BBC
Cập nhật: 08:31 GMT - thứ năm, 7 tháng 2, 2013
Việc Luật sư
Lê Công Định được trả tự do trước thời hạn hơn 1 năm đã được hoan
nghênh trong nhiều giới.
Ông Định ra tù
sáng thứ Tư 6/2 và hiện còn phải chịu 3 năm quản chế tại địa phương.
Phản ứng
trước sự kiện này, ông Lê Thăng Long, người cùng bị xét xử một đợt
với ông Lê Công Định nhưng vì án nhẹ hơn nên được trả tự do năm ngoái,
nói với BBC: "Tôi thực sự rất
vui mừng trước sự trở về của anh Định".
"Tôi cho đây là tín hiệu rất
tích cực trong quá trình đổi mới về chính trị của Việt Nam, nó cho
thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài, cũng như của
những thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu và chính ngay trong
nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam."
Ông Lê Thăng
Long cũng cảnh báo LS Định rằng "cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp
tục, con đường phía trước chắc chắn còn nhiều khó khăn và rủi ro
rất lớn".
Tuy nhiên, theo
ông, sự đóng góp của ông Lê Công Định, người mà ông nhận xét là
"rất trăn trở về bản Hiến pháp Việt Nam" ngay trong quá
trình thu thập ý kiến đóng góp về sửa đổi Hiến pháp 92 là một
điều tích cực.
"Tôi hy
vọng và tin tưởng rằng đây là cơ hội cho anh Định đóng góp một cách
công khai và hợp pháp cho đất nước."
Người còn ở trong tù
Trong khi đó, ông Trần Văn Huỳnh, cha của doanh nhân
Trần Huỳnh Duy Thức, người cũng bị xét xử cùng đợt với các ông
Định và Long những lãnh án tù nặng nhất 16 năm, nói: "Nghe tin mừng của Lê Công Định, tôi
nghĩ ngay đến con tôi".
"Tôi hy vọng các tổ chức
quốc tế và dư luận trong nước tiếp tục ủng hộ, vận động để các tù
nhân lương tâm như con trai tôi sớm được trả tự do vì họ không làm gì
có tội."
Trong phiên xử
ngày 20/1/2010, bốn người là các ông Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn
Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức đã nhận án tù nhiều năm vì tội
Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Ông Lê Công
Định, theo cáo trạng, còn là đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam vốn
không được phép hoạt động.
Đảng này, ngay
sau khi ông ra tù, đã ra thông cáo cho hay LS Lê Công Định là Tổng Thư ký
Đảng Dân chủ Việt Nam từ ngày 1/6/2009.
"Đảng Dân chủ Việt Nam yêu cầu
nhà nước Việt Nam tiếp tục trả tự do cho các đảng viên và cộng sự của Đảng Dân
chủ còn đang bị giam cầm trái phép. Trả tự do cho các tù nhân chính trị chính
là hành động thiết thực để thể hiện tinh thần thật tâm hòa hợp toàn dân tộc,
tôn trọng sự thật và công lý, quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền."
Thông cáo cũng
viết rằng "đối thoại trên tinh
thần xây dựng là cách tốt nhất nên có nhằm thay đổi tích cực hình ảnh của Việt
Nam, hướng đến lợi ích chung của quốc gia và dân tộc".
Phản ứng quốc tế
Hoa Kỳ là
quốc gia đầu tiên lên tiếng về sự kiện LS Lê Công Định được trả tự
do.
Phát ngôn viên
cho Đại sứ quán Mỹ, Christopher Hodges, được hãng thông tấn AP dẫn lời
nói: "Chúng tôi hoan nghênh quyết
định của chính quyền Việt Nam trả tự do nhân đạo cho LS Lê Công
Định".
"Nhân quyền, kể cả việc kêu
gọi thả tất cả các tù chính trị, tiếp tục là một phần quan trọng
trong quan hệ song phương của chúng tôi với Việt Nam."
Tuần trước,
Việt Nam cũng đã thả ông Nguyễn Quốc Quân, đảng viên Việt Tân, người
bị bắt từ tháng Tư năm ngoái.
Bình luận về
hai vụ thả người gây chú ý này, Giáo sư Carl Thayer từ Canberra, nói
với BBC rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu đi trông thấy kể từ
sau Đại hội Đảng XI năm 2011, nên các động thái mới dường như "đi
ngược lại những gì đang xảy ra".
Ông Thayer cho
rằng quyết định thả hai ông Quân và Định có thể không phải vì lý do
nhân đạo như giải thích mà là "một quyết định chính trị".
"Năm nay,
Việt Nam đặt mục tiêu đàm phán quan hệ đối tác chiến lược với một
số quốc gia chủ chốt. Hồi tháng 1/2013, thỏa thuận về quan hệ đối
tác chiến lược đã được thiết lập với Ý."
Tuy nhiên, theo
GS Thayer, quá trình đàm phán với Hoa Kỳ bị đình trệ hơn một năm nay
chính vì chủ đề nhân quyền và đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt thường
niên 2012 cũng không thực hiện được.
"Việc trả
tự do cho hai ông Định và Quân khiến người ta nghĩ rằng Việt Nam đang
mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ," ông Thayer nhận định.
Tiếp tục áp lực
GS Thayer nói
với BBC: "Có lẽ họ muốn tái
khởi động tiến trình đàm phán quan hệ đối tác chiến lược. Trong quá
khứ Việt Nam đã vận động để gỡ bỏ cấm vận vũ khí và công nghệ
quốc phòng cho Việt Nam".
"Việt Nam cũng thúc đẩy để
Washington chuẩn thuận các chuyến thăm cao cấp nhất tới Hà Nội; và
có lẽ Việt Nam cũng đang muốn thử lòng tân Ngoại trưởng John Kerry xem
ông ta nghĩ gì về việc này."
Hiện các quan
chức Đảng CSVN, ông Thayer cho biết, đang xem xét lại Nghị quyết 8 của
Ban Chấp hành Trung ương sau 10 năm thực hiện.
Nghị quyết
này, vốn chấm dứt việc phân loại các cường quốc thành hai phe 'thân
Việt Nam' và 'chống Việt Nam', đã mở đường để cải thiện quan hệ
quốc phòng với Mỹ.
Đặt vào bối
cảnh này, ông Thayer nói việc thả hai nhân vật đấu tranh dân chủ mới
đây cho thấy Hà Nội có thể đang muốn hợp tác với Washington để xua
tan một số quan ngại về nhân quyền.
Trong khi đó,
một số tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch nhận định
rằng áp lực lên chính quyền Việt Nam dường như đã có tác dụng.
"Giới
ngoại giao ở Việt Nam và quan chức LHQ cần đẩy mạnh nỗ lực lên tiếng
về các vụ nhân quyền như trường hợp ông Lê Công Định," một phát
ngôn viên Human Right Watch nói hôm thứ Năm 7/2.
No comments:
Post a Comment