Saturday, 2 February 2013

CÁC HỆ THỐNG ĐANG GẶP RỦI RO (Lee Howell - Project Syndicate)




Systems at Risk   -   Project Syndicate   -   Jan. 8, 2013

Ngày 01 tháng 2 năm 2013

Không có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường diễn ra thường xuyên, và những vụ sụp đổ tài chính mang tính mang tính hệ thống là ba trong số 50[1] rủi ro lớn được ghi nhận trong Báo cáo rủi ro hàng năm của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF). Đương nhiên là giữa chúng có mối quan hệ, đặc biệt là sau vụ suy sụp “siêu bão tố” của phố (Wall Street) vào tháng 10 năm ngoái. Thực ra, Báo cáo nhắc nhở chúng ta rằng trong thế giới tương thuộc này, các hệ thống có thể ảnh hưởng lẫn nhau bằng rất nhiều cách khác nhau.

Quan trọng hơn, bản Báo cáo này cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ nhiều hệ thống cùng một lúc. Ví dụ, hai trong số những hệ thống quan trọng nhất của thế giới là kinh tế và môi trường; sự tương tác của hai hệ thống này là cơ sở của đề tài nghiên cứu đầu tiên trong ba đề tài nghiên cứu về rủi ro trong Báo cáo năm nay.

1.000 chuyên gia, tức là những người đã trả lời các câu hỏi của công trình khảo cứu về Nhận thức nguy cơ toàn cầu do WEF tiến hành, làm cơ sở cho Báo cáo rủi ro nói trên, cho rằng thích nghi với biến đổi khí hậu là mối bận tâm hàng đầu của họ trong thập kỉ tới. Điều này phản ánh sự thay đổi rộng lớn hơn trong tư duy về khí hậu và càng ngày càng có nhiều người công nhận rằng chắc chắn là sẽ có sự biến đổi nhiệt độ trên bình diện toàn cầu và chúng ta phải thích ứng trên bình diện khu vực – ví dụ, củng cố những hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm tăng cường khả năng chịu đựng của chúng trước những hiện tượng thời tiết bất thường.

Nhưng chúng ta lại phải đối mặt với những thách thức môi trường đúng vào lúc kinh tế khó khăn kéo dài. Tốc độ phát triển kinh tế trên bình diện toàn cầu vẫn tiếp tục thấp; và, trong khi chính sách tài chính và tiền tệ không có ảnh hưởng nhiều tới quá trình phục hồi kinh tế, các chính phủ vừa không có nguồn lực vừa không đủ dũng khí để tung ra những dự án lớn. Không lấy gì ngạc nhiên là nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã xếp việc mất cân bằng tài chính mãn tính là rủi ro thứ hai trong số 50 rủi ro chính, tức là những rủi ro có nhiều khả năng xảy ra trong thập kỉ tới.

Những nền kinh tế mạnh mẽ tạo điều kiện cho người ta đầu tư cho việc thích nghi với thay đổi khí hậu; trong khi đó, sự ổn định về môi trường lại giúp người ta tập trung vào những vấn đề kinh tế. Trực diện với áp lực từ hai hệ thống cùng một lúc có khác gì máy bay đang bay mà bị hỏng cả hai động cơ.

Nghiên cứu thứ hai áp dụng quan niệm khác về tư duy hệ thống. Điều gì sẽ xảy ra, nếu hệ thống rõ ràng là “nhỏ” – ví dụ như các phương tiện truyền thông xã hội – làm bùng lên một cuộc khủng hoảng địa chính trị “lớn”? Với sự lan toả ngày càng gia tăng của các mạng xã hội, thông tin có thể lan truyền trên toàn thế giới hầu như ngay lập tức.
Lợi ích của việc này đã được nói tới nhiều, nhưng rủi ro của thông tin sai lạc thì chưa. Xin xem xét hoàn cảnh thực: trong nhà hát đông người, bỗng có tiếng kêu “Hỏa hoạn!”. Liệu một điều gì đó tương tự có thể xảy ra trong không gian kĩ thuật số, đốm lửa nhỏ của thông tin sai có thể gây ra đám cháy lớn và tạo ra hỗn loạn, trước khi sự thật được phát hiện?

Nghiên cứu thứ ba xem xét điều gì sẻ xảy ra khi chúng ta thỏa mãn với hệ thống có ý nghĩa quan trọng sống còn. Ví dụ, công tác cải tiến liên tục diễn ra trong khoa y học trong suốt 100 năm qua làm cho chúng ta tin rằng hệ thống y tế không bao giờ và không thể nào thụt lùi được. Nhưng các nhà chuyên môn càng ngày càng lo lắng về việc nạn dịch lớn có khả năng xảy ra vì những vi khuẩn có thể chống cự được tất cả các loại thuốc kháng sinh hiện hành, trong khi hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không tạo được khuyến khích phù hợp cho việc phát triển những loại thuốc mới. Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo rằng nếu thế giới quay lại thời kì tiền-kháng sinh thì nhiễm trùng vết thương hay cổ họng lại có thể một lần nữa trở thành bệnh làm chết người.
Mỗi trường hợp vừa nêu đều khẳng định rằng, cần phải tìm cách củng cố, làm cho các hệ thống trở thành ngày càng bền vững hơn, điều đó cũng có nghĩa là không được xem xét các hệ thống một cách tách biệt. Những hệ thống này vừa liên kết vào những hệ thống lớn hơn, vừa được cấu tạo từ những tiểu hệ thống nhỏ hơn. Trong khi, lí tưởng nhất là rủi ro toàn cầu phải được đáp trả bằng những biện pháp toàn cầu; nhưng trên thực tế, những rủi ro này lại xuất hiện chủ yếu trên bình diện quốc gia và các nước phải tự giải quyết bằng nguồn lực của mình. Cho nên chúng ta cần phải đánh giá sự ổn định của quốc gia bằng cách đánh giá những tiểu hệ thống quan trọng trong từng quốc gia.

