Tuesday, 5 February 2013

KỶ NIỆM về Nhạc Sĩ ĐỖ THÀNH HUẤN & Dân Oan TRẦN THỊ HÀI (Mây Ngàn Phương)




Ngày đăng: 05.02.2013

(Viết để nhớ lại kỷ niệm về nhạc sĩ Đỗ Thành Huấn và  Dân oan Trần Thị Hài với lòng quý mến)

Tôi vẫn không nhớ rõ tôi quen nhạc sĩ Đỗ Thành Huấn lúc nào. Có thể trong một cuộc họp mặt văn nghệ sĩ, nhà báo hay trong những lần đi tập huấn các trại sáng tác văn học nghệ thuật do Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh tổ chức vào những tháng mùa hè. Nhưng có có một điều làm tôi nhớ nhất là anh có đôi mắt hơi sâu, sắc xảo, nụ cười rất miền Nam. Tính tình hiền hoà, nhả nhặn và quý bạn bè. Ở vào thời bao cấp, người tốt nghiệp đại học bên Nga như anh trở về phải giữ những chức vụ cao cấp tại Tỉnh Ủy. Nhưng cái máu văn nghệ sĩ chảy trong huyết quản của anh, cộng thêm không thích ăn nhậu, đàn đúm với các quan to nên anh không thể lên chức. Suốt mấy chục năm sống ở Bình Dương, Đỗ Thành Huấn suốt ngày chỉ ở trong rừng, làm giám đốc một công ty Cơ Khí Nông Nghiệp nghèo nàn với hơn chục nhân viên ở tận cái hóc bà tó của Xã Lai Uyên, Huyện Bến Cát. Sau khi công ty giải thể thì về làm đường ở tận vùng sâu, vùng xa như Bàu Bàng, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long hay biên giới Miên…đi lăn đá để mưu sinh. Có khi bị người ta quịt không trả tiền. Vì vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền, con đường văn nghiệp của anh đã dừng lại. Và nó đã thực sự dừng lại vĩnh viễn từ câu chuyện bị chiếm đất đai.

Những năm 80, chúng tôi là những văn nghệ sĩ nghèo đói, rách rưới như một lũ ăn mày đã từng đến thăm anh và ngồi nghe anh nói về khai phá rừng chồi để trồng bạch đàn. Mơ ước của anh nghe mê say lắm. Hồi đó, có con ma nào thèm bám rừng, mơ mộng hảo như anh. Quan lớn, quan bé khoái về thành phố hưởng thụ, đi xe hơi bóng lộn, rượu thịt ê hề, đèn điện sáng trưng. Còn cái Xã Lai Uyên sình lầy, hoang vu, lạnh lẽo, chó ăn đá, gà ăn muối không điện, không nước chỉ sinh hoạt bằng nước giếng thì ai mà thích ở? Đất ở đó năn nỉ cho cũng không ai thèm! Tôi thấy anh hăng say lý tưởng hiện đại hoá nông nghiệp như bên Nga nên chỉ im lặng lắng nghe. Anh Huấn thương đám bạn bè quá rách nát nên muốn đám văn nghệ sĩ mạt rệp của chúng tôi cùng với vợ chồng nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ bỏ Sài Gòn hoa lệ, đi về rừng trồng cây với anh cho vui. Cái máu mê đất đai thấm vào xương anh từ khi còn bé vì anh xuất thân từ đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng may mắn là ông bà Lê Giang-Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Phan Nhân, Lưu Hữu Chí (con trai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), nhà thơ Từ Nguyên Thạch (Báo Người Lao Động) và cả tôi cũng lắc đầu nói “Thôi rừng rú ở buồn lắm. Mưa gió lạnh lẽo. Muỗi cắn bệnh sốt rét.”. Không phải chỉ có thời tiết mà còn dân ở đó sống rất quê mùa, lạc hậu. Suốt ngày có thời gian là họ nhậu nhẹt, say sưa. Nếu hồi đó, chúng tôi nghe lời anh Huấn mần thiệt thì bây giờ tất cả đã trở thành dân oan mà không chừng đi tù như chị Trần Thị Hài hay có khi cuộc đời đã tiêu tùng.

Lâu lâu về thành phố, anh Huấn còn buồn buồn sáng tác bài hát “Kẻ Chợ” để nhớ về rừng:
KẺ CHỢ
Sáng ngay còn ở rừng
Chiều đã thành kẻ chợ
Nghe tiếng xe hơi chạy
Tưởng suối róc rách reo
Nhìn lên cột thu lôi
Tưởng tầng xanh cổ thụ
Đêm khuya mơ màng ngủ
Gió thổi bay mí mùng
Ơi! Tiếng của núi rừng
Sao mà thương mà nhớ
Bây giờ thành kẻ chợ
Biết cột võng đâu đây
Để nhìn lên bóng mây
Để nhìn lên lá biếc
Để trầm ngâm ký ức
Thả tâm hồn vi vu…
Đỗ Thành Huấn
(Trích trong tập thơ nhạc :Sau Cơn Mưa, Bình Dương 10-1987)

Khi nghe anh đánh đàn bài hát nầy, tôi cười vì thấy anh còn mơ mộng nhớ lại những ngày xa xưa trong chiến khu của một thời hiến dâng tuổi trẻ cho cộng sản miền Bắc. Và những cánh rừng xanh bất tận đã trôi vào giấc ngủ của anh. Anh nhớ rừng ngay khi đất nước đã thanh bình.

Có những ngày, đoàn chúng tôi băng rừng, lội suối đi sưu tầm ca dân ca ở trong xóm làng ở tận Bình Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Đồng Xoài, Bến Cát, Tân Uyên…vừa mệt, vừa đói, khát nên ghé ngang thăm vợ chồng anh Huấn. Chị Hài đi chợ nấu ăn cho chúng tôi rồi chị chào hỏi vài lời: “Em vụng về không biết nấu ăn ngon. Các anh chị ăn có ngon miệng không?” Sau đó, chị biến vào trong bếp. Tôi còn nhớ đó là ngày 17 tháng 4 năm 1988, anh Huấn có nuôi vài con thú trong nhà: Kỳ nhông, trăn con, cá sấu con, chồn con, chim, gà rừng…Anh bắt được chúng trong rừng nơi anh đang công tác. Anh sợ công nhân đói quá sơi tái chúng nên đóng chuồng đem về nhà nuôi như nuôi con. Trời đất ơi! Tôi sợ trăn muốn chết. Nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Chí đòi chơi trăn. Chí đòi anh Huấn mở chuồng ra. Chàng nhạc sĩ trẻ thò tay xuống cho con trăn quấn rồi ôm con trăn chơi, ngắm nghía với vẻ thích thú. Tôi sợ quá chạy vô góc phòng trốn. Anh chàng đâu có tha. Đây là dịp trả thù cái tội tôi “làm chảnh” với anh chàng. Anh chàng đem trăn dí vào mình tôi. Tôi hét lên om sòm, nhảy tưng tưng như con khỉ. Anh Huấn và mọi người ngồi cười ha ha. Nhà thơ Lê Giang thì la Chí: “Đừng có chọc nó. Nó sợ rắn, sợ trăn lắm. Cái thằng rắn mắc vừa vừa đó. Mầy chuyên môn theo chọc ghẹo nó suốt ngày.” Chàng nhạc sĩ trẻ nhe răng ra cười. Anh chàng tha cho tôi lần đó nhưng còn nháy mắt hứa hẹn sẽ có trò chơi khác để trả thù dân tộc!

Khi chúng tôi về, mấy ngày sau anh Huấn làm một bài thơ gởi tặng chúng tôi:

