12:01:am
18/02/13
Thế
giới mà chúng ta đang sống phát triển bởi tham-dục và hủy diệt bởi tham-dục,
không đứng yên một chỗ mà luôn luôn biến đổi. Theo Dịch Lý của Đông Phương sự
thay đổi đó vận hành theo nguyên lý: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sinh
Tứ Tượng; Tứ Tượng Sinh Bát Quái và Bát Quái sinh… Tùm Lum. Khi cái “Tùm Lum”
ra đời thì thiên hạ đại loạn. Lúc đó thế nào cũng có một quốc gia mới nổi lên,
gồm thâu thiên hạ và chu kỳ Thái Cực lại bắt đầu.
Kể
từ khi Liên Bang Xô-viết xụp đổ vào năm 1991, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành
siêu cường “Độc Cô Cầu Bại” thế Lưỡng Cực tan biến và thế giới hình thành thế
Thái Cực hay Đơn Cực. Mỹ giống như thiên tử nhà Chu cách đây khoảng 1000 năm
trước Tây Lịch, bá chủ thiên hạ, chư hầu răm rắp tuân lệnh. Thế nhưng theo lẽ
tự nhiên của trời đất, con cháu nhà Chu do bất tài, nhu nhược hoặc hoang dâm vô
độ, nhà Chu dần dần suy yếu. Khi thiên tử suy yếu – bây giờ gọi là suy thoái,
chư hầu lợi dụng xưng Bá, thôn tính các nước nhỏ, kéo theo một thời kỳ chiến
tranh kéo dài hơn 200 năm, từ năm 403 trước Tây Lịch gọi là Xuân Thu Chiến Quốc
và chấm dứt vào năm 221 trước Tây Lịch khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc
chấm dứt thế loạn “Tùm Lum”. Dĩ nhiên trong 200 năm đó, thiên hạ điêu linh, dân
tình khốn khổ, “đống xương vô định đã cao bằng đầu”. Thế nhưng bao nhiêu học thuyết
về ngoại giao, chính trị, quân sự, kể cả những chiến lược mà nước nhỏ dùng để
giữ nước, các gương sáng ngời về lòng yêu nước như Phạm Lãi của nước Việt, các
thiên tài ngoại giao, quân sự, trị quốc như Quản Trọng, Tô Tần, Trương Nghi,
Nhạc Nghị và tư tưởng như “Bách Gia Chư Tử” cũng đều sản sinh trong thời kỳ
này. Các nhân vật gần như huyền thoại đó vẫn sống mãi trong tâm tưởng mọi người
và các học thuyết đó vẫn còn là kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao, quân sự,
trị quốc cho nhân loại ngày hôm nay.
Vào năm 1972, do nhu cầu chia rẽ Khối Cộng Sản và làm suy yếu Liên Bang Xô-viết, cặp bài trùng Nixon- Kissinger đã “chơi con bài Hoa Lục” bằng cách đá người đàn em chống cộng lừng lẫy là Tưởng Giới Thạch ra khỏi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và rước Mao Trạch Đông ngồi vào đó, kể cả việc làm ngơ cho Hoa Lục cưỡng chiếm Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam để chứng tỏ “thành tâm thiện chí” với ông bạn mới.
Khác
với Mao Trạch Đông còn do dự và “bế quan tỏa cảng”, Ô. Đặng Tiểu Bình nhìn xa
trông rộng, tương kế tựu kế, theo kế sách “nhập nô xuất chủ”. Năm 1979 ông qua
Mỹ để bình thường hóa ngoại giao với Hoa Kỳ và “mở tung cánh cửa”. Thế giới,
nhất là Hoa Kỳ khen ngợi Ô. Đặng Tiểu Bình hết mình. Tiếp theo đó tư bản Mỹ, kỹ
thuật Mỹ, công ty Mỹ ào ào đổ vào để khai thác tài nguyên thiên nhiên, biến
khối 1.3 tỉ người thành thị trường công nhân rẻ mạt chế hàng cho Mỹ, vừa làm
giàu cho chính quốc vừa đem về cho dân Mỹ xài chơi cho sướng. Ước mơ của Hoa Kỳ
và Tây Phương kể như thành tựu. Liên Xô xụp đổ, Hoa Lục “gia nhập cộng đồng thế
giới” rồi đây thiên hạ thái bình, còn lo gì nữa?
Ô.
Bill Clinton là người sung sướng nhất, được hưởng cái khoái cảm “Bốn phương
phẳng lặng, hai kinh vững vàng”. Giống như Ngô Phù Sai năm xưa ngất ngưởng với
Tây Thi ở Cô Tô Đài, ông “tình tứ” với Cô Monica Lewinsky ngay tại Phòng Bầu
Dục – nơi ban bố những quyết định liên quan đến vận mệnh của thế giới. Còn Ô.
Bush Con tự coi mình là “võ lâm chí tôn” không cần mạng lệnh của Liên Hiệp
Quốc, với Anh Quốc, sau này thêm NATO đem quân vào Iraq và Afghanistan và như
thế lao vào hai cuộc chiến vô cùng tốn kém về nhân mạng và của cải, kéo dài đã
hơn 12 năm mà Ô. Obama gỡ chưa ra. Nước Mỹ đâu có ngờ trong khi Hoa Kỳ tự thị
(dưới thời Ô. Clinton), sa lầy trong hai cuộc chiến (dưới thời Ô. Bush Con),
Đặng Tiểu Bình và các người kế vị là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã âm thầm
luyện thành công môn “Hấp Tinh Đại Pháp”. Cái độc địa của môn võ công này là
thu hết nội lực của đối phương để biến thành nội lực của chính mình, đến một
lúc nào đó đối thủ bủn rủn cả chân tay rồi thành phế nhân. Hàng Made in China
rẻ rề được các công ty bán lẻ khổng lồ của Mỹ như Wal Mart, Target, Best Buy,
Costco v.v… đem về bán cho dân xài lại khiến công ty Mỹ phá sản. Dân Mỹ có thói
quen thấy hàng rẻ thì ùn ùn kéo đến mua, nhiều khi dẫm đạp lên nhau mà chết –
chẳng hạn như trong ngày Black Friday, không kể tự ái dân tộc hay quyền lợi
quốc gia gì cả. Trong khi họ than thiền về nạn thất nghiệp nhưng lại không biết
đâu là nguyên do của thất nghiệp. Ông Tàu chứ còn ai nữa? Thế cho nên một số nhà
bình luận nói rằng “Kẻ thù của nước Mỹ chính là tư bản Mỹ”. Hiện nay giới tư
bản Mỹ chỉ chiếm 1% nhưng thâu tóm 90% tài sản đất nước.
Hệ
thống truyền thông Mỹ, phim ảnh Mỹ, chính trị gia Mỹ lúc nào cũng nhồi vào đầu
óc người dân, “Mỹ Number One”, “Mỹ lãnh đạo thế giới”. Chuyện hàng Made in
China có tràn ngập thị trường Mỹ chỉ là “ba cái lẻ tẻ”, nhằm nhò gì, ”think
tank” của Mỹ tính hết cả rồi. Lợi dụng quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ, Hoa
Lục học hỏi, kể cả ăn cắp lẫn sao chép siêu kỹ thuật để chế tạo vũ khí hiện đại
xuất cảng và chống Mỹ. Tiền lời bán vũ khí, tiền lời bán hàng do công ty Mỹ sản
xuất tại Hoa Lục đem cho Hoa Kỳ vay, rồi mua công khố phiếu rồi trở thành chủ
nợ của Hoa Kỳ. Thật trớ trêu! Sách lược vĩ đại hay “diệu kế” của
Nixon-Kissinger 40 năm sau trở thành”Con Ngựa Thành Troie”!
Vào
đầu thập niên 1990 khi Hoa Lục đã xây dựng xong hệ thống quân sự khổng lồ tại
Đảo Hải Nam, trên biển cũng như dưới lòng đất, Hoa Kỳ vẫn còn đắm chìm trong
“giấc mơ vàng” hợp tác chiến lược với Tàu. Lúc đó nếu có nhà bình luận nào nói
rằng Hoa Lục sẽ là đối thủ hoặc xa hơn là kẻ thù của Hoa Kỳ thì lập tức bị gán
cho nhãn hiệu bảo thủ và thiển cận. Chỉ tới năm 2009 khi Hoa Lục trình Tổng Thư
Ký Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ Đường Lưỡi Bò gom hết Biển Đông vào lãnh thổ của
mình thì Hoa Kỳ mới giật mình, hối hả rút quân khỏi Iraq, Afghanistan trong kế
hoạch gọi là “Xoay Trục”, tức tái phối trí lực lượng tại nơi mà Hoa Kỳ đã bỏ
lại khi tháo chạy khỏi Việt Nam năm 1975.
Để
đối phó với kế hoạch “Xoay Trục” của Mỹ, về mặt ngoại giao Hoa Lục tung tiền
“mua” Thái Lan, Kampuchea, trung lập hóa Miến Điện khiến khối ASEAN rạn nứt. Về
mặt quân sự cho tàu hải giám, tàu ngư chính tiếp tục uy hiếp Việt Nam, Phi Luật
Tân trên biển. Hành động nguy hiểm nhất của Hoa Lục, mà cả thế giới đều thấy
rõ, là biến Hoàng Sa (ngụy danh Tam Sa) thành bộ chỉ huy quân sự kiểm soát Biển
Đông, ban bố lệnh kiểm tra, lục soát các tàu qua lại trên vùng biển này, cho in
bản đồ có hình Lưỡi Bò trên sổ xuât cảnh, công bố bản đồ trong đó toàn bộ Biển
Đông khoanh vùng bởi Đường Lưỡi Bò thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời mở
mặt trận thứ hai tại Biển Hoa Đông, uy hiếp Nhật Bản. Phong trào bài Nhật mới
đầu tưởng chỉ là thủ đoạn hù dọa nay trở thành “vũ khí kinh tế” chống Nhật và
chiến tranh Trung-Nhật có nguy cơ bùng nổ. Nhật sợ quá vội vã lên kế hoạch
phòng thủ và cũng “xoay trục” như Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York
Times trước khi từ nhiệm, Bà Hilary Clinton nói rằng Trung Quốc thật sự tạo ra
một mối lo (cho Hoa Kỳ và thế giới). Một siêu cường như Hoa Kỳ, giống như thiên
tử Nhà Chu mà phải “lo ngại” sức mạnh của Hoa Lục thì đó không phải là chuyện
đùa rỡn.
Sự
“xoay trục” của Nhật giống như Liên Minh Lục Quốc chống Tần năm xưa. Các chiến
lược gia Nhật Bản nhận thấy việc đối đầu với Hoa Lục là chuyện dài “ngàn năm”
cho đến khi nào Hoa Lục thay đối chính sách và dù có thay đổi chính sách thì
Hoa Lục vẫn chơi lá bài “nước lớn” tức “kẻ cả”. Dù liên minh Mỹ-Nhật có đó
nhưng nó chưa đủ sức để chống Tàu. Nếu Hoa Lục khống chế được Đông Nam Á, chắc
chắn Nhật Bản phải đầu hàng hoặc liên minh với Mỹ để mở cuộc chiến tranh tổng
lực để tìm sinh lộ. Kế sách tối hảo vừa lợi vừa ít gây tổn hại cho Nhật là liên
kết với Đông Nam Á và làm cho các nước này mạnh lên. Khi họ mạnh lên về quân sự
và kinh tế, với tinh thần độc lập tự chủ, chính Đông Nam Á sẽ là “ràng rào tự
nhiên” ngăn chặn Hoa Lục. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, Úc Châu, Ấn Độ và cả thế
giới thấy rõ điều này.
Về
chiến lược ngăn chặn Trung Quốc – nói Đông Nam Á là nói về “diện” còn “trọng
điểm” chính là Việt Nam chứ không phải Phi Luật Tân. Chỉ cần mất phần còn lại
của Trường Sa, dù Phi Luật Tân còn đó, Đông Nam Á coi như thuộc về Hoa Lục. Lúc
đó Hoa Kỳ phải lui về cố thủ ở Guam và như thế chiến tranh đã sát nách lãnh thổ
Hoa Kỳ, đó là cơn ác mộng của Ngũ Giác Đài. Chính vì thế mà chỉ hơn tháng vừa
qua, người ta đã chứng kiến những chuyển động ngoại giao dồn dập đổ về Đông Nam
Á:
-
Ngày 10/1/2013 Bộ Trưởng Quốc Phòng Ý Đại Lợi thăm và hội đàm với Tướng Phùng
Quang Thanh. Hai bên cam kết hợp tác trong lãnh vực đóng tàu, đào tạo và tiếp
đón sĩ quan Việt Nam tu nghiệp tại Ý.
-
Ngày 6/1/2013 Tân Bộ Trưởng Nhật Ô. Fumio Kishida họp với Ngoại Trưởng Phi Luật
Tân trong chuyến công du đầu tiên bàn về hợp tác an ninh hàng hải trên Biển
Đông và cung cấp cho Phi 10 tàu tuần duyên.
-
Ngày 15/1/2013 Phó Tổng Thống Ấn Độ Hamid Ansari thăm Việt Nam đồng thời kết
thúc Lễ Kỷ Niệm Năm Hữu Nghị Ấn-Việt. Cuộc viếng thăm cho thấy Ấn Độ muốn thắt
chặt thêm quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
-
Ngày 16/1/2013 Chủ Tịch Quốc Hội Nam Hàn thăm Việt Nam. Theo thống kê trong
nước, cho tới ngày hôm nay, Nam Hàn là nhà tài trợ cho Việt Nam chỉ đứng thứ
hai sau Nhật Bản.
-
Ngày 16/1/2013 Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam để thực hiện chuyến
công du đầu tiên khi ông vừa nhậm chức chưa đầy một tháng, tình hình trong nước
vẫn còn bề bộn, Senkaku vẫn sôi động. Chuyến viếng thăm Việt Nam của Ô. Abe tập
trung vào viện trợ và an ninh Biển Đông. Còn chuyến viếng thăm Thái Lan và Nam
Dương sau đó chỉ tập trung vào thương mại, đầu tư. Tưởng nên nhắc lại đây, vào
ngày 29/12/2012 ngay khi được tin Ô. Abe được chọn làm thủ tướng, Ô. Nguyễn Tấn
Dũng- Thủ Tướng Việt Nam đã gọi điện thoại chúc mừng và đàm đạo, điều này cho
thấy Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật và nhất là lập
trường cương quyết không tương nhượng Hoa Lục trong cuộc đối đầu tại Senkaku
của Ô. Abe. Nhận định về chuyến viếng của Ô. Abe, Báo điện tử Người Lao Động
viết như sau, “Việc Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên
trong chuyến công du đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đài BBC
dẫn lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về khu vực châu Á – Thái Bình Dương,
cho rằng trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có lẽ là nước
có quan hệ an ninh thân cận nhất với Nhật Bản. Trong tám đối tác
chiến lược đã được thiết lập của Việt Nam thì Nhật Bản đứng thứ
hai chỉ sau Nga. Ngoài ra, Nhật Bản là nước tài trợ ODA (Official
Development Assistance) lớn nhất của Việt Nam, nhà đầu tư Số 1 tại Việt Nam
và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam”.
-
Cũng trong thời gian này, BBC tiếng Việt đưa tin, “Trong lúc tân thủ tướng
Nhật Bản, ông Shinzo Abe chuẩn bị cho chuyến thăm Đông Nam Á, bắt đầu
bằng Việt Nam tuần này, Hoa Kỳ cũng gửi một phái đoàn quân sự và an
ninh cao cấp sang Đông Bắc Á trong mối lo ngại về tình hình khu vực.
Cùng lúc, khối ASEAN tiếp tục đề cao quy tắc ứng xử cho khu vực Biển
Đông và tiếp tục đối thoại với Trung Quốc. Chuyến thăm của các quan
chức Mỹ, gồm Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell và Thứ trưởng Quốc
phòng Mark Lippert cùng giám đốc châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia
Daniel Russell sang Tokyo và Seoul là để bàn với tân nữ tổng thống Hàn
Quốc và tân thủ tướng Nhật Bản về an ninh vùng.”
-
Ngày 17/1/2013 Ô. Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí Thư Đảng CSVN lên đường thăm Vương
Quốc Bỉ, Liên Hiệp Âu Châu, hội kiến với Thủ Tướng Ý Đại Lợi và sau đó thăm Anh
Quốc hội kiến với Thủ Tướng Cameron. Theo báo chí trong nước, tại Bỉ, hai bên
đã nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực
Bỉ có thế mạnh như phát triển hải cảng, tiếp vận, giao thông vận tải, công nghệ
xanh, công nghệ cao, kỹ nghệ hàng không- không gian, công nghiệp nặng và y tế.
Ô. Nguyễn Phú Trọng cũng đã chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác Việt-Bỉ,
như hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng khu công nghiệp và Hải Cảng Vũ
Đình (Hải Phòng), hợp tác giữa Việt Nam với vùng Flanders. Tại Ý Ô. Nguyễn Phú
Trọng đã hội kiến với Thủ Tướng Monti. Hai bên đã ra Tuyên Bố Chung thiết lập
quan hệ đối tác chiến lược, Bản Ghi Nhớ giữa hai Bộ Quốc Phòng; Bản Ghi Nhớ về
hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực quan thuế; Bản Ghi Nhớ về hợp
tác giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam và Tập Đoàn Dầu Khí Italia; Trao giấy chứng
nhận đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí cho Tập Đoàn Dầu Khí Italia các Lô 114,
lô 120 và lô 105-110/04 ngoài khơi Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Tại Anh
Quốc, Thủ Tướng Cameron và Ô. Nguyễn Phú Trọng đã thảo luận và nhất trí về các
biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên các
lĩnh vực thương mại, hàng hải, tài chính ngân hàng, giáo dục… phấn đấu đưa kim
ngạch thương mại hai nước lên 4 tỷ USD trong năm nay. Anh Quốc cũng mong muốn
Việt Nam đóng vai trò mạnh mẽ và xây dựng hơn trong khu vực cũng như trên thế
giới và Anh Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trách nhiệm này giống như lời
tuyên bố của Ô. Panetta – Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ trước đây. Do đó người ta
dự đoán có thể quân đội Việt Nam sẽ tham gia lực lượng LHQ gìn giữ hòa bình
trong tương lai. Dù đề tài nhân quyền được nêu ra tại Nghị Viện Anh, việc Âu
Châu nồng nhiệt tiếp đón Ô. Nguyễn Phú Trọng – đã đi cùng nhịp với lời kêu gọi
“Âu Châu cũng phải tăng cường hợp tác với Mỹ để bảo đảm ổn định tại khu vực
Châu Á – Thái Bình Dương và đây cũng là lợi ích của Châu Âu” (RFI) của Phó Tổng
Thống Joe Biden trong Hội Nghị An Ninh Munich ngày 2/2/2013.
-
Ngày 18/1/2013 Bà Cristina – nữ Tổng Thống Argentina thăm Việt Nam. Cuộc thăm
viếng chỉ giới hạn trong khuôn khổ thương mại, đầu tư và liên kết ngoại giao.
-
Ngày 23/1/2013 tại Nam Vang, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Trung Quốc,
Tướng Thích Kiến Quốc, ký một thỏa thuận giúp huấn luyện lực lượng vũ trang
Kampuchea với Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh, đồng thời bàn giao 12 chiếc trực
thăng đa năng Zhi-9 do Trung Quốc sản xuất trong đó có 4 trực thăng chiến đấu.
Kampuchea đã dùng khoản viện trợ 195 triệu đô-la từ Trung Quốc để mua số trực
thăng vũ trang này. Cũng có tin Trung Quốc cho không để lôi kéo Kampuchea vào
quỹ đạo của mình. Cộng thêm với việc mua sắm 100 xe tăng, 40 xe bọc thép mới
đây, những chuyển động về mặt quân sự của Kamphuchea đã khiến Thái Lan lo ngại.
Xong Việt Nam cũng phải dè chừng Trung Quốc lại chơi “lá bài Khờ Me Đỏ” để thọc
vào biên giới phía nam Việt Nam.
-
Ngày 4/2/2013 nhân dịp tham dự lễ hỏa thiêu Cựu Hoàng Norodom Sihanouk tại Nam
Vang, Ô. Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ Tướng Pháp Jean Marc
Ayrault. Ô. Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển mối
quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Pháp, một đối tác ưu tiên của Việt
Nam tại châu Âu.
-
Trong khi những chuyển động ngoại giao tập trung vào Việt Nam và Phi Luật Tân như
thế thì vào ngày 4/2/2013 BBC đưa tin, “Tân Hoa Xã cho hay ba khu trục hạm đã
rời Cảng Thanh Đảo ở phía đông tỉnh Sơn Đông hôm thứ Ba 29/1 để tham
gia các hoạt động tập trận ở Nam Hải (Biển Đông) và Tây Thái Bình
Dương. Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho biết thêm rằng các hoạt động
trên sẽ diễn ra ở Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, Biển Đông, Eo Biển Miyako,
Kênh Bashi và vùng biển phía đông Đài Loan.” điều đó cho thấy lò lửa Đông
Nam Á đang âm ỉ lại mỗi lúc được đổ thêm dầu. Cả thế giới đang căng thẳng chờ
đợi một biến cố có tầm vóc “thể kỷ” chưa biết nổ ra lúc nào. Quốc Hội Mỹ chưa
bao giờ phải họp để bàn tới “Vấn Đề Trung Quốc” nay trong cuộc điều trần để
chuẩn nhận tân ngoại trưởng, Ô. John Kerry đã phải xác định sách ngoại giao của
Hoa Kỳ trong những ngày tháng tới như sau “Tiếp tục tái cân bằng và củng cố
quan hệ với Trung Quốc cũng như tiếp tục thực hiện chính sách “xoay trục” sang
Châu Á Thái Bình Dương.”
Trong
bối cảnh “Xuân Thu Chiến Quốc” ngày hôm nay – Việt Nam, do rất nhiều yếu tố
như: địa lý chính trị, lịch sử và trật tự thế giới mới, đã chủ trương hợp tác
cũng như hợp tác chiến lược với tất cả các quốc gia trên thế giới nhưng “không
liên minh với ai để chống ai” khác hẳn với Phi Luật Tân. Phi Luật Tân, do truyền
thống và lịch sử đã vạch một chiến tuyến rõ ràng, nương tựa vào sức mạnh Hoa Kỳ
là chính và không cần hợp tác chiến lược với Nga, Ấn Độ, Úc, Âu Châu. Trong khi
Phi Luật Tân có “trụ Mỹ” để bám, còn Việt Nam thì “không bám” vào trụ nào.
Chính vì thế mà một số người cho rằng Việt Nam đã “Lăng Ba Vi Bộ” tức chính
sách ngoại giao và quốc phòng chênh vênh, không rõ ràng. Thế nhưng theo
Wikipedia tiếng Việt, “Lăng Ba Vi Bộ là cách di chuyển bộ cước tạo ra một ảnh
ảo khiến đối phương chỉ tấn công vào ảnh ảo, nên đương sự luôn dễ dàng thoát
hiểm.” Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm nhờ học được bí kíp này mà sống sót.
“Lăng Ba Vi Bộ” trong sách lược ngoại giao chính là thế ngoại giao “động”. Vì
chuyển động giống như “đu dây” nên “ảo”, vì ảo nên “thấy vậy mà không phải
vậy”. Nói rõ hơn ““Lăng Ba Vi Bộ” là liên kết với nhiều nước khiến kẻ thù phân
tâm vì phải đối phó với nhiều mặt trận – giống như đứng giữa nhìn chiếc đèn cù
chạy chung quanh mình. Thực tế, nhìn vào chính trường quốc tế bây giờ, các nước
lớn cũng thi triển bí kíp “Lăng Ba Vi Bộ”. Hoa Kỳ buổi sáng bay qua Bắc Kinh
họp “hợp tác chiến lược” với Hoa Lục, buổi tối quay về Ngũ Giác Đài bàn kế
hoạch “xoay trục” hợp tác chiến lược với Úc Châu, Nhật Bản, Ấn Độ, nay thêm Âu
Châu để “đốn ngã” ông bạn “hợp tác chiến lược” của mình. Nhật Bản vẫn coi mối
quan hệ với Trung Quốc là trọng yếu nhưng liên kết với Hoa Kỳ, Anh Quốc, Ấn Độ
và ngày nay với Việt Nam, Phi Luật Tân để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ cũng
hợp tác chiến lược với Hoa Lục nhưng hối hả liên minh với Hoa Kỳ, Nhật Bản và
Việt Nam để ngăn ông “Con Trời”. Còn Âu Châu, tuy nương tựa vào Hoa Lục để tồn
tại kinh tế, cũng bắt đầu nhòm ngó xuống Đông Nam Á để tiếp tay với Hoa Kỳ
trong kế hoạch “xoay trục”. Còn Thái Lan thì “sớm nắng chiều mưa”, “Lăng Ba Vi
Bộ” còn hơn Việt Nam nữa, vừa đưa Ô. Obama cửa trước đã rước Ô. Ôn Gia Bảo cửa
sau. Tất cả đều tung hỏa mù, để tạo ra một “không gian ảo” nói khác đi một “mê
hồn trận” để tự vệ, để sinh tồn, để bao vây hoặc đánh lừa đối thủ.
Khi
một nước lớn nuôi tham vọng bất chính, chẳng hạn như nước Tần năm xưa thì thiên
hạ đại loạn. Ngày nay các cường quốc đang tìm cách ngăn chặn một thứ “Tần Thủy
Hoàng mới” bằng chiến lược ngoại giao giống như Thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Chuyện Hoa Lục “trỗi dậy” không một ai cản được mà chỉ là làm sao ngăn chặn
những hậu quả thảm khốc của nó – trước mắt cho Đông Nam Á rồi cho cả thế giới.
Những biến chuyển ngoại giao và quân sự dồn dập trong thời gian qua chỉ phản
ảnh cái thế loạn “Tùm Lum”. Phải chăng đây là chu kỳ biến dịch của Trời Đất? “Mười
phần chết bảy còn ba. Chết hai còn một mới ra thái bình”?
Trong
cơn lốc kinh hoàng này, trong cái thế “ngàn cân treo sợi tóc” này, các nước nhỏ
muốn tồn tại cần có những nhân tài kiệt xuất như Quản Trọng, Phạm Lãi, Nhạc
Nghị, Tô Tần, Trương Nghi… phải lấy sức mình là chính cùng sách lược ngoại giao
linh động. Nghi ngờ quá thì không làm được chuyện gì, mà cả tin quá thì chết.
Phải “biết” như Lão Tử nói, “biết thì sống”.
©
Đào Văn Bình
No comments:
Post a Comment