Công dân
Nguyễn Thị Từ Huy
3-2-2013
Văn
bản này được soạn thảo nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Quốc hội về việc đóng góp ý
kiến cho Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 (từ đây được viết tắt là Dự thảo). Ở
đây chúng tôi phát triển các ý căn bản đã trình bày tại Hội thảo phụ nữ trí
thức và doanh nhân góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, do Hội Liên hiệp
phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 1/2/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi xuất phát
từ quan niệm chung về hiến pháp:
Ý
nghĩa của hiến pháp, lý do khiến cho một dân tộc phải có hiến pháp, đó là nó
nhằm bảo vệ quyền con người và các quyền tự do công dân, chống lại sự lạm dụng
có thể xảy ra của những người nắm giữ các quyền lực. Những quy định về tổ chức
nhà nước và sự phân quyền của các bộ phận lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm đảm
bảo cho các quyền con người và tự do công dân được thực hiện một cách tốt nhất.
Vì thế mà mệnh đề đầu tiên (tôi nhấn mạnh) của“Lời nói đầu” tức cũng là
của toàn bộ Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp là: “Nhân dân Pháp trịnh trọng
tuyên bố cam kết thực hiện Quyền Con Người”. Vì thế mà trong điều 1 của
hiến pháp nước này (được đặt riêng, trước tất cả các chương) có quy định rằng “nước
Pháp phải đảm bảo sự công bằng trước pháp luật cho tất cả mọi công dân không
phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tôn giáo”. Vì thế mà điều XVI của “Bản
tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân năm 1789”, được đưa vào như một
phần của Hiến pháp Cộng hòa Pháp, nói rõ: “MỌI XÃ HỘI trong đó các Quyền con
người không được đảm bảo, sự phân lập các Quyền lực [lập pháp, hành pháp, tư
pháp] không được xác định, thì không hề có Hiến Pháp (tôi
nhấn mạnh)”. Điều này giải thích tại sao thời phong kiến không có hiến pháp mặc
dầu có luật pháp. Nó cũng giải thích tại sao hiến pháp chỉ có thể ra đời cùng
với cách mạng dân chủ tư sản. Chỉ trong thể chế dân chủ quyền
con người mới được đảm bảo.
Cũng
vì thế mà hiến pháp đúng nghĩa phải là sản phẩm của toàn thể nhân dân. Hiến
pháp là cam kết của tất cả mọi người trong xã hội về những quy định chung cần
phải thực hiện và tôn trọng. Không một ai, không một tổ chức nào được áp đặt ý
chí của cá nhân mình, của nhóm mình, của tổ chức mình lên toàn xã hội. Vì thế
hiến pháp phải được toàn thể nhân dân thông qua. Nếu hiến pháp không thông qua
trưng cầu dân ý, không được toàn thể nhân dân thông qua, nếu hiến pháp chỉ là
kết quả bị áp đặt bởi ý chí của một bộ phận nhỏ trong xã hội, thì hiến pháp sẽ
đánh mất toàn bộ ý nghĩa của nó.
Trên cơ sở quan niệm
chung đó về hiến pháp, tôi phân tích một số chi tiết sau đây của Dự thảo:
1.
Về “Lời nói đầu”: Lời nói đầu không
nên quá dài dòng như trong Dự thảo và chỉ được đề cập đến một chủ thể duy nhất
là nhân dân Việt Nam. Bởi vì trong khái niệm “nhân dân Việt Nam” đã bao hàm
toàn bộ những người Việt Nam, dù đứng ở cương vị nào, làm công việc gì, tham
gia đoàn hội hay đảng phái nào. Tham khảo các nước khác, chẳng hạn Pháp hay Hoa
Kỳ, cũng thấy rằng trong lời mở đầu của hiến pháp chỉ có một chủ thể duy nhất
là nhân dân: “nhân dân Pháp”, “nhân dân Hợp chúng quốc”. Lời nói đầu chỉ cần đề
cập đến chủ thể nhân dân là đủ, vì chủ thể đó đã bao hàm hết tất cả mọi chủ thể
khác trong xã hội. Đó mới đúng là tinh thần của một hiến pháp của dân, do dân,
và vì dân. Lời nói đầu của Dự thảo quá dài, với những tuyên dương công trạng
không đúng chỗ. Điều đó làm mất ý nghĩa của hiến pháp. Bởi vì hiến pháp phải là
nơi không được thể hiện bất kỳ sự thiên vị nào. Người soạn thảo hiến pháp phải
đứng từ vị thế của nhân dân. Những người soạn thảo hiến pháp và những người có
trách nhiệm đảm bảo cho hiến pháp được thực thi, cần tự nhìn mình từ góc độ là
một phần của nhân dân.
2.
Nếu quan niệm chung cho rằng hiến pháp là
một văn bản được lập ra nhằm bảo vệ quyền con người thì điều 4 của Dự thảo hiến
pháp sẽ không cho phép mục đích này được thực hiện. Vì quyền con người
chỉ được đảm bảo bởi các nguyên tắc dân chủ. Mặc dù Dự thảo xác định Việt Nam
là một nước dân chủ, nhưng các nguyên tắc dân chủ không thể thực hiện được khi
chỉ có một lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo và điều hành xã hội. Nếu những
người soạn thảo hiến pháp chịu nhìn thẳng vào thực tế sẽ thấy rõ như vậy. Như
nhiều người đã phân tích, điều 4 tạo mâu thuẫn với nhiều điều khoản khác trong
hiến pháp, sẽ không cho phép những điều khoản khác được thực hiện, vì nó mâu
thuẫn với nền tảng của hiến pháp, mâu thuẫn với tinh thần của hiến pháp và mục
đích của hiến pháp. Khi các nguyên tắc dân chủ không thể thực hiện được, khi
quyết định chỉ nằm trong tay một thiểu số, khi tất cả đều vận hành theo phương
thức áp đặt, thì việc quyền con người bị xâm phạm là điều không thể tránh khỏi.
Nếu mục đích của hiến pháp là phòng ngừa sự lạm dụng của những người có quyền
lực thì điều 4 lại tạo hậu thuẫn cho những người nắm quyền lập pháp, tư pháp và
hành pháp có điều kiện để lạm dụng các quyền mà họ có trong tay, đặc biệt khi
tam quyền không phân lập, bị chi phối và bị kiểm soát bởi một quyền lực lãnh
đạo duy nhất. Bản thân việc thực hiện bản sửa đổi hiến pháp lần này rất nhiều
khả năng sẽ là một ví dụ chứng minh cho điều đó. Sau khi hiến pháp 2013 được
công bố, nếu điều khoản này vẫn được duy trì, thì ta sẽ thấy chắc chắn quyền
con người sẽ càng bị vi phạm nặng nề hơn nữa. Hiện nay, chúng ta đã không thể
phủ nhận được rằng quyền con người luôn là một vấn đề khiến Việt Nam gặp khó
khăn trong nhiều hoạt động ở phạm vi quốc tế. Bởi theo đánh giá của thế giới
chúng ta là một trong những nước vi phạm nhân quyền nặng nề nhất. Làm sao phủ
định được điều đó? Không thể phủ định được thực tế và cũng không thể phủ định
được rằng sự vi phạm quyền con người đã bị quy định từ trong hiến pháp cùng với
điều khoản về quyền lãnh đạo của một đảng duy nhất. Và như thế, vì không hướng
tới bảo vệ quyền con người nên hiến pháp không còn là hiến pháp nữa.
3.
Về khoản 2 của điều 15 trong Dự thảo: “Quyền con người,
quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc
phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng
đồng”. Khoản 2 này, nếu không thêm vào mệnh đề: “những lý do này được xác định
cụ thể trong bộ luật” thì rất có thể sẽ vô hiệu hóa khoản 1 của điều 15: “Ở
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được
nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp
luật”. Khoản 1 này là quy định cốt lõi nhất về quyền con người trong Dự thảo. Nhưng
quy định này sẽ bị vô hiệu hóa khi khoản 2 không định nghĩa thế nào là lý do
quốc phòng, an ninh quốc gia? Đây rất có thể là những lý do mơ hồ muốn diễn
giải như thế nào cũng được và trở thành chỗ dựa để vi phạm quyền con người. Nếu
lấy quyền con người là mục đích tối cao của một hiến pháp đích thực, thì khoản
2 của điều 15 trong Dự thảo lại tạo cơ sở để vi phạm mục đích đó. Một hiến pháp
không thể nào lại có thể có những điều khoản mâu thuẫn đến như vậy được.
4.
Điều 22 của Dự thảo bỏ mất một ý quan trọng
của điều 71 Hiến Pháp 1992: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án
nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp
tội phạm bắt quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Cần
phải khôi phục lại điều này, nếu không quyền con người sẽ tha hồ bị vi phạm, sẽ
bị vi phạm nặng nề. Vì lúc đó bất kỳ ai cũng sẽ bị bắt mà không cần lý do,
không cần các thủ tục pháp lý. Lúc đó sẽ không thể nào có một nhà nước pháp
quyền, và công dân sẽ hoàn toàn không được bảo vệ.
Trong
khi đó Hiến pháp Mỹ quy định cụ thể: “Quyền của con người được đảm bảo về cá
nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này
sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác
đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác
địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ”.
5. Điều 26 của Dự thảo quy định: “Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy
định của pháp luật”. Liên quan đến nội dung về tự do ngôn luận, hiến pháp Cộng
hòa Pháp có hai điều: “Không ai bị đối xử tàn tệ vì quan điểm của người đó,
ngay cả các quan điểm tôn giáo, miễn là việc trình bày các quan điểm đó không
gây ra đổ vỡ hòa bình được thiết lập bởi luật pháp”. “Tự do trao
đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người
(tôi nhấn mạnh). Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và
công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này
theo quy định của pháp luật”. Vì sao nước Pháp quan niệm rằng tự do trao
đổi suy nghĩ và ý kiến lại là một trong những quyền quý giá nhất của con người?
Vì đó là thứ tự do tạo điều kiện cho con người phát triển hết tất cả các năng
lực của mình. Bởi vì tư duy là một năng lực mà chỉ con người mới có. Quốc hội
và Ủy ban Dự thảo cần đối diện với thực tế để thấy rằng, mặc dù Hiến pháp 1992
quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng quyền đó đã không được thực
thi trên thực tế. Những cáo buộc của quốc tế về sự vi phạm nhân quyền ở Việt
Nam chủ yếu liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận.
6.
Điều 38 của Dự thảo xóa bỏ các trách
nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước đối với người lao động được quy định ở điều 55
và 56 của Hiến pháp 1992. Như vậy sẽ không còn các chính sách và chế độ bảo hộ
lao động, người lao động có thể bị đối xử như thế nào cũng được.
7.
Điều 41 của Dự thảo xóa bỏ hầu hết các
nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà nước trong lĩnh vực y tế được quy định trong
điều 39 và điều 61 của Hiến Pháp 1992. Cần khôi phục lại các trách nhiệm và các
nghĩa vụ đó, nếu không xã hội của chúng ta sẽ là một xã hội vô nhân đạo nhất
hành tinh.
8.
Điều 42 của Dự thảo xóa bỏ tất cả các
trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước đối với nền giáo dục quốc dân đã được quy
định rõ trong điều 59 của Hiến pháp 1992. Cần khôi phục lại các trách nhiệm và
nghĩa vụ này. Nếu không nền giáo dục đang hết sức khủng hoảng này sẽ còn tồi tệ
hơn nữa và sẽ không thể hình dung hết hậu quả.
9.
Điều 47 của Dự thảo: “Tội phản bội Tổ Quốc
là tội nặng nhất”. Thế nào là tội phản quốc? Và tại sao nặng nhất? Nếu không
xác định rõ thế nào là tội phản bội tổ quốc thì điều luật này cũng có nguy cơ,
một mặt trở thành cái cớ cho sự vi phạm nhân quyền, mặt khác sẽ dung túng cho
những kẻ thực sự phản bội tổ quốc. Hiến pháp Hoa Kỳ nêu rõ: “Tội phản quốc
chống lại Hoa Kỳ bao gồm hành vi gây chiến tranh tấn công nước này hoặc ủng hộ
kẻ thù, trợ giúp và úy lạo chúng. Không một ai bị phán quyết về tội phản quốc,
trừ phi có hai người làm chứng về hành vi phạm tội hoặc có sự thú tội công khai
trước tòa”.
10.
Điều 58 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung điều 18 của
Hiến pháp 1992. Quan điểm quan trọng nhất của việc sửa đổi hiến pháp 1992, được
nêu trong “Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”
của Ủy ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp, ở mục 2.1 là: “Phải dựa trên cơ sở
tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan”.
Theo tôi đây là một quan điểm rất đúng. Bởi vì phải căn cứ trên thực tế, căn cứ
vào vào những vấn đề nảy sinh khi thi hành hiến pháp, để lấy cơ sở cho sự sửa
đổi hiến pháp. Điều 18 của Hiến pháp 1992 đã làm nảy sinh quá nhiều bất cập
trong thực tế, tạo ra bao nhiêu bi kịch cho người dân, tạo ra những bất ổn
trong lòng xã hội. Tiếp tục duy trì điều luật này về đất đai sẽ tiếp tục taọ ra
những bất công trầm trọng. Trong khi đó hiến pháp phải là văn bản tạo cơ sở đảm
bảo sự công bằng cho tất cả mọi người. Ở đây tôi chỉ nói từ góc độ tinh thần
hiến pháp, còn những hậu quả khác đã được phân tích rất nhiều.
11.
Điều 70 của Dự thảo đã được nhiều người
nêu ý kiến vì sự bất cập không thể phủ nhận của nó. Hiến pháp là của nhân dân,
của tất cả những người có cùng chung Tổ quốc. Chính Dự thảo cũng không thể bác
bỏ được điều này. Vì thế không thể đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp, quân
đội chỉ có thể bảo vệ Tổ quốc và nhân dân mà thôi. Điều 12 của Bản tuyên
ngôn nhân quyền và quyền công dân 1789 ghi rõ: “Đảm bảo các quyền con
người và của công dân cần tới các lực lượng công [cảnh sát, quân đội v.v..].
Những lực lượng này, do đó, được thành lập để phục vụ mục đích chung, và không
phải để sử dụng riêng cho mục đích của những người mà công chúng tín nhiệm giao
phó quyền lãnh đạo lực lượng”.
Quốc
hội cần phải nhìn thấy trước rằng, nếu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân trở thành
nhiệm vụ thứ yếu của quân đội Việt Nam thì không những quyền con người có nguy
cơ bị vi phạm, mà cả an ninh quốc gia cũng có thể sẽ không được đảm bảo một
cách chắc chắc.
Cá
nhân tôi không thể nhận xét hết tất cả các điều khoản trong Dự thảo, một công
việc đòi hỏi công sức của toàn dân.
Nhận xét chung của tôi là, với Dự thảo lần này, nghĩa vụ
và trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người bị giảm thiểu
thái quá. Trong khi đó nhiều điều khoản taọ cơ sở cho sự vi phạm quyền con
người. Không chỉ đơn giản là vi phạm quyền con người, mà nó còn tạo cơ sở cho
bất công, cho sự bất ổn của xã hội, và sự bấp bênh của an ninh quốc gia. Quốc
hội cần cân nhắc.
Nếu
lấy điều XVI của “Bản tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân năm 1789”
(mà tôi trích dẫn ở đầu văn bản) làm quy chiếu thì Dự thảo mà chúng ta đang bàn
luận ở đây sẽ không được các dân tộc khác coi là hiến pháp. Nguy cơ là khi Dự
thảo được thông qua và trở thành Hiến pháp thì xã hội của chúng ta sẽ trở thành
một xã hội “không hề có Hiến pháp”. Vậy Quốc hội và Ban soạn thảo có nên cân
nhắc lại về công việc mà mình đang làm hay không? Trách nhiệm của quý vị đối
với cộng đồng sẽ rất nặng nề khi là tác giả của một bản hiến pháp nhưng lại
không phải là hiến pháp như vậy. Chúng ta không ai tránh được sự phán xét của
lịch sử. Nhưng điều quan trọng hơn, không phải là bị phán xét hay không, mà
chúng ta cần hình dung hậu quả mà hành động của mình sẽ gây ra cho cả cộng đồng
trong đó mình tồn tại. Nếu một bản hiến pháp sẽ đẩy cả cộng đồng xuống vực thẳm
thì mỗi người chúng ta cũng ít hoặc không có cơ may ở lại được trên bờ vực.
Điều
quan trọng là phải có một bản hiến pháp thực sự, một bản hiến pháp bảo vệ được
quyền con người và chống lại một cách hiệu quả nguy cơ quyền lực bị lạm dụng
bởi những người nắm giữ nó.
Hiện
nay có một bản Phác thảo (tôi dùng từ này để phân biệt nó với Dự thảo của Quốc
hội) do 72 trí thức Việt Nam chấp bút, với ý thức và trách nhiệm công dân của
họ. Quốc hội cần ghi nhận và tham khảo bản Phác thảo hiến pháp này. Trong đó sẽ
có một số thay đổi căn bản. Đó là những thay đổi không thể thiếu, những thay
đổi bắt buộc phải có, nếu muốn xây dựng một hiến pháp thực sự, một hiến pháp
đúng với tinh thần hiến pháp.
Những
ý kiến trên đây là của một công dân Việt Nam chưa bao giờ có ý định sống và làm
việc ở một nơi nào khác hơn là Việt Nam, chưa bao giờ thôi mong muốn rằng có
thể tự hào khi là công dân Việt Nam, chưa bao giờ thôi mơ ước rằng một ngày nào
đó Việt Nam có thể bình đẳng với các nước khác trên thế giới.
Tp
Hồ Chí Minh, ngày 1/2/2013
N.T.T.H.
(Văn bản này đã được
gửi tới văn phòng Quốc hội qua thư điện tử)
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
-------------------------------------------
No comments:
Post a Comment