn được nhiều dân tộc quan niệm là sự bất tử.

Người cổ đại với sự hiểu biết về thiên nhiên hạn hẹp nên gán cho rắn những đặc tính linh thiêng, và họ thờ rắn như một vị thần cũng như thờ thần nước, thần lửa,… để mong thêm lợi lộc bớt đi tai họa. Dưới đây là thần rắn của một số quốc gia trên thế giới .


Ai Cập

Nehebkau là thần có hai đầu rắn. Hai đầu này tượng trưng cho sự dũng mãnh có thể tấn công từ cả hai phía và không bao giờ khiếp sợ. Người Ai Cập cổ đại tin rằng thần rắn Nehebkau che chở cho họ cả khi sống lẫn lúc chết, nhất là khi họ bị rắn cắn. Nehebkau còn được mô tả với đôi cánh hay người đầu rắn đội mũ miện Atef.

Hình nổi ở Đền Sobek và Haroeris, Kom Ombo (Egypt).  Nguồn ảnh: piramidavorever.ru

Apep là một thần rắn khác của Ai Cập. Con rắn khổng lồ này là thần đêm tối, kẻ thù của Ra – thần mặt trời. Mỗi khi chiều xuống, chiếc thuyền của Ra tiến vào cõi âm thì Apep xuất hiện và ngăn trở nhưng rồi sẽ bị ngọn giáo của Ra xuyên thấu. Máu Apep tuôn chảy chan hòa làm bầu trời hoàng hôn đỏ ối. Thế nhưng, cũng có khi bóng đêm chiến thắng, đó là lúc xảy ra nguyệt thực, mặt trời bị mặt trăng che khuất. Apep còn là biểu tượng của sự hỗn loạn và các thế lực ma quỷ.

Lưỡng Hà

Ningishzida là thần rắn của vùng Sumer thuộc phía nam Lưỡng Hà. Là con trai của thần Ninazu – thần chữa lành các bệnh tật. Hình tượng Ningishzida với hai con rắn quấn quanh một cây gậy là biểu tượng cổ xưa nhất của việc chữa bệnh. Rắn và gậy còn xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp với cây gậy có hai con rắn của thần Caduceus of Hermes, hay, cây gậy có một con rắn của thần Aclepius. Ngày nay, nhiều tổ chức y tế vẫn dùng hình 1 hoặc 2 con rắn quấn quanh cây gậy làm logo.

Ningishzida và những biểu tượng trong ngành y ngày nay.  Nguồn ảnh: piramidavorever.ru

Hình tượng hai con rắn xoắn vào nhau như biểu tượng của sự sống cũng thấy xuất hiện tại những nền văn minh khác, đặc biệt là tại Trung Hoa với thần Nữ Oa.

Trung Hoa

Nữ Oa là một trong Tam Hoàng. Cùng với Phục Hy và Thần Nông Nữ Oa làm vua nước Trung Hoa thời sơ khai. Bà được coi là vị thần tạo ra loài người. Cũng có tên là Mai Thần tức thần giúp nam nữ kết duyên với nhau. Nữ Oa được mô tả là nửa người nửa rắn hay mình rắn đầu người.

Nữ Oa và Phục Hy vốn là hai anh em nhưng sau kết thành vợ chồng. Tranh cổ vẽ Nữ Oa và Phục Hy với thân dưới hình rắn xoắn vào nhau. Trong tay Nữ Oa cầm một vật như cây com-pa, còn Phục Hy cầm cây thước vuông . Thước kẻ vuông tượng trưng cho đất (đất vuông), còn com-pa tượng trưng cho trời (trời tròn). Hai vật này sau được dùng làm logo cho Hội Tam Điểm (Freemasonry).

Hình minh họa chuyện thần thoại Nữ Oa.  Nguồn ảnh: Edward Theodore Chalmers Werner (1922)


Ấn Độ

Nāga là những vị thần mang lốt rắn – thường là rắn hổ mang. Tại Ấn, rắn được coi là động vật linh thiêng thứ nhì sau loài bò. Còn là vị thần bảo hộ sông ngòi và làm mưa, vì thế là thần đem lại sự sung túc; nhưng nếu thần nổi giận thì sẽ làm hạn hán hay lụt lội. Những thần rắn Nāga có khi mang lốt người, có tính tò mò, và sẽ trừng phạt người khi người không tôn trọng thiên nhiên. Nagamandala là lễ hội cúng tế thần Nāga với những nghi thức long trọng. Một số bộ tộc tại Ấn còn tự xưng là Nagavanshi nghĩa là con cái Nāga.


Tượng Phật bên Lào [Thàn rắn Nagas 7 đầu] và những biểu tượng trong ngành y ngày nay
Nguồn ảnh: jpatokal


Nāga còn được thờ cúng tại các nước khác trong vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào và Campuchia . Được coi là vị thủy thần cai quản sông Mekong. Nhiều cư dân sống quanh sông thường bày lễ cúng thần rắn Nāga trước khi xuống thuyền đi trên sông .

Manasa là thần rắn được thờ đặc biệt cho việc phòng ngừa và chữa trị rắn cắn cũng như các bệnh khác như ban sởi, đậu mùa . Manasa được hình dung như một nữ thần đứng trên hoa sen, trên đầu có 7 con rắn che vòng quanh. Manasa được cúng bái nhiều nhất là vào mùa mưa, thời gian rắn hoạt động nhiều nhất .


Thần rắn ngày nay

Loài người tiến bộ ngày nay không còn sợ hãi và thờ cúng những thần vật như người cổ đại nữa, rắn chỉ còn là biểu tượng cho một số hiện tượng trong thế giới tự nhiên.

Trong tác phẩm văn xuôi “Fairy Tale” (Das Märchen) của Goethe (có tên tiếng Anh “The Green Snake and the Beautifull Lily”), một con rắn đã hy sinh để giúp hoàng tử giải lời nguyền và lấy được nàng Lily, hàm ý loài rắn tượng trưng cho sự khai mở bản tính nguyên thủy của con người.

Theo triết thuyết Yoga Ấn Độ, Kundalini (nghĩa đen là “xoắn vòng”) được coi như một con rắn nằm cuộn ở vùng đốt cùng của xương sống. Kundalini là nguồn năng lực của tiềm thức chứa đựng mọi thông tin của vũ trụ, nên khi Kundalini thức giấc, bốc lên từ hội âm xuyên qua đỉnh đầu thì con người giác ngộ được cái tuyệt đối. Người phương Tây còn gọi Kundalini là “sức mạnh mãng xà” lấy từ tác phẩm “The Serpent Power” của Sir John Woodroffe.

Rắn còn được cho rằng có liên hệ tới hệ DNA của con người . Trong tác phẩm “The Cosmic Serpent, DNA and the Origins of Knowledge”, Jeremy Narby cho rằng không phải ngẫu nhiên mà hình tượng 2 con rắn giao nhau đã xuất hiện ở nhiều nền văn minh cổ đại (như tại Lưỡng Hà, Hy Lạp, Trung Hoa), đó là biểu tượng cho cặp xoắn kép của DNA – nguyên liệu di truyền ở người và hầu hết các cơ thể sống.

Còn những ai sinh vào năm Quý Tỵ 2013, theo Tử Vi, sẽ thuộc mạng Trường Lưu Thủy có nghĩa “giòng nước lớn”, điều này phải chăng trùng hợp với quan niệm rắn thần bảo vệ sông ngòi?

Dựa vào những đặc tính về rắn và quan niệm về thần rắn ở trên, người ta có thể tán lắm thứ về số mạng của Quý Tỵ, những cái hạp, những cái không hạp. Rõ nhất là chuyện đặt tên, có người luận rằng rắn thích ẩn náu trong hang, trên đồng ruộng hoặc ở trên cây, vì thế nên dùng các chữ thuộc các bộ Khẩu, Miên, Mịch, Mộc, Điền để đặt tên cho người tuổi Tỵ như: Dung, Mộc, Lâm, Tùng, Sâm, Thụ, Diệp,… Rắn thường sống ở các hang động âm u và hoạt động về đêm nên rất sợ ánh sáng mặt trời, do vậy cần tránh những chữ thuộc bộ Nhật như: Đán, Minh, Huy, Trí, Tấn, Nhật, v.v.

Thời nay, kiếm cho ra cái “tên đẹp” theo đúng cái-gọi-là Phong Thủy kia coi bộ khó quá . Tốt nhất cứ tin rằng dù đặt tên gì đi nữa, đứa bé cũng sẽ có ích cho xã hội như con rắn trên cây gậy thuốc của thần Aclepius.

© DCVOnline



Đọc thêm:

“Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại” - Trần Minh Hường, Tạp chí VHNT số 311 (tháng 5), 312 (tháng 6) -2010






No comments:

Post a Comment

View My Stats