Thursday 25 April 2024

CHIẾN TRANH NGA - UKRAINE và CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP QUÂN SỰ (Đặng Đình Cung / Boxit VN)

 



Chiến tranh Nga – Ukraina và chiến lược công nghiệp quân sự

Đặng Đình Cung,  Kỹ sư tư vấn

Posted on 25/04/2024 by Boxit VN

 https://boxitvn.online/?p=88402

 

Chiến tranh Nga-Ukraina diễn ra từ hai năm nay, một thời gian đủ dài để chúng ta có thể rút ra vài bài học về đối ngoại, trang bị vũ khí và chiến lược công nghiệp quân sự[i].

 

Từ mùa xuân năm 1990 đến tháng chạp 1991, mười lăm nước cộng hòa thuộc Liên Xô, cùng với bảy vùng ly khai, tuyên bố độc lập. Trong số đó có Ukraina. Nước này bị kẹt giữa khối NATO và Liên bang Nga, hai khổng lồ không thân thiện nhau mấy, nếu không nói là thù địch nhau. NATO thì kết nạp một số nước mới giành được độc lập. Trong số đó không có Ukraina. Còn Liên bang Nga thì đã xâm lược một số quốc gia trước kia thuộc Liên Xô. Để được Hoa kỳ và Nga thừa nhận nền độc lập của mình thì Ukraina đã phải trao cho Liên bang Nga những đầu đạn nguyên tử có trên lãnh thổ của họ và các chiến hạm lớn neo đậu ở các quân cảng của họ. Từ đó nước này đu dây giữa hai khối quân sự cho tới khi ông Zelenskiy được bầu làm Tổng thống. Vị này nghiêng hẳn về phía Tây phương để đòi lại Crimea và vùng ly khai ở phía Đông Ukraina làm cho Tổng thống Putin lo sợ cho an ninh của Liên bang Nga và tấn công nước này.

 

Trung Quốc, một khổng lồ về quân sự và dân số, giáp giới phía Bắc với Việt Nam ta, dọa nạt chúng ta càng ngày càng hung hăng mạnh dạn. Nhiều người nghĩ rằng tốt nhất là ta liên minh với Hoa Kỳ như Philippines đã làm. Nhưng chúng ta đã chọn chế độ trung lập giữa tất cả các quốc gia với hy vọng điều 1 của Thỏa hiệp V của Hội nghị Hòa bình La Haye năm 1907 do Pháp là nước bảo hộ đã ký thay cho ta, bảo đảm lãnh thổ một nước trung lập là bất khả xâm phạm[ii]. Với chế độ trung lập đó thì chúng ta không phải là mối đe dọa với Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, chưa chắc gì thỏa hiệp La Haye sẽ ngăn cản Trung Quốc xâm-lăng nước ta. Nhưng chúng ta không hèn hạ như Pháp và Anh trước những tham vọng của Hitler năm 1938. Trước khi khởi chiến thì Trung Quốc cần đắn đo kỹ những lợi ích và cái giá họ sẽ phải trả (cost and benefit analysis) để xâm lăng và chiếm đóng nước ta. Với sức mạnh quân sự và dân số hiện có của ta thì:

 

(a) chúng ta sẽ bắt họ phải trả giá rất đắt trước khi thắng ta,

 

(b) nếu nguy ngập đến nỗi phải xin liên minh với Hoa Kỳ như Thụy Điển và Phần Lan vừa mới làm với NATO thì cán cân lực lượng sẽ nghiêng chắc chắn về phía Hoa Kỳ.

Về vũ khí, dựa trên tổn thất của hai bên, Nga và Ukraina, thì có thể nhận thấy rằng:

 

(a) trên bộ, những thiết giáp xa nhẹ dùng để trinh thám và chuyên chở binh lính và khí cụ vẫn còn công dụng của chúng chứ những xe tăng chiến đấu (battle tank) đã trở thành vũ khí lỗi thời[iii],

 

(b) trên biển, những siêu chiến hạm vẫn tiếp tục chứng minh tính không thích nghi quân sự của chúng[iv], những chiến hạm nhỏ, chạy mau và mang nhiều hỏa tiễn lớn có vẻ thích hợp cho một lực lượng hải quân ở cấp Green Water Navy[v],

 

(c) trên không, những máy bay không người lái đơn giản và không đắt lắm tỏ ra rất hữu hiệu; chúng có tiềm năng là "đối tượng đổi luật trò chơi" (game changer) ở các chiến trường tương lai[vi],

 

(d) kiến thức về chiến tranh điện tử của chúng tôi không đủ để có thể có ý kiến nào về đề tài này.

 

Về công-nghiệp quân-sự thì chúng ta nhận thấy rằng sau vài tháng giao tranh giữa Nga và Ukraina thì mặt trận chững lại ở những vị trí ổn định vì hai bên đã bắn hết đạn, hết hỏa tiễn tầm ngắn, hết UAV (Unmanned Aerial Vehicle, Máy bay không người lái) nhỏ, linh kiện thay thế (spare part),… mà các chuyên gia về quản lý công nghiệp gọi là sản phẩm tiêu hao (consumable). Năm ngoái, cuộc phản công của Ukraina thất bại còn Nga chỉ có thể cố thủ ở những nơi họ đã chiếm được vì cả hai bên đều thiếu những sản phẩm tiêu hao đó. Các quốc gia thuộc khối NATO đã gửi biếu Ukraina vũ khí lớn và tiên tiến nhưng với ít đạn và hỏa tiễn để dùng chúng. Còn Nga thì mua những thứ đó của các nước nhỏ thù địch với Hoa Kỳ như là Triều Tiên và Iran (hình như cũng mua của Trung Quốc nữa) và, cùng lúc, họ cấp tốc xây thêm nhà máy vũ khí ở xa chiến trường, ở phía đông nước họ. Các cường quốc quân sự có vẻ như đã đầu tư vào trang bị khí giới còn về những sản phẩm tiêu hao thì họ quản lý theo định luật cung cấp đúng lúc (just in time supply) của nhu cầu thời bình.

 

Rút kinh nghiệm đó, chúng ta phải có thể bảo đảm nguồn cung cấp (sourcing) các sản phẩm tiêu hao nếu chiến tranh xẩy ra. Những nguồn cung cấp đó phải có công suất đủ để có thể chiến đấu ngay từ khi chiến tranh bùng nổ rồi liên tục cho đến khi chiến tranh chấm dứt[vii]. Si vis pacem, para bellum.