Hiện nay WEF đang tìm kiếm những chỉ số nhằm đánh giá các tiểu hệ thống của các quốc gia thông qua 5 thông số – sự dư thừa, sức mạnh, tháo vát trong việc tìm kiếm nguồn lực, phản ứng và phục hồi – bằng cách liên kết những số liệu tìm được bằng nhận thức với những số liệu thống kê được công bố. Những số liệu tìm được bằng nhận thức đầu tiên mà WEF thu thập được cho thấy tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo, tính minh bạch, hiệu quả, và quan hệ hữu hảo giữa khu vực công và các cổ đông của khu vực tư.

Trong khi việc tìm kiếm những chỉ số đánh giá mới ở giai đoạn đầu, mục tiêu cuối cùng là tìm được phương tiện chẩn đoán với chức năng tương tự như một máy chụp cộng hưởng từ (MRI) để cho những người làm chính sách quốc gia sử dụng trong quá trình đánh giá mức độ ổn định của quốc gia trước những rủi ro toàn cầu. Bằng cách tìm ra những mặt yếu mà những phương pháp đánh giá rủi ro truyền thống có thể bỏ qua, chúng ta có thể xác định chính xác những cải cách cơ cấu, những thay đổi trong hành vi và những khoản đầu tư có tính chiến lược nhằm làm gia tăng độ ổn định cần thiết.

Kết quả không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho những nước muốn tham gia vào quá trình này. Nó còn gợi ý những cách tân mau chóng trong việc quản lí toàn cầu, những cách tân mà chúng ta đang cần hơn lúc nào hết nhằm duy trì sự toàn vẹn của những hệ thống quan trọng nhất của chúng ta.


Phạm Nguyên Trường dịch

Lee Howell là thành viên Ban quản trị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)

------------------------------------

Báo cáo rủi ro của WEF liệt kê 50 rủi ro sau đây:
Những vụ sụp đổ tài chính diễn ra thường xuyên,
Khủng hoảng về cung cấp nước,
Mất cân bằng tài chính mãn tính,
Không thích ứng được với biến đổi khí hậu,
Lan truyền vũ khí hủy diệt hàng loạt,
Giá lương thực và năng lượng cực kì không ổn định,
Tăng khí thải nhà kính,
Khủng hoảng thiếu về lương thực,
Chênh lệch quá đáng về thu nhập,
Thất bại trong quản lí toàn cầu,
Mất cân bằng mãn tính trên thị trường lao động,
Gia tăng dân số không bền vững,
Không giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao,
Không quản lí được quá trình lão hóa dân cư,
Ô nhiễm đến mức không sửa chữa được,
Khủng hoảng thanh khoản diễn ra thường xuyên,
Chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo gia tăng,
Hiện tượng thời tiết bất thường diễn ra thường xuyên,
Thất bại của những hệ thống có tính quan trọng sống còn,
Dễ bị dịch bệnh,Tổn hại địa vật lí chưa từng có,
Lạm phát hoặc giảm phát không kiểm soát được,
Chủ nghĩa khủng bố,
Vi khuẩn kháng thuốc,
Các nước dễ bị tổn thương,
Quản lí việc sử dụng đất và nước kém,
Tấn công trên mạng,
Các nền kinh tế mới nổi khó hạ cánh,
Quốc hữu hóa nguồn lực một cách đơn phương,
Tham nhũng lan tràn,
Dễ bị tổn thương trong việc cung cấp khoáng sản,
Hậu quả không dự đoán được của khoa học và công nghệ,
Di dân thiếu kiểm soát,
Quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát,
Phong trào chống toàn cầu hóa,
Hậu quả không dự đoán được của những biện pháp nhằm làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu,
Khai thác các loài một cách quá mức,
Tỉ lệ mắc bệnh mãn tính gia tăng,
Ăn cắp/lừa đảo số liệu trên mạng,
Thông tin sai lạc được truyền bá rộng rãi,
Tội phạm có tổ chức gia tăng,
Dễ bị tổn thương vì bão từ,
Quân sự hóa vũ trụ,
Hậu quả tiêu cực không nhìn thấy trước của quá trình lập pháp,
Thái độ coi thường hạ tầng cơ sở kéo dài,
Chính sách ngăn chặn ma múy bất hợp pháp thiếu hiệu quả,
Buôn lậu lan tràn,
Hậu quả không dự đoán được của công nghệ nano,
Chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thất bại,
Gia tăng những mảnh vỡ trong vũ trụ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats