Friday 1 February 2013

MIẾN ĐIỆN ĐÓN LÀN GIÓ TỰ DO SÁNG TÁC (Thanh Phương - RFI)




Thứ sáu 01 Tháng Hai 2013

Hàng chục nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thế giới và của Miến Điện tham gia vào liên hoan văn học quốc tế đầu tiên tại nước này, diễn ra tại một khách sạn lớn ở Rangun. Khai mạc hôm nay 01/02/2013 và kéo dài trong ba ngày, Liên hoan Văn học Irrawaddy được coi là một bước đột phá trong lĩnh vực sáng tác ở Miến Điện, sau nhiều năm các tác giả ở nước này bị kiểm duyệt gắt gao dưới chế độ quân sự.

Theo lời trưởng ban tổ chức, bà Jane Heyn, phu nhân đại sứ Anh quốc tại Miến Điện, mục đích chính của Liên hoan văn học Irrawaddy là tạo điều kiện để các nhà văn, nhà thơ trao đổi ý tưởng, trao đổi các tác phẩm và thảo luận với nhau.

Tại Liên hoan, khách tham quan có thể lật xem những cuốn sách của nhà đối lập Aung San Suu Kyi, được trưng bày cùng với nhiều tác phẩm văn học khác, điều mà trước đây, dưới thời chế độ phân phiệt, không ai dám nghĩ tới. Bản thân bà Aung San Suu Kyi cũng rất ủng hộ việc tổ chức sự kiện văn hóa này.

Nhà đối lập Miến Điện ngày mai sẽ tham gia điều hành một cuộc hội thảo với nhà văn Ấn Độ Vikram Seth, sử gia người Anh William Dalrymple và nhà văn Trung Quốc Trương Nhung.

Trong chương trình hôm nay tại Liên hoan Văn học Irrwaddy đã có một cuộc hội thảo về tương lai của quyền tự do ngôn luận tại Miến Điện, với sự điều hành của diễn viên-nhà thơ nổi tiếng Zarganar ( từng bị giam từ 2008 đến 2011 ) và tác giả ly khai Pe Myint.

Trả lời hãng tin AFP hôm nay, Pe Myint thổ lộ : « Trong nhiều năm, chúng tôi đã không có cơ may được hợp tác như thế này. Chúng tôi chưa từng đón tiếp một liên hoan quốc tế như thế. »

Từng ngồi tù do viết một bài thơ châm biếm chế độ quân sự Miến Điện, nhà thơ Saw Wai nói : « Trước đây không có chút tự do nào. Do chế độ kiểm duyệt đã được bãi bỏ, nên chúng tôi được tự do hơn, cởi mở hơn ». Saw Wai cho biết là ở Miến Điện các bài thơ và các biếm họa ngày châm chọc mạnh dạn hơn.

Trong suốt nhiều thập niên, ở Miến Điện, các nhà kiểm duyệt soi mói mọi bài báo, bản thảo, hình ảnh, bức vẽ, trước khi ấn hành, cắt bỏ tất cả những gì bị xem là gây hại cho chế độ quân sự.

Nhưng kể từ khi chính quyền dân sự lên thay thế cầm quyền đầu năm 2011, họ đã bãi bỏ chế độ kiểm duyệt trực tiếp, theo chiều hướng dân chủ hóa chính trị tại nước này.

Chính vì vậy mà khi công bố bảng xếp hạng về tự do báo chí thế giới năm 2013, tổ chức Phóng viên không biên giới, ngày 30/01 vừa qua đã khen Miến Điện có tiến bộ về tự do báo chí.

Trong bảng xếp hạng năm nay, Miến Điện đã tăng 18 hạng và được xếp thứ 151 trên tổng số 179 quốc gia, trong khi đó nhiều quốc gia châu Á khác, hoặc là sụt hạng hoặc là vẫn ở thứ hạng cũ, như trường hợp của Việt Nam, vẫn bị xếp hạng 172, gần chót bảng.

-----------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats