Monday 11 February 2013

KHAI MẠC HỘI TẾT SINH VIÊN "XUÂN QUÊ HƯƠNG" 2013 (Ngọc Lan - Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Saturday, February 09, 2013 7:25:54 PM

WESTMINSTER (NV) -Ðúng 12 giờ trưa 29 Tết, Hội Tết Sinh Viên 2013 chính thức mở màn bằng tiết mục múa lân tưng bừng và lễ cắt băng khai mạc ngay tại cổng hội chợ mang tên “Việt Nam Anh Hùng” tổ chức tại công viên Garden Grove, cạnh trường trung học Bolsa Grande.

Khai mạc Hội Tết Sinh Viên 2013. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nỗi lo lắng vì cơn mưa tối Thứ Sáu kéo đến kèm theo gió lạnh khiến người ta chùng bước khi đến Hội Tết Sinh Viên ngay từ giờ đầu mở cửa đã được thay bằng một trời nắng rực rỡ từ sáng Thứ Bảy. Chưa đến giờ khai mạc, nhiều ngả đường dẫn đến khu hội Tết đều đông nghịt xe và người.

Hội Tết Sinh Viên do Tổng Hội Sinh Viên miền Nam Califoria tổ chức từ bao năm qua đã trở thành điểm đến không thể thiếu với nhiều người dân gốc Việt lẫn người bản xứ nơi đây trong mỗi dịp đầu Xuân. Bởi lẽ, sự đầu tư công phu của giới sinh viên học sinh cùng sự hỗ trợ của các liên đoàn hướng đạo, các tổ chức hội đoàn văn hóa, chính trị trong vùng đã biến Hội Tết Sinh Viên trở thành nơi ghi đậm các hoạt động văn hóa cổ truyền dân tộc, đồng thời thể hiện một sức sống mới đầy sáng tạo và nhiệt huyết của thế hệ trẻ trưởng thành nơi đây nhưng vẫn nhớ về nguồn cội.

Ðúng Ngọ ngày 29 Tết Quý Tỵ, hầu như mọi ánh nhìn của những người đang có mặt tại hội chợ đều tập trung vào chương trình khai mạc. Sau tiếng trống lân, đoàn học sinh sinh viên 30 người cầm đại kỳ VNCH bắt đầu hướng về lễ đài làm lễ chào cờ.

Theo sau đó là hoạt cảnh cung nghinh vua chúa và các quan chức theo tước vị ngày xưa với võng lộng, cờ giăng, quan quân thiên hạ. Bao giờ cũng vậy, những hình ảnh này luôn khiến người xem cảm thấy thú vị khi được sống lại không khí của thời kỳ phong kiến đã xa.

Nghi thức dâng hương trước bàn thờ tổ tiên Việt Nam do câu lạc bộ Hùng Sử Việt phụ trách và cụ Nguyễn Duy Nghiêu, 85 tuổi làm chủ tế, cũng là phần quan trọng trong giờ phút thiêng liêng trước thời khắc giao thừa.

Nắng càng lên cao, lượng người đổ về hội chợ càng lúc càng đông. Ngay khi vừa qua khỏi cổng chính, người du Xuân bị cuốn hút vào cổng làng Việt Nam với lính lệ hai hàng.

Nếu năm 2012, “Huyền Thoại Việt” với tích Lạc Long Quân và Âu Cơ được chọn làm chủ đề cho ngôi làng Việt Nam, thì trong năm Quý Tỵ này, “Phố Cổ Hà Nội” là điểm nhấn của nơi thu hút mọi ống kính chụp hình, quay phim và chiêm ngưỡng.

