Nhạc sỹ Phạm Duy
1921 - 2013
Cập nhật: 07:29 GMT - chủ
nhật, 3 tháng 2, 2013
Một trong những ghi chép cuối đời của cố nhạc sỹ Phạm Duy
là về một số cuộc gặp gỡ đáng kể trên đường đời của ông.
Ghi chép mang tên ‘Những Cuộc
Hạnh Ngộ’ được một người bạn thân của nhạc sỹ chia sẻ với BBC và đây là bản đã
được rút ngắn.
Ảnh trong bài do chính nhạc sỹ
sưu tầm trong khi một số tựa đề phụ do BBC đặt.
Bài viết có hai phần gồm phần
một dưới đây và quý vị có thể nhắp chuột vào tựa đề ‘Gặp cựu TT Võ Văn Kiệt và
những người khác’ ở phía bên tay phải của phần một để đọc phần hai.
Phạm Duy qua đời tại Bệnh viện
115 ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/1, hưởng thọ 92 tuổi và được an táng tại
nghĩa trang Công viên Bình Dương hôm 3/2/2013.
Gặp Vua Bảo Đại và các cuộc gặp trước năm 75
Phạm Duy gặp Vua Bảo Đại khi mới ngoài 20
Khi đi hát ở Phan Rang vào năm
1944, có một hôm bỗng có xe hơi của ông tỉnh trưởng Phan Rang là Nguyễn Duy
Quang tới rạp hát để đón tôi vào Dinh, giữa sự ngạc nhiên của nhân viên đoàn
hát.
Vào trong dinh tôi mới biết là
có ông Bảo Đại đang ngồi ở đó. Ông thường trị vì tại Đà Lạt và đi bắn ở trong
rừng nhiều hơn là ngồi trên ngai vàng tại Huế.
Hôm nay ông từ một vùng săn bắn
nào đó xuống chơi thành phố Phan Rang và nghỉ ngơi trong Dinh Tỉnh Trưởng.
Tôi đã biết tới sự yêu nhạc của
ông vua khi thấy ông đem người con trai của Thượng Thư Phạm Quỳnh là Phạm Bích
vào làm bí thư riêng chỉ vì anh này đánh đàn guitare rất giỏi.
Đã không còn coi đối tượng là
quan trọng nữa, đã chủ trương khi cất lên tiếng hát là hát cho mình nhiều hơn
là hát cho người, nên tôi chẳng có một mặc cảm nào khi ngồi ôm đàn hát cho ông
vua nghe.
Ông Bảo Đại, rất lịch sự, rất
nhã nhặn, sau khi nghe hát xong, ngồi mời tôi ăn bánh ngọt và nói chuyện với tôi
bằng tiếng Pháp. Hỏi tôi học nhạc ở đâu ? Từ bao giờ ? Hơi ngạc nhiên khi thấy
tôi trả lời là chẳng học ai cả !
Hỏi thăm về ông Khiêm, về gia
đình tôi. Một ông vua yêu nghệ thuật như vậy chắc chắn là đằng sau cặp kính đen
mà ông thường đeo, có ẩn nấp một đôi mắt nhân từ.
Ừ, đúng như vậy, trải qua bao
nhiêu biến thiên của lịch sử, có nhiều kẻ quai mồm ra phê bình Bảo Đại là thế
này thế nọ, nhưng tôi chưa thấy ai dám nói ông ta đã bỏ tù hay đã giết một
người Việt Nam.
Trong khi qua vài ba cuộc Cách
Mạng trên thế giới, có biết bao nhiêu người đã bị thủ tiêu hay bị cầm tù bởi
những nhà lãnh đạo mệnh danh là yêu nước thương nòi…
Xong buổi hát ”vo” (theo tiếng
nhà nghề là : hát không lấy tiền) khi tôi ra về, tỉnh trưởng Nguyễn Duy Quang
tiễn tôi ra cửa, rất tế nhị, tay cầm sẵn một gói quà là 5 thước vải phin rất
tốt để tặng anh ca sĩ trẻ tuổi.