 

Trừ một số nhỏ cường quốc công nghiệp không quốc gia nào có thể tự sản xuất tất cả các loại vũ khí mà một quân đội cần đến. Chúng ta có thể mua nguyên chiếc những vũ khí chúng ta không thể hay chưa thể thiết kế và sản xuất hay mua thiết kế (trong nước gọi là chuyển giao công nghệ) để tự sản xuất những vũ khí chúng ta chưa thể tự thiết kế. Nhưng để khỏi phải đi cầu viện sản phẩm tiêu hao như Tổng thống Zelenskiy bây giờ hay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi xưa thì chúng ta nhất thiết phải tự đầu tư, tự thiết kế và tự sản xuất tất cả các loại sản phẩm tiêu hao kể ở phần trên với công suất của thời chiến.

 

Nhu cầu đầu tư và bảo trì những khả năng chiến đấu và công suất tiếp viện của thời chiến vượt rất xa nhu cầu thao luyện binh lính và "tập trận bắn đạn thật" của thời bình thì tốn kém. Tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu chi phí đó bằng nhiều biện pháp:

 

(a) hợp tác quốc tế để thiết kế và sản xuất chung những vũ khí năng công nghệ cao để chia sẻ chi phí với các nước bạn (xin nhắc lại, bạn chứ không phải là đồng minh),

 

(b) với hồ sơ thiết kế đã có sẵn và công cụ sản xuất vẫn còn tốt, sản xuất để xuất khẩu những vũ khí mà chúng ta đã sản xuất đủ cho nhu cầu của quân đội ta để chia khấu hao đầu tư về nghiên cứu–phát triển (research and development) với nhiều đơn vị sản xuất,

 

(c) với những công suất chúng ta phải đầu tư cho thời chiến, sản xuất để xuất khẩu những sản phẩm tiêu hao để tận dụng những công suất có thừa của thời bình,

 

(d) giao cho các xí nghiệp dân sự thi công – gia công (施工家工, outsourcing) tối đa những thành phần vũ khí và những sản phẩm tiêu hao để không phải đầu tư vào những công suất mà các xí nghiệp đó đã có rồi,

 

(e) lập kế hoạch để thời chiến có thể trưng dụng một số công suất của các ngành công nghiệp dân sự để sản xuất và sửa chữa vũ khí, thành phần vũ khí và sản phẩm tiêu thụ để thúc đẩy các xí nghiệp quân sự cũng như dân sự quen dùng những công cụ quản lý năng lực sản xuất và phục vụ (capacity management).

 

Về hợp tác quốc tế thì chúng ta đang hợp tác về công nghiệp quân sự với Nga và Israel và đang tìm hợp tác với nhiều nước khác. Về xuất khẩu thì, cho tới nay, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của ta không đáng kể. Theo trung tâm nghiên cứu SIPRI của Thụy Điển, năm 2018 chúng ta đã xuất khẩu 10 triệu Mỹ kim vũ khí, so với Indonesia 17 triệu năm 2021 và Singapore 72 triêu cũng năm 2022[viii]. Theo phát biểu gần đây của các quan chức Bộ Quốc phòng thì kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn của ta sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

 

Chúng tôi không có thông tin cụ thể gì về các giải pháp (d) và (e) liên quan đến hợp tác với xí nghiệp trong nước.

 

Ngành công nghiệp quân sự chắc đã thực thi giải pháp (d), trao cho xí nghiệp dân sự thi công nhiều loại linh kiện vì không có xí nghiệp quân sự hay dân sự, quốc tế hay quốc nội, nào tự sản xuất tất cả các linh kiện của thành phẩm mình sản xuất và không có xí nghiệp nào mà không ít nhiều thi công phụ trợ cho các xí nghiệp khác[ix].

 

Giải pháp (e), khả năng mau chóng trưng dụng công suất của các xí nghiệp dân sự trong thời chiến, làm cho ngành công nghiệp quân sự tiết kiệm nhiều nhất về vốn đầu tư. Giải pháp này cũng có tiềm năng lớn nhất bảo đảm nguồn cung cấp cho quân đội. Nhưng chúng tôi e rằng ngành công nghiệp quân sự chưa thực thi giải pháp (e) này vì ít xí nghiệp trong nước biết quản lý năng lực sản xuất và phục vụ[x].

 

Chúng tôi xin khai triển vấn đề quản lý năng lực sản xuất và phục vụ này vì nó quan trọng đối với mọi ngành sản xuất kinh tế, quân sự hay dân sự.

 

Tỷ số OEE (Overall Equipment Effectiveness, Tỷ-số Sử dụng Tổng thể) là tỷ lệ giữa công suất thực sự đã được sử dụng và công suất lắp đặt. Đây là một tỷ số mà các tổng giám đốc xí nghiệp theo dõi kỹ. Mục đích là OEE lúc nào cũng gần 100 phần trăm. Nếu tỷ số đó yếu quá thì có nghĩa là công suất lắp đặt đã không được tận dụng, biểu hiện lãng phí, và xí nghiệp phải loại bỏ những công suất có thừa hay sản xuất gì đó để tận dụng những công suất có thừa đó. Giải pháp (e) giúp các xí nghiệp làm quen với quản lý năng lực sản xuất và phục vụ mà làm ăn có hiệu quả cao.

 

Công nghiệp quân sự hay công nghiệp dân sự thì cũng chỉ là công nghiệp. Hai ngành tương tác với nhau về phương pháp điều hành và nghiên cứu – phát triển công nghệ[xi].

Xin cầu mong đất nước ta tiếp tục yên bình như hiện nay.

 

---------------------

Chú thích:

 

[i] Trong nước gọi là công nghiệp quốc phòng.