Khung cảnh phố phường Hà Nội đầy rêu phong, cổ kính, với những bảng hiệu một thời khiến người ta luyến nhớ như “Phở Bắc chính gốc Hoa Lư,” “Võ Ðường Văn Lang,” “Nhà may áo dài Dạ Thảo đầy đủ các loại tơ lụa,” cao cao trên căn gác gỗ là bảng hiệu tiệm “Thuốc bắc & châm cứu Trường Sơn sâm nhung bổ quế,” cạnh bên là một tấm biển xiêu vẹo “Phòng cho mướn ưu tiên nữ độc thân”... Cách thiết kế, bày trí chú ý đến từng tiểu tiết của ban tổ chức, khiến những ai từng một thời lớn lên với Hà Nội cảm thấy lòng mình dâng lên nỗi gì rất lạ.


Một góc Làng Việt Nam tại Hội Tết Sinh Viên 2013. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Cũng trong làng Việt Nam là những hàng gánh, những ghe thuyền, những miếu đình, những vọng gác, những chòi canh, với những cô gái, chàng trai trong các trang phục của từng miền, từ áo tứ thân nón quai thao, đến bà ba guốc mộc, rồi áo dài nón lá buông lơi... Nơi nào cũng đông nghẹt người xem, xuýt xoa, trầm trồ, cười nói.

Là một trong những thiện nguyện viên có mặt trong vai một cô gái mặc áo dài trắng, đội nón lá ngồi trên thuyền trong khu vực làng Việt Nam, em Michelle đang học trường Bolsa Grande, tỏ ra rất hạnh phúc: “Ðây là lần thứ hai con tham gia trong hội chợ bằng cách ngồi trên con tàu này rồi chụp hình với các em bé, chúc Tết các chú các cô mừng năm mới.”

Trong trang phụ cổ truyền Việt Nam, cả gia đình anh Ryan và chị Vân Anh cùng ba con nhỏ là cu Việt, cu Tí và bé Vân Anh từ thành phố Irvine đến dự Hội Tết Sinh Viên đều đặn từ 7, 8 năm qua.
“Ðiều đặc biệt là mỗi khi đi cả nhà đều mặc áo dài,” Anh Ryan nói.
Lý do vì sao chọn áo dài cho cả nhà trong dịp này, theo anh Ryan là vì “được vô cửa miễn phí.”
“Tuy nhiên, điều quan trọng là vợ chồng tôi muốn mấy đứa nhỏ phải thấy được văn hóa Việt Nam. Như tôi năm nay 40 tuổi, những người thuộc thế hệ tôi mặc áo dài thấy mắc cỡ nhưng tôi nghĩ tại sao lại phải mắc cỡ? Mỗi năm chỉ có một lần được mặc áo dài nên phải mặc, cả gia đình ai cũng mặc hết.” Anh Ryan cười nói một cách hãnh diện.
Chị Vân Anh cũng nêu suy nghĩ, “Tôi muốn cho các con biết phong tục Việt Nam, để chúng hãnh diện là người Việt ở đây, mình hên mình ở đây để có thể vui Tết với gia đình mình, bà con mình.”

Ðến với Hội Tết Sinh Viên để “đi coi múa lân, coi đốt pháo, đi mua đồ ăn, rồi sau đó đi chùa” là “một ngày rất là vui” với gia đình nhỏ này.

Trong lúc đứng nhìn những đứa con nhỏ của mình tung tăng chơi với những quả bóng trong khu hội Tết, chị Mai, cư dân thành phố Garden Grove, tâm sự, “Ðây là lần thứ ba mình dẫn con đi chơi hội chợ cho biết Tết ra làm sao.”
“Ði hội Tết vui lắm, ông xã tôi nói còn vui hơn ở Việt Nam nữa.” Chị Mai cười nói.

Trong áo dài gấm đỏ, đầu đội mấn, anh Billy Lê, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Nam California, cũng là trưởng ban tổ chức Hội Tết Sinh Viên cho biết, “Hội Tết Sinh Viên năm nay có chủ đề Xuân Quê Hương, với mục đích muốn bà con nhớ đến những kỷ niệm xa xưa, dù chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng ở đâu chúng ta cũng giữ vững dòng giống Lạc Hồng, giữ gìn văn hóa của người Việt chúng ta.”

“Ðiều mới lạ của Hội Tết Quý Tỵ là giờ mở cửa hội chợ lại có mưa! Ðây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này trong khoảng 8 năm nay. Không biết đó có là điềm hên hay không khi mưa đổ xuống trước đêm giao thừa, còn hôm nay thì nắng đẹp.” Billy nói tiếp.

Thật ra, Hội Tết Sinh Viên 2013 còn là lần đầu tiên sẽ có đốt pháp bông vào tối Thứ Bảy, “ai chưa từng xem pháo bông được đốt trên bầu trời Garden Grove thì có thể ghé đến hội chợ để xem.” Trưởng ban tổ chức mời gọi.
Và cũng do trời mưa, nên cuộc thi Hoa Khôi Liên Trường được dời vào tối Chủ Nhật, cùng với chương trình văn nghệ có sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng để bế mạc Hội Tết.

Các quan chức chính quyền các thành phố, thị trưởng, dân biểu tiểu bang, liên bang, các nghị viên, các ủy viên học khu có mặt trong giờ khai mạc Hội Tết Sinh Viên 2013. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bên cạnh sự có mặt của nhiều quan chức chính quyền các thành phố, thị trưởng, dân biểu tiểu bang, liên bang, các nghị viên, các ủy viên học khu, trong giờ khai mạc Hội Tết Sinh Viên 2013, người tham dự còn bất ngờ trước sự có mặt của vợ chồng Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, người vừa bị chính quyền Việt Nam trục xuất sau chín tháng bị bắt giam vì những hoạt động cho tự do và nhân quyền.

Tiếng trống lân đây đó lại vang lên. Tiếng hát bội từ làng Việt Nam vẳng tới. Tiếng nhạc, tiếng nói, tiếng cười, và những ánh mắt vui nhộn của người vui Xuân đủ mọi lứa tuổi, nhiều sắc dân dường như xóa nhòa đi những lo âu, những phiền muộn. Tất cả hướng về một mùa Xuân bình an, hạnh phúc.

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com

---------------------------------------

01:06:pm 09/02/13

Sáng thứ Sáu trời trong nắng đẹp, bỗng mây đen ùn ùn kéo tới đổ xuống trận mưa đá bất chợt làm mọi người lo lắng: Không biết thời tiết có ảnh hưởng đến ba ngày hội Tết làm chùn bước khách du Xuân hay chăng. Nhưng thật may mắn, chỉ khoảng nửa tiếng sau trời quang mây tạnh, đem đến những làn gió Xuân lành lạnh, đủ để mọi người co ro hít hà với nhiệt kế chỉ 55 độ F, nhưng đã là khá lạnh với dân chúng quận Cam.

3 giờ chiều, những tấm vé vào cửa đầu tiên đã được bán ra cho khách tới thăm hội Xuân Quý Tỵ. Do ảnh hưởng bởi thời tiết và cơn mưa buổi sáng, nhiều người cũng còn đi làm nên những quầy bán vé còn thưa thớt. Khoảng một tiếng sau, khách du Xuân bắt đầu lục tục kéo tới. Tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau đến xem một gian hang trưng bày lạ lẫm, tiếng chúc mừng nhau trong mùa Xuân mới rộn rã khắp nơi.

Cổng Làng Việt Nam

Với những quầy hàng san sát, ngăn nắp , mầu sắc tươi tắn thắm đượm không khí Tết, khu làng Việt Nam vẫn là nơi thu hút đông đảo nam thanh nữ tú lớn lên ở xứ người vì những hình ảnh không thể tìm thấy tại đất cờ hoa: Một Văn Miếu – Quốc Tử Giám đơn sơ nhưng đã là nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước; một căn nhà miền quê mộc mạc với mái lá liếp tre, có ao cá, có đàn vịt trong vườn; một quán chè đầu làng, bán cốc chè tươi cho nông phu; một miếu Thành hoàng, thờ vị thần của làng; một nghiên mực Tàu và giấy đỏ, có ông đồ già trịnh trọng trong áo the khăn đóng, đang viết những câu đối tết “phượng múa rồng bay”… Tất cả là những sinh hoạt lạ mắt, rất thanh bình mà sống động nơi một đất nước nhỏ bé bên kia bờ Thái Bình mà các em vẫn hãnh diện gọi hai tiếng Việt Nam.

Các em còn được học một đời sống bình dị thân ái, mọi người đều sống trung thực với nhau, thương yêu nhau trong nghĩa đồng bào, từ những vị tiên chỉ, hào mục cho tới anh mõ đưa tin của làng, chứ không tham nhũng lạm quyền, hà hiếp dân lành của những người gọi nhau là đồng chí mà luôn tìm cách hãm hại nhau để hưởng đặc quyền đặc lợi, hoặc để leo lên những chức vụ cao hơn như những “đồng chí X” nhan nhản trong nước hiện nay.


Các cô hoa hậu của các giải Hoa Khôi Liên Trường

Mọi người trầm trồ reo vui khi thấy các cô hoa hậu, á hậu của giải Hoa khôi Liên trường sắp hàng trước cổng làng Việt Nam chụp hình. Một giọng đàn ông hí hửng khen ngợi: “Wow, gái Việt Nam đẹp quá nhỉ”. Giọng nữ trả lời, có vẻ trách móc phân bua, chắc là của cô vợ, vừa nói vừa nguýt ông chồng: “Chuyện! Thế cũng nói. Gái Việt Nam không đẹp thì còn gái nước nào?” Đây đó có những nụ cười bật lên khúc khích hãnh diện!

Các em được chứng kiến cảnh rước thành hoàng trong làng Việt Nam. Với chủ đề “Việt Nam Anh Hùng”, Thành hoàng được chọn năm nay là Lê Lai, người anh hùng đã giả dạng Lê Lợi để cứu chủ tướng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhờ vậy mà cuộc kháng chiến chống Minh thành công mười năm sau. Chính vì hành động nghĩa khí vì dân vì nước này mà Lê Lợi mất ngày 22 tháng 8 (nhuận) âm lịch năm 1433, đã dặn con cháu phải giỗ Lê Lai trước một ngày, tức 21 tháng 8. Dân gian còn truyền lại câu nói nhắc đến sự việc trên: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Khi Lê Lợi diệt xong giặc Minh và lên ngôi vua năm 1428, Lê Lai được ông truy tặng là: “Sùng trung Đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần” với hàm Thiếu Uý, thụy là Toàn Nghĩa. Các đời vua sau tiếp tục phong tặng ông. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông phong ông làm Trung Túc Vương. Các em cũng được chị MC Bích Ngọc với nạng gỗ trên tay giải thích về ngày dựng nêu, ý nghĩa cây nêu và các sinh hoạt hàng ngày của dân chúng được trang trí xung quanh khu Nhà Việt Nam.

Chúng ta hãnh diện vì có một thế hệ tuổi trẻ hải ngoại không quên cội nguồn, mặc dù không nói trôi chảy tiếng Việt nhưng luôn cố gắng gìn giữ nét đẹp quê nhà. Những nét đẹp văn hoá, những bài học lịch sử oai hùng của cha ông cần phải được học hỏi, loan truyền rộng rãi khắp nơi nhằm đánh bật văn hoá Mác-Lê do đảng cộng sản lầm lỡ hí hửng bưng về, tưởng rằng sẽ cứu được quê hương, nào ngờ đang hung hãn tàn hại đất nước Việt Nam thân yêu.
Chúng ta có quyền hy vọng ngày đó đang đến gần. Thật gần.

© Tạ Dzu
© Đàn Chim Việt




VIDEO :




No comments:

Post a Comment

View My Stats