Với số vải này, tôi may được
hai cái áo sơ-mi, một cái mặc cho tới khi rách, một cái sẽ tặng anh bạn thi sĩ
Nguyễn Bính khi gặp anh ở Saigon một vài tháng sau để anh bán lấy tiền vào nằm
tiệm hút.
Về tới rạp và khoe là vừa hát
cho vua nghe, cả gánh hát lắc đầu lè lưỡi thán phục…
Với một nghệ sĩ hát rong mới 20
tuổi, được gặp một vị hoàng đế, thật là một hạnh ngộ.
Các chính trị gia Việt Nam Cộng hòa
Tôi được gặp ông Diệm và chỉ
nói chuyện gia đình vì anh Khiêm của tôi lúc đó là Bộ Trưởng, sau đó là Đại Sứ
trong chính phủ của ông,
Tới khi có chính quyền Nguyễn
Văn Thiệu vì tôi là Phó Giám Đốc Đài Truyền Hình nên thỉnh thoảng tôi có tiếp
đón ông mỗi khi ông tới thu hình.
Riêng Phó Tổng Thống Nguyễn Cao
Kỳ thì luôn luôn gặp tôi tại tư gia tướng Lansdale để sinh hoạt văn nghệ tiêu
khiển.
Các văn nghệ sỹ Mỹ
John Steinbeck đến Sài Gòn để gặp con trai và nhờ vậy Phạm Duy được gặp mặt
Cũng tại tư gia tướng Lansdale,
tôi được gặp văn hào John Steinbeck khi ông qua VN để thăm người con đang là đệ
tử của ông Đạo Dừa.
John Ernst Steinbeck III (1902–
1968) là một tiểu thuyết gia người Mỹ được biết đến như là ngòi bút đã miêu tả
sự đấu tranh không ngừng nghỉ của những người phải bám trên mảnh đất của mình
để sinh tồn.
Tác phẩm đầu tiên gây tiếng
vang của John Steinbeck là cuốn Of Mice and Men (1937), dựng nên một câu chuyện
bi thảm về hai nông dân ít học thức hằng mong mỏi một mảnh đất cho riêng mình
để canh tác.
Tác phẩm được đánh giá cao nhất
là The Grapes of Wrath (1939; đoạt giải Pulitzer năm1940), dựng nên câu
chuyện của gia đình Joad, bị nghèo khó ở vùng hoang hóa Dust Bowl của
bangOklahoma, phải chuyển đến California trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế
của thập niên 1930.
Quyển tiểu thuyết gây nhiều
tranh cãi, được xem không những là truyện hư cấu nhưng có tính hiện thực mà còn
là lời phản kháng xã hội đầy cảm động, đã trở nên một tác phẩm kinh điển trong
nền văn học Mỹ.
Là một trong những “tượng đài”
văn học từ thập kỷ 1930, Steinbeck lấy chủ đề trung tâm là phẩm giá trầm lặng
của những người cùng khổ, những người bị áp bức.
Dù những nhân vật của ông
thường bị vây bọc trong thế giới thiếu công bằng, họ vẫn giữ mình như là những
con người đầy cảm thông và có anh hùng tính, tuy có thể bị khuất phục. John
Steinbeck nhận Giải Nobel Văn học năm 1962.
Trong những đêm họp mặt để “hát
với nhau” như thế, Đại Sứ Cabot Lodge cũng cởi áo veste ra để hát.
Tôi cũng có dịp gặp các nghệ sĩ
nổi danh như Pete Seeger, ông vua dân ca Hoa Kỳ :
Peter Seeger (sinh ngày 3 tháng
5 năm 1919), còn được biết đến với tên Pete Seeger, là một nhạc sĩ, ca sĩ nhạc
đồng quê và là nhà hoạt động chính trị.
Ông cũng là thành viên của the
Weavers, tuy nhiên cũng đã sáng tác nhiều bài hát, trong đó có một bản thu âm
“Goodnight Irene” đã đứng đầu bảng xếp hạng trong vòng 13 tuần vào năm 1950.
Ông cũng là cựu thành viên của
Đảng Cộng sản Mỹ và là người có công lao đóng góp chính cho nền âm nhạc dân
gian và là người tiên phong trong phong trào âm nhạc phản chiến trong những năm
của thập kỷ 50 và 60. Ông là tác giả bài hát phản chiến nổi tiếng Where Have
All the Flowers Gone?
Ông cũng là tác giả bài hát Teacher
Uncle Ho (Bác Hồ – Thày giáo).
Hội ngộ với nghệ sĩ Việt Nam
Phạm Duy nói chưa gặp ai “nên thơ” như Lưu Trọng Lư
1944, tôi đang là anh nghệ sĩ
Tân Nhạc của gánh Đức Huy. Gánh hát tới Tourane (Đà Nẵng).
Đà Nẵng là một thành phố tuyệt
đẹp bên sông Hàn, bên bờ biển Đông với những nét quyến rũ chưa từng có ở các đô
thị biển khác… Tôi đi thămBảo tàng Chămđể chiêm ngưỡng một nền văn hoá Chăm rực
rỡ, những pho tượng cổ, những linh vật thờ, những biểu trưng của một dân tộc
phồn thịnh giờ chỉ còn trong quá vãng.
Đây là bảo tàng duy nhất về nền
văn hoá Chăm trên thế giới và giá trị của nó đã vượt ra khỏi biên giới nước
Việt Nam.
Thú vị nhất là tôi gặp chàng
thi sĩ mà mình yêu qúy vô cùng là Lưu Trọng Lư.
Lúc đó anh Lư đang dạy học tại
trường Phan Bội Châu (hay Phan Chu Trinh?), sau khi nghe tôi trình diễn tại rạp
hát, ngày hôm sau anh đã nằng nặc lôi tôi lên xe kéo, đưa tôi tới trường học để
hát cho học trò của anh nghe. Từ trước tới giờ, tôi chưa gặp ai nên thơ như con
người Lưu Trọng Lư.
Chưa gặp anh đã nghe nói anh là
người rất lơ đãng. Gặp anh rồi thì nhìn bề ngoài của anh cũng đã thấy anh là
một con nai vàng ngơ ngác.
Đã có ai kể cho tôi nghe chuyện
anh cầm tiền đi chợ mua đồ cúng nhân ngày giỗ vợ nhưng anh ghé vào tiệm hút rồi
quên phứt chuyện đó!
Theo lời kể của Hoài Thanh, đã
có lần Lưu Trọng Lư nằm đọc tập thơ TIẾNG THU của mình rồi ngồi dậy cười to :
– A ha ! thế mà mấy bữa ni cứ
tưởng (…) hai câu : ”Giật mình ta thấy mồ hôi lạnh, mộng đẹp bên chăn đã biến
rồi…” là của Thế Lữ… Hai câu thơ ấy là của Lưu Trọng Lư.
Sau khi tôi hát cho lũ học trò
xanh xao và gầy gò nghe bài Buồn Tàn Thu rồi thì nhà giáo Lưu Trọng Lư đầu bù
tóc rối, quần áo lôi thôi lếch thếch và nát nhầu, móc ở trong túi ra những mẩu
thơ để tặng tôi ngay trong lớp học. Tôi nhớ rất kỹ đó là những đoạn thơ của bài
Giang Hồ mà khi in ra thì anh Lư đề tặng Nguyễn Tuân và Vũ Hoàng Chương :
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm
buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm
nay…
Tôi sẽ có nhiều lần phổ nhạc
những bài thơ tuyệt vời của anh Lư để trả ơn sự hạnh ngộ nửa đường phiêu lãng
này. Từ bài Tiếng Thu qua Vần Thơ Sầu Rụng tới Thú Đau Thương và Còn
Chi Nữa (bài này tôi mạn phép đổi tên là Hoa Rụng Ven Sông).
Lê Thương, Trần Văn Trạch và Đức Quỳnh
Lê Thương (phải) ‘làm thơ bay bướm nhưng sống giản dị
Vào năm 1951, khi tôi vào sinh
sống tại Saigon, tôi có ba người bạn là Lê Thương, Trần Văn Trạch và Đức Quỳnh.
Lê Thương rời Bến Tre, anh về
Saigon làm nghề thầy giáo. Căn nhà nhỏ của anh đường Võ Tánh là nơi tôi đến
chơi hàng ngày, hoặc rủ anh đi mua báo Pháp như PARIS MATCH, CANARD ENCHAINÉ
ở hiệu sách PORTAIL đường Catinat… hoặc rủ anh đi ăn, đi chơi. Lê Thương làm
thơ, làm nhạc rất bay bướm nhưng anh có cuộc sống rất giản dị.
Trước đây, tôi chỉ biết Lê
Thương qua những bài hát tình yêu rất hay như Bản Đàn Xuân, Thu Trên
Đảo Kinh Châu, Một Ngày Xanh, Nàng Hà Tiên… và Phần I của truyện ca
bất hủ Hòn Vọng Phu. Bây giờ, tôi được biết thêm những bài Bà Tư Bán
Hàng, Bài Hoà Bình 48, Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Thành, Đốt Hay Không Đốt
Téléphone, Cái Đồng Hồ, Chuyến Xe Lửa Mùng Năm…
*
Trần Văn Trạch là một ca sĩ
chanteur de charme, hát những bài ca “mùi mẫn”, chưa có những tiết mục bắn
súng, phi cơ bay và dội bom bằng mồm, hoặc những bài ca hài hước như sau này.
Tại dancing Théophile, Trạch thường hát nhiều bài Tây và một vài bài ta.
*
Đức Quỳnh, có giọng hát ồ ồ, có
mái tóc bồng bềnh và hàm răng thô. Nhưng lúc nào cũng ăn mặc chải chuốt, lúc
nào cũng mặc veston, đeo nơ… dù trời Saigon rất là nóng bức.
Đức Quỳnh có soạn ra một bài
hát nhan đề Ba Giờ Khuya mà Trạch hát tại Dancing Théophile. Rồi còn
viết ra Thoi Tơ (thơ Nguyễn Bính) Người Kỹ Nữ Với Cung Đàn, Hỏi Em,
Hò Khoan, Trả Lại Anh… Anh còn soạn hai bài hát cho tuổi thơ là Chim
Chích Chòe và Rước Đèn Tháng Tám.
*
Rồi tôi tới Saigon thì hạnh ngộ
là được gặp hai nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Trương…
Tại đàm trường Viễn Kiến,
Nguyễn Đức Quỳnh dạy tôi làm người hiền. Trong tiệm hút, Lê Văn Trương dạy tôi
làm người hùng.
Mời quý vị bấm vào ‘Gặp cựu
TT Võ Văn Kiệt và những người khác’ ở phía bên phải trên đầu trang để đọc
phần 2.
Gặp cựu TT Võ Văn Kiệt và những người khác
Phạm Duy nói ông Võ Văn Kiệt là một trong những người ông gặp nhiều nhất
Còn hạnh ngộ nào lớn lao hơn là
sự gặp gỡ giữa tôi và hai thi sĩ Hữu Loan, Hoàng Cầm khi trở lại Việt Nam.
Để tôi sáng tác được những bài Áo
Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Tình Cầm…
*
Biết bao nhiêu hạnh ngộ khi tôi
gặp Bùi Công Kỳ, Cung Trầm Tưởng.
Gặp Bùi Công Kỳ thì tôi học
được lối sống bất cần đời của anh. Gặp Cung Trầm Tưởng thì tôi phổ thơ của anh
thành những tình ca Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Bên Ni Bên Nớ v.v…
*
Quen biết các nhạc sĩ Hoàng
Trọng, Hoàng Thi Thơ là những hạnh ngộ chắc chắn.
*
Nguyễn Văn Tý là tác giả Dáng đứng Bến Tre
Bây giờ là người bạn chí thân
nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Quen nhau từ 1947, tới khi tôi
trở về VN vào năm 2005, chúng tôi lại được bắt tay nhau trên sân khấu hay ngoài
đời.
Nguyễn Văn Tý (5 tháng 3 năm
1935 – ) là một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, ông có nhiều đóng góp sáng tác
từ dòng nhạc tiền chiến như Dư âm đến những ca khúc như Dáng đứng Bến Tre,
Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… Nguyễn Văn Tý là một nhạc sĩ thành công
với chất liệu dân ca.