 

[ii] Convention (V) concernant les droits et les devoirs des Puissances et des personnes neutres en cas de guerre sur terre. La Haye, 18 octobre 1907.

https://ihldatabases.icrc.org/applic/ihl/dih.nsf/ART/200220001?OpenDocument

 

[iii] Xe tăng là một công cụ nặng nề di chuyển chậm chạp nhờ một động cơ mạnh. Di chuyển chậm thì dễ bị địch bắn trúng. Động cơ mạnh phát ra nhiều tia hồng ngoại dễ bị hỏa tiễn hấp thụ để tự hướng dẫn tới đích. Chúng tôi nhận thấy khuyết điểm này từ lâu rồi nhưng chưa dám viết để đăng vì thiếu những thí dụ cụ thể như các lữ đoàn thiết giáp Nga dễ dàng bị phá hủy năm 2022 và thiết giáp Tây phương tặng Ukraina từ giữa năm 2023: trong đầu vẫn còn nhớ đến những trận Koursk giữa Liên Xô và Đức, năm 1943, hay Sinai giữa Israel và Ai cập, năm 1973.

 

[iv] Từ khi hải quân Anh sáng chế những Dreadnough thì các siêu chiến hạm loại này chẳng có một chiến thắng quyết định (decisive victory) nào cả theo định nghĩa của Alfred Mahan hay Antoine de Jomini. Một hàng không mẫu hạm cũng chỉ là một siêu chiến hạm với một phi đạo ngắn dùng cho máy bay chiến đấu, một kho chứa nhiên liệu, đạn dược và thực phẩm, một phân xưởng sửa chữa và một trung tâm y tế, thương mại và giải trí cho thủy đoàn các tầu hộ tống bảo vệ nó. Chỉ có hàng không mẫu hạm lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Gerald Ford của Mỹ cộng với những tàu hộ tống nó là đáng nể. Mỗi hạm đội tạo thành một căn cứ hải không quân (aero – navy) di động cho phép Hoa Kỳ mang quân đến bất cứ nơi đâu trên thế giới và bất cứ lúc nào họ muốn. Vấn đề đánh giá giá trị quân sự của chúng là chưa có một hạm đội như vậy đã giao tranh bao giờ.

Bạn đọc có thể tham khảo:

Các mẫu hạm

http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cac-mau-ham

Những siêu chiến hạm

http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nhung-sieu-chien-ham

 

[v] Cuối thế kỷ XIX, một số sĩ quan hải quân trẻ đề xướng chiến lược gọi là Jeune Ecole sau khi thừa nhận hải quân Pháp không thể sánh được với hải quân Anh. Chiến lược này dựa trên việc sử dụng các tàu nhỏ để chống lại các thiết giáp hạm lớn hơn nhờ tầu tốc độ cao và có thể bắn nhiều ngư lôi, vũ khí biển chống biển mạnh nhất thời đó. Họ cho đóng nhiều tầu loại tuần dương hạm (corvette) chuyên bắn ngư lôi vào các chiến hạm lớn. Những tầu đó gọi là ngư lôi hạm (torpedo ship). Rút cục chiến lược đó bị coi là không thực tế vì, hồi đó, các tầu corvette không chống vững dông bão, có tầm hoạt động ngắn và phải tiến gần tầu địch để bắn một ngư lôi, mà nếu bắn thì không chính xác.

 

Thủy động học đã có nhiều tiến bộ cho phép đóng những tầu loại pháo hạm (gun ship) nhỏ hơn những corvette nhưng chịu dông bão mạnh hơn và chạy mau hơn. Ngoài ra hỏa tiễn thay thế những ngư lôi có sức tàn phá lớn hơn, có thể bắn từ xa và có bộ điều khiển tối tân trăm phát bắn trăm phát trúng. Rất có thể trong tương lai gần các tầu loại này sẽ chở thêm máy bay không người lái để dùng trong chiến tranh dưới biển thay cho phi cơ trực thăng phải cần đến sàn đậu ở đuôi một tầu lớn hơn.

 

Hải quân các nước chỉ muốn bảo vệ lãnh hải và vùng kinh tế đặc quyền của mình, ưa chuộng những loại tầu đó để dùng trong chiến lược Jeune Ecole của họ. Người Mỹ gọi những hải quân đó là Green Water Navy để phân biệt với hải quân của họ gọi là Blue Water Navy và hải quân chỉ có thể bảo vệ lãnh hải của mình mà thôi (nhiều khi chẳng bảo vệ được gì cả), gọi là Brown Water Navy.

 

Trung Quốc bỡ ngỡ khi chiến-hạm Moskva của Nga bị bắn chìm và bắt đầu đánh giá lại tính thích-nghi của các tầu chiến của họ:

 

2 Years on, Ukraine’s Sinking of the Moskva Intrigues China’s Naval Strategists

https://thediplomat.com/2024/04/2-years-on-ukraines-sinking-of-the-moskva-intrigues-chinas-naval-strategists/

 

[vi] Máy bay không người lái

http://www.diendan.org/viet-nam/may-bay-khong-nguoi-lai

 

[vii] Như danh-tướng Erwin Rommel nói "bên thắng cuộc sẽ là bên còn viên đạn cuối cùng để bắn". Ở Điện Biên Phủ, lính Pháp không thiếu súng ống và chiến-đấu rất dũng cảm. Nhưng họ đã phải đầu hàng vì hết đạn.

 

[viii] SIPRI Arms Transfers Database

https://www.sipri.org/databases/armstransfers

 

[ix] Xin đề nghị bạn đọc tham khảo

Sản xuất xe hơi nguyên chiếc hay sản xuất phụ kiện?

http://www.thesaigontimes.vn/134603/San-xuat-xe-hoi-nguyen-chiec-hay-san-xuat-phu-kien.html

Từ liên hệ mua bán đến liên hệ hợp tác

http://www.thesaigontimes.vn/135178/Tu-lien-he-mua-ban-den-lien-he-hop-tac.html

Cái giá của nghề gia công phụ trợ

http://www.thesaigontimes.vn/136341/Cai-gia-cua-nghe-gia-cong-phu-tro.html

 

[x] Cũng phải nói rằng quản-lý năng lực-là một vấn-đề hóc búa vượt xa những hạch-toán của bộ-môn tác-toán (trong nước gọi là vận-trù-học).

 

[xi] Công nghiệp quốc phòng: Động lực để phát triển công nghệ

https://thesaigontimes.vn/cong-nghiep-quoc-phong-dong-luc-de-phat-trien-cong-nghe/

 

Đ.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

 

 

 

 

 


NGA HOẢNG HỐT : DRONE KYIV BAY ĐÊM KHÔNG GÂY TIẾNG ĐỘNG, LẶNG LẼ THẢ BOM. HUNG THẦN KADYROV LÊN TIẾNG (VietCatholicNews)

 



Nga hoảng hốt: Drone Kyiv bay đêm không gây tiếng động, lặng lẽ thả bom. Hung thần Kadyrov lên tiếng

VietCatholicNews

Apr 25, 2024

https://www.youtube.com/watch?v=4VK9XvliP2M

 

18,717 views Apr 25, 2024

00:00:00 Đài Hiệu

00:00:20 Giới thiệu chương trình

00:00:33 Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cảnh báo Nga có thể chuyển sang tấn công hệ thống giao thông Ukraine

00:03:19 Ukraine được bảo đảm sẽ có sự tăng cường ATACMS từ Mỹ

00:06:30 Nga cảnh báo phương Tây đang 'nguy hiểm' trên bờ vực xung đột giữa các cường quốc hạt nhân

00:08:41 Điện Cẩm Linh cảnh báo Nga sẽ tăng cường tấn công vũ khí phương Tây ở Ukraine

00:10:33 Máy bay không người lái tấn công thầm lặng mới của Ukraine đặt người Nga vào thế phòng thủ

00:14:05 Ukraine mất gì khi chờ dự luật viện trợ Mỹ thông qua

00:22:45 Nga thả hỏa tiễn X-59 xuống Belgorod trong vụ tự đánh bom mới nhất

00:25:36 Hy Lạp và Tây Ban Nha đang chịu áp lực cung cấp các hệ thống phòng không cho Kyiv

00:27:09 Chuột tập thể dục thể hình Ramzan Kadyrov: Tôi không sao đâu, hãy nhìn tôi đang tập tạ đây

00:29:20 Đại sứ: Ukraine đang đàm phán để thiết lập việc sản xuất chung hệ thống Patriot

00:31:41 Kết thúc

00:32:06 Closing Credits

 

--------------------------------------------

 

Hàng loạt nhà máy lọc dầu Nga nổ long trời. Nga dội bom Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Nga bị bắt giam

VietCatholicNews

Apr 24, 2024

https://www.youtube.com/watch?v=2nTvPdboXv8

 

47,870 views Apr 24, 2024

00:00:00 Đài Hiệu

00:00:20 Giới thiệu chương trình

00:00:34 Ukraine tấn công nhiều nhà máy lọc dầu của Nga trong đêm bất chấp cảnh báo của Mỹ

00:03:58 Nga ném bom Nga

00:05:54 Thứ trưởng Quốc phòng Nga bị bắt vì nghi nhận hối lộ

00:08:30 Storm Shadows tiến tới Ukraine khi đồng minh cam kết 1.600 hỏa tiễn trong viện trợ mới

00:12:56 Vương quốc Anh công bố tăng cường quốc phòng trị giá 75 tỷ bảng - và thách thức Âu Châu làm theo

00:17:18 Cựu Tổng thống Trump khen ngợi Chủ tịch Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu về viện trợ Ukraine

00:20:11 Nhận xét từ nhà ngoại giao trưởng của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, về việc hỗ trợ Ukraine

00:21:56 Phân tích tầm quan trọng của gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ cho Ukraine

00:24:30 Điện Cẩm Linh phản ứng trước quyết định tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga giao cho Ukraine

00:25:51 Một số Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ việc thông qua viện trợ nước ngoài sau sự phản đối trước đó

00:27:30 Na Uy sẽ cung cấp cho Ukraine những khoản đóng góp mới để cải thiện khả năng phòng không của Kyiv

00:29:02 Kết thúc

00:29:28 Closing Credits

 

------------------------------

 

Gọng kềm khép lại: Vũ khí, F-16 lũ lượt đến Kyiv. NATO bố trí hạt nhân ở Ba Lan. Hung thần Chechnya

VietCatholicNews

Apr 24, 2024

https://www.youtube.com/watch?v=yqpOB_rNAMc

 

39,508 views Apr 24, 2024

00:00:00 Đài Hiệu

00:00:20 Giới thiệu chương trình

00:00:39 Đồng minh NATO xác nhận những chiếc F-16 cung cấp cho Ukraine là 'toàn bộ phi đội' đã ngừng hoạt động

00:04:24 Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển không loại trừ việc gửi Patriot tới Ukraine

00:06:33 Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của NATO

00:07:46 Chẩn đoán về tình trạng của Kadyrov khiến người thân bị sốc: 'Sẽ không còn như xưa'

00:11:28 Các bộ trưởng Liên Hiệp Âu Châu sẽ viện trợ số tiền lớn nhưng chưa cam kết hệ thống Patriot cho Ukraine tại cuộc họp quan trọng

00:16:00 Tusk loại trừ việc gửi Patriot tới Ukraine

00:17:54 Nga tuyên án vắng mặt phát ngôn nhân của Meta vì 'biện minh cho khủng bố'

00:20:09 Vừa bị Ukraine tấn công, vừa bị mưa lũ, sản lượng lọc dầu hàng tuần của Nga chạm mức thấp gần 11 tháng

00:21:50 Làm thế nào Johnson lại cho phép bỏ phiếu về viện trợ Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn

00:31:20 Kết thúc

00:31:53 Closing Credits

 

-------------------

Kyiv niềm vui tròn đầy: Thượng Viện Mỹ thông qua viện trợ với tỷ số áp đảo 80-19. Nga đang khựng lại

VietCatholicNews

Apr 23, 2024

https://www.youtube.com/watch?v=LCs1C33D2UE

36,345 views Apr 23, 2024

00:00:00 Đài Hiệu

00:00:20 Giới thiệu chương trình

00:00:37 Thượng viện đã chuẩn y gói viện trợ nước ngoài được Hạ viện thông qua.

00:03:48 Ukraine sẽ nhận được viện trợ quân sự mới từ Mỹ sớm hơn dự kiến, Dân biểu nói trong chuyến thăm Kyiv

00:07:46 Gói tiếp theo của Ukraine sẽ lớn hơn bình thường, bao gồm cả xe thiết giáp

00:11:39 Zelenskiy: Ukraine, Mỹ 'hoàn tất' thỏa thuận về ATACMS

00:14:43 Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Ukraine sẽ 'có thể ngăn chặn' cuộc tấn công của Nga nếu viện trợ của Mỹ đến nhanh chóng

00:17:45 Ukraine nói với Liên Hiệp Âu Châu: Đừng để gói viện trợ của Mỹ khiến bạn yên tâm

00:24:34 Người Slovak gây quỹ cộng đồng mua đạn dược cho Ukraine

00:28:16 Hơn 20.000 quân Nga cố tấn công Chasiv Yar

00:30:55 Budanov: Ukraine sẽ đối mặt 'tình thế khó khăn' bắt đầu từ giữa tháng 5 00:33:40 Nga tuyên bố đã chiếm được Novomykhailivka, Ukraine phủ nhận

00:35:29 Nga phá hủy tháp truyền hình Kharkiv

00:37:10 Kết thúc

00:37:41 Closing Credits

 

 

 





24-04-2024, TÌNH HÌNH UKRAINA NGÀY 791 (Phan Châu Thành)

 



24-04-2024, TÌNH HÌNH UKRAINA NGÀY 791

Phan Châu Thành 

24-04-2024

 https://www.facebook.com/chau.t.phan/videos/1127274891753759/

 

1. Đúng theo kế hoạch, hôm qua, 23-04-2024, Thượng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật hỗ trợ gần 61 tỷ usd cho Ukraina với tỷ lệ thuận/chống là 79/18.

https://twitter.com/i/status/1782958841254019102

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký đạo luật trong ngày hôm nay, 24-04-2024 và tuyên bố: "vũ khí sẽ lên đường sang Ukraina ngay trong tuần này", bao gồm cả các tên lửa tầm xa ATACMS.

https://twitter.com/front.../status/1782839604522942757

 

2. Tất cả các nhà quan sát chiến trường đều cho rằng phía Nga đang ráo riết chuẩn bị cho một đợt tổng phản công mới, có thể bắt đầu vào giữa tháng 5, đầu tháng 6, vì vậy, theo họ, đây là thời gian nước rút để gửi hỗ trợ tới Ukraina. Trong chuyến viếng thăm Warsaw, Ba Lan, cùng tổng thư ký NATO Stotenberg ngày 22-23/04/2024, thủ tướng Anh Sunak cũng công bố một đợt viện trợ mới của Anh cho Ukraina lớn kỷ lục, trị giá khoảng 500 triệu bảng Anh (620 triệu usd), bao gồm:

- 60 tàu chiến hạng nhẹ và vũ khí

- 1.600 tên lửa các loại, bao gồm cả phòng không lẫn tấn công

- 400 phương tiện các loại, bao gồm 160 xe chống đạn Husky, 162 xe bọc thép và 78 xe địa hình.

- 4 triệu viên đạn các loại cho súng trường.

https://twitter.com/Gerashchen.../status/1782694111197188515

 

3. Chính phủ Ba Lan cũng đã ra đạo luật mới, trong đó coi tất cả các cửa khẩu nối giữa Ba Lan và Ukraina là "các cơ sở chiến lược trọng yếu", do đó, từ nay sẽ không thể tổ chức biểu tình hay ngăn chặn giao thông tại các khu vực này.

https://tvn24.pl/.../premier-donald-tusk-o-granicy-z...

 

Hòa vào sự hỗ trợ từ khắp nơi hướng tới Ukraina, cộng đồng người Việt cũng sẽ có chuyến hỗ trợ thứ 75, sẽ được bàn giao vào ngày 7-5-2024 cho phía Ukraina, bao gồm 1 xe địa hình Suzuki Vitara và một số vật dụng khác, dùng để di chuyển thương binh ra khỏi chiến trường.

 

Viva Ukraina

 

.

39 BÌNH LUẬN  







BA LAN SẴN SÀNG TIẾP NHẬN VŨ KHÍ HẠT NHÂN : NGUY CƠ LEO THANG VỚI NGA (Thanh Phương / RFI)

 



Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân : Nguy cơ leo thang với Nga

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 24/04/2024 - 13:56

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240424-ba-lan-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-ti%E1%BA%BFp-nh%E1%BA%ADn-v%C5%A9-kh%C3%AD-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-nguy-c%C6%A1-leo-thang-v%E1%BB%9Bi-nga  

 

Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng tải hôm 22/04/2024, tổng thống Ba Lan tuyên bố Vacxava sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu khối NATO, mà Ba Lan là một thành viên, quyết định tăng cường bảo vệ sườn phía đông trước việc Nga triển khai vũ khí mới ở Kaliningrad và Belarus.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3bd34856-022d-11ef-b7cf-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP100524021902.webp

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ được bố trí tại Ba Lan, ngày 24/05/2010. ASSOCIATED PRESS - MAREK LIS

 

Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, các đồng minh đã tái khẳng định NATO sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân, bao gồm việc tiếp tục hiện đại hóa năng lực hạt nhân và cập nhật quy trình lập kế hoạch.”

 

Trả lời nhật báo Fakt khi đang viếng thăm Canada, tổng thống Andrzej Duda nói: “Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận”. 

 

Tuy nhiên, tổng thống Duda nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào về vấn đề này, mà ông chỉ khẳng định chia sẻ hạt nhân “chắc chắn sẽ củng cố vị thế và an ninh” của Ba Lan. Nguyên thủ quốc gia Ba Lan nói thêm rằng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan đã là chủ đề thảo luận giữa Ba Lan và Hoa Kỳ.

 

Theo ông, "Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad (vùng lãnh thổ nằm giữa Ba lan và Litva) và đang chuyển các vũ khí hạt nhân sang Belarus", cũng là quốc gia giáp biên giới Ba Lan. Chính tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2023 tuyên bố đã chuyển giao những vũ khí hạt nhân đầu tiên cho Belarus. 

 

 

Nguy cơ leo thang với Nga

 

Phía Nga dĩ nhiên là đã có phản ứng về tuyên bố của tổng thống Duda. Khi được hỏi về khả năng vũ khí hạt nhân được triển khai ở Ba Lan, hôm 22/04, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố Nga sẽ bảo đảm “an ninh” của mình nếu điều này xảy ra. Ông nói: “Quân đội tất nhiên sẽ phân tích tình hình và trong mọi trường hợp sẽ thực hiện mọi biện pháp trả đũa cần thiết để đảm bảo an ninh của nước Nga.” 

 

Trả lời trang mạng “7 sur 7” của Bỉ ngày 23/04, một cựu đại tá quân đội Bỉ Roger Housen nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận cho triển khai vũ khí hạt nhân, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, ở Ba Lan, vì đây sẽ là một bước leo thang rất lớn dẫn đến xung đột giữa khối NATO và Nga. Hơn nữa, từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã vẫn đặt rất nhiều vũ khí nguyên tử tại 5 nước châu Âu thành viên của NATO: Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp.

 

Theo cựu đại tá Housen, tổng thống Duda dường như tin rằng Nga sẽ không dám tấn công Ba Lan nếu nước này có vũ khí hạt nhân. Nhưng lập luận đó là vô nghĩa: Cũng là một thành viên của NATO, Ba Lan đã nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân của khối này. Triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan chỉ khiêu khích Nga và khiến cho an ninh của Ba Lan càng khó được bảo đảm.

 

 

Bất đồng nội bộ Ba Lan

 

Tuyên bố của ông Duda được đưa ra trong bối cảnh chính trường Ba Lan đang trải qua thời kỳ chung sống khó khăn giữa một tổng thống vốn là đồng minh thân cận của chính quyền cũ theo chủ nghĩa dân túy với thủ tướng Donald Tusk, một nhân vận thân Âu, sau khi liên minh của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 2023.  Tổng thống Duda và thủ tướng Tusk thường xuyên đối chọi với nhau về chính sách đối nội, nhưng quan điểm của họ về việc hỗ trợ Ukraina và mối đe dọa từ Nga phần lớn vẫn giống nhau. 

 

Tuy vậy, có vẻ như thủ tướng Donald Tusk không tán đồng phát biểu của tổng thống Duda về vũ khí hạt nhân. Trả lời báo chí hôm qua, thủ tướng Ba Lan nói ông muốn "biết tất cả các tình huống khiến tổng thống đưa ra tuyên bố này." Ông Tusk khẳng định: “Tôi rất mong muốn Ba Lan được sống trong an ninh, được trang bị vũ khí tốt nhất có thể, nhưng tôi cũng muốn mọi sáng kiến ​​trước hết phải được những người có trách nhiệm chuẩn bị thật kỹ càng”. 

 

Vậy thì vì sao tổng thống Duda lại nói đến khả năng triển khai vũ khí nguyên tử ở Ba Lan? Theo suy đoán của cựu đại tá Housen, ông Duda là một nhân vật theo đường lối cứng rắn và những tuyên bố kiểu như vậy rất được những người ủng hộ ông tán thưởng. Trước đó vài ngày, tổng thống Ba Lan đã gặp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York. Cựu đại tá Housen nói ông sẽ không ngạc nhiên rằng chính ông Trump đã khuyến khích ông Duda đi theo hướng này để gây khó khăn cho chính quyền Joe Biden, vốn không muốn căng thẳng gia tăng với Nga.

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

BA LAN - MỸ - HẠT NHÂN

Ba Lan đề nghị Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình

 

NGA - PHƯƠNG TÂY - ĐE DỌA

Tổng thống Nga đe dọa chiến tranh hạt nhân nếu xung đột leo thang tại Ukraina

 





QUAN HỆ TRUNG QUỐC - CHÂU PHI và NỖI LO SỢ CHOÁNG VÁNG CỦA PHƯƠNG TÂY (Minh Anh / RFI)

 



 

 

Quan hệ Trung Quốc – Châu Phi và nỗi lo sợ choáng váng của phương Tây

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 24/04/2024 - 14:09

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240424-quan-h%E1%BB%87-trung-qu%E1%BB%91c-%E2%80%93-ch%C3%A2u-phi-v%C3%A0-n%E1%BB%97i-lo-s%E1%BB%A3-cho%C3%A1ng-v%C3%A1ng-c%E1%BB%A7a-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

 

Theo thông lệ có từ năm 1991, ngoại trưởng Trung Quốc thực hiện một vòng công du hồi tháng 01/2024 đến châu Phi, quân cờ quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh. Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại châu Phi, tăng mạnh từ hơn 30 năm qua, đã gây nhiều lo ngại cho phương Tây bị choáng váng trước những khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh. Kẻ thống trị năm xưa tin rằng Trung Quốc đang tái tạo mô hình thuộc địa để kiểm soát châu lục.

 

https://s.rfi.fr/media/display/27e2fa00-0230-11ef-8a0a-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP23236655481705.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với nhiều lãnh đạo châu Phi tại thượng đỉnh nhóm BRICS tổ chức ở Johanesburg, Nam Phi ngày 24/08/2023. AP - ALET PRETORIUS

 

Mọi sự bắt đầu vào tháng 12/1963. Lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai đã đến thăm mười nước châu Phi trong vòng hai tháng, đề cao vai trò những nước không thần phục trước phương Tây. Trong số này có Ai Cập, đang có những căng thẳng với phương Tây vì đã quốc hữu hóa kênh đào Suez. Rồi Guinea và Mali, cả hai nước đều khước từ đề xuất của tướng De Gaulle về một Cộng đồng Các Quốc gia châu Phi.

 

Mục đích của vòng công du này là nhằm tìm kiếm chất cobalt, cần thiết cho chương trình hạt nhân của Trung Quốc cũng như là một sự hậu thuẫn chính trị. Khi đặt cược vào một tầng lớp nông dân châu Phi đông đảo để thu hút sự ủng hộ của châu lục đối với những phát biểu của Trung Quốc, Chu Ân Lai đã mang đến một giải pháp thay thế cho mô hình phổ quát phương Tây vốn gây phản cảm.

 

 

Bắc Kinh và sự phát triển của châu Phi

 

Sau chuyến đi đặt nền tảng này, Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào đã hướng đến một chiến lược phát triển riêng khi dựa vào khoảng 100 các tổ chức phi chính phủ như Quỹ giảm nghèo Trung Quốc (APFC), Hồng Thập Tự, cùng với nhiều hoạt động do chính phủ Trung Quốc tài trợ trực tiếp, theo như ông Lưu Hồng Vũ (Liu Hongwu), giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi trường đại học Sư phạm Chiết Giang, được trang mạng Conflit, chuyên về địa chính trị dẫn lại.

 

Hàng năm, Bắc Kinh dự trù cấp kinh phí cho những quỹ dành cho châu lục trong khuôn khổ chương trình viện trợ châu Phi, nhưng thường được cấp dưới dạng tín dụng. Chẳng hạn, vào năm 2018, Tập Cận Bình thông báo viện trợ 60 tỷ đô la, được thực hiện thông qua các khoản vay không trả lãi, tài trợ nhập khẩu hàng hóa châu Phi và hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc.

 

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC), tổ chức ở Johannesburg, Nam Phi, năm 2015, Bắc Kinh đã vạch ra kế hoạch hành động, tập trung chủ yếu vào « phát triển cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, nông nghiệp, biến đổi khí hậu và vì mục tiêu nhân đạo, nhằm hỗ trợ các nước châu Phi chống đói nghèo, cải thiện điều kiện sống cũng như xây dựng một sự phát triển độc lập. » 

 

Không những chính sách này vẫn không thay đổi, mà tại FOCAC năm 2023, ông Tập Cận Bình còn trình bày ba trục viện trợ chính cho châu Phi : Công nghiệp hóa châu lục bằng cách phát triển lĩnh vực sản xuất, Hiện đại hóa mô hình nông nghiệp và Đào tạo hàng trăm viên chức cùng kỹ thuật viên châu Phi tại Trung Quốc.

 

 

Nỗi khiếp hãi của phương Tây

 

Nếu như Bắc Kinh tỏ ra rất tích cực trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, ngăn chặn dịch bệnh, giảm đói nghèo, và phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi, thì nỗi lo sợ lớn nhất của phương Tây là Trung Quốc sẽ nhốt lục địa đen trong chiếc bẫy nợ. 

Một chiến thuật mà chính phương Tây năm xưa đã từng sử dụng để xây dựng đế chế thuộc địa cho chính mình. Đây chính là cách mà Pháp đã làm để chiếm giữ Tunisia năm 1881 sau khi nước này không hoàn trả được trái phiếu do Emile Erlanger, chủ ngân hàng Paris, phát hành.

 

Nhà báo Guy-Alexandre Le Roux, tác giả bài viết, nhắc lại, cho đến tận những năm 2000, các nước châu Âu là những nhà tài trợ chính cho khu vực châu Phi cận Sahara. Năm 1996, châu Phi lâm cảnh nợ nần nguy hiểm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) muốn giảm nợ cho các nước nghèo mắc nợ nhiều nhất (Heavily Indebted Poor Countries – HIPC), trong số này có đến 33 nước châu Phi cận Sahara.

 

Kết quả hạn chế tuy dẫn đến một sự phục hồi nhưng cuối cùng đã đi đến sự sụp đổ trong giai đoạn 2005-2006. Trung Quốc và các bên cho vay bằng trái phiếu (tư nhân) đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống do nỗ lực giảm nợ tạo ra. Nếu tính thêm cả Ngân hàng Thế giới, thì ba tác nhân chính yếu này hiện nắm giữ đến 2/3 các khoản nợ của châu Phi.

 

Nhưng tỷ lệ nợ của châu Phi do Trung Quốc nắm giữ là mối lo ngại lớn. Trong trường hợp mất khả năng hoàn trả của một nước, Bắc Kinh có sẵn một lập luận tuyệt vời để chiếm giữ lấy những đòn bẩy sống còn của nước này để tự thu hồi nợ. Đang gặp khó khăn lớn ở châu Phi do hành động của Nga, phương Tây, và nhất là Pháp lo sợ sẽ bị trục xuất khỏi châu lục vĩnh viễn.  

 

Tính đến năm 2022, có ba nước châu Phi mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất là Angola (36 tỷ đô la), Ethiopia (7,9 tỷ) và Kenya (7,4 tỷ). Vào năm 2021, tổng cộng có đến 21 nước châu Phi, mỗi nước mắc nợ Trung Quốc hơn một tỷ đô la, còn tại 17 nước khác, hơn 60% nợ song phương hiện tại là do Trung Quốc nắm giữ.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ các nhà nghiên cứu Viện Kiel của Đức, chính sách « ngoại giao sổ séc » của Trung Quốc không hề đơn giản. Một mặt, phần lớn các khoản vay là do ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) và cơ quan tín dụng xuất khẩu Eximbank cung cấp. Mặt khác, những hợp đồng vay này thường rất mập mờ và mang lại nhiều rủi ro cho quyền tự quyết một quốc gia.

 

Các nghiên cứu của Viện Kiel đối với khoảng 100 hợp đồng vay tiền bí mật giữa Trung Quốc và 24 nước châu Phi với tổng số tiền 36,6 tỷ đô la, được công bố năm 2019, đã cho thấy tất cả các hợp đồng được đúc kết với CDB đều có một điều khoản rất cụ thể : Việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc được xem như là mất khả năng thanh toán và vi phạm hợp đồng.

 

Tương tự, Bắc Kinh có quyền đơn phương chấm dứt một số hợp đồng nhất định trong trường hợp có những thay đổi chính trị nội bộ. Điều khoản này cho phép Trung Quốc có quyền yêu cầu hoàn trả ngay lập tức số tiền còn nợ, một thảm họa tài chính cho nước bị nhắm đến. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy điều khoản « Không có câu lạc bộ Paris » trong số ¾ các hợp đồng.

 

Câu lạc bộ Paris là một nhóm các chủ nợ công họp lại nhau khi một nước gặp khó khăn trong việc trả nợ. Tổ chức này giúp chính phủ xóa bớt một phần nợ và tái cấu trúc phần nợ còn lại. Trong các hợp đồng, Trung Quốc yêu cầu rõ ràng phải loại trừ khoản vay ra khỏi những cải tổ này. Tương tự, Bắc Kinh có thể yêu cầu được ưu tiên hơn các chủ nợ khác trong trường hợp gặp khó khăn trả nợ.

 

Những điều khoản bí mật này bảo vệ Trung Quốc trước nguy cơ bị vỡ nợ, và bảo đảm lòng trung thành chính trị của những con nợ châu Phi. Một số nhà nghiên cứu chỉ trích Trung Quốc đề xuất những hiệp ước bất bình đẳng với châu Phi, những hiệp ước mà xưa kia cũng đã từng làm châu Phi bị kiệt quệ. Liệu phương Tây có thể thật sự đổ lỗi cho Trung Quốc khi đã cố gắng bảo đảm an toàn cho dòng vốn của mình ?

 

Theo nhà báo Guy-Alexandre Le Roux, Zambia là một ví dụ điển hình cho nỗi lo sợ của phương Tây. Quốc gia Tây Phi rộng đến 750 ngàn km vuông, dân số khoảng 20 triệu người mắc nợ nặng nề trong đó Trung Quốc chiếm đến 21% tổng nợ. Năm 2020, vì không thể hoàn nợ, Zambia đã phải thuyết phục Trung Quốc cho tái cấu trúc nợ, điều mà nước này đã có được khi đánh đổi sự hội nhập đông đảo người Trung Quốc trong nền kinh tế đất nước.

 

Kết quả là hiện nay, người Trung Quốc kiểm soát chủ yếu các hoạt động khai thác mỏ như đồng chẳng hạn, rất quý giá cho công nghệ mới. Nếu như tổng thống Zambia luôn ngợi ca vai trò xứng đáng các doanh nghiệp Trung Quốc, thì cố vấn tổng thống trong phóng sự của France 24 đã thừa nhận chính phủ nước này « không có được con số chính xác về xuất khẩu đồng của Trung Quốc », trước khi kết luận rằng « các thỏa thuận về sự minh bạch chỉ là những lời dối trá ». Người dân ngày càng tỏ ra mất thiện cảm trước sự hiện diện các doanh nghiệp Trung Quốc  và nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra. Bắc Kinh hiện lo lắng theo dõi tình hình.

 

 

Châu Phi không là ưu tiên của Trung Quốc

 

Liệu Trung Quốc có tham vọng chiếm lấy châu Phi? Nỗi lo này của phương Tây dường như đã bị phóng đại. Nợ châu Phi quả thật là một công cụ tuyệt vời để Bắc Kinh mở doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên liệu, đồng thời khẳng định thế gần như độc quyền trong hoạt động khai thác khoáng sản có liên quan đến công nghệ.

 

Bắc Kinh hiểu rõ những hạn chế của châu Phi và chắc chắn không tìm cách lặp lại sai lầm của phương Tây. Điều này thể hiện rõ trong các khoản đầu tư trực tiếp (IDE) của Trung Quốc tại châu Phi, chiếm chỉ có 2,7% trong toàn bộ các khoản đầu tư Trung Quốc trên toàn thế giới. Và 2/3 trên tổng số gần năm tỷ đô la đầu tư, chỉ tập trung tại bảy quốc gia. Kết luận có thể rút ra là Trung Quốc không tin vào sự phát triển của châu Phi và họ thích áp dụng mô hình « kinh tế hải ngoại – kinh tế thuộc địa » tại châu lục này.

 

Trung Quốc đặt châp Phi vào thế nợ nần để thâm nhập nền kinh tế và cướp bóc tài nguyên nhưng chắc chắn không phải để mở rộng lãnh thổ sang châu Phi. Đây là một tầm nhìn rất phương Tây đối với đế chế Trung Hoa.

 

Chỉ dấu thứ hai là các hoạt động cho vay của Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại từ những năm 2000. Khả năng thanh khoản kém do những khó khăn kinh tế trong nước, khi nhận thấy rằng châu Phi là bên vay nợ kém và những yêu cầu vay nợ thường không tương xứng với các dự án, Trung Quốc tỏ ra khó khăn hơn.

 

 

Châu Phi : Nguồn cung nguyên liệu, trạm gác cho BRI

 

Trên thực tế, châu Phi không phải là mối bận tâm chính của Bắc Kinh, mà tầm nhìn luôn hướng sang châu Âu. Những dự án Con đường Tơ lụa mới do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 hoàn toàn hướng sang Lục Địa Già. Trung Quốc phải bảo đảm các điểm thông quan và châu Phi mang đầy đủ tất cả các đặc tính để đóng vai trò điểm trung chuyển. Đó là chìa khóa của con đường truyền thống đến Ấn Độ.

 

Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại những cảng biển lớn, đặc biệt ở Tây Phi và Đông Phi. Khu căn cứ quân sự mới ở Djibouti cung cấp cho đế chế Trung Hoa một năng lực triển khai quân đội nhất định trên châu lục và nhất là khả năng giám sát.

 

Ở quy mô phân tích rộng lớn hơn, vị trí của châu Phi trong chiến lược quốc tế của Trung Quốc nằm trong học thuyết : « Các cường quốc lớn là điều then chốt, các nước láng giềng là điểm ưu tiên, các nước đang phát triển là nền tảng, và đấu trường đa phương là sân đấu quan trọng ».

 

Tuy có những hạn chế trong chính sách « ngoại giao sổ séc », nhưng Bắc Kinh rõ ràng đã có được một sự hậu thuẫn quốc tế quý giá mà vấn đề Đài Loan là một ví dụ điển hình. Năm 2020, tất cả các thành viên châu Phi trong Hội Đồng Nhân Quyền, ngoại trừ một nước, đều thông qua nghị quyết do Trung Quốc đề xướng : « Thúc đẩy hợp tác lẫn nhau có lợi cho lĩnh vực nhân quyền ».

 

Lần đầu tiên, nhiều yếu tố trong « tư tưởng Tập Cận Bình » đã được đưa vào trong văn bản về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy tư tưởng này ở khắp nơi, một tư tưởng tập hợp các ý tưởng chính trị cho Trung Quốc hiện đại.

 

Cuối cùng, Trung Quốc sử dụng các nước châu Phi để kiến tạo lại cơ cấu chủ nghĩa đa phương và cạnh tranh với phương Tây. Điều mà phương Tây vụng về gọi là « phương Nam toàn cầu », vốn dĩ không có một nền tảng văn minh như tại « phương Tây », trên thực tế chỉ là một liên minh các nước muốn tạo sức ép trên trường quốc tế.

 

Bắc Kinh xem « những nước anh em châu Phi » này như là một cầu nối tuyệt vời cho ý tưởng « cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại », một yếu tố trung tâm cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước phương Nam. Nhưng tại Hoa Lục, phát biểu chính thức ngự trị công khai là các nước châu Phi chỉ « đang trả ơn ».

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

NGA - TRUNG - CHÂU PHI

Châu Phi: Chính sách « ngoại giao Kalashnikov » của Nga và « ngoại giao nợ » của Trung Quốc lên ngôi

 

HOA KỲ - NGA - TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

Thượng đỉnh Mỹ-Phi: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tố Nga và Trung Quốc gây bất ổn tại châu Phi

 

TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

Trung Quốc-Phi châu : Thương mại và ngoại giao, hai vế chính tại diễn đàn hợp tác FOCAC 2021

 

 





View My Stats