Monday, 11 February 2013

HỘI VAHF TIẾP TỤC THỰC HIỆN PHIM "HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO" (Triều Giang tường trình)




Triều Giang tường trình.
Friday, 01 February 2013 09:22

Tiếp tục thực hiện Phim “Hành Trình Tìm Tự Do” Đoàn Quay Phim Hội VAHF Đến Paris Tìm Hiểu Hiệp Định Paris và Thăm Thư Khố Pháp
• Những thước phim về thuyền nhân của hội Y Tế Thế Giới
• INA và kho tài liệu về Việt Nam


Hình ảnh Hoàng Dung thực hiện


Vì sao người Việt phải ra đi?

Với sự hỗ trợ và giúp đỡ của một số thân hữu, đoàn quay phim của phim tài liệu “Hành Trình Tìm Tự Do” do hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF ) thực hiện đã có mặt tại Paris vào hạ tuần tháng 1, 2013 để thực hiện những thước phim quan trọng về: hiệp Định Paris,những nỗ lực cứu vớt thuyền nhân trên biển Đông trong các thập niên 1970-1980, và những sự thật về xã hội miền Bắc cũng như miền Nam sau khi những phần đất này rơi vào tay CS.Những thước phim mà hội VAHF hy vọng sẽ làm sáng tỏ điều mà giới sinh viên và người ngoại quốcluôn tự hỏi : lý do vì sao người Việt Nam phải bỏ ra đi mỗi khi có CS đến? Và cuộc hành trình trốn chạy CS vĩ đại nhất trong lịch sử VN và ngay cả trong lịch sử nhân loại trong thế kỷ thứ 20 đã diễn ra như thế nào?

Trong mưa tuyết và khí hậu lạnh cóng, với 8 ngày làm việc, VAHF đã phỏng vấn được một số nhân vật gồm những người từng tham gia trực tiếp vào những dữ kiện kể trên để họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm, những hiểu biết và tâm tư của họ về những giai đoạn lịch sử đau buồn của đất nước mà may mắn hội VAHF đã có cơ hội để ghi chép lại trước khi những nhân chứng này vĩnh viễn ra đi; vì nhiều người trong số họ đã không còn nữa.



Những thước phim về thuyền nhân và vị lương y đầy lòng bác ái

Đặc biệt, cuộc phỏng vấn dài gần 2 tiếng đồng hồ với giáo sư, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Viện trưởng Đại học Y Khoa Paris (một chức vụ hiếm thấy người Á Châu được nắm giữ) , vị lương y trẻ đã bỏ trên dưới 10 năm để đi cùng với các con tàu La Lumie’re, Akuna, Cap D’Amour,… để cứu vớt những thuyền nhân đang lênh đênh tuyệt vọng trên biển khơi với bao hiễm nguy đến từ sóng gió, thiếu thốn lương thực, thuốc men, và hải tặc hung áccướp bóc, giết người không gớm tay trong những ngày tháng ấy. Nỗ lực này đến từ các bác sĩ thuộc hội Y Khoa Thế Giới ( Medecins Du Monde) tại Đức, hội Bác sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontière) , một số tổ chức thiện nguyện Âu Mỹ khác và Tổ chức Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS do Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, Nhà văn Nhật Tiến, nhà văn Phan Lạc Tiếp, nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thủy , và một số các thân hào nhân sĩ khác tại Hoa kỳ thành lập để tiếp tay trong việc vận động tài chánh và sự ủng hộ của người Việt và các cộng đồng ngoại quốc khác hỗ trợ, tiếp tay.

Những thước phim hiếm quý ghi nhận những ngày đầy máu và nước mặt đó tại biển đông đã được ghi nhân bằng hình và phim ảnh. Hội VAHF đã may mắn được bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn tặng để xử dụng trong phim “Hành Trình Tìm Tự Do” với cùng ước vọng: thảm cảnh của thuyền nhân sẽ được ghi chép, hệ thống hóa và lưu lại như một chứng tích lịch sử thương đau của dân tộc cho thế hệ trẻ và thế giới hôm nay và mai sau được biết và học hỏi. Bác sĩ Tuấn tâm sự:

“ Tôi rất mong phim Hành Trình Tìm Tự Do (Journey To Fredom) của hội thành công để mở ra một cánh cửa, khuyến khích những người trẻ đang học ngành sử nhìn thấy cái nhu cầu cần thiết để viết những cuốn sách về lịch sử thuyền nhân VN, trong đó nói đến những nỗ lực nhân đạo của nhiều người, nhiều hội đoàn. Tính ra nỗ lực này đã vớt được trên 15,000 thuyền nhân, trong đó nhóm từ pháp đã cứu được trên 3,000 người.Tôi tuy rấn bận với một lúc 3 công việc: chữa bệnh, dạy học và làm nghiên cứu, nhưng tôi sẽ tiếp một tay với một người trẻ nào đó trong ngành sử để thưc hiện cuốn sách sử về thuyền nhân này ”.

