Kim Yến (lược thuật)
Ngày 09.02.2013, 09:12 (GMT+7)
SGTT Xuân 2013 - Quá trình phát triển vừa qua mới chỉ là gặt hái những gì
dễ dãi, ngắn hạn, mà thiếu một cái hồn, Hồn của phát triển một triết lý, một
nền tảng xuyên suốt lâu dài. Vậy đâu là cái hồn của phát triển cần vươn tới?
Bên cạnh một số thành quả đạt được qua hơn
25 năm đổi mới, con đường phát triển của đất nước những năm gần đây đối diện
với nhiều thách thức nghiêm trọng: kinh tế vĩ mô ngày càng bất ổn, doanh nghiệp
suy sụp và ngưng hoạt động hàng loạt. Giá cả không ngừng tăng khiến đời sống
người dân ngày càng khó khăn. Tài nguyên khoáng sản, rừng bị khai thác cạn
kiệt, môi trường sống ngày càng ô nhiễm nặng. Giáo dục, y tế khủng hoảng chưa
thấy lối ra. Khoa học thiếu cơ chế để phát triển. Căng thẳng và bất an xã hội,
những vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, đền bù giải toả ngày càng gay gắt
trong khi việc thực thi các quyền lợi của người dân còn hạn chế. Văn hoá và đạo
đức xã hội xuống cấp, niềm tin sụt giảm nghiêm trọng…
Tất cả cho thấy quá trình phát triển vừa
qua chỉ mới là gặt hái những cái gì dễ dãi, ngắn hạn, trước mắt, mà thiếu một
cái hồn, một triết lý, một nền tảng xuyên suốt, lâu dài. Vậy đâu là cái hồn của
phát triển cần vươn tới để đất nước đi lên một cách vững bền? Đó là nội dung
của toạ đàm Đi tìm cái hồn của phát triển, do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức, với
sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, văn hoá, nhà nghiên cứu triết học, doanh
nhân, nhân khởi đầu năm mới Quý Tỵ.
Phát triển bằng mọi giá
Lãnh tụ của phong trào dân chủ Myanmar Aung
San Suu Kyi nói khi lần đầu tiên sau 24 năm đi ra khỏi Myanmar để dự hội nghị
Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Bangkok: "Myanmar không muốn bị áp
đặt mô hình phát triển, dù chúng tôi cũng không muốn bị bỏ lại phía sau. Chúng
tôi cần đầu tư, nhưng chúng tôi không cần thứ đầu tư sẽ đào sâu thêm hố ngăn
cách giàu nghèo, cản trở người dân tiếp cận những lợi ích của cuộc cải cách.
Tham nhũng sẽ đi liền với đầu tư, nên trước tiên, chúng ta phải quan tâm đến
cải cách hệ thống pháp luật. Không phải thứ luật pháp sinh ra để dành quyền lợi
cho một nhóm người, nên đừng chỉ suy nghĩ về luật đầu tư nước ngoài". Phải
chăng đó cũng là một triết lý phát triển, là cái hồn của phát triển mà bà mong
muốn cho đất nước của mình?
Nhìn bức tranh tổng thể phát triển đất nước
những năm qua, thấy rõ tăng trưởng kinh tế chủ yếu chạy theo số lượng, đổ thật
nhiều vốn, kể cả vốn vay mượn để tạo thành tích tăng trưởng bằng mọi giá dù
hiệu quả thực sự không bao nhiêu (thể hiện qua hệ số ICOR ngày càng cao, năng
suất ngày càng giảm). Mặt nhân văn trong phát triển bị xem nhẹ, biểu hiện qua
giáo dục, y tế, văn hoá, đạo đức xã hội khủng hoảng kéo dài. Đó là một sự phát
triển thiếu một cái hồn, một triết lý nhất quán làm nền tảng cho mọi chủ trương
chính sách.
Giống như trong giáo dục, bao lâu chưa tìm
được triết lý giáo dục phù hợp, giáo dục vẫn sẽ mãi loay hoay với những
"cải cách" hình thức, nửa vời, thiếu tính hệ thống; trong phát triển
cũng vậy, bao giờ chưa tìm ra được cái hồn hay triết lý phát triển phù hợp, đặt
trọng tâm vào con người, vào hạnh phúc cụ thể, thực sự của người dân thay vì
vào những con số, vào thành tích bề nổi, chưa phân bổ công bằng thành quả của
phát triển, thì chừng đó vẫn chưa phát huy được nội lực, tính sáng tạo, tính
chủ động của các tầng lớp nhân dân, từ đó mới có phát triển bền vững.
