Friday 8 February 2013

GÁNH NỢ CỦA HOA KỲ (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, February 06, 2013 3:36:45 PM

Bội chi nên đi vay, và từ mấy chục năm nay rồi


Hôm Thứ Ba, cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc Hội Hoa Kỳ là Congressional Budget Office vừa công bố dự báo sau cùng về ngân sách liên bang.

Nhờ sinh hoạt kinh tế có cải thiện chút đỉnh dù còn rất chậm và nhờ biện pháp tăng thuế vừa ban hành hôm đầu năm, bội chi ngân sách của Hoa Kỳ có thể giảm trong vài năm tới. Nhưng trong 10 năm nữa, Hoa Kỳ phải giảm chi khoảng hai ngàn tỷ Mỹ kim nữa thì mới trở về mức nguyên thủy của lịch sử nước Mỹ.

Bội chi, hay khiếm hụt ngân sách liên bang, là khi nhà nước chi nhiều hơn thu trong tài khóa. Khi bị bội chi thì phải đi vay, gánh nợ của khu vực công quyền này có thể gọi là “công trái” và là tổng số bội chi của những năm trước. Nhưng vì sao lại bị bội chi như vậy?

“Hồ Sơ Người Việt” tìm hiểu chuyện này và thấy rằng đây là một vấn đề lưu cữu từ ba chục năm trước, thành trầm trọng hơn từ bốn năm qua và không chỉ là vấn đề mà sẽ gây khủng hoảng nếu dân Mỹ thiếu quyết tâm khắc phục. Ðấy là bối cảnh thực tế của các cuộc tranh luận sắp tới trong Quốc Hội mà độc giả chúng ta nên biết.

Hoa Kỳ mắc nợ từ đã lâu
Công trái Hoa Kỳ đã vượt qua Tổng sản lượng nội địa GDP của nền kinh tế. Tổng sản lượng GDP là số sản xuất của cả nước trong một năm, nếu mức nợ lại vượt qua sức sản xuất thì đấy là vấn đề. Hai giáo sư nổi tiếng Ðại Học Harvard là bà Carmen Reinhart gốc Cuba và ông Kenneth Rogoff đã nghiên cứu và báo động từ Tháng Mười năm 2009, rằng nếu mức công trái của một quốc gia vượt quá 90% của tổng sản lượng thì vấn đề sẽ rất khó giải quyết.
Nhưng vì sao lại mắc nợ như vậy?

Gánh nợ hiện nay của Hoa Kỳ có một nguyên nhân gần là vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, tình trạng suy trầm sản xuất trong hơn một năm sau đó rồi sự phục hồi èo uột từ đó đến nay khiến nhà nước phải tăng chi và đi vay thêm. Quyết định tăng chi ào ạt và gây bội chi mỗi năm cả ngàn tỷ đô la đã gây tranh luận trên chính trường, trong Quốc Hội và trong dư luận.

Có người trút trách nhiệm suy trầm kinh tế và khủng hoảng tài chánh cho chính quyền George W. Bush và tin rằng trách nhiệm ấy khiến Nghị Sĩ Barack Obama đắc cử tổng thống năm 2008. Ngược lại, nhiều người lại cho rằng chính quyền Obama sau đó làm vấn đề trở thành nguy ngập hơn vì những biện pháp tăng chi để kích thích kinh tế mà không đạt kết quả.

Sự thật lại phức tạp hơn vậy vì vấn đề bội chi và đi vay đã có nguyên nhân sâu xa hơn: nạn chi nhiều hơn thu nên phải đi vay khởi sự từ ba chục năm trước khi chi tiêu của khu vực công quyền đã vượt số thu về thuế khóa.

Hoa Kỳ rất chịu khó thu thập thống kê để lập ra một kho ký ức chung cho cả nước mà nhiều người lại coi thường không chịu tham khảo. Từ thế kỷ 19 (năm 1800) đến nay, nước Mỹ bị sáu lần bội chi rất nặng nếu so với Tổng sản lượng. Ðó là cuộc chiến năm 1812, trận Nội Chiến cách nay 150 năm (1863), sau đó là Thế Chiến Một (1914-1918), vụ Tổng khủng hoảng (1929-1933), Thế Chiến Hai (1939-1945) và nạn Tổng suy trầm toàn cầu vừa qua (2008-2009).

Nặng nhất trong sáu vụ bội chi này là Thế Chiến Hai khi mức khiếm hụt lên tới gần 30% tổng sản lượng. Sau mỗi lần bội chi như vậy, mà chính yếu là do chiến tranh - bốn trong sáu lần - tình hình chi thu cải thiện rất nhanh với đường tuyến trình bày vọt lên như một chữ V hoa.

Lần này lại khác. Trong sáu lần, mức bội chi hiện nay còn cao hơn thời Tổng khủng hoảng, là 8.7% so với 6.6% vào năm 1929. Và số thu không vọt lên như mấy lần trước. Lý do là từ đầu thập niên 1970 đến lần này, vào đầu năm 2008, Hoa Kỳ trải qua 38 năm bội chi liên tục, và nặng nhất là từ thập niên 80 trở đi. Vì vậy, từ lâu rồi, nhiều kinh tế gia đã cảnh báo rằng nếu không chấn chỉnh chi thu, nước Mỹ sẽ bị khủng hoảng ngân sách vào quãng 2017 vì phải đi vay tới 100% tổng sản lượng. “Hồ Sơ Người Việt” xin miễn nói về dự báo bi quan này, mà chỉ nhấn mạnh rằng họ đoán sai: khủng hoảng bùng nổ sớm hơn 10 năm, từ cuối năm 2007!

Vì đâu lại mắc nợ?
Nhờ có sổ sách công khai minh bạch từ năm 1790 - sau thời độc lập - người Mỹ có thể tìm lại chuyện xưa để hiểu vì sao bị bội chi và đi vay như vậy? Ta có thể giản lược hóa câu chuyện qua hai vế chi và thu so với mức trung bình của một giai đoạn trường kỳ để xem là chi những gì và thu những gì, vì sao lại bội chi quá mức trung bình nếu tính theo tỷ trọng của tổng sản lượng.

Từ 1970 đến nay, Hoa Kỳ chi và thu nhiều hơn mức trung bình của thời kỳ hậu chiến từ 1950 đến 1969. Nhưng chi nhiều hơn thu nên mới có mức bội chi quá cao, thêm sáu ngàn tỷ, và chịu gánh nợ quá nặng. Thế thì từ 1970 đến 2007, trong 38 năm, nước Mỹ đã chi những gì?

Trước hết, dễ nhớ, dễ hiểu mà cũng dễ bị hiểu sai nên bị xuyên tạc là chi phí quốc phòng. Sau Thế Chiến Hai, Hoa Kỳ là siêu cường phải bảo vệ quyền lợi của mình trên toàn cầu nên chịu gánh nặng quân phí rất cao. Nhưng sự thật là nếu tính theo sức sản xuất của kinh tế thì số chi cho quốc phòng không gia tăng như người ta thường nghĩ mà thực tế lại còn giảm.

Thứ hai, khi gây bội chi và đi vay thì phải trả tiền lời và khoản tiền lời đó là một mục chi bắt buộc. Nhưng thực tế thì tiền lãi cho gánh nợ công trái này không nhiều và cũng chẳng tăng quá mạnh nên càng gây thêm bội chi. Các khoản công chi khác của ngân sách liên bang cũng vậy.

Hai mục công chi lớn nhất và thủ phạm của nạn bội chi gia tăng từ 1970 đến 2007 là 1) An sinh SS, Medicare và Medicaid (gọi tắt là SSM, chủ yếu là hưu bổng và y tế) và “các mục chi khác cho cá nhân” (“other payments to individuals” hay OPI, chủ yếu là trợ cấp). Từ 1950 đến 1969, hai khoản công chi này có tăng, nhưng chỉ từ 5% lên 6,1% tổng sản lượng GDP, rồi lên gấp đôi vào năm 2007 (12.1%) và còn tăng mạnh từ năm 2010 và lên tới 15.7% GDP, còn cao hơn số thu về thuế khóa.

Cho nên, bài toán bội chi ngân sách xuất phát từ đó và có nguyên nhân xã hội.

Một cách nhìn khác là phân ra ba loại công chi theo thủ tục chuẩn chi ngân sách. Ðó là 1) các khoản chi nhiệm ý (discretionary), 2) bắt buộc (mandatory) và 3) nghĩa vụ đi vay, là tiền lời. Loại công chi bắt buộc mà Quốc Hội phải chuẩn chi gồm có An sinh Xã hội (Social Security), chi phí y tế Medicare cho giới cao niên, Medicaid cho người nghèo, an toàn lợi tức (income security) cho người cùng khốn, trợ cấp cho dân thất nghiệp hay các khoản chi khác về xã hội, kể cả trợ giúp người tàn tật, thực phẩm cho trẻ en, v.v...

Trong mấy chục năm qua, các khoản chi nhiệm ý (tức là có thể lên hay xuống qua sự biểu quyết hàng năm của Hạ Viện) đã giảm dần trong số tổng chi của ngân sách, từ 48% xuống 37%. Nhưng các mục chi bắt buộc lại tăng rất mạnh, từ 44% lên tới 56% của số tổng chi. Trong khi ấy, tiền lời mà nhà nước phải thanh toán cho chủ nợ khi đi vay, cho người mua công phố phiếu, đã từ 8.5% lên tới 15.5% vào năm 1997 rồi giảm và nay chỉ còn 6% của số tổng chi.

Nghĩa là Quốc Hội Hoa Kỳ có những khoản chi bắt buộc mà các dân biểu nghị sĩ không thể cắt nếu không có cải tổ về luật lệ ngân sách. Mà trong các khoản chi này, Medicaid và nhất là Medicare, đã tăng mạnh nhất và là nguyên nhân chính của tình trạng bội chi và đi vay.

Bồi vào đó là những khoản chi về an toàn lợi tức (income security) đã tăng mạnh sau vụ khủng hoảng tài chánh và tổng suy trầm, từ 14% của số chi bắt buộc đã lên tới 20%. Cho nên xin nhắc lại: bài toán bội chi ngân sách xuất phát từ các khoản chi bắt buộc và có nguyên nhân xã hội.

Ðấy là chuyện chi. Còn nguồn thu thì sao?

Nguồn thu ngân sách

Ngân sách liên bang Hoa Kỳ có nguồn thu chính là thuế khóa, qua bốn sắc thuế chủ yếu là thuế lợi tức cá nhân, thuế an sinh xã hội, thuế lợi tức doanh nghiệp, và các loại thuế hay phụ phí khác (thí dụ như quan thuế). Trong bốn sắc thuế ấy, nguồn thu lớn nhất là thuế lợi tức cá nhân và thuế an sinh xã hội (Social Security Tax), từ 1979 đến 2011 vẫn thường chiếm 81% của tổng thu. Còn thuế lợi tức doanh nghiệp thì cũng bình bình ở mức 10% của tổng thu. Vị chi là 91%.

Khi thấy các chính trị gia và báo chí tranh luận hay tường thuật về hồ sơ thuế, xin quý độc giả phân biệt loại tô suất biên tế và tô suất trung bình. “Hồ Sơ Người Việt” xin lỗi là phải nói tới khía cạnh hơi chuyên môn này vì nhiều khi báo chí trình bày hoặc phiên dịch thiếu chính xác.

Tô suất hay thuế suất biên tế (với chữ suất viết bằng S) là tỷ lệ thuế phải thanh toán trên mỗi đồng lợi tức kiếm thêm được và là dữ kiện căn bản của mọi tính toán về kinh doanh. Nó quan trọng vô cùng và theo đạo luật ngân sách vừa biểu quyết hôm đầu năm, đã từ 35% tăng lên 39,6% - thuộc loại cao nhất thế giới. Ngược lại thuế suất trung bình chỉ là tổng số thuế một cá nhân phải thanh toán khi so sánh với lợi lức của mình.

Khi thuế suất trung bình gia tăng thì nguồn thu ngân sách tất nhiên là tăng. Nhưng thuế suất biên tế có tăng lại không nhất thiết nâng cao nguồn thu cho ngân sách liên bang. Thống kê về thuế khóa từ 1979 đến 2011 có cho thấy sự thật khách quan đó: khi thuế suất biên tế ở mức cao nhất (70%), từ 1972 đến 1982, rồi giảm từ 1982 đến 1994, thuế lợi tức cá nhân tính theo tỷ lệ của tổng sản lượng GDP vẫn tăng và tăng cao nhất vào năm 2000 trước khi suy sụp vì nạn suy trầm từ 2007.

Lý do ít ai muốn nói đến là bộ luật thuế khóa của Hoa Kỳ quá chi ly phức tạp mà có đầy lỗ hổng và khi thuế suất biên tế gia tăng thì những người có lợi tức cao nhất đều tìm ra kỹ thuật lách thuế. Họ chỉ cần luật sư và chuyên gia thuế vụ có tài - và đắt tiền - là tìm ra cách tránh. Nhiều cơ sở kinh doanh cò con khác thì tìm cách làm chui và thu tiền mặt để khỏi trả thuế quá cao. Cho nên, nâng cao thuế suất biên tế cũng chẳng thu tiền cho công quỹ theo tỷ lệ tương xứng.

Một chi tiết thú vị khác - dù hơi rắc rối - là những ai trả thuế nhiều nhất và ít nhất?

Thuế suất trung bình (tổng số thuế so với lợi tức) tại Hoa Kỳ có tính cách lũy tiến, càng kiếm nhiều tiền thì càng trả thuế nặng hơn. Thí dụ như vào năm 2007, dưới thời chính quyền Bush, 5% những người thọ thuế có lợi tức cao nhất thì bị một thuế suất là 17.6% trong khi 20% (nhóm ngũ phân hay quintille) giàu nhất lãnh thuế suất 14.4%. Cả hai đều thấp hơn thuế suất biên tế thời ấy là 35%. Nhìn cách khác, khi thuế suất trung bình giảm thì 5% những người có lợi tức cao nhất đã trả thuế nhiều nhất, và 80% những người có lợi tức thấp lại trả ít thuế hơn.

Chi tiết ấy cho thấy rằng hai biện pháp giảm thuế của chính quyền Bush (năm 2001 và 2003) đã đẩy gánh nặng thuế khóa lên người giàu. Thống kê ngân sách do Ngân hàng Dự trữ khu vực St. Louis vừa công bố cuối năm ngoái phản bác lý luận mà nhiều người tin như thật, là ông Bush hay đảng Cộng Hòa giảm thuế cho nhà giàu.

Kết luận ở đây là gì?

Vấn đề chi thu của nước Mỹ khởi sự từ mấy chục năm trước chứ không là chuyện bất ngờ ụp lên đầu chúng ta. Nó không xuất phát từ tinh thần chủ chiến và tăng chi về quân sự của Hoa Kỳ mà có nguyên nhân sâu xa là tinh thần liên đới và tương trợ xã hội với các khoản chi lớn nhất về an sinh và y tế.

Vấn đề trở thành trầm trọng từ năm 2008 vì nhà nước còn tăng chi mạnh hơn nữa để cứu nguy kinh tế mà việc tăng thuế ngày nay chưa chắc đã giải quyết được. Trong lâu dài, Hoa Kỳ sẽ bị khủng hoảng nếu không quân bình lại chi thu mà chỉ có thể chấn chỉnh khi có thảo luận và tìm ra sự đồng thuận về các khoản chi bắt buộc: cắt hay không và đến mức nào, để những người nghèo yếu già cả không bị loại ra ngoài xã hội? Ðây là một bài toán văn hóa và đạo đức không dễ có giải đáp kinh tế.





No comments:

Post a Comment

View My Stats