Monday, 4 February 2013

HIẾN PHÁP 2013 CẦN "GIẢI CỨU" GIÁO DỤC (Phạm Lê Vương Các)




Phạm Lê Vương Các
gửi cho BBCVietnamese từ TP HCM
Cập nhật: 09:46 GMT - thứ hai, 4 tháng 2, 2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang trong thời điểm lấy ý kiến nhân dân trở nên rạo rực với những ai có sự trăn trở đối với tình hình đất nước.

Mở đầu bằng kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức đã thu hút hàng ngàn người đồng ý ký tên chỉ vài ngày sau đó.
Dự Thảo Hiến Pháp 2013 , do nhóm này soạn thảo, tuy chỉ mang giá trị tham khảo, nhưng với lời mở đầu súc tích, ngắn ngọn với 81 điều, làm những ai có ý kiến cho rằng kỹ năng Lập Hiến ở Việt Nam yếu kém phải thay đổi quan điểm của mình.
Nó đã giải quyết được những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực hiện Hiến pháp 1992, đạt đến trình độ thượng thừa trong việc đảm bảo tự do dân chủ, hướng đất nước đến sự phát triển bền vững trong tương lai, tôn trọng và bảo vệ quyền con người triệt để, xây dựng cơ chế vận hành quyền lực nhà nước rạch ròi và minh bạch.
Nhưng chắc có lẽ nó sẽ không được đoái hoài tới vì nó đã vượt ra khỏi ý chí của giới cầm quyền, tạo nên những biến đổi to lớn trong việc xây dựng mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, về quan hệ về sỡ hữu, và đa nguyên chính trị.

Bất cập
Trong khi đó,  Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban sửa đổi Hiến Pháp 1992 soạn thảo, không cần nói tới chuyện “sức sống” ở tương lai sau này, mà ngay cả các vấn đề nổi cộm trước mắt như tư hữu đất đai, quyền tự do dân chủ, chế độ kinh tế, cơ chế giám sát và chế ngự quyền lực nhà nước vẫn chưa giải quyết được.

Nếu được thông qua, nó sẽ tiếp tục báo hiệu cho những hình ảnh người nông dân ùn ùn kéo nhau đi kiếu kiện đất đai, bất đồng chính kiến lần lược rủ nhau vào tù vì đe dọa cho an ninh quốc gia và trật tự công cộng, cho đến việc người dân phải oằn lưng gánh nợ cho sự thua lỗ của các tập đoàn nhà nước, và rồi chúng ta sẽ tiếp tục được nghe những điệp khúc tự chỉnh đốn, phê bình và tự phê bình lên một tầm cao mới.

So sánh hai bản Dự thảo, không khó để chúng ta nhận ra cái nào ưu việt hơn. Một bên nêu cao tinh thần “khế ước xã hội” và một bên thể hiện cho thông điệp của “quyết tâm chính trị”.

Không phải lúc nào cái tốt hơn cũng thắng thế, mà cái cũ, dù dở vẫn tiếp tục lên ngôi để đảm bảo ổn định hiện trạng.

Hiến pháp 2013 sắp được ra đời, như đã được dự báo trước, sẽ không có gì thay đổi ngoài những cái vụn vặt trong câu từ của Hiến pháp 1992, nội dung cốt lõi vẫn thể hiện tinh thần tiếp tục “định hướng XHCN”, với chế độ nhất nguyên chính trị, quyền lực nhà nước là thống nhất dưới sự lãnh đạo của ĐCS.

Vì sao không thay đổi?
Sự chậm chuyển biến về chính trị cho chúng ta được hai giả thuyết: có thể lãnh đạo hiện nay muốn cải cách chính trị nhưng e dè vì sợ biến động xã hội, hoặc họ không muốn thay đổi để tiếp tục đảm bảo vị trí độc tôn của mình.
Nếu như tiếp cận từ giả thiết “không muốn thay đổi”, bất chấp những yếu kém của mình, vẫn tiếp tục bám víu vào quyền lực để duy trì nhóm lợi ích riêng , thì chính những người có trách nhiệm hiện nay đang bán rẻ tiền đồ dân tộc, phó mặc tương lai, là lực cản để dân tộc theo dòng chảy tiến bộ nhân loại.

Nhưng cũng có thể những người lãnh đạo có thực tâm cải cách, vì lý do khách quan, e ngại biến động xã hội mà quyết định giữ nguyên hiện trạng.
Lý do được đưa ra rất đơn giản, dân trí chưa đáp ứng được những đợt cải cách chính trị theo hướng dân chủ và đa nguyên.
Lo ngại này cũng có cơ sở, khi thực tế đã cho thấy, nếu không thực hiện các hoạt động khai hóa dân trí (giáo dục và làm gương về văn hóa pháp trị, về đạo đức diễn ngôn, về cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt v.v...) mà tạo ra sự thay đổi cấu trúc xã hội theo hướng dân chủ, đa nguyên thì thật khốn đốn như thể chúng ta cho người cổ đại sống trong căn nhà sử dụng toàn dụng cụ bằng điện và điện tử.
Khi thay đổi cấu trúc xã hội mà xã hội dân sự chưa kịp tái tạo bù lấp vào khoản trống quyền lực, cân bằng quyền lực với các lực lượng chính trị thì cũng chỉ tạo ra một thể chế dân chủ không hoàn bị.
Và cũng không loại trừ lý do nhà cầm quyền cảm thấy mất an toàn trước một cuộc cải tổ chính trị.

Lộ trình dân chủ
Do đó sẽ rất khó lòng để giới lãnh đạo tự giác chấp nhận cải tổ chính trị vào lúc này.
Các nhà cách mạng dân chủ thì chưa xây dựng được nền tảng tâm thức xã hội, để đảm bảo sự ổn định và phát triển khi có một cuộc cách mạng chính trị theo hướng dân chủ, đa nguyên.
Vì thế thật khó lòng có sự thay đổi hệ thống theo đề xuất như bản Dự thảo Hiến Pháp 2013.
Theo tác giả, để khả dĩ hơn, các nhà cách mạng dân chủ cần đề xuất một lộ trình dài hơi hơn để có sự đồng thuận với Đảng cầm quyền.
Nếu như không thể bắt đầu lộ trình dân chủ bằng việc cải tổ hệ thống chính trị thì có thể làm từ lãnh vực Giáo duc.
Dùng giáo dục để thực hiện chính sách đại khai hóa, đại thức tỉnh, xây dựng nên con người dân chủ và xã hội dân sự, từng bước một, hướng nhà nước và xã hội đến dân chủ, pháp quyền, đa nguyên chính trị , và qua đó cũng tạo tiền đề cần thiết để xây dựng và bảo vệ nền dân chủ non trẻ sau này.
Muốn làm được điều này thì Hiến pháp 2013 cần phải “giải cứu” cho nền giáo dục hiện nay. Trả lại cho giáo dục một môi trường và không gian tự do phát triển, không còn sự áp đặt và chi phối từ chính trị.

Chính trị tha hóa giáo dục
Không khó để nhận ra nền giáo dục hiện nay đang bị lệ thuộc vào chính trị như thế nào.
Từ cơ sở giáo dục các cấp, cho đến những nhà quản lý giáo dục, và cả người học lẫn người dạy đang bị kìm kẹp bởi một hệ thống chính trị tập trung cao độ.
Nội dung giảng dạy mang nặng chất tuyên truyền chính trị, mà xem nhẹ việc phát triển tư duy và tri thức.
Không khó để bắt gặp hình ảnh các chính trị gia lên giọng “giáo huấn” cho các nhà khoa học, những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô và sinh viên-học sinh.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội không còn biết đâu là tuyên truyền chính trị, đâu là tri thức khoa học. Mang danh trí thức mà phải đợi quan điểm chính thống từ nhà cầm quyền ban ra thì mặc nhiên xem đó là chân lý và uốn lưỡi hùa theo.
Có thể nói cả hệ thống chính trị đang bủa vây vào giáo dục, nhưng không thể làm cho nó tốt hơn, mà trái lại chỉ làm cho nền giáo dục ngày càng tê liệt, hư hỏng và tha hóa.
Dù Hiến pháp qua các thời kỳ vẫn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng nhìn vào thực trạng nền giáo dục hiện nay để nói đến những bi hài của nó thì cũng giống như kể câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” mới hết.
Một nền giáo dục vốn bị tước đoạt đi tự do bởi chính trị thì tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng giá trị con người, hèn hạ trước tri thức, và đểu cán trong khoa học.
Tác động của lực lượng chính trị đã dẫn dến cái sai cơ bản nhất của nền giáo dục của chúng ta hiện nay là đi nhào nặn con người bằng một khuôn đúc của một hệ tư tưởng để sản sanh ra những “con người chính trị”.
Muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN. Nền giáo dục bao nhiêu năm qua vẫn miệt mài “định hướng chính trị” nhằm đào tạo ra những con người XHCN.
Thật lạ khi nền giáo dục mang đậm chất giáo dục chính trị cho con người ngay từ lúc còn trẻ thơ, cố gắng tạo nên những con người XHCN , sống vì lý tưởng cống hiến cho cộng đồng , dấn thân đấu tranh vì tiến bộ xã hội, lại không được như chúng ta kỳ vọng, mà chỉ thấy nổi lên một một thế hệ vô cảm, chỉ biết vơ vét riêng cho mình, thờ ơ trước thời cuộc, dân trí thì thui chột, nhân cách con người xuống cấp, văn hóa thì thấp kém…

Giải phóng giáo dục
Điều đáng nói là giáo dục đã trở nên bất lực và bạc nhược không thể tự vực dậy, tự cứu mình trong tình hình hiện nay.
Không còn cách nào khác, Hiến pháp 2013 cần phải “giải phóng” nền giáo dục ra khỏi sự áp đặt thô bạo của các lực lượng chính trị, trả lại tự do cho giáo dục, để giáo dục phát triển đúng với chức năng của nó.

Giáo dục tiên tiến không mang chức năng định hướng chính trị, mà là đào luyện nên những con người tự do trước các kiểu thể chế và khuynh hướng chính trị.
Nền giáo dục không phải mang nghĩa vụ phải tuyên truyền cho bất kỳ một đảng phái hay lực lượng chính trị nào, mà nó chỉ mang sứ mạng phát triển tri thức và gìn giữ phẩm giá con người.
Để làm được điều này, Hiến pháp 2013 cần phải có các điều khoản bảo vệ cho nền giáo dục tự do.
Bằng việc Hiến định về Tự do học thuật và tính “tự trị” của các cơ sở giáo dục đại học.
Duy trì không gian tự do học thuật bao gồm quyền được tìm kiếm thông tin không giới hạn, quyền được trình bày quan điểm, phổ biến tri thức mà không bị rào cản hay áp đặt từ bất kỳ lực lượng chính trị nào.
Chỉ khi có được tự do học thuật thì chân lý và tri thức không còn là sản phẩm độc quyền của các lực lượng thống trị, khi đó mới sản sinh ra con người độc lập trong tư duy, sáng tạo trong tư tưởng, và qua đó mới mở lối tri thức để làm nên những cuộc Cách mạng Đại dân trí.
Có thể nói, tự do học thuật có giá trị cao trong nấc thang giá trị quyền con người mà Hiến pháp phải có trách nhiệm ghi nhận và bảo vệ dưới điều khoản “Quyền tự do học thuật”.
Bên cạnh đó, hiến pháp cần bảo đảm cho tính “tự trị” của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Cần bãi bỏ Bộ chủ quản đối với giáo dục đại học. Chuyển đổi môi trường giáo dục thuộc về không gian của xã hội dân sự chứ không phải môi trường hành chính như hiện nay.
Nếu như Hiến pháp 2013 sắp được thông qua thể hiện được tinh thần Tự do giáo dục, thì đây như là một cuộc Cách mạng Khai minh, cởi trói cho tri thức, đúc nên nền móng vững chắc trong việc làm nên một lột trình, mở ra những con đường hướng nhà nước và xã hội đến dân chủ, pháp quyền và đa nguyên một cách ổn định và bền vững trong tương lai.
Ngược lại, nếu Hiến pháp 2013 bỏ lỡ thời cơ này, xã hội Việt Nam sẽ không có lối thoát cho sự trì trệ và khủng hoảng trên nhiều phương diện như hiện nay.

Bài phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, hiện đang là sinh viên luật năm thứ 3, trường ĐH Luật TP.HCM.









No comments:

Post a Comment

View My Stats