Thursday, 7 February 2013

BẤT TUÂN DÂN SỰ : "CIVIL DISOBEDIENCE" (Lưu Nguyễn Đạt)




January 31, 2013 – 12:08 am | 8 Comments

Phản Ứng Từ Lòng Dân

Trong những năm vừa qua tại Trung Đông và Bắc Phi, rồi tại Châu Á, và cả Việt Nam, đã dồn dập xẩy ra những phản ứng xác đáng từ lòng dân. Đó là những cuộc tranh đấu cho công lý, chính nghĩa, cho tự do dân chủ và nhân quyền lâu nay bị chèn ép, tước đoạt bởi các chế độ toàn trị, sai lầm; bởi các chính quyền tham nhũng, bất xứng, phản quốc, hại dân.
Riêng tại Việt Nam, đó là những tiếng nói của lương tâm, những gào thét của dân oan mất đất mất nhà, mất nơi thờ phụng, những tiếng kêu cầu cứu, phẫn nộ của giới lao động bị bóc lột, lừa đảo, bị công khai đem bán nơi chợ người, trên thế giới. Đó là những cuộc xuống đường liên tiếp tại Hà Nội, Sàigòn của toàn dân đòi lại quần đảo Hoàng Sa, Trường sa, đòi cắt "lưỡi bò" điên Hán tộc, dù nhà cầm quyền CSVN --- ác với dân, hèn với giặc --- tiếp tục bỏ tù những ai yêu nước xuống đường chống Tầu hải tặc.
Tất cả những cuộc biểu lộ ý chí và tư duy chính đáng đó đều tụ tập thành một trào lực chung, dưới hình thức tương đương với “bất tuân dân sự”, mà truyền thống Anh-Mỹ gọi là “civil disobedience, thường phát hiện tại những nơi có tai ương nhân tạo, có bất công xã hội, trên khắp thế giới.

Thế Nào Là Bất Tuân Dân Sự?

Bất tuân dân sự hay “Civil Disobedience” là những hình thức chống đối tích cực những thể chế hại nước, hại dân, những đạo luật, chỉ thị bất công, mà thủ tục lý giải thông thường không còn hữu hiệu nữa.
Trong bài tham luận về “Civil Disobedience”,[1] Henry David Thoreau (1817-1862) cho rằng người dân có bổn phận dân sự hành động theo lương tâm của chính mình để từ chối tuân theo luật pháp và chỉ thị của một chính quyền sai lạc, bất công, bất chính. Và nếu không khai trừ, giải thể được chế độ của tội ác, sai quấy, ít ra cũng không sát gần, tương trợ họ, ít ra cũng không a tòng kẻ phạm pháp.
Khi sự chống đối có tính cách tiêu cực, ôn hoà, bất bạo động, thì sẽ gọi là “kháng cự dân sự” [civil resistance], ở vị thế phản ứng hơn là tự tại, tự phát, như trong trường hợp “dân sự bất tuân”. Do đó, Mahatma Gandhi,[2] khi tìm cách giải phóng Ấn Độ khỏi chế độ thuộc địa Anh, đã đề xướng đường lối tranh đấu bất bạo động dưới hình thức “kháng cự dân sự” [Satyagraha / civil resistance],[3] như sau:
Kháng cự [satyagrahi], nhưng không bầy tỏ nộ khí.
Kháng cự bạo quyền bạo lực có thể bị chế độ hiện hữu ngược đãi, trừng phạt.
Dù bị hành hạ, doạ nạt, vẫn không trả thù, mà cũng không quy hàng.
Khi bị bắt, không chống cự; khi bị tước đoạt quyền lợi, tài sản, vẫn không tranh chấp.
Nhưng khi giám hộ trông nom của cải, quyền lợi, thanh danh của người khác, thì phải gìn giữ tới cùng, dù nguy hại tới tính mạng mình.
Không trả thù cũng có nghĩa là không sỉ nhục, bêu xấu kẻ địch.
Khi kháng cự, bất tuân, luôn luôn giữ cách xử thế ôn hoà và tự trọng — tôn trọng sự thật, tôn trọng phẩm giá con người.
Khi kháng cự, bất tuân, phải biết rõ kháng cự trực tiếp một đạo luật bất công, một chỉ thị tai ác, dưới hình thức kháng cự chiến thuật. Hay kháng cự, bất tuân gián tiếp một thể chế tai hại, dưới hình thức kháng cự, bất tuân chiến lược.
Bất Tuân Dân Sự đã Thành Công ở Nhiều Nơi

Ai Cập & Ấn Độ
Ngay đầu thế kỷ 20, Ai Cập đã dành độc lập khỏi sự đô hộ của Anh Quốc bằng một cuộc “Cách Mạng bất bạo động năm 1919,[4] dưới hình thức bất tuân ôn hoà. Ta cũng đã thấy, để chống lại chế độ thuộc địa Anh, Mahatma Gandhi đòi hỏi người dân Ấn Độ phải tranh đấu ở vị trí dân sự, một cách ôn hoà, kỷ luật, sáng suốt, cẩn trọng và biết hy sinh. Gandhi gọi hình thức tranh đấu bất bạo động đó là “kháng cự dân sự” [Satyagraha/Civil Resistance”],[5] có bề tiêu cực hơn là hình thức “civil disobedience” của Thoreau. Nhưng cũng nhờ ở sự phát động “kháng cự dân sự ” này mà Ấn Độ đã dành được độc lập năm 1947.

Bangladesh
Từ năm 1955, Pakistan được thành lập, một phần ở phía Tây Bắc Ấn Độ [West Pakistan], một phần ở phía Đông Bắc Ấn Độ [East Pakistan], cách nhau hơn một ngàn miles. Lãnh thổ East Pakistan tuy nhỏ cỡ một phần năm West Pakistan lại đông dân cư hơn, nên phải đóng thuế nhiều cho cả Nước. Năm 1971, Khối Quốc gia Bengali đã phát động phong trào “bất-hợp-tác” với Chính quyền West Pakistan, rồi từ chối trả thuế và đình hoãn mọi dịch vụ kinh tế tài chính với West Pakistan. Cho đến tháng Ba năm 1971, sau hơn một năm trời tranh chấp dưới hình thức “bất tuân dân sự”, East Pakistan ly khai để trở thành một quốc gia mới, dưới quốc hiệu Bangladesh.[6]

Cuba
Chỉ sau một năm cuộc Cách Mạng 1959, Cuba đã cho hơn 20,000 thuộc dân bất đồng chính kiến nhập trại cải tạo. Nhiều phong trào dân sự chống đối chính quyền và quân đội cộng sản đã thành hình, đem lại nhiều tiếng vang về mặt quốc tế. Đó là các nhóm bất tuân dân sự ly khai Cuba, như Nhóm “Yo No” [Yo No Coopero Con La Dictadura]:[7] không hợp tác với Chính quyền, không trợ giúp, không khai trừ…Hoặc Tổ chức “Các Bà Áo Trắng” cũng dùng chiến thuật “bất tuân dân sự” để đòi chế độ cộng sản trả tự do cho chồng con bị quản thúc. Nhóm này đã được cấp Giải thưởng Sakharow về Tự do Tư Tưởng.[8]

Cộng Hoà Sô Viết Estonia: Cách Mạng Đồng Ca[9]
Từ năm 1987 cho tới 1991, nhiều nhóm dân Estonia biểu tình tụ tập mỗi lúc cả 3 trăm ngàn người tại công trường Tallinn, vừa để tung hô khẩu hiệu tranh đấu đòi quyền tự quyết, vừa để hát những bài quốc ca, dân ca từng bị chế độ Nga-Sô cấm đoán. Khi Quân đội Nga đem xe tăng đến uy hiếp, thì dân chúng biểu tình lấy thân làm hàng rào chống đỡ theo đường lối “bất tuân dân sự” để chính quyền Estonia kịp trở tay giải tán quốc hội và tuyên bố độc lập. Nhờ có dân chúng đồng lòng tham dự cuộc Cách Mạng Đồng Ca, đất nước Estonia đã thu hồi chủ quyền độc lập mà không phải “tắm máu”.

Đông Đức
Năm 1989, dân chúng Đông Đức đã dùng tác động “bất tuân dân sự” để phá bỏ Tường Rào Bá Linh ngăn chia Nước Đức giữa một bên tư bản và bên kia cộng sản.[10] Ngày nay nơi đó, chế độ cộng sản đã chấm dứt, Đông Đức không còn nữa, toàn cõi nước Đức đã trở thành một lực lượng phồn thịnh, góp phần phát triển Âu Châu, mỗi lúc mỗi tân tiến.

Nam Phi Châu
Một phong trào nhân dân, do lãnh tụ Nelson Mandela[11] và Tổng giám mục Desmond Tutu phát động, đã chủ trương “bất tuân dân sự” qua những cuộc biểu tình vĩ đại “Trong Mưa Tím” [Purple Rain Protest] và “Diễn Bước Hoà Bình” [Cape Town Peace March]. Nhờ đó đã chấm dứt chế độ kỳ thị Apartheid,[12] năm 1994.

Ukraine
Tại Ukraine, cuối năm 2004, tại Công Trường Độc Lập, Thủ Đô Kiev, gần triệu người biểu tình mặc toàn áo màu da cam, thi hành kỹ thuật “bất tuân dân sự” [chống-đối-ngồi, đình công, bãi thị], đòi tự do dân chủ, xoá bỏ gian lận bầu cử v.v. Họ đã thành công và sau đó còn tham dự vào nhiều cuộc cải tổ sinh hoạt chính trị trong nước theo hướng triệu tập bất bạo động của cuộc Cách mạng Da Cam này [Orange Revolution[13] (Ukrainian: Помаранчева революція, Pomarancheva revolyutsiya].

Hoa Kỳ
Năm 1955, Rosa Parks[14] trở nên nổi tiếng khi Bà từ chối không chịu nhường chỗ ngồi trên xe buýt công cộng cho người da trắng và lập tức phát động phong trào “Bãi Truất Xe Buýt Montgomery”. Những cuộc “bất tuân dân sự” tương tự xẩy ra khắp Hợp Chúng Quốc, và cùng với Phong trào Dân Quyền [Civil Rights Movement], đã đưa tới việc phê chuẩn các Đạo luật Dân Quyền [Civil Rights Act][15] năm 1964 và 1968.
Dân chúng Hoa Kỳ cũng đã dùng quyền “bất tuân dân sự” để phản đối việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam và sau đó tại Irak v.v. với thành quả là đã ảnh hưởng tới đường lối ngoại giao và chính trị của Hoa Kỳ trong suốt hậu bán thế kỷ 20.
Kể từ thập niên 1970, phe chống phá thai tiếp tục sử dụng “bất tuân dân sự” để chống đối những đạo luật cho phép phá thai theo án lệ Roe v. Wade, 410 U.S. 113 (1973).[16] Bên bênh lẫn bến chống phá thai đều căn cứ vào nguyên tắc bảo vệ nhân quyền [human rights]: quyền chọn lựa [pro-choice] của người đàn bà mang thai và quyền sống [pro-life] của bào thai đã thành hình.
Kể cả cụu Phó Tổng Thống Al Gore,[17] sau khi nhận giải thưởng Nobel,[18] với xu hướng bảo trọng môi trường, đã thôi thúc giới trẻ Hoa Kỳ sử dụng quyền “bất tuân dân sự” để chống đối việc xây cất thêm những cơ xưởng đốt tạo than khí:
If you’re a young person looking at the future of this planet and looking at what is being done right now, and not done, I believe we have reached the stage where it is time for civil disobedience to prevent the construction of new coal plants that do not have carbon capture and sequestration.”[19]

TẠM KẾT
Tại Việt Nam, dân chúng tiếp tục đứng lên sử dụng mọi hình thức «bất tuân dân sự», trực tiếp hay gián tiếp, đơn độc hay quy mô, không để gây náo loạn trong xã hội, mà là để đổi hướng cần thiết cho một chế độ sai lầm, bế tắc, và sau đó xây dựng lại môt sinh lực mới, công bằng, hữu hiệu hơn. Dân chúng trong nước đứng lên chống đối hiến pháp, luật pháp hiện hành, và những hành vi tai ngược liên hệ, vì những cơ sở hay “hình thức” pháp định này thiếu công minh, thiếu tác dụng khả thi, thiếu đạo đức căn bản, thiếu phẩm giá con người. Người dân trong nước bất tuân dân sự, đứng lên vì chính nghĩa vậy.
Trong giai đoạn khẩn cấp hiện tại, người dân trong nước có bổn phận dân sự hành động theo lương tâm của chính mình để tiếp tục từ chối tuân theo luật pháp và chỉ thị của một chính quyền sai lạc, bất công, bất chính. Đó là quyền tự quyết của cả dân tộc Việt, nếu họ muốn sinh tồn trong tự do nhân bản và thịnh vương trong công bằng đạo đức. Cuộc tổng bất tuân dân sự của người dân kết sinh vì chính nghĩa ắt sẽ có thành quả, như những cuộc nổi dậy vì chính nghĩa trên khắp thế giới, mà chúng ta từng chứng kiến.
Còn người Việt tại hải ngoại, nay sinh sống trong các thể chế tự do dân chủ, dù có toàn quyền về chính kiến,
nếu không trực tiếp hay dồn lực khai trừ, giải thể chế độ CSVN của sai quấy, tai ương;
ít ra cũng không tương trợ, a tòng kẻ phạm pháp;
khi biết rõ bán nước, bán dân, bán biển, bán rừng là phản quốc, là trọng tôi.
Giờ tổng khởi nghĩa đã ở mức cao điểm. Dân tộc Việt hãy quyết định cho chính mình.

TS LS Lưu Nguyễn Đạt
đăng lần đầu March 30 2010; Cập nhật Jan 31, 2013

GHI CHÚ
[1] Thoreau’s 1849 essay Civil Disobedience, originally titled “Resistance to Civil Government”.
[2] Gandhi, M.K. (1940), An Autobiography or The Story of My Experiments With Truth, Ahmedabad: Navajivan Publishing House.
[3] Mohandas K. Gandhi, Nonviolent Resistance, Schocken, New York, 1967. A collection of writings on nonviolence
[4] Jankowski, James (2000). Egypt: A Short History. Oxford: Oneworld Publications…
Vatikiotis, P.J. (1992). The History of Modern Egypt (4th ed.). Baltimore: Johns Hopkins University.
[5] Mohandas K. Gandhi, Nonviolent Resistance, Schocken, New York, 1967. A collection of writings on nonviolence
[6] Baxter, C (1997). Bangladesh, from a Nation to a State. Westview Press.
[7] Yo No Coopero Con La Dictadura (English: I Do Not Cooperate with the Dictatorship) is a civil disobedience campaign by Cuban democracy activists.
[8] European Union’s Sakharov Prize for Freedom of Thought
[9] Thomson, Clare (1992). The Singing Revolution: A Political Journey through the Baltic States. London: Joseph
[10] Buckley, William F., Jr. (2004). The Fall of the Berlin Wall. Hoboken, New Jersey: John Wiley and Sons
[11] Mandela, Nelson (1996). The Illustrated Long Walk to Freedom. Paul Duncan (abridgement and picture editing). Boston: Little, Brown and Company
[12] International Labour Office (1991). Apartheid: Special Report of the Directed General on the Application of the Decoration Concerning the Policy of South Africa. International Labour Organization.
[13] The Orange Revolution in Ukraine – a Step to Freedom (2nd ed ed.). 2007. p. 48. http://ukrainaphoto.com
[14] Douglas Brinkley, Rosa Parks, Chapter 1, excerpted from the book published by Lipper/Viking (2000), on the site of the New York Times. Retrieved July 1, 2008
[15] Cone, James H. (1991). Martin & Malcolm & America: A Dream or a Nightmare. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books. p. 2. “After nearly eight years of verbal sparring through the media, two great African-American leaders, Martin Luther King, Jr., and Malcolm X, finally met for the first and only time in Washington, D.C., 26 March 1964. … There was no time for substantive discussions between the two. They were photographed greeting each other warmly, smiling and shaking hands.”
[16] Mears, William; Bob Franken (2003-01-22). “30 years after ruling, ambiguity, anxiety surround abortion debate”. CNN. http://www.cnn.com/2003/LAW/01/21/roevwade.overview/. “In all, the Roe and Doe rulings impacted laws in 46 states.”
[17] Al Gore: Quick Biography”. New York Times. October 11, 2007. http://www.nytimes.com/2007/10/11/us/topics_algore_bio.html.
[18] in 2007, Gore was awarded the Nobel Peace Prize, which was shared by the Intergovernmental Panel on Climate Change, headed by Rajendra K. Pachauri (Delhi, India). Gore and Pachauri accepted the Nobel Peace Prize in Oslo, Norway on December 10, 2007.
[19] On September 24, 2008 Gore made these statements in a speech given at the Clinton Global Initiative [Civil Disobedience to Stop Coal Plants]





No comments:

Post a Comment

View My Stats