Vậy, cái hồn của phát triển của Việt Nam là
gì?
Là người gắn bó máu thịt với Tây Nguyên,
bằng những phân tích sắc sảo và thẳng thắn, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhìn thấy
những vấn đề của đất nước nói chung qua bài học Tây Nguyên. Ông khẩn thiết kêu
cứu:
"Sau chiến tranh, xã hội Tây Nguyên
vẫn còn nguyên, sức bền vững rất mạnh, nhưng khi bứng mất nền tảng vật chất
làng và rừng, coi kinh tế động lực chỉ là khai thác tài nguyên, rừng tự nhiên
cơ bản không còn nữa. Một ít khu bảo tồn còn sót lại nhưng chỉ là trang sức
thôi, đã bị "móc" hết ruột bên trong. Chúng ta đã… băm nát Tây
Nguyên.
Mỗi vùng kinh tế có chức năng của nó. Tây
Nguyên là mái nhà cho toàn Đông Dương, là nơi để giữ nước. Mái nhà bị lở sẽ ảnh
hưởng đến toàn bộ đất nước. Tây Nguyên chi phối nước miền Đông và Tây Nam bộ.
Rừng mất, nước mất, thuỷ điện băm nát hệ thống sông tự nhiên, nước ngầm tụt
xuống 37m. Vấn đề Tây Nguyên phản ánh đậm nét nhất tư duy phát triển của chúng
ta mười mấy năm qua. Từ kinh nghiệm ấy, phải dừng ngay tất cả mọi kế hoạch khai
thác tận cùng tài nguyên. Phát triển phá vỡ tự nhiên theo nghĩa này cực kỳ nguy
hiểm cho những vùng khác.
Khu vực Tây Nguyên rất đặc biệt, nhưng cũng
chứa đựng những vấn đề rất chung cho phát triển kinh tế. Về cơ bản, xã hội Tây
Nguyên trước năm 1975 là làng, nền tảng vật chất của làng là sở hữu đất và
rừng, chưa có nơi nào vô chủ cả, tồn tại từ hàng ngàn năm, được hệ thống quản
lý tập tục của làng bảo đảm. Sau năm 1975, chúng ta có hai chủ trương lớn về
Tây Nguyên, đó là biến Tây Nguyên thành cứ địa vững chắc về an ninh, quốc
phòng, và trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước. Từ đó, chúng ta đã
quốc hữu hoá toàn bộ đất và rừng, tiến hành cuộc đại di dân từ Bắc bộ và miền
Trung lên Tây Nguyên. Mất đất và rừng, hệ thống làng sụp đổ, dẫn đến nhiều hệ
quả khác. Trong lịch sử từng có những cuộc chuyển cư lớn, nhưng diễn ra nhiều
thời kỳ tuần tự, nhưng cuộc tăng dân số rất nhanh, gấp năm lần dân số Tây
Nguyên này không phải là tăng tự nhiên, làm đảo lộn cơ cấu dân cư, xã hội, dân
tộc Tây Nguyên trở thành thiểu số, chỉ chiếm 15%. Dân số Tây Nguyên giờ có đủ
54 dân tộc! Tập quán canh tác hoàn toàn đảo lộn. Lấy đất làng cấp cho các binh
đoàn làm kinh tế, cấp cho dân di cư, chúng ta không hề biết như vậy là cướp đất
của các làng, cướp đất của dân Tây Nguyên… Người từ nơi khác đến nhìn rừng chỉ
thấy gỗ, nhưng với người Tây Nguyên, rừng là toàn bộ đời sống của họ. Làng và
rừng là một. Unesco trao danh hiệu di sản văn hoá Tây Nguyên không phải chỉ cho
âm nhạc cồng chiêng, mà là không gian văn hoá cồng chiêng. Không gian là làng
và rừng. Không còn làng và rừng là không còn Tây Nguyên. – Nhà văn Nguyên Ngọc
Từ bài học Tây Nguyên, đặt ra một vấn đề vô
cùng hệ trọng, tất cả suy thoái, suy kiệt đó đã vượt ngưỡng chưa? Hay mấp mé
ngưỡng? Liệu rừng có khôi phục lại được không? Rừng bị tàn phá nếu để nguyên có
được tái sinh? Quá ngưỡng rồi. Trước đây, con người Tây Nguyên đường hoàng, tự
chủ, cường tráng giữa thiên nhiên, giờ trở thành ngơ ngác, bơ vơ, hết sức thụ
động".
Buổi toạ đàm dành nhiều thời gian để phân
tích câu chuyện về lúa gạo và người nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Trung, tổng giám
đốc công ty Vinh Phát, một trong những đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu gạo cả nước,
đã phân tích lý do vì sao Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, mà nông dân
vẫn nghèo: "An Giang hiện có nhiều giống lúa cạnh tranh được với Thái Lan
như giống lúa 4218, chất lượng lúa như nhau, nhưng cách nào giá mình vẫn thấp
hơn Thái Lan vì bị cạnh tranh quá lớn. Nông dân mình giỏi lắm, đặt giống nào
nông dân sản xuất được giống đó, nhưng do không thống nhất được giá bán, nên
đời sống rất bấp bênh. Giá thị trường lúa gạo đang xuống, vai trò của Nhà nước
trong việc định hình cho giá trị gạo Việt Nam không có, thả sức ai muốn kéo
lưng ai xuống cũng được. Thái Lan phát triển được nhờ rất thống nhất giá bán,
bảo đảm quyền lợi cho nông dân. Người Hàn Quốc có niềm tự hào riêng và không ai
nắm lưng ai kéo xuống, người Nhật Bản cũng luôn giúp cho bạn hàng của mình. Do
đặc tính dân tộc trong cả quá trình phát triển khiến văn hoá bị thui chột, nền
văn hoá kém cỏi, không có chính sách giáo dục tốt để tăng lòng tự hào dân tộc
trong làm ăn thời bình. Hồn dân tộc, hồn của hạt gạo phải là ý nguyện chung, từ
cấp cao nhất. Chúng ta đã từng sát cánh bên nhau trước sự tồn vong của quốc
gia, tại sao đất nước hoà bình, chúng ta lại không giữ được hồn mình?"
Quan trọng hơn cả: phát triển vì ai?
Đặt vấn đề thay đổi phải mang tính hệ
thống, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tiếp lời: "Anh Nguyên Ngọc đặt câu
hỏi, liệu tất cả đã tới ngưỡng chưa? Tôi thấy về kinh tế, đã quá ngưỡng rồi,
đòi hỏi phải từ bỏ hoàn toàn cái cũ. Nền kinh tế chỉ dựa vào khai thác tài
nguyên, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước đập thẳng vào chủ
trương lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, làm nòng cốt. Đó là điều không
thể. Bất công trong phát triển cũng quá ngưỡng rồi. Phát triển phải vì đại đa
số người dân, lấy lợi ích số đông làm nền tảng, không thể phát triển vì một
nhóm rất nhỏ hưởng lợi. Muốn thay đổi, phải nhìn cả hệ thống. Nhưng thay đổi mô
hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế dường như vẫn làm theo cách cũ, vẫn củng
cố hệ thống ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước thì làm sao phát
triển?"
Đề cập cụ thể hơn điều này, chuyên gia kinh
tế Phạm Đỗ Chí cho rằng: "Việt Nam hiện nợ trên 100 tỉ USD, trong đó nợ
công bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 55%. Hệ thống ngân hàng lãi
ảo, tiền huy động của dân đã bị dùng để đổ vào bất động sản, vào vàng, ấy là
chưa kể thâu tóm ngân hàng. Nền kinh tế cần tín dụng đồng hành với doanh
nghiệp, nhưng với lãi suất kiểu này, doanh nghiệp không vay nữa, ngân hàng sẽ
phá sản. Phải quan tâm đến nông thôn, nông dân thì mới tạo mãi lực từ bên trong
cho phát triển lâu dài. Làm gì cho nông thôn phải được coi là mục tiêu chính
của phát triển kinh tế, có như vậy mới đổi được bộ mặt nông thôn. Nghiên cứu
sâu về mô hình cảnh báo sớm vĩ mô, tôi thấy cái khó nhất với các nhà kinh tế
bây giờ là nhìn trước mặt, chúng ta không biết sẽ đi về đâu? Làm sao thấy được
cái gì sẽ xảy ra để có thể phòng ngừa? Chúng ta vẫn tô hồng bức tranh kinh tế,
mà quên đi tiềm năng khủng hoảng lớn, thậm chí còn nặng hơn cả Thái Lan hồi năm
1997".
