Thursday, 14 February 2013

CHIẾN TRANH LẠNH MỚI ĐANG ĐE DỌA CHÂU Á (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Thứ tư 13 Tháng Hai 2013

"Một cuộc chiến tranh lạnh mới đang đe dọa châu Á" là tựa đề bài viết trên báo Les Echos số ra hôm nay. Sự cố tàu hải giám Trung Quốc chiếu ra-đa dẫn tên lửa vào tàu tuần tra Nhật Bản hôm 30/01/2013 cho thấy căng thẳng gia tăng trong khu vực Bắc Á. Theo tờ báo, chính các hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã đẩy khu vực Bắc Á và Đông Nam Á vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, đe dọa an ninh toàn bộ khu vực.

Đầu tiên hết, bài viết nhắc lại sự cố xảy ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/01/2013 vừa qua. Hôm đó, đội tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào gần khu vực quần đảo đang tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku và đã chiếu ra-đa dẫn tên lửa vào chiếc tàu tuần tra Nhật Bản. Sau nhiều phút trôi qua, cuối cùng thì quân đội Trung Quốc đã tắt thiết bị định vị và từ bỏ ý định bắn tên lửa. Les Echos nhận định đây quả là một hành động nguy hiểm, có thể đẩy thế giới đến một vụ xung đột mới.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tokyo đã lên án hành động trên là « một sự khiêu khích » với « các hậu quả khôn lường ». Về phần mình, Bắc Kinh « trơ trẽn » phủ nhận hoàn toàn trước khi đổ tội Tokyo là muốn bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc. Washington, một mặt, xác nhận có đụng độ giữa đôi bên. Mặt khác, kêu gọi cả hai quốc gia nên giữ bình tĩnh.

Theo nhận định của Les Echos, kể từ khi cả hai cường quốc châu Á thay đổi ban lãnh đạo đất nước, mối quan hệ song phương có vẻ như đã lắng dịu trở lại trong tháng giêng vừa qua. Thế nhưng, sự cố mới xảy ra lần này chứng tỏ là gia tăng căng thẳng tại châu Á không hề suy suyển. Và đây cũng là nơi có thể phát động cuộc chiến tranh lạnh giữa ba cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Les Echos viết rằng từ lâu các vụ tranh chấp biển đảo giống như ngọn núi lửa đang ngủ yên. Thế mà, chính cái thói « yêng hùng » của Trung Quốc đã đánh thức nó dậy. Bắc Kinh giờ đây đã cảm thấy đủ mạnh về kinh tế và quân sự để áp đặt tầm ảnh hưởng của mình trên toàn bộ khu vực vốn do Mỹ ngự trị kể từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2.
Lo ngại cho tình hình trong khu vực xuống cấp trầm trọng, ngoài các đồng minh quân sự như thường lệ là Nhật Bản và Philippines, Hoa Kỳ đã mở rộng thêm đối tác với Việt Nam. Ngoài mặt, Washington vẫn lên tiếng phủ nhận « chiến lược bao vây » Bắc Kinh. Trên thực tế, Nhà Trắng cho tái triển khai hạm đội quan trọng trong khu vực. Đồng thời, Mỹ liên tục gia tăng các quan hệ đối tác với tất cả các nước nào trong khu vực cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa.

Về phần Nhật Bản, kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 12 năm rồi, thủ tướng Shinzo Abe, đại diện của phe tả theo đường lối cứng rắn đã tỏ ra quyết không nhún nhường trước các hành động gây hấn của Trung Quốc. Đối với Hàn Quốc, ông thực hiện chính sách hòa dịu trong một vụ tranh chấp lãnh thổ khác. Song song đó, thủ tướng Nhật tuyên bố tăng cường khả năng tự vệ của quần đảo và tìm cách liên kết với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm tạo ra một mạng lưới đoàn kết chống Trung Quốc.

Theo nhận định của bài viết, rõ ràng sự lo sợ không chỉ tồn tại ở khu vực Bắc Á. Nhiều nước khác trong khu vực bắt đầu thấy khó chịu trước các hành vi khiêu khích liên tục của cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Nhất là kiểu sách lược « sự đã rồi » của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

Như nhận thức được mối đe dọa từ Bắc Kinh, lần lượt các nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Bru-nây đã tái vũ trang quân đội. Đồng thời, ý định hình thành một mặt trận chung tại Đông Nam Á cũng ngày càng rõ nét, để đối phó với kẻ luôn tự hào với học thuyết « trỗi dậy hòa bình », nhưng trên thực tế là một sự ương ngạnh đáng lo ngại.

Thế thì, trong bối cảnh đó, « hành động leo thang này sẽ còn đi đến đâu ? », tờ báo tự hỏi. Theo đánh giá của đa số các chuyên gia, là không một quốc gia nào sẽ trục được lợi nếu bùng nổ xung đột vũ trang trong khu vực, nơi diễn ra một nửa các hoạt động giao dịch thương mại của thế giới. Tuy nhiên, họ cũng nhìn nhận rằng căng thẳng có thể đang được khơi sâu thêm.

Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh của mình trong khu vực, khi cá cược rằng sự suy yếu của quân đội Mỹ là điều tất yếu. Do đó, Trung Quốc vẫn cứ ngang nhiên đi theo sứ mệnh cường quốc khu vực. Chính vì ý niệm đó, Bắc Kinh có nguy cơ khiến cho giới quân sự, những kẻ hiếu chiến nhất có những hành động nguy hiểm bất đắc dĩ. Và như vậy, một phát tên lửa bắn ra không phải lúc vào một chiến hạm Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines là điều không thể nào tránh khỏi được.



Thanh Hà – RFI
Thứ năm 14 Tháng Hai 2013

Điện đàm với thủ tướng Shinzo Abe ngày 13/02/2013 sau vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân, tổng thống Barack Obama hứa bảo đảm an ninh cho đồng minh Nhật Bản. Washington và Tokyo đòi Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Thông cáo của Nhà Trắng đề ngày 13/02/2013 cho biết tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe cam kết hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và chấm dứt các vụ thử nghiệm tên lửa. Theo lời một quan chức thuộc bộ Ngoại giao Nhật, Mỹ Nhật cũng sẽ sát cánh bên nhau để trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghị quyết mới, tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Washington lên án Bình Nhưỡng « đã có hành động khiêu khích, và vi phạm nghiêm trọng những gì đã cam kết đối với cộng đồng quốc tế ».

Riêng đối với Tokyo, đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ tại Đông Á, tổng thống Obama đã nhấn mạnh « cam kết kiên định » của Mỹ trong chính sách bảo vệ Nhật Bản, « kể cả việc mở rộng mở rộng chiếc ô chống hạt nhân hòng đề phòng khả năng Nhật Bản bị tấn công ».

Theo đánh giá của một số chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc đợt thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên hôm 12/02/2013 vừa qua có « sức công phá mạnh hơn so với hai đợt thử nghiệm hồi năm 2006 và 2009 ».

Thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị công du Hoa Kỳ trong hai ngày 21 và 22/02/2013.




No comments:

Post a Comment

View My Stats