MAI KIA MÌNH CÓ LÊN RỪNG
(Kính tặng Đoàn sưu tầm dân ca Bình Dương)
Lâu ngày bè bạn tới chơi.
Nhà thơ, nhạc sĩ nói cười vô tư
Một chiều dẹp nỗi âu lo
Một chiều thư thả chuyện trò mông lung
Cho tấm lòng được ung dung
Đời mà cứ mãi boăn khoăn ích gì?
Trò chơi thứ nhất bày ra
Tập cho cá sấu hửi hoa mai vàng
Ôi! Con sấu quá dữ dằn
Nó không cần biết mùa xuân trên đời
Hoa mà nó tưởng thịt tươi
Nhạc, thơ gì nó cũng xơi chẳng chừa.
Giờ tới trò chơi thứ hai
Cho trăn quấn cổ mới tài đó nghe
Chuyến nầy sẽ có tài khoe
Dẫu rằng mặt mũi xanh lè hoảng kinh
Con trăng rất đổi hiềnlành
Vậy mà nghệ sĩ thất thần chẳng chơi
Con trăn bò tới, bò lui
Nghe hơi ấm bàn tay người – lim dim
Trò chơi thứ ba tới liền
Chồn chưa mở mắt biết tìm chủ nhân
Như là trẻ nít vô tâm
Hò reo hết cỡ, hân hoan hết lòng
Một chiều thương quá là thương
Mai kia mình có lên rừng, nhớ nghe
Kỳ nhông, gõ kiến, hoạ mi
Đem về nuôi ở trong nhà thật đông
Cho thơ, nhạc với chim muông
Chiều nào gặp lại tâm hồn rảnh rang…
Dễ đâu được phút an nhàn
Cho tôi giữ mãi tình bằng chiều nay…
(Bình Dương 4-1988)

Ngày đó, tôi cảm nhận anh còn say với lý tưởng cộng sản nên không bao giờ phá bỏ những gì anh ôm ấp một đời. Còn tôi thì ôm giấc mơ đi thật xa, rời khỏi cảnh ao tù, nước đọng, sình lầy hôi hám tại Việt Nam. Tôi đã nhận ra chế độ cộng sản là một chế độ phi nhân ngay từ năm 1975 dù lúc đó tôi chỉ là đứa trẻ mới lớn. Sau nầy, tôi lang thang lạc vào nghề vừa viết, vừa lách để “kiếm cháo” sống lây lất qua ngày nên tôi quen với nhóm văn nghệ sĩ tỉnh Bình Dương. Như một sự hạnh ngộ tình cờ, tôi quen với anh Đỗ Thành Huấn, một người anh, một người bạn lớn đã dành cho tôi khá nhiều cảm mến. Dù tôi khoảng ngoài hai mươi, nhưng tôi gần gủi với anh hơn những văn nghệ sĩ khác. Con trai thời đó rất ghét cái tính lạnh lùng, thờ ơ của tôi nên chọc tôi “ế chồng”. Tôi chỉ cười. Tôi thân anh Huấn vì chị Trần Thị Hài là người phụ nữ điềm đạm, lịch sự và có học. Chị không bao giờ ghen tuông bậy bạ và có lòng ganh tị dù tôi trẻ hơn chị. Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí có chụp hình tôi và anh Huấn đứng trên một chiếc cầu nhỏ bắt qua một con suối với con chó nhỏ. Nhà thơ Lê Giang la Chí: “Nè chụp hình nó với ông Huấn coi chừng bị hiểu lầm. Mầy tài lanh quá đi. Thấy gì chụp đó. Còn nhe răng ra cười cái gì hả?” Chí gãi đầu ba hoa chích choè: “Con thấy hai anh em thân nhau nên chụp thôi. Chị Hài không có ghen đâu. Cô đừng có lo.”

Tấm hình đó tôi còn lưu giữ. Tôi kính trọng, thương anh chị và các cháu như người trong gia đình. Anh chị thì thương tôi như em gái nên tình cảm chúng tôi vẫn gắn bó, tôn trọng nhau cho đến nay. Thỉnh thoảng gặp nhau, anh Huấn hay nhắc tôi về nhạc sĩ Lưu Hữu Chí. Và hỏi tại sao? Tại sao tôi…?!?..Tôi chỉ cười cười cho qua chuyện. Chỉ có tôi mới trả lời được vì sao tôi tránh không gặp lại Chí kể từ khi tôi dự tang lễ của cha anh, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, qua đời. Và mới đây nhất trong cuộc điện đàm dài. Anh Huấn lại hỏi tôi “Tại sao em không chọn Chí khi bà Lê Giang muốn làm mai làm mối cho em?” Tôi cười dòn tan đáp: “Bây giờ em mới trả lời thật với anh. Vì em không muốn cướp đoạt tình yêu của một cô gái đang si mê Chí. Và câu trả lời thứ hai là em muốn rời khỏi Việt Nam để thoát khỏi chế độ cộng sản.”