Những dấu vết còn lại của Hiệp Định Paris

Hiệp định Paris, văn bản chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được bốn bên: Hoa Kỳ, VNCH, Cộng Sản Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), cùng với 12 quốc gia làm chứng cùng ký kết ngay tại thủ đô Paris ánh sáng này cách đây đúng 40 năm (1973-2013). Hiệp định này đã hy sinh Việt Nam Cộng Hòa và nhân mạng của trên 3 triệu người Việt, trên 58,000 chiến binh Hoa kỳ để Hoa kỳ “ rút lui trong danh dự”. Và khi hòa bình đến, cảnh chiếm giết, chết chóc chỉ còn nhắm vào một bên duy nhất là Việt Nam Cộng Hòa.Hiệp định vướng đầy máu hàng triệu người dân Việt vô tội này đã diễn ra như thế nào trong những ngày ấy, hiện Paris vẫn còn rất nhiều nhân chứng và vật chứng mà VAHF đã được các vị trưởng thượng và thân hữuhỗ trợ để ghi nhận vào phim ảnh.

INA, thư khố Pháp và tài liệu về VN

Đặc biệt là việc tìm kiếm tại thư khốINA ( Institut national de l'audiovisuel) Chị Lê Khanh, một doanh nhân rất có lòng tại Paris từng làm việc với INA trên 14 năm đã hướng dẫn phái đoàn đến gặp bà giám đốc của INA tại quận Paris 13, để tìm hiểu và thương lượng.

INA, một trong những thư khố hiện đại đầu tiên của nhân loại với nhiều triệu trang tài liệu và những thước phim về lịch sử nước Pháp và lịch sử thế gioi mà hoàn cảnh lịch sử khiến INA đã và đang có những tài liệu về VN từ thế kỷ 18. Bà Sylvie Richard, giám đốc INA đã tiếp phái đoàn VAHF thật cởi mở. Bà đồng ý dành cho VAHF mua một số thước phim tài liệu với một giá đặc biệt theo tiêu chuẩn của những hội thiện nguyện. Sau đó bà PatriciaCabotse , chuyên viên của thư khố đã thiết lập cho hội VAHF một chương mục để mỗi khi cần có thể liên lạc và đặt mua những thước phim cần thiết.

Được biết: INA hiện có những thước phim mà tại NARA (National Archives .) thư khố của Hoa Kỳ không có, đặc biệt là những phim tài liệu về VN trước năm 1954 và sau năm 1975, sau khi Hoa Kỳ hoàn toàn rời khỏi VN cho mãi đến cuối thập niên 80, khi CSVN kiệt quệ và bắt buộc phải mở cửa để nhận sự giúp đỡ của phương Tây và Hoa Kỳ.

Thư viện Pháp và người Việt tại Paris

Phái đoàn của VAHF cũng đã ghé thư viện Marguerite Durande trên đường Nationale thuộc quân Paris 13, để tham khảo một số tài liệu và sách. Tại đây, phái đoàn đã được sự tiếp đón ân cần và thân mật của bà giám đốc Anie METZ thuộc phòng Trao Đổi Văn Hóa, cô Nguyễn thị Hồng Ân, người phu trách khu sách tiếng Việt, và cô Christel Ploton, nhân viên thư viện đã hết sức giúp đỡ, tìm tòi những tài liệu cần thiết.

Cô Hồng Ân ra trường Cao học (Master) năm 2006 với ngành Trao Đổi Văn Hóa, cho biết: khu sách tiếng Việt hiện có khoảng 5,000 cuốn được mua từ Canada, Mỹ, Pháp và Việt Nam. Được hỏi về thành phần độc giả, cô Hồng Ân tâm sự:

“ Độc giả phần lớn là người cao niên đến Mỹ từ trước hoặc sau 1975. Ở Pháp, những năm trước đây các phụ huynh người Việt ít muốn cho các con học tiếng Việt vì bận với công việc cũng có và vì quan niệm là nếu cho con học tiếng Việt thì sẽ khó khăn trong việc học tiếng Pháp. Sau này, thực tế cho thấy các cháu học cả hai thứ tiếng sẽ phát triển nhanh hơn, giỏi hơn cả về ngôn ngữ lẫn các môn học khác.Bây giờ thì đã có nhiều thay đổi, người Việt tại Pháp cho con cháu học tiếng Việt nhiều hơn.Cũng có nhiều lớp tiếng Việt được mở ra. Tuy nhiên, vẫn còn ít người biết thư viện tại đường Nationale có tủ sách thiếu nhi tiếng Việt. Do đó, vào năm ngoái đã không thấy có một quyển sách thiếu nhi nào được mượn để đọc.”

Cô Hồng Ân cho biết cô và ban giám đốc thư viện đã phác họa một kế hoạch để hấp dẫn độc giả Việt nam, đặc biệt là độc giả thiếu nhi qua các buổi chiếu phim và hội thảo. Vẫn trong kế hoạch này, ngày thứ hai 28 tháng 1, 2013sẽ có buổi trình chiếu phim “Công Binh”, phim nói về những quân nhân VN được đưa sang Âu Châu lao động trong thời người Pháp còn đô hộ VN của nhà sản xuất phim Lâm Lê. Cô Hồng Âncũng hy vọng ngân quỹ sẽ còn để việc tổ chức buổi hội thảo giữa nhà sản xuất phim và độc giả vào tháng 11 sắp tới được thực hiện.

Khi hỏi có độc giả nào than phiền về nội dung của khu sách Việt Nam có những sách tuyên truyền của CSVN hay không, cô Hồng Ân cho biết; trước đây cũng có một số than phiền về vấn đề này, thư viện cũng có quan tâm, nhưng độc giả thường tự giải quyết bằng cách xé một số trang hoặc viết phản bác trên những trang sách mà họ bất đồng ý kiến. Những cuốn sách này sau đó đã bị thư viện loại bỏ vì hình thức của nó không còn đủ phẩm chất.

Những hỗ trợ không thể thiếu của thân hữu tại Paris

Hơn một tuần lễ làm việc tại Paris, với sự giúp đỡ nhiệt thành của ông Thiều Đoàn, Giám định viên Việt ngữ tòa Thượng Thẩm Paris, cựu Thẩm phán Quân Pháp VNCH từng bị tù gần 7 năm tại nhà tù CSVN, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Đình Nhân, người từng nhận được nhiều giải thưởng tại các đại hội điện ảnh Âu châu, chị Lê Khanh từng làm việc tại thư khố Pháp, chị Nguyễn Tường Vân, cựu nữ sinh Gia Long và Đại học Luật Sài gòn, và nhiều thân hữu khác đã hỗ trợ phái đoàn từ Hoa Kỳ như nhà báo Đinh Quang Anh Thái, Giáo sư Lê Xuân khoa, nhà văn Trùng Dương... những hỗ trợ này đã giúp các anh chị em VAHF hoàn thành chuyến quay phim như dự trù và những thước phim quay được tại Paris chắc chắn sẽ là một phần quan trọng của cuốn phim ‘Hành Trình Tìm Tự Do”

Và khi phái đoàn rời Paris để trở về Austin,người dân Paris vẫn bận rộn với những sinh hoạt hàng ngày, nhưng trời Paris đã bắt đầu quang đãng và có những tia nắng ấm báo hiệu những ngày đẹp trời sắp tới. Sinh khí này đã đem lại niềm vui và hy vọng cho các anh chị em thiện nguyện của hội VAHF, những người đã hy sinh thì giờ và công sức để góp phầnvào bước dài của hành trình mà hội VAHF vừa đi qua để rút ngắn việc hoàn thành cuốn phim “Hành Trình Tìm Tự Do” mà đồng hương Việt nam khắp nơi đang mong đợi.

Triều Giang
(TG 01/2013)

------------------------------------------






VAHF-Vietnamese American Heritage Foundation's photostreamSend FlickrMail



No comments:

Post a Comment

View My Stats