Saturday 9 February 2013

GIAO THỪA, TRỪ TỊCH, TẾT, VÀI NÉT TRONG THƠ VĂN XƯA (Viên Linh)




Viên Linh
Wednesday, February 06, 2013 2:45:03 PM

Cách đây hai tuần Trang Văn Học Nghệ Thuật đã nhắc đến một thể thơ đã vắng thấy trong các báo Xuân Việt ngữ ở hải ngoại, đó là Sớ Táo Quân.

Hôm nay cận kề ngày năm cũ đang qua, ngày năm mới sắp đến, người viết bài này nhân thể bàn tiếp về những danh từ người đọc báo Việt thường thấy những năm xưa, và vắng vẻ những bây giờ, vốn thật sự phải nói rằng những năm qua không thể thiếu, mà bây giờ thì hiếm hoi, họa hằn, mới thấy. Ðó là những áng thơ văn sản xuất theo niên lịch, những thơ truyện giai thoại về Giao Thừa, về Trừ Tịch, về Tết. Năm nay có cả một tờ giai phẩm Xuân có thể phát hành vào dịp Hè sắp tới mà không sao cả.

Giao Thừa, đó là khoảng thời gian tích tắc của tấm lịch cũ chấm hết, và của tấm lịch mới bắt đầu, đó là phút “không giờ” của đêm 30 Tháng Chạp năm nay bước sang ngày Nguyên Ðán hay Mồng Một Tháng Giêng năm tới.

Nhà văn Vũ Khắc Khoan ngay khi ở Hà Nội trước 1954 đã cho diễn vở kịch nhan đề Giao Thừa của ông, trong đó người thợ loay hoay đóng một cái bàn có 5 chân và một nhân vật chính nói qua bàn tới về hai chữ giao thừa. Rồi giao thừa trôi qua bao giờ chẳng ai còn nhớ lúc nó trôi qua ra sao.

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn nổi tiếng với vở kịch “Ðêm Ba Mươi” đã diễn trên làn sóng Ðài Phát Thanh Sài Gòn khoảng 1955. Ðây là một vở kịch hấp dẫn, trong đêm khuya, nhất là một đêm cuối năm, nghe giọng một phụ nữ thánh thót nhắc đi nhắc lại quá khứ, trong tiếng lanh canh của cục đá lạnh va chạm vào thành ly, người nghe kịch vô tuyến tha hồ hình dung ra một người nữ đẹp, một người nam trí thức, nhất là cách hỏi và cách trả lời, nói chuyện với nhau về ý nghĩa của tình yêu. Họ toàn là văn nghệ sĩ: họa sĩ, ca sĩ, và cả một vũ nữ. Không phải vô tình mà Trần Lê Nguyễn đặt nhan đề vở kịch là “Ðêm Ba Mươi,” có lẽ tình yêu là sự chuyển đổi mất còn, và tối mò mò không ai biết đâu mà lần chăng?

Giao Thừa hay Trừ Tịch hay Ðêm Ba Mươi là một. Trừ Tịch là xóa sổ, Trừ Tịch là “đêm cuối năm” như Tự Ðiển Hán Việt Ðào Duy Anh chú thích hay như Hán Việt Tự Ðiển Trần Trọng San Trần Trọng Tuyên hay Trừ Tịch là “ngày bỏ lịch cũ sang năm mới” như Hán Việt Từ Ðiển Nguyễn Văn Khôn viết, đều đúng cả. Nhưng trong ba cuốn tự điển hay từ điển ấy (Tự là chữ, Từ là lời), sự giải thích chỉ có thế. Thế nhưng cuộc sống, qua những truyền thuyết hay tục ngữ, cho thấy nhiều mặt của một danh từ. Dân gian đồn đại Ðêm Ba Mươi là đêm đầy trộm đạo hoành hành, một đêm tối đen hơn mọi đêm khác. Nhân gian coi Ðêm Ba Mươi rất linh thiêng, cúng kiếng tưng bừng, tiễn đi, hay tống đi những cái xui xẻo, cái ác cái xấu, và dọn lòng dọn tâm dọn trí cho thanh sạch để chào mừng vận may, điều tốt, cái lành cái hay. Có một bài thơ đặc sắc về cái đêm này, xin đọc lại:

Tối Ba Mươi Tết
Tháng lụn năm cùng sự chẳng cùng
Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
Chi lan tiệc cũ hương man mác
Ðào lý vườn xuân tuyết lạnh lùng
...
...
Gà kêu pháo nổ năm canh chót
Mừng tưởng mai đà gặp chúa đông.
Ðặng Ðức Siêu (1755-1813), Văn Ðàn Bảo Giám
(Thiếu 2 câu thực. Bạn đọc nào biết xin chỉ giùm. Ða tạ.)

Trong văn thơ cận đại, có những tác giả nào viết về khoảng thời gian thiêng liêng ấy?

Bỏ ra ngoài những bài thơ riễu, loại thơ đen thơ chì thơ đàn ngang cung, quá nhiều và thường là cay đắng, ta có một số thơ tình cảm về “năm tàn tháng lụn.” Cũng xin hẹn lại bạn đọc việc viết về Thơ Khai Bút, Thơ Mừng Xuân mới, dành cho những kỳ báo đầu năm Con Rắn, phần trích dẫn dưới đây xin dành cho vài nét thơ tình cảm. Nói về Xuân về Tết trong thơ tình cảm, chúng ta có khá nhiều, nhưng chỉ nổi bật trong thời Tiền Chiến, vì lúc ấy dù bị Pháp đô hộ, nhưng người dân quê còn sống trong nếp cũ, giữ được dân tộc tính, sửa soạn gói bánh chưng, dựng cây nêu, câu đối,... thời “làm nghĩa vụ quốc tế” dân tộc tính bị hủy diệt đến gốc rễ rồi, đào cũng không ra một bài thơ có dân tộc tính. Hãy lắng nghe một nhà thơ chân quê tả:

Tết của mẹ tôi
Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều
Sân gạch tường hoa người quét lại
Vẽ cung trừ quỉ, trồng cây nêu.
Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa,”
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.
Nay là 28 Tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
Sắm sửa đồ lề về việc Tết
Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.
(Nguyễn Bính, Mây Tần, 1942)

Ôi là êm đềm, nhưng sẽ không bao giờ còn nữa. Vào Miền Nam sau 1954, trước khi chiến tranh Quốc Cộng diễn ra từ 1960, ta hãy nghe một thi sĩ tả:

Xuân thanh bình
Khói đưa trừ tịch trầm xây biếc
Xuân đón nguyên tiêu nụ mở đào
Nhựa réo thanh bình vang trái đất
Cho lòng dâu bể cũng xôn xao.
Thuyền thơ chở hứng lên cao
Sông Xuân lại có đêm nào nguyệt hoa...
Gió thanh bình đã về đây
Mưa vơi trừ tịch, trăng đầy nguyên tiêu.
(Vũ Hoàng Chương, Thi nhân Việt Nam Hiện Ðại)

Một trong vài bài thơ xuân nổi tiếng của Miền Nam sau này được báo chí nói đến nhiều chính là một bài hành nói về tuổi nhập cuộc của đời trai:

Én nhạn về Nam, xuân rồi đây
Nghe thèm ly rượu chút mưa bay
Gọi về trong đáy buồn lưu lạc
Những bước chân xưa nhạt dấu giầy.
Bạn cũ hãy nương theo rét lạnh
Về đây cùng nhập một cơn say
Uống ly thứ nhất mừng tao ngộ
Cho tiếng cười lên vỡ tháng ngày
Vào cuộc hành hương tìm gặp lại
Cõi trời thanh biếc tuổi thơ ngây
Trong veo cặp mắt chưa vương bụi
Chăn chiếu còn thơm ngát mộng trai...
(Thanh Nam, Bài hành đón tuổi Bốn Mươi, Khởi Hành Xuân 1970, Sài Gòn)


No comments:

Post a Comment

View My Stats