Thursday 25 May 2023

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THỂ VƯỢT HOA KỲ TRONG CUỘC ĐUA VỀ TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO / A.I. ? (Derek Cai & Annabelle Liang / BBC News)

 



Liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong cuộc đua về trí thông minh nhân tạo (AI)?

Derek Cai & Annabelle Liang

BBC News

24 tháng 5 2023, 11:45 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cev4979z8rjo

 

 Trí thông minh nhân tạo (AI) đã trở thành mối quan tâm khi nằm trên chương trình nghị sự dày đặc của Thượng đỉnh G7 vào cuối tuần qua.

 

Các mối quan tâm về tác động có hại của AI trùng với những nỗ lực từ phía Mỹ nhằm giới hạn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với ngành công nghệ quan