Tuesday, 19 February 2013

MỘT THOÁNG CAMBODIA (BS Hồ Hải)




Thứ sáu, ngày 15 tháng hai năm 2013

Đúng 22 năm mình trở lại Cambodia, một đất nước có một lịch sử và văn hóa bi hùng và phế tích với một dân tộc hiền hòa đến mông muội và là một cựu Đế chế hùng cường, nằm trong số 10 Đế chế lớn nhất trong lịch sử của nhân loại.

Bi kịch và số phận đã đẩy đưa Cambodia - một trong 3 quốc gia thành viên thuộc địa Đông Dương của Pháp: Việt Nam, Lào và Cambodia - đã trở thành quốc gia duy nhất có nền chính trị Quân chủ lập hiến. Có nghĩa là, ở đây hình thái chính trị lại giống với Vương quốc Anh, mà không giống với nền chính trị Cộng Hòa của cựu mẫu quốc Pháp.

Quân chủ lập hiến là một nền chính trị mà ở đó, gia đình hoàng tộc không tham gia vào chính trị. Họ chỉ là biểu tượng của đất nước dùng để làm công việc lễ tân cho cả nội vụ và ngoại giao khi chính phủ cần. Chính phủ là tổ chức điều hành chính của quốc gia, đứng đầu là thủ tướng, dựa trên một nền chính trị đa nguyên tranh cử của nhiều đảng phái khác nhau, với tam quyền phân lập. Ai đã từng đến Cambodia cách đây 20 năm sẽ thấy đất nước bi hùng này thay da đổi thịt rất nhiều đến ngỡ ngàng.

Từ chỉ còn khoảng 1,3 triệu dân sau cuộc tàn sát của đảng cộng sản Khmer Đỏ vào giữa cuối thập niên 1970s của thế kỷ trước, ngày nay dân số Cambodia đã đạt con số khoảng 15 triệu với 30% là Hoa kiều, 20% là Việt kiều và 50% còn lại là người Khmer và các dân tộc khác. Đảng cộng sản Khmer Đỏ đã giết hầu hết tầng lớp tinh hoa và giới nhà giàu của dân tộc Khmer. Hầu hết người dân Khmer chính gốc là tầng lớp nhân dân lao động, hiền lành, chất phát như đất. Nền kinh tế của Cambodia phồn thịnh hiện nay hầu như nằm trong số 50% Hoa kiều và Việt kiều đang sinh sống trên đất nước Cambodia. Có lẽ, chính điều này sẽ là một tín hiệu không lành cho dân tộc Khmer trong vài thế kỷ tới.

Người ta thấy rằng, ở đâu mà các chính khách sử dụng thần quyền đến tột đỉnh của nghệ thuật chính trị - là nghệ thuật của sự có thể - thì ở đấy người dân rất dễ sai bảo, và bạo chúa có thể làm nên những kỳ tích để đời cho nhân loại, hoặc chính khách cũng có thể xúi giục dân chúng tắm máu vì ngai vàng của họ. Cambodia là một quốc gia có một tầng lớp chính khách và nhân dân như thế. Angkor Vat và Angkor Thum là 2 phế tích còn sót lại của một đế chế kiêu hùng làm minh chứng cho điều này. Công cuộc diệt chủng của đảng cộng sản Khmer Đỏ cũng là một minh chứng hùng hồn đối với dân tộc Khmer.

Văn hóa đặc thù của Cambodia là văn hóa của chùa chiền. Một đất nước mà ngày nay chỉ vỏn vẹn khoảng 15 triệu dân, nhưng có hơn 5000 ngôi chùa hoành tráng và to lớn. Sự giao thoa giữa thần quyền Phật giáo và thế quyền phong kiến đã tạo ra ở đất nước này một chế độ tăng lữ quý tộc trong giáo dục và định hướng dân chúng trong việc điều hành đất nước, biến đất nước này còn một cái tên gọi là, đất nước Chùa Tháp. Cho nên chùa cũng là nơi mà bất kỳ một nam thanh niên nào cũng phải vào đó để học làm người lương thiện thì mới được trở thành người có giá trị của xã hội. Không có tấm bằng Phật học, thì nam thanh niên khó lòng thành công khi bước vào đời.

Ngoài ra, ở Cambodia còn tồn tại hình thái xã hội Mẫu hệ từ thời loài người còn ăn lông ở lổ và săn bắt hái lượm. Nam thanh niên lớn lên chưa từng đi tu ở chùa để học đạo ít nhất là 6 tháng đến 3 năm, để có tấm bằng Phật học, thì khó hy vọng để lấy được vợ. Ở Cambodia, con gái đi cưới chồng, con trai đi lấy vợ và ở rể. Con cái sinh ra, không mang theo họ cha hoặc mẹ, mà cái tên của con cái là ghép thành từ tên cha và tên mẹ. Cho nên cái dòng họ không có ý nghĩa trong việc duy trì chủng tộc và dòng tộc. Đó cũng là một nét văn hóa đặc thù góp phần cho một đế chế lừng lẫy phải điêu tàn như hôm nay.

Đất nước chùa Tháp còn là đất nước của Rắn. Đi bất cứ nơi đâu, biểu tượng rắn cũng được điêu khắc và đúc tượng. Đây là tàn tích của thần quyền Bà La Môn ngày đầu du nhập vào Cambodia. Hồ Tonle Sap - biển Hồ - là một túi chứa nước ngọt rộng lớn nhất thế giới làm nhiệm vụ điều tiết nước cho dòng Mekong có nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Quanh biển Hồ là rừng cây Lộc Vừng bạc ngàn, nếu ở Việt Nam dân tình sẽ biến rừng cây này thành bãi hoang vì trò phong thủy và mê tín dị đoan. Nhưng ở Cambodia, rừng cây Lộc Vừng không có ý nghĩa, mà ý nghĩa của nó là tất cả các loài rắn sống ở rừng này. Mùa nước nổi từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch rừng này ngập nước, và rắn sẽ trèo lên đọt cây để tránh lũ. Lúc đó, người dân Cambodia dùng thuyền để đi săn rắn về bán cho các nhà hàng và các xưởng làm thức ăn khô, nên giá khô rắn ở Cambodia rẻ hơn giá thịt bò. Rắn nuôi một phần đời sống nông dân Cambodia, nên rắn được đạo Bà La Môn đặt làm biểu tượng của họ ở đất nước Chùa Tháp.

Rừng lộc vừng quanh biển Hồ Tonle sap và cột đánh dấu mốc nước lũ theo cấp độ nước dâng lên trong mùa nước nổi.

Cambodia là một đồng bằng thấp, mùa nước nổi từ biển Hồ Tonle Sap đổ về cũng là mùa dân Khmer làm ruộng. Hệ thống thủy lợi ở đây còn rất kém phát triển một phần vì hơn 98% diện tích Cambodia là đồng bằng màu mỡ. Đất thịt bazan và phù sa từ biển Hồ đem lại cho đồng bằng ở đây làm ruộng trồng cây mà không cần phân bón. Người Khmer được thiên nhiên ưu đãi như người dân miền Tây Nam bộ nước Việt, nên ở đây lúa chỉ làm một mùa nước nổi, và lúa ở đây là loại lúa nước, rãi trên đồng nước lên bao nhiêu thì lúa cao lên bấy nhiêu, khi lúa chín cũng là lúc mùa nước rút - khoảng 6 tháng - và dân chỉ việc ra đồng cắt ngọn lúa có hạt mang về. Đó cũng chính là cái mà làm cho chính phủ Cambodia không quan tâm đến việc làm hệ thống thủy lợi để tăng canh, tăng vụ. Hơn nữa dân số chưa đông, áp lực an ninh lương thực chưa đòi hỏi và dân tình không chỉ sống bằng nghề làm lúa, mà còn có những cái khác để mưu sinh.

Cây thốt nốt có tuổi đời đến cả trăm năm được dân Khmer làm hàng rào

Văn hóa Cambodia cũng gắn liền với cây Thốt Nốt. Vua Jayavarman đệ nhị - người khởi đầu tạo dựng đế chế Khmer - là người đưa ra việc trồng cây thốt nốt để ghi lại ranh giới đế chế Khmer và cũng là ranh giới cho những mãnh ruộng vườn của mỗi gia đình đã khai hoang và làm ăn. Nên cây thốt nốt cũng là biểu tượng của đất nước Chùa Tháp ngoài chức năng là một loại cây công nghiệp ẩm thực làm ra đường, rượu và nước uống giải khát ở vùng đất đầy nắng này. Nếu ai để ý, cây thốt nốt ở Cambodia luôn trồng ở các hàng rào của căn nhà ở và ở các bờ đất phân ranh giới giữa các thửa ruộng với nhau. Cho nên người Cambodia vẫn còn truyền miệng nhau rằng, ở đâu có cây thốt nốt thì ở đó là đất của người Khmer một thời lừng lẫy.


Asia Clinic, 9h20' ngày thứ Sáu, 15/02/2013

*
*

Thứ bảy, ngày 16 tháng hai năm 2013

Đế chế Khmer hay còn gọi là Đế quốc Khmer bắt đầu từ vị vua Jayavarman đệ nhị. Ông là một hoàng tử của đảo Java thuộc Indonesia ngày nay. Giống như thời kỳ nước Việt sử dụng Huyền Trân Công chúa gả cho Chế Bồng Nga nước Champa. Ông Jayavarman đệ nhị cũng là một con tin chính trị được làm rể cho nước Chân Lạp. Ông mang văn hóa Java truyền bá và đánh chiếm các vị vua lâng bang vùng Đông Nam Á, và lập nên một diện tích bằng đất nước Cambodia hiện nay. Bắt đầu xây dựng đế chế Khmer từ 790 sau Công nguyên, đến năm 802 ông tuyên bố mình là Vua thiên hạ - Chakravartin - theo phương cách Ấn Độ giáo. Các đời vua sau đó đánh chiếm và tạo ra một Đế chế Khmer rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1 triệu cây số vuông, kéo dài 630 năm cai trị và suy tàn rồi tan rã vào năm 1432. Đế chế Khmer lúc cường thịnh bao gồm, Lào, Thái Lan, miền Nam Việt Nam và Cambodia bây giờ.

Bản đồ Đế chế Khmer lúc cường thịnh vào đời vua Jayavarman VII

Vì có nguồn gốc từ xứ sở ngàn đảo nên văn hóa và tôn giáo thời kỳ đầu của Chân Lạp nói riêng và đế chế Khmer sau này nói chung là Bà La Môn giáo, thờ linh vật là chủ yếu đi đôi với kiến trúc Tháp Champa, và ăn cơm bằng nhúm bàn tay bốc chứ không ăn đủa như bây giờ của hầu hết dân Khmer. Đến đời vua Jayavarman đệ Thất ảnh hưởng Phật giáo Nam tông - tiểu thừa - từ Ấn Độ và các nước lâng bang, Phật giáo được nhà vua đẩy lên thành quốc giáo để phủ dụ dân chúng dễ bề cai trị. Từ đó, mỗi nam thanh niên Khmer muốn thành người trọng dụng phải tốt nghiệp trường Phật học ở các chùa trong cả nước. Ngay các chính khách ngày này như Polpot hay Hunxen đều đã từng là các học viên tại các chùa lớn ở Phnompenh.

Tàng tích dân tộc Champa ở Cambodia ngày nay nằm dọc theo sông Mekong rải rác từ tỉnh Kongpong Cham qua Kongpong Thom đến Phnompenh. Hầu hết người Champa sống bằng nghề đánh bắt cá và làm mắm Bò hóc - prahoc hay pro hoc theo phiên ngữ tiếng Khmer - một loại mắm làm bằng cá nước ngọt rất công phu và ngon, chứ không thối như mắm bò hóc mà người ta vẫn thường hay kể. Tỷ lệ dân Champa ở Cambodia không nhiều chiếm khoảng 3% dân số. Một dân tộc đang tàn lụi và phải đi sống nhờ ở đậu xứ người để tồn tại cũng vì quá hiền lành và chất phát. Ở đâu có người Champa thì ở đó đạo Hồi và Bà La Môn vẫn hiện diện qua kiến trúc và văn hóa sống.

Dấu tích kiến trúc Champa trên đồi Bà Then

Nhà nước quân chủ lập hiến Cambodia hiện nay có một chính phủ điều hành dưới quyền của thủ tướng suốt 20 năm qua. Năm nay sẽ là năm tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của ông Hunxen sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp thắng thế. Ở Cambodia hiện nay có rất nhiều đảng phái tranh cử, nhưng chỉ 5 đảng phái lớn là có tiếng nói với dân chúng và có ghế trong quốc hội. Vì là một chính phủ đa nguyên như các nước phương Tây và Hoa Kỳ, cho nên, thay vì tham nhũng và độc tài như các nước châu Á quanh vùng theo cộng sản, thì chính phủ hiện nay phải công khai các phí dịch vụ làm giấy tờ hoặc trong mọi thủ tục hành chính công. Ví dụ, dùng xe hơi phải đóng thuế 800 đô la Mỹ mỗi năm cho sở thuế, nhưng đi xe hơi sai luật thì tự động tốn 2 đô la Mỹ cho cảnh sát giao thông, mà nghĩ rằng nó là phí phải nộp hay tiền hối lộ cho cảnh sát giao thông cũng được, vì tiền 2 đô la này không nộp vào kho bạc nhà nước, mà vào túi cảnh sát giao thông trực tiếp xử phạt người đi xe sai luật không có mảnh giấy biên nhận. Nhưng không vì thế mà cảnh sát giao thông lạm dụng quyền xử phạt, vì cảnh sát và quân đội không được quyền tham gia chính trị, các đảng phái khác đảng nhân dân cách mạng của ông Hunxen chỉ trích chính phủ, vì sao để cảnh sát lạm quyền. Ở quốc hội Cambodia, theo hiến pháp được quyền truất phế thủ tướng đương nhiệm bị bất tín nhiệm và bầu thủ tướng mới thuộc đảng phái khác trong thành viên quốc hội. Có lẽ nhờ vào thể chế đa nguyên, và tam quyền phân lập, nên Cambodia đã phát triển rất vững chắc sau chỉ 22 năm trở lại vương triều của hoàng tộc Norodom Sihanuck.

Nền kinh tế của Cambodia là một nền kinh tế thị trường tự do đúng nghĩa theo quy luật cung cầu. Giống các nước phương Tây và Hoa Kỳ về mọi mặt, nên cũng thì một lít xăng, dầu, nhưng ở 2 công ty xuất nhập khẩu khác nhau thì có giá bán khác nhau, nhưng không ai quan tâm đến mua ở nơi giá rẻ hơn. Toàn bộ nền kinh tế Cambodia là một nền kinh tế nhập khẩu hoàn toàn, hầu như xuất khẩu là con số không to tướng, nhưng hầu như chưa nghe thấy có sự thâm hụt ngân sách quốc gia vì những đầu tư công, hay vì tham nhũng. Vì hầu hết tất cả các lĩnh vực chính phủ Cambodia đều giao cho tư nhân quản lý, điều hành và đóng thuế cho chính phủ. Tiền đóng thuế đó sẽ được dùng để làm việc chính sách công và lo lương cho hệ thống công quyền.

Trong cùng một ngày 14/02/2013, nhưng 2 cây xăng ở Phnompenh của 2 đại lý Tela và Sokimex có giá xăng dầu chênh lệch khác nhau, song không ai vì thế mà phải tranh nhau mua giá rẻ hơn. vì nó là chuyện rất bình thường ở một nền kinh tế thị trường tự do như Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt nam trước 30/4/1975.

Hầu hết các khu vực kinh tế lớn của đất nước Cambodia được thầu bỡi các đại gia Hoa kiều và Việt kiều. Một ông Việt kiều giàu có nhất Cambodia có nguồn gốc là người Sóc Trăng. Ông là người tài trợ cho chính phủ ông Hunxen trong những ngày đầu thành lập quân đội để đánh lại chế độ cộng sản Khmer Đỏ diệt chủng Cambodia. Ông bao thầu rất nhiều lĩnh vực từ xuất nhập khẩu hầu hết các ngành nghề kể cả xăng dầu, vàng bạc, đến bất động sản và kể cả du lịch. Hiện Angkor Vat và Angkor Thum và toàn bộ rừng Angkor do ông thầu và khai thác, mỗi năm ông đóng cho chính phủ đương nhiệm 24 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, mỗi chiếc vé tham quan Angkor trong 1 ngày cho người lớn là 20 đô la, và trẻ em dưới 12 tuổi là 10 đô la Mỹ! Ước tính lượng du khách đến thăm Angkor hằng năm trên 3 triệu lượt người. Một con số khổng lồ ở một địa điểm du lịch cho ngành khai thác du lịch ở một đất nước chỉ 15 triệu dân. Kể cả bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh ở khu vực Chợ Chba Om Pau - Cầu Sài Gòn ở Phnompenh - ông này cũng là chủ đầu tư, hiện đang được xây dựng và đào tạo nhân lực.

Đạo Phật cũng góp phần không nhỏ cho nền kinh tế và an sinh xã hội Cambodia. Hằng năm đến ngày lễ lớn hoặc ngày tết truyền thống của người Khmer - vào khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm do vua sãi quyết định theo việc chấm thiên văn - các đại gia kinh tài tư nhân trên đất nước Chùa Tháp thường làm lễ tạ ơn cho đất nước bằng việc đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền như, đóng góp 1 ngôi trường học hoặc xây dựng một bệnh viện, hoặc xây dựng, tu bổ một con đường. Đất là thuộc sở hữu tư nhân hoàn toàn có luật người dân được sở hữu dưới lòng đất bao sâu và trên không bao cao tùy theo thành phố hay tỉnh có quy hoạch rõ ràng. Ví dụ, ở thành phố Siêm Riệp, khoảng không trên mãnh đất không được quá chốn linh thiêng của các đền Angkor, nên ở đây các khách sạn hầu hết chỉ trong khoảng đến 4 tầng lầu, mặc dù đền Angkor Wat cao đến 65 mét, nhưng các đền Angkor Thum thì ở khoảng dưới 20 mét cao.

Tên đường phố của Cambodia cũng rất khoa học theo cái cách mà chính phủ đặt ra. Ở Cambodia không có con đường nào mang tên của người như ở Việt Nam, mà chỉ mang tên số là vĩnh hằng. Còn tên người chỉ gắn vào con số tên đường chỉ để ghi nhớ công lao của người ấy đã tài trợ làm và bảo trì con đường ấy. Tại Phnompenh có 1 đại lộ 286 gắn với tên Mao Trạch Đông, nó được gọi là đại lộ 286 Mao Trạch Đông, vì Trung Hoa đã cung cấp tiền duy tu và bảo trì con đại lộ này. Nhưng đến một ngày nào đó, Trung Hoa không còn tài trợ để duy tu và bảo trì con đại lộ này thì nó sẽ trở lại tên đường là Đại lộ 286. Đường phố là của dân đi lại, nhưng vỉa hè là của chính phủ thu tiền đậu xe. Nên không có bất kỳ chủ nhân căn nhà mặt tiền nào được hoặc dám đuổi ai đó đậu xe trên vỉa hè trước cửa nhà mình. Trung tâm thành phố Siêm Riệp cũng có một Viện Nhi khoa không mất tiền khi đến đây khám chữa bệnh trẻ em dưới 15 tuổi do Thụy Điển tài trợ. Đó là một trong những cách mà chính quyền Cambodia làm nên nền kinh tế và an sinh xã hội tốt cho nước mình.

Đạo Phật cũng dạy cho người Khmer không có quan niệm kẻ thù đế quốc thực dân Pháp, Mỹ hay gọi Polpot là kẻ thù dân tộc ngụy quyền. Ở Cambodia, trong quan niện dân chúng chỉ có 2 mặt: thiện và ác, nhân và quả. Đêm đầu đến thành phố Siêm Riệp, với 25 đô la cho mỗi người lớn và 12,5 đô la cho trẻ em dưới 12 tuổi, chúng tôi đã được xem một vở đại hùng ca múa kịch sử thi mang tên "Angkor Smile" do nhà đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dàn dựng với trị giá 20 triệu đô la Mỹ. Tất cả vở đại hùng ca múa kịch sử thi này với hơn 300 con người diễn viên thực hiện suốt 70 phút đồng hồ kể lại lịch sử đế chế Khmer suốt hơn 1000 năm hình thành và phát triển, rồi lụi tàn cho đến hôm nay, vẫn một nụ cười đôn hậu vào quá khứ, hiện tại và tương lai, mà không một lời oán trách và chỉ mặt đặt tên kẻ thù, chỉ nhắc nhở con người hãy sống với nhau hiền hòa, trên đời này chỉ có kẻ thiện người ác là do nhân quả mà thành. Có lẽ vì thế mà đã có một sự hòa hợp hòa giải dân tộc Khmer và nhiều dân tộc khác sống ở Cambodia không hận thù, sau hơn 20 năm binh biến và nạn diệt chủng do Polpot gây ra, trong công cuộc hồi hương sau 23 năm lưu vong của Thái thượng hoàng Norodom Sihanuck.

Vở đại hùng ca múa kịch sử thi mang tên "Angkor Smile" do nhà đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dàn dựng với trị giá 20 triệu đô la Mỹ.


Suốt 3 đêm và 4 ngày trên đất nước Chùa Tháp, tôi luôn liên tưởng đến đất nước Cambodia về việc điều hành nền kinh tế làm sao mà đồng tiền không lạm phát, thậm chí ngày càng có giá trị hơn so với đồng tiền Việt của chúng ta, trong khi hầu hết nền kinh tế Cambodia là nền kinh tế nhập khẩu mà không có xuất khẩu và không sản xuất gì, ngoại trừ sản xuất nông sản hải sản để chủ yếu tự cung, tự cấp. Càng khó hiểu hơn khi tận mắt nhìn thấy hải quan cửa khẩu Cambodia thu tiền qua lại của dân mình mỗi đầu người 20 ngàn đồng tiền Việt không chứng từ sổ sách, để thị thực sớm, cho qua luôn cả xe và người mà không cần kiểm tra. Tức có nghĩa là tham nhũng ở Cambodia chắc chắn là nhiều hơn ở ta. Cách đây 22 năm, mình đến Cambodia giá đổi tiền Ria sang Việt là 4 đồng Việt ăn 1 đồng Ria, còn năm nay thì 5 đồng Việt mới đổi được 1 đồng Ria theo thị trường chợ đen!

Ngược lại với chính sách tận thu thuế phí ở Việt Nam, Cambodia lại có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu để biến thị trường nội địa trở thành thị trường hàng hóa giá rẻ, để dân chúng Cambodia tự do buôn bán kiếm lãi với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Một chiếc Lexus đời mới nguyên thùng chỉ bằng giá một nửa so với ở Việt Nam. Hầu hết dân Cambodia đều dùng hàng xịn của các nước phương Tây và tiên tiến. Mấy ngày ở đây tôi chỉ thấy đúng 1 chiếc xe hơi hiệu Kia của Hàn Quốc ở vùng nông thôn Kampong Cham. Ở Siêm Riệp và Phnompenh thì kiếm một chiếc xe hơi có xuất xứ từ Hàn Quốc để bán giá đồ cổ cũng không ra. Còn các hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Gucci, Levis, ... giá rẻ chỉ bằng 25-30% tại Việt Nam!

Đêm cuối ở Phnompenh, mình đến thăm người bạn cùng học trường Y ngày xưa, cũng đã từng là người nếm mùi thuốc súng thời làm nhiệm vụ quốc tế lật đổ chế độ cộng sản do Saloth Sar - tên thật của Polpot - để gầy dựng nhà nước Cambodia ngày nay. Anh em cùng tâm sự, mình hỏi, anh có định về lại Việt Nam để sống không? Anh ấy bảo, sống ở đây không phải nhức đầu bỡi cơm áo gạo tiền, bỡi lạm phát kịch trần, bỡi tham nhũng và bỡi nỗi đau lòng dân oan bị quan chiếm đất, v.v... Ngược lại là đằng khác cậu à, đời sống ở đây rất yên bình, giống như thời Đệ Nhất Cộng hòa ở miền Nam, xe hơi của tớ đêm ngủ, cứ để ngoài đường chả ai thèm lấy, đừng nói đến mất trộm kiếng chiếu hậu, hay mất mặt nạ. Hơn nữa, nó cũng gần quê nhà, nếu nhớ quê thì chỉ cần một cuốc xe mấy giờ đồng hồ là đến quê nhà, tội dại gì phải về nước, để phải khổ tâm vì những việc không phải mình gây ra hả cậu? Cậu cứ nghĩ mà xem, dù Cambodia là một thể chế chính trị có cả phong kiến, tăng lữ quý tộc, mẫu hệ và cộng hòa tồn tại, nhưng quyền tự do dân chủ tối thiểu của dân không thua bất cứ xứ nào. Và suy cho cùng chế độ cộng sản nào cũng vậy, thà giết sạch như Polpot đối với dân Khmer mà còn đạo đức hơn cái kiểu để dân sống mà không ra sống như ở Việt Nam hiện tại. Suốt đêm mùng 4 âm lịch tết Quý Tỵ, tôi không chợp mắt được vì cứ phải nghĩ đến câu trả lời của bạn mình, nghĩ về Cambodia, về Miến Điện và nghĩ về nước Việt hiện nay.

Đọc phần 3 Một thoáng Cambodia.

Tư gia, 1h05' ngày thứ Bảy, 16/02/2013

*
*

Thứ hai, ngày 18 tháng hai năm 2013

Hai mươi hai năm trước, cũng vào mùa xuân, tôi có mặt ở Phnompenh, cũng là lúc ông Thái thượng hoàng Norodom Sihanuck chuẩn bị về Cambodia để xây dựng một xã hội hòa hợp hòa giải dân tộc dưới một chính quyền đa nguyên quân chủ lập hiến. Lúc ấy, lưu lại 9 tháng làm ăn sinh sống, đất nước Cambodia vừa trải qua một thời kỳ kinh hoàng diệt chủng của đảng cộng sản Khmer đỏ do Polpot cầm đầu. Con người hỗn loạn, xã hội còn mất an ninh, đêm đi đường không biết có toàn tính mạng dù giữa thủ đô của một nước. Cơ sở hạ tầng đổ nát, đường xá đầy hố bom. Các đảng phái tranh nhau mọc như nấm sau mưa. Ai cũng lo sợ một cuộc thanh trừng và có thể nội chiến giữa các đảng phái và phe nhóm, mà đặc biệt đứng đầu giữa 2 phe của chính quyền ông Hunxen và nhóm theo quốc vương sẽ trở về từ Trung Hoa lục địa sau 23 năm lưu vong. Mặc dù cuộc sống người dân Cambodia lúc này vẫn chảy đều, nhưng cũng lắm tiêu cực. Muốn có chứng minh nhân dân Cambodia lúc đó chỉ cần tốn 1000 Ria tương đương 4000 tiền Việt. Muốn có hộ khẩu chỉ cần tốn 5000 Ria tương đương 20.000 tiền Việt là có ngay trong ngày. Cái chết có thể đến ngay trong ban ngày giữa chợ bằng súng mà chính mắt tôi nhìn thấy. Tất cả trong một mối bòng bong sau một thảm họa.

Bây giờ, trở lại cũng là lúc ông Thái thượng hoàng vừa băng hà và vừa mới hỏa táng. Hoàng cung không được phép tham quan trọn vẹn. Mọi du khách chỉ được tham quan khu vực chùa Ngọc Bích - còn gọi là chùa Vàng Bạc - đường phố giăng đầy hình ảnh ông bọc dải tang đen. Nhưng, an ninh đã tốt hơn nhiều, đi ngày không phải lo lắng, đi đêm cũng rất an toàn, nhưng thủ đô Phnompenh đúng nghĩa là một thủ đô hành chánh khi đêm về chỉ khoảng 23h là hầu như đã vào giấc ngủ. Còn đối với thành phố Siêm Riệp đúng nghĩa là một thành phố du lịch và thương mại đầu tàu kinh tế quốc gia, nửa đêm vẫn còn khách vãng lai và sinh hoạt thương mại vẫn diễn ra.

Dù thế, đời sống một góc khuất vẫn hiện ra, tuy không nhiều như ở ta, nhưng đáng để quan tâm. Đó là hình ảnh của những người dân nghèo Khmer, và đặc biệt là dân nghèo Việt Nam. Các khu du lịch trên đất Khmer suốt 3 ngày tôi chỉ gặp đúng một gia đình với bà mẹ và 3 đứa con Khmer xin tiền. Không dày đặt như ở ta, những người ăn xin rất dễ thương trong cách xin và cách nhận với một cái lạy cúi rạp người và lời cảm ơn lơ ló tiếng Việt của người Khmer đói khổ.

Song, khi đến tham quan làng người Việt nghèo trên biển Hồ thì một hình ảnh rất xấu diễn ra ở đây mà chúng tôi nói với nhau là, "thương hiệu cái bang Việt" đi đâu cũng thấy mà phát buồn. Chúng tôi được hướng dẫn viên giới thiệu, có một làng người Việt nghèo truyền kiếp từ thời trước 1975 vẫn cứ tồn tại trên những căn nhà nổi và trên những chiếc ghe vừa làm nhà, vừa làm phương tiện đánh cá trên biển Hồ Tonle Sap. Vài năm gần đây báo chí trong nước cũng ca ngợi ngôi trường dạy trẻ em nghèo trên biển Hồ này rất nhiều. Họ đáng thương, nên du khách cần tham quan, để có dịp kêu gọi giúp đỡ họ. Mỗi vé tham quan là 20 đô la Mỹ. Đã đi thì không thể bỏ, mà đặc biệt là người đồng bào mình làm sao bỏ được? Chúng tôi náo nức muốn làm cái gì đó cho đồng bào mình xa xứ nghèo khổ.

Một cháu trai xin tiền rất thông minh theo cách này, dù hơi ác cảm. Tốn 1000 Ria để chụp được hình cháu hoặc với con trăn.

Giữa trưa dưới cái nắng gắt 39 độ C, chúng tôi vẫn tranh thủ đi cho kịp lịch trình còn tham quan Naga World - một sòng bài lớn ở Phnompenh mà nhiều đại gia đình đám Việt đã phải tự tử vì nó - vào buổi chiều. Tâm trạng khi đi cứ nghĩ sẽ hết lòng với làng nghèo này. Nhưng trước khi đến trường trẻ em nghèo người Việt được UNESCO tài trợ từ hơn 5 năm qua, chúng tôi được uống nước dừa và ăn tép rang, thì đập vào mắt mình là một cháu xin ăn người Việt ôm trong lòng một con trăn lớn. Hình ảnh cháu không làm ai nghĩ cháu đi xin ăn, cứ nghĩ cháu là con chủ nhà hàng nổi trên biển Hồ. Nhưng lúc đang ăn uống thì cháu xuất hiện sau lưng mình với lời xin ăn, mọi người từ thương hại đến lo sợ con trăn mà cháu mang theo. Ác cảm từ lo lắng trở nên phòng thủ với "thương hiệu cái bang Việt".


Các cháu học sinh nghèo ở trường dạy tiếng Việt không tốn tiền của ông thầy Tư thành lập, bây giờ được một phần tài trợ của UNESCO?

Chúng tôi được đưa đến ngôi trường dạy tiếng Việt cho trẻ em nghèo trên biển Hồ. Cứ nghĩ sẽ đến để tìm hiểu, nhưng đến chưa đầy 5 phút là phải bỏ chạy lấy thân. Sự xuất hiện tàu du lịch của chúng tôi chưa đầy 1 phút thì hàng đàn ghe xuồng, thậm chí cả trẻ con bơi bằng chiếc thau giặt đồ vây quanh thuyền du lịch đông như kiến. Âm thanh kêu réo xin tiền, níu kéo khách du lịch như ong vỡ tổ. Một số người cử đại diện vào trường trao quà vì thấy trường chật hẹp. Một số ở lại trên thuyền bị bao vây sợ quá cũng nhảy theo lên trường để bớt bị níu kéo xin ăn. Tất cả diễn ra một hình ảnh không phải người đi tặng quà và kẻ nhận quà, mà là một sự hỗn độn đến mức khó tả. Cuối cùng có bao nhiêu quà và tiền lẻ chúng tôi vứt hết cho người Việt xin ăn và đại diện trường để thoát thân.

Trong khi đoàn du lịch thăm trường thì hàng đoàn thuyền người Việt bám thuyền du lịch để xin ăn.

Trên đường về, tôi suy nghĩ mãi, những người mà được các hướng dẫn viên du lịch mô tả rất đáng thương này có được để đáng thương không? Hơn 5 năm qua UNESCO tài trợ trường lớp, nhà thờ, khách du lịch và các đoàn ủng hộ, cộng thêm vào việc làm ăn sinh sống ở trên biển Hồ của họ thì họ có đáng để được gọi là nghèo theo kiểu này không? Hay là các công ty du lịch lợi dụng họ để khai thác kiếm tiền? Và họ thì lợi dụng du lịch để chỉ biết xin ăn mà không cần phải làm lụng vất vả? Tất cả đều có thể xảy ra trong bối cảnh người Việt hiện nay ở đâu cũng thấy.

Có một điều mà ai cũng tự hỏi, tại sao họ không về Việt nam sinh sống mà phải sống vất vưởn kiểu này? Vì họ không muốn về vì nhiều lý do, hay họ về mà không được tiếp nhận? Hay vì sống như thế này sướng hơn? Nhưng các câu hỏi không lấn át được một nỗi đau - nỗi đau của nước Việt ở thời đại "quanh vinh" - mà để dân mình bôi nhọ hình ảnh dân tộc mình ở xứ người thì không thể lãng quên.

Có thể cảm giác này của tôi và đoàn du lịch của chúng tôi đã từng diễn ra với nhiều đoàn đi trước, nhưng họ ngại sẽ phải viết ra. Nhưng không viết ra thì có tội với tổ tiên và đồng bào mình. Có thể có bạn cho rằng tôi ác độc khi viết ra. Nhưng họ, những "người nghèo Việt trên biển Hồ" cần một chính sách của nhà nước ta và nhà nước Cambodia liên kết nhau, bằng cách nào đó, để cho họ cái cần câu để kiếm cơm, chứ không thể để tồn tại mãi cách họ nhận cá cơm như thế này.

Asia Clinic, 12h08' ngày thứ Hai, 18/02/2013

--------------------------------------------------------------












No comments:

Post a Comment

View My Stats