Ở Hàn Quốc, Thuỵ Điển, tổng thống có hẳn
trang web công khai lịch làm việc từng tuần, nhờ đó dân có thể giám sát. Quan
chức Thuỵ Điển cũng không được đi taxi, mà chỉ đi bộ, đi tàu điện. Sự ăn xài
của các quan chức Việt Nam quá lãng phí, còn kéo nhau ra cả nước ngoài ăn xài,
khiến cho chi tiêu công đội lên dữ dội. Mốt mới của ta bây giờ là lễ hội, thi
hoa hậu nào cũng có quan chức đến, không biết việc đó thì có ích lợi gì cho
người lao động? Phải có cơ chế giám sát. Không thể để quyền lực vô biên. Phải
có một cơ chế giám sát quyền lực, tạo ra thể chế để người dân giám sát được các
quan chức. Vấn đề kinh tế không thể giải quyết trong phạm vi kinh tế, mà dính
đến cả chính trị, xã hội – tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Là một nhà công nghiệp, chủ tịch HĐQT công
ty giấy Sài Gòn, ông Cao Tiến Vị, không chỉ ưu tư về doanh nghiệp mà còn về cây
lúa, về người nông dân: "Với một đất nước, một doanh nghiệp, cái hồn rất
quan trọng. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có con người, đó là phần
hồn của sản phẩm. Mỗi sản phẩm phải mang cái hồn, nếu không chỉ là xuất khẩu
thô, giá rẻ mạt. Một dân tộc có truyền thống lúa nước mấy ngàn năm như Việt Nam
rất dễ để xây dựng những sản phẩm lúa gạo có hồn, có trí tuệ, tính dân tộc
trong đó. Nhưng cây lúa của chúng ta không có hồn, không có thương hiệu, không
có tên Việt Nam. Phải làm sao tạo hồn cho hạt lúa Việt Nam mang ra thế
giới".
Cũng coi trọng việc xây dựng phần hồn cho
doanh nghiệp và đất nước, ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh
Long 1, cho rằng: "Bất cứ đất nước nào được biết đến đều bắt đầu từ những
sản phẩm đặc trưng của mỗi quốc gia. Một đất nước nhỏ, không hề có tài nguyên
như Singapore cũng trở thành đất nước số một về dịch vụ tài chính, y tế, cảng
biển… nhờ biết xây dựng thương hiệu, thổi hồn vào sản phẩm, dịch vụ của họ. Vậy
Việt Nam có gì? Ai cũng nói vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, càphê Tây Nguyên
xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị không cao. Phải thay đổi cả phần hồn và phần xác
thì phát triển mới bền vững. Phần xác là cơ chế chính sách nhà nước, tạo điều
kiện cho thương hiệu phát triển. Thương hiệu sản phẩm chủ lực chính là thế mạnh
đất nước, làm nên câu chuyện thương hiệu đất nước. Không thể có đống cát nếu
không có hạt cát.
Về phần hồn, nhà trường phải có những nhà
giáo dục tốt mới đào tạo được những người yêu nước, chỉ có những người yêu nước
mới làm ra những sản phẩm yêu nước. Truyền thông cũng phải kết hợp cùng ngành
du lịch để quảng bá cho đất nước, quảng bá cho công chúng biết nhiều hơn những
sản phẩm tốt của Việt Nam, tôn vinh những người có công với đất nước, làm nên
những sản phẩm danh tiếng cho đất nước".
Nhấn mạnh cái đạo của người dẫn đầu, ông Đỗ
Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt (Pomina) nói đầy cảm khái: "Tôi
ấn tượng mạnh về câu chuyện Tây Nguyên của nhà văn Nguyên Ngọc, đó là câu
chuyện của cả nước. Bệnh thành tích, bệnh hình thức không biết xuất phát từ
đâu, nhưng đã dẫn đến cái chết của nhiều doanh nghiệp nhà nước và sự thụt lùi
của đất nước. Không sử dụng đồng tiền một cách cân nhắc, gây lãng phí nghiêm
trọng là thất bại của cả nền kinh tế. Diễn tả của anh Ngọc về hình ảnh người
dân Tây Nguyên ngơ ngác làm tôi hết sức đau lòng. Nếu có điều kiện cơ chế tốt,
chúng ta có thể phát triển. Là một nhà công nghiệp, để làm ra lợi nhuận, bản
thân tôi cũng phải nỗ lực, kiềm chế bản thân rất lớn, vì tôi cũng mê đánh golf,
nhưng trong giờ làm việc không cho phép, phải chơi sau giờ làm việc. Nhiều khi
đuổi việc một người chỉ vì anh ta lấy mấy triệu đồng của công ty đi nhậu, để
giữ kỷ cương, giữ cái hồn của tổ chức, dù trong lòng mình muốn khóc, vì anh rất
giỏi. Người lãnh đạo là hình ảnh đại diện một đơn vị, muốn tạo ra cái hồn thì
văn hoá người đứng đầu phải được coi trọng. Trong gia đình cũng vậy, người cha
không tốt thì các con không thể có cái đạo để đi. Văn hoá lãnh đạo ảnh hưởng
đến các đơn vị, gia đình, những người có ảnh hưởng càng phải có đạo của chính
mình. Không có đạo của chính mình thì không thể điều hành tốt được".
Đổ vỡ buộc phải đổi mới thực sự
Nói về mối liên quan giữa triết lý phát
triển của cá nhân, gia đình, tổ chức và quốc gia, ông Giản Tư Trung, viện
trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) nhấn mạnh: "Một cá nhân
muốn phát triển bền vững phải có triết lý sống, một gia đình muốn hạnh phúc dài
lâu phải có gia đạo, một tổ chức hay một quốc gia cũng không thể có cái hồn để
phát triển nếu tổ chức hay quốc gia đó không được dẫn dắt bởi những nhà lãnh
đạo có tầm vóc văn hoá. Muốn tìm cái hồn cho phát triển, phải có triết lý phát
triển. Triết lý phát triển là cái mà người ta cần nó như cái neo trong khủng
hoảng và bệ phóng khi bình thường. Có một quan hệ chặt chẽ giữa triết lý cá
nhân và triết lý của tổ chức, quốc gia. Gia đình cũng là một tổ chức, chưa bao
giờ mà vấn đề gia đạo lại quan trọng như lúc này. Khi mà xã hội và nhà trường
có quá nhiều bất trắc và biến loạn thì chỉ có gia đạo, gia phong mới có thể cứu
được con trẻ. Đây là lúc mà chúng ta cần phải nghĩ nhiều về "cây roi gia
pháp" thời toàn cầu hoá. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có gia đạo
tử tế sẽ rất khó hư hỏng. Khi nền tảng xã hội và hệ thống giáo dục lung lay như
hiện nay, giá trị gia đình cũng bị ảnh hưởng, cần phải giữ cho được thành trì
cuối cùng này.
Muốn thực thi triết lý phát triển quốc gia,
muốn tái cấu trúc nền kinh tế, phải tái cấu trúc nền quản trị quốc gia để bảo
vệ cho được những quyền cơ bản của con người, quyền cơ bản của công dân, để
thực thi cho được công lý và công bằng... Những triết lý phát triển căn bản này
trên giấy tờ nhắc đến thì rất nhiều, nhưng sự hiện hữu của nó trên thực tế thì
sao? Vậy bây giờ khi nói về triết lý phát triển chúng ta trông chờ vào ai? Có
thể trông chờ cái mới và sự thay đổi từ trên xuống, nhưng còn có một con đường
nữa, đó là từ dưới lên, đó là "Thay đổi đến từ TÔI". Khi mỗi người
đều nghĩ vậy thì sẽ có sự thay đổi. Chuyện quốc gia khó bàn, nhưng ai cũng có
tổ chức của mình, gia đình của mình. Hãy trông chờ vào bản thân mỗi con người,
mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp. Chẳng hạn, một người cha, người mẹ mất đi, có
thể không để lại gia sản, nhưng để lại một gia đạo sâu dày, như thế là họ sống
đến hai, ba trăm năm trong lòng các thế hệ con cháu của mình".
Chỉ rõ những tiêu chí tạo dựng triết lý
phát triển bền vững, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: "Chúng ta phải hội nhập,
nhưng phải giữ hồn dân tộc mình, phải có những thương hiệu và công ty lớn đại
diện cho quốc gia. Nếu không có thương hiệu không thể trỗi dậy. Thương hiệu
Việt Nam phải được đại diện bằng chính thương hiệu doanh nghiệp. Hội nhập rộng
rãi hơn nữa, càng phải tạo nên thương hiệu mạnh. Lòng yêu nước và tự hào dân
tộc cũng là một triết lý phát triển. Muốn làm được, cần phải cải cách, tái cấu
trúc thể chế, vì mô hình kinh tế sinh ra từ đó: mọi người đều khai thác tài
nguyên. Một ông đốn gỗ trở thành giàu nhất Việt Nam nhờ đốn hết gỗ tài nguyên
đất nước thì đóng góp gì cho đất nước? Một công ty tự xưng là tập đoàn công
nghệ Việt Nam mà chủ yếu chỉ bán điện thoại di động, làm khu công nghệ cao thì
chủ yếu bán đất nền… Phải đào sâu mô hình tăng trưởng dựa trên giá trị gia
tăng, lực lượng kỹ thuật, không thể dựa trên khai thác tài nguyên. "Về cơ
bản, Tây Nguyên là "xong" rồi, chữ "xong" anh Nguyên Ngọc
dùng thật đau đớn!"
Ở Hàn Quốc, Thuỵ Điển, tổng thống có hẳn
trang web công khai lịch làm việc từng tuần, nhờ đó dân có thể giám sát. Quan
chức Thuỵ Điển cũng không được đi taxi, mà chỉ đi bộ, đi tàu điện. Sự ăn xài
của các quan chức Việt Nam quá lãng phí, còn kéo nhau ra cả nước ngoài ăn xài,
khiến cho chi tiêu công đội lên dữ dội. Mốt mới của ta bây giờ là lễ hội, thi
hoa hậu nào cũng có quan chức đến, không biết việc đó thì có ích lợi gì cho
người lao động? Phải có cơ chế giám sát. Không thể để quyền lực vô biên. Phải
có một cơ chế giám sát quyền lực, tạo ra thể chế để người dân giám sát được các
quan chức. Vấn đề kinh tế không thể giải quyết trong phạm vi kinh tế, mà dính
đến cả chính trị, xã hội. Phải điều chỉnh một cách có ý thức thể chế chính trị
để có thể điều tiết kinh tế vĩ mô. Quan trọng nhất phải dựa trên lợi ích dân
tộc, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết".
Đổ vỡ buộc chúng ta phải đổi mới, không còn
con đường nào khác. Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn cho rằng:
"Cái hồn dân tộc đã có sẵn từ hàng ngàn năm, làm sao cho hồn đó trở lại,
khôi phục đất nước, coi cái hồn phát triển là hồn dân tộc, đó là bài toán mới
mà chúng ta phải đi tìm. Không thể từ bỏ giấc mơ độc lập dân tộc và mục tiêu
phát triển, phải vượt lên, đi theo con đường phát triển, nhưng không mơ mộng,
không mạo hiểm.
Myanmar đã hoàn toàn từ bỏ mô hình cũ với
những tín điều, mà vẫn giữ vững độc lập dân tộc, nhờ đó họ bắt đầu phát triển.
Đừng chèn ép tầng lớp tư sản dân tộc, phải công nhận họ là lực lượng phát triển
xã hội. Chèn ép giai cấp tư sản dân tộc chỉ chuốc lấy thiệt hại thôi. Mặt khác,
hồn phát triển của kinh tế, xã hội không phải là cái mơ hồ, phải thể hiện bằng
những cái hữu hình, thấy được. Chỉ nhìn vào mũi giày của người dân còn thẳng
thớm là biết chưa thể chinh phục dân tộc ấy được, vì nước đó còn kỷ cương lắm.
Ngày hôm nay, người ta đề ra khái niệm "văn hoá chính trị", văn hoá
và chính trị là hai lĩnh vực tưởng chừng không hề dính dáng gì tới nhau giờ lại
gắn với nhau mật thiết. Phải giải quyết mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị,
mối quan hệ giữa quyền lực và người dân, mới có cơ hội phát triển. Kinh nghiệm
các nước, phát triển có lúc thăng, lúc trầm, phong độ nhất thời nhưng đẳng cấp
thì bền vững. Đẳng cấp nằm ở đâu? Ít nhất phải giữ được những cứ điểm như kỷ
cương và khung cảnh gia đình, vì nơi đó trực tiếp ảnh hưởng tới giáo dục con
người. Những cứ điểm trực tiếp liên quan đến sự tồn tại của bản thân con người,
ảnh hưởng đến an toàn về thân thể và phát triển văn hoá tinh thần, tình cảm như
giáo dục, y tế, các cơ quan hành pháp, trị an… Những lĩnh vực đó mà không giữ
được thì đừng nói gì đến phát triển. Phải tập trung cho thay đổi mô hình phát
triển. Công nghiệp, nông nghiệp sẽ tự giải quyết nếu chúng ta giải quyết được
mô hình phát triển".
Kim Yến (lược thuật)
No comments:
Post a Comment