Giờ đây, hơn 20 năm, khi tất cả chỉ còn là kỷ niệm vui buồn trong quá khứ, tôi không có lý do gì giấu diếm anh. Thật sự, tôi đã quay lưng lại với ánh mắt và sự săn đón của người nhạc sĩ trẻ, vui tính, thật thà và dễ mến. Anh sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, trí thức. Bản thân là một giáo sư dạy âm nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Còn tôi là con của một quân nhân bên kia chiến tuyến. Tôi lại có cái máu quốc gia sâu đậm. Tôi lại là người đã được huấn luyện trong trường QGNT. Liệu rằng tôi không làm cho bản thân và lý lịch anh có tì vết? Anh còn có tương lai trước mặt. Tại sao tôi lại làm cho cuộc sống của anh rắc rối?

Tôi có máu “anh hùng” giống ba tôi nên thấy chuyện bất bình chẳng tha, lại không thích bợ đỡ nịnh hót. Cho nên, bạn tôi toàn là những người có chồng là chế độ cũ, có chồng đi tù vì tham gia chống chế độ cộng sản, những người hoạn nạn mà ai cũng tránh xa vì chơi với họ chẳng có lợi lộc gì. Tôi cũng thuộc loại bơ đời nên không màn đến danh lợi trước mắt. Khi mọi người vào Đoàn, Đảng thi đua trối chết để lấy danh, trở thành giáo viên Tiên Tiến, được bằng khen liên miên (đó cũng là bệnh dối trá tại Việt Nam) thì tôi đi dạy học 6 tháng đã bị “đì” và Sở Giáo Dục phát lệnh cấm dạy trên toàn quốc cũng vì tội viết báo tố cáo ông Ba Nứa, Hiệu Trưởng và băng đảng của ông ta ăn chặn tiền của sinh viên, ăn cắp tiền xây dựng trường. Hỏi thử với cái máu anh hùng đó thì làm sao sống được với cộng sản?

Nhà thơ Lê Giang thương tôi nhưng cũng rất bực mình cái máu anh hùng rơm, ngu ngốc của tôi nên phải đi theo dặn dò:“Mầy mà chọc giận tụi nó là nó giết. Có nghe tao không hả nhỏ?!” Tôi nghe ớn xương sống. Bởi ai làm văn nghệ sĩ tại Việt Nam cũng biết đến cái chết bất thường, mờ ám của vợ chồng cố nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Tôi âm thầm tìm đường vọt mất.

Bao nhiêu năm qua, tôi không còn liên lạc với ai. Nhóm bạn văn nghệ sĩ của tôi người đi, kẻ ở, kẻ sống cù bất cù bơ, bệnh tật, có người sống rất cô đơn hay bị mất trí…Còn lại thì đi bán bánh tiêu với diêm vương. Họ là những người dám đối diện với sự thật. Họ xác nhận vị trí của mình, dấn thân vào văn học vì cái nghiệp chướng. Đã bước vào là khó bước ra. Họ cố gắng mãi giũa, học hỏi đi tìm cho mình một chỗ đứng xứng đáng với tài năng của mình. Họ mơ ước có tiền in sách, in CD, nhưng ước mơ đó xa với tầm tay của họ vì quá nghèo. Ai mà không thích in sách để nổi tiếng, để người ta biết mình là ai? Nếu nói không cần ai biết tên tuổi thì họ sống tự lừa dối bản thân. Nếu không thích nổi tiếng, thành nhà văn thì ở nhà rữa chén, nấu cơm, giặc quần áo cho chồng con, hay các ông thì quét nhà, đuổi gà cho vợ không nên giao du, bôn ba với giới cầm bút. Và viết ra thì tốt nhất nên để dành cho mình, cho chồng con đọc, in sách ra làm chi cho tốn tiền?! Bệnh lừa dối bản thân là một căn bệnh tai hại khiến cho người cầm bút tư ti mặc cảm lẫn tự cao, tự đại. Muốn vượt trội người khác nhưng chưa đủ tài năng để tự khẳng định mình đối với độc giả. Ở Bình Dương, nếu nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chỉ biết đến tên tuổi qua bài hát “Quê Hương” thì nhạc sĩ Võ Đông Điền đã thành công trong nhiều bài hát. Bước chân anh đã đặt được trên danh vị của một nhạc sĩ tài năng và được nhiều người mến mộ. Đó là món quà tinh thần của người nghệ sĩ.

Cách đây mười mấy năm, tôi có trở về Việt Nam và ghé thăm vợ chồng anh Huấn và chị Hài cùng các cháu. Cả gia đình gặp tôi rất vui. Anh đang tưới cây liễu trước sân nhà. Tôi bước vào. Anh nhìn sững tôi một giây rồi la lên: “Em ơi! Em gái mình về nước nè!” Chị Hài từ nhà sau chạy lên, thấy tôi chị rất vui. Chị lấy bánh mứt ra mời tôi và hỏi thăm tíu tít. Các cháu thì muốn tôi đến ăn Tết với các cháu. Anh Huấn ngồi nhìn tôi một lúc rồi nói: “Nghe tin em đi anh sững người. Anh buồn lắm em biết không? Anh không ngờ em bỏ nước đi không một lời từ giả anh chị” Tôi cười buồn và nói: “Đâu có ai biết em rời khỏi Việt Nam. Em ra đi rất âm thầm. Tại cái tính của em không thích làm cho người khác bận lòng.” Thấy cuộc sống anh chị vẫn bình lặng, không có gì thay đổi nên tôi yên tâm và vui. Tôi ngại liên lạc với những người trong nước vì sợ chính quyền ghép họ vào tội “vọng ngoại, tư tưởng ngoại lai”. Tôi cũng không muốn bạn bè tôi thất vọng khi nghe tôi nói về chế độ cộng sản với những giấc mơ kinh hoàng của những ai đã mù quáng tin tưởng nó.

Bởi vậy, hơn năm năm nay, khi tấm hình chị Trần Thị Hài đưa nắm đấm lên cao   trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng vào tháng 12 năm 2007 lưu truyền trên website, tôi không còn nhận ra người đó là bạn của tôi. Chị quá phong trần, nước da trắng hồng, nụ cười rộng mở trên đôi môi đầy đặn của chị đã biến đi đâu? Chị đã thay đổi 180 độ. Chị bỏ anh Huấn ở nhà một mình, bỏ căn nhà ấm cúng để lang thang, trôi nổi đi tìm công lý vì uất hận. Cái máu yêu nước và muốn bảo vệ tổ quốc trước bọn Tàu xâm lược lại nổi lên trong lòng chị. Vừa qua, anh Huấn cho tôi biết vì sao chị tham gia biểu tình chống Tàu cộng. Gia đình anh Huấn hay đưa các cháu về quê anh ở Cần Thơ thăm bà con và quan sát đồng bằng sông Cửu Long. Chị hay khóc vì thấy quê anh nghèo quá. Nhất là nông dân lạc hậu nhất nước, nghèo đói nhất nước và đa số phải tha hương cầu thực. Những cô gái quê nghèo phải đi lên Sài Gòn hay các tỉnh làm ô-sin, làm gái. Nhất các cô gái trẻ tuổi phải trần truồng xếp hàng như cá mòi cho tụi Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc lựa chọn làm vợ.

Chị Hài đã khóc và nói với anh Huấn “Sao họ khổ như thế hở anh? Vậy thì mình làm cách mạng để làm chi? Mình bị chúng nó lừa.”

Vì có kiến thức nên anh chị Huấn biết thảm hoạ của những con đập của Tàu trên thượng nguồn sông Mêkông sẽ hủy hoại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long trong một thời gian không xa. Bởi nước mặn sẽ xâm nhập vào đồng ruộng do phù sa không còn trôi về hạ nguồn, cá tôm sẽ chết dần. Nước công nghiệp đầy ô nhiễm của bọn Tàu sẽ chảy về Việt Nam. Miền Tây sẽ hứng chịu mọi hậu quả. Đó cũng là lý do chị Hài tham gia biểu tình chống Tàu Cộng quyết liệt. Chị gọi chúng là bọn ác bá.

Những người bạn văn nghệ sĩ trong tỉnh, cũng như những người thân quen của tôi và anh Huấn bây giờ không còn ai dám đến thăm anh. Anh đã bị cô lập hoàn toàn. Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ bây giờ đã già và họ đã lui về Mũi Né sống an nhàn. Có lẽ họ cũng muốn tránh cảnh ồn ào, đầy tranh chấp đang diễn ra. Tôi nghĩ họ chưa biết gì về tình cảnh của anh chị Huấn. Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí thì bận lo vợ con và có chắc gì anh ta còn nhớ đến chúng tôi. Nhà thơ Từ Nguyên Thạch từ khi về làm cho báo Người Lao Động cũng đã không còn trở lại Bình Dương thường xuyên. Chỉ còn lại một mình tôi ở cách xa anh cả một đại dương. Mỗi khi nghe tôi gọi điện thoại về giọng anh reo vui như trẻ con được mẹ cho quà. “Xa xôi quá anh Huấn ơi! Cô em gái nhỏ của anh không thể cùng ngồi bên anh để an ủi, chia sẻ cùng anh những nỗi muộn phiền cuối cuộc đời.” Tôi buồn khi biết bạn tôi lâm nạn mà không thể làm gì được. Có một lần tôi nói chuyện giúp đỡ anh về chuyện thăm nuôi chị Hài ở trong tù anh đã từ chối. Tôi nói với anh rằng: “Lúc chúng ta giàu sang, danh vọng, hạnh phúc thì sự giúp đỡ đâu có cần thiết. Chỉ khi gặp tai nạn thì mới cần có nhau và mới biết tình bạn như thế nào. Cho em được chia sẻ với anh hoạn nạn. Cũng như anh đã từng an ủi em.” Tôi biết anh rất cảm động.

Đến bây giờ khi tôi sống ở Hoa Kỳ 20 năm, những cảm xúc về tình bạn nơi đây không sâu nặng, thương mến bằng những người bạn xa xưa:“Không cầu danh lợi, không ganh tị nhỏ nhen, không tính toán so đo hơn thua, được mấtchúng tôi chỉ biết cho nhau những gì mình có. Đó là trái tim.” Có thể vì nghèo, chúng tôi chẳng có gì để tranh giành nên cứ vô tư thương nhau và không biết học thói ganh tị. Mà tôi cũng đâu có gì để người đời ganh tị? Tôi cũng chỉ là một người bình thường giống như ngày còn sống ở Việt Nam. Ở Mỹ, có khi tôi còn lè phè, bụi đời hơn vì quá bận rộn với công việc mưu sinh.

Thời gian trôi qua nhanh, tôi càng ngày càng già. Bạn bè cùng trang lứa có người đã đi vào cõi thiên thu. Tôi vẫn nhớ thương từng người bạn. Tôi thương cho sự bất hạnh của họ bởi tôi nhìn thấy hình bóng của tôi, số phận của tôi hoà nhập vào số phận của họ: “SỐ PHẬN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM”.

Ngồi đây viết những dòng kỷ niệm cho anh Đỗ Thành Huấn và chị Trần Thị Hài với tất cả lòng quý mến. Tết nầy anh ăn Tết một mình, còn chị thì bị ở tù. Nhà tù yêu cầu chị phải đóng tiền mỗi tháng 5 triệu để cải thiện bửa ăn cho chị. Một dịch vụ kiếm tiền đối với tù nhân. Nguyện cầu cho anh Đỗ Thành Huấn bình an và chị Trần Thị Hài được khoẻ mạnh để chống chọi lại với sự khắc nghiệt của nhà tù cộng sản./.

Phong Thu
Những ngày Xuân năm Quý Tị 2/2013

Chú thích: Bài hát “Kẻ Chợ” trong tập thơ nhạc của nhạc sĩ Đỗ Thành Huấn.

--------------------------------------

Đọc Thêm :







No comments:

Post a Comment

View My Stats