Những sáng tác của ông được
chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều
sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng miền (Một khúc tâm
tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con…).
Một đề tài quen thuộc trong
nhiều sáng tác của ông là phụ nữ với những ca khúc như Bài ca phụ nữ Việt
Nam, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa… Nguyễn Văn Tý cũng là một
nhạc sĩ có nhiều sáng tác “ngành ca”: Em đi làm tín dụng, Anh đi tìm tôm
trên biển cả, Chim hót trên cánh đồng đay, Cô đi nuôi dạy trẻ, Bài ca năm tấn.
*
Cũng như với Nguyễn Văn Tý, tôi
quen nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ 1944. Thật là hạnh phúc cho tôi khi gặp lại
Nguyễn Văn Thương.
Nguyễn Văn Thương là một nhạc
sĩ Việt Nam nổi tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Anh là tác
giả của những ca khúc tiền chiến bất hủ như Đêm đông, Trên sông Hương và
những ca khúc kháng chiến như Bình Trị Thiên khói lửa. Anh còn có nhiều
tác phẩm khí nhạc khác.
*
Tôi gặp Ái Vân tại Paris khi
nàng vừa vượt biên qua Đức. Rồi nàng qua sống tại San Jose. Chúng tôi có rất
nhiều hoạt động âm nhạc trên sân khấu cũng như trên địa hạt DVD.
Ái Vân được nhiều hãng phát
hành DVD như Thúy Nga Paris, Thế Giới Nghệ Thuật… những nhạc cảnh của tôi như Người
Ðẹp Trong Tranh, Thị Mầu Lên Chùa, Trên Ðồi Xuân, Chum Vàng, Mài Dao Dạy Vợ,
Mối Tình Sơn Nữ…
*
Tôi và Nguyễn Đình Thi quen
nhau từ ngày Cách Mạng Tháng 8. Anh là người có nhiều tài và là một cán bộ cao
cấp của Nhà Nước.
Anh sinh năm1924 ở Luông
Phabăng (Lào). Cha là viên chức Sở bưu điện Đông Dươngcó sang làm việc ở Lào.
Anh thuộc thế hệ các nghệ sỹ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.
Anh viết sách khảo luận triết
học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Anh được
nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minhvề văn học nghệ thuật đợt I năm
1996.
Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn
Đình Thi làm Tổng thư kýHội Văn hóa cứu quốc. Từ năm1958 đến năm 1989 làm Tổng
thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, Anh là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên
hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Anh mất năm 2003 tại Hà Nội.
*
Lại có thêm một hội ngộ tốt
đẹp. Vừa trở về VN, tôi được mời tới gặp ông Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt
Nam.
Ông Phạm Thế Duyệt (sinh ngày10
tháng 8 năm1936) là một nhà chính trị Việt Nam.
Ông từng là ủy viên Bộ Chính
trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Namcác khóa VII và VIII, từng
là Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng liên
đoàn Lao động Việt Nam) khóa V, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Namkhóa V, đại biểu Quốc hội từ khóa đến khóa XI.
*
Phạm Duy biết ông Tố Hữu từ những ngày Cách mạng tháng Tám
Tôi quen anh Tố Hữu từ ngày
Cách Mạng thành công và có nhiều dịp công tác với anh tại Huế và tại Việt Bắc
trong ngày Đại Hội Văn Hóa.
Trở về quê hương năm 2001, tôi
đã tới thăm một “đồng chí” xưa. Hai người đều vui vì có được môt hội ngộ không
ngờ…
Chúng tôi không đả động gì tới
chuyện “chính chị, chính em”, tới chuyện “đấu tranh, đánh trâu” chỉ nói chuyện
“trời mưa, trời nắng, con cắng đánh nhau, bồ câu đi chữa, chốc nữa lại tạnh”.
Rồi anh Tố Hữu tự tay mở gói
bánh đậu xanh Hải Dương ra mời tôi ăn…
Chia tay ra về, tôi không ngờ
chỉ một năm sau, anh Tố Hữu qua đời.
Trong buổi gặp gỡ này, có mặt
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông Tin Trần Hoàn.
Anh Tố Hữu, tên thật là Nguyễn
Kim Thành (1920–2002) là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam.
Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc.
Phối hợp tài tình ca dao, các
thể thơ dân tộc và thơ mới.
Vận dụng biến hoá cách nói,
cách cảm, cách so sánh ví von rất gần gũi với tâm hồn người. Phong phú vần
điệu, câu thơ mượt mà, dễ thuộc dễ ngâm.
Những bài “Việt Bắc”, “Nước
non ngàn dặm”, “Theo chân Bác”… là những bài thơ tuyệt bút của Tố
Hữu.
*
Ông Trần Bạch Đằng (ngồi giữa) từng bảo Phạm Duy ‘hãy tự sát’ hồi năm 1989
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà mà tôi
quen từ ngày gặp nhau tại Paris năm 1973 lúc đó đang là trưởng Ban Việt Kiều TP
HCM, đưa tôi tới thăm ông Trần Bạch Đằng.
Tuy trước đây ông tuyên bố :
“Phạm Duy hãy tự sát đi, chúng tôi sẽ cho phổ biến nhạc của ông ta”, nhưng tôi
đã về VN mà chưa chết.
Vậy thì tôi phải tới thăm ông
ta chứ !
Ông Trần Bạch Đằng (15 tháng 7
năm 1926—16 tháng 4 năm 2007) là một nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo Việt Nam.
Ông còn là một nhà chính trị
lão thành của Việt Nam đã tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945.
Ông cũng là tác giả của quyển
tiểu thuyết viết về một nhân vật tình báo bí ẩn trong lịch sử Chiến tranh Việt
Nam: Đại tá Phạm Ngọc Thảo, với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý.
*
Có lẽ người mà tôi gặp gỡ nhiều
nhất là cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và chúng tôi đã có nhiều điều để nói với
nhau.
Tiếc thay, ông đã nghỉ hưu và
đã qua đời trước khi công cuộc Đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam được
hoàn toàn thực hiện.
Ông Võ Văn Kiệt (23 tháng 11
năm1922 –11 tháng 6 năm 2008) tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, là
mộtnhà chính trị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó làThủ
tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8 tháng 8 năm 1991 cho
đến ngày 25 tháng 9 năm 1997. Ông được nhiều báo chí đánh giá là người đã đẩy
mạnh công cuộc Đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam kể từ năm1986, là
“tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới.
*
Thế là trong suốt một đời
người, tôi vô tình được quen biết khá nhiều người. Vào lúc tuổi già, sau khi
hoàn tất MINH HỌA TRUYỆN KIỀU giữa năm 2009, tôi không còn hứng thú sáng tác
nữa nhưng có thời giờ để ngồi viết bút ký, tùy bút và bài NHỮNG CUỘC HẠNH NGỘ
này là một tùy bút có tính chất hồi tưởng.
Tôi không có ý định làm công
việc khoe khoang, “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà chỉ tâm sự với độc giả
rằng : quen biết những nhân vật có nhiều chính kiến khác nhau như thế, nhưng
tôi vẫn là một nghệ sĩ độc lập, không bao giờ lợi dụng phục vụ ai cả.
Nghĩ mà thương cho cậu em Đỗ
Ngọc Yến ở khu Bolsa, chỉ vì với tư cách của một chủ báo, chót chụp ảnh chung
với ông Nguyễn Tấn Dũng ở San Francico mà bị một lũ quá khích đào mả và nguyền
rủa.
Tôi rất hân hạnh là người quen
của các nhân vật chính trị, văn nghệ sĩ thế giới và không hề có một chút mặc
cảm nào cả. Chỉ vì tôi là một nghệ sĩ rất muốn là bạn của tất cả mọi người, là
vua quan hay là người dân bình thường.
Các bài liên
quan :
Phạm Duy (1921-2013) ghi lại các cuộc gặp từ với Vua Bảo
Đại tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhà nghiên cứu từng nói ông 'hãy tự sát'.
21:10 GMT - thứ năm, 31 tháng 1, 2013
01:42 GMT - chủ nhật, 3 tháng 2, 2013
No comments:
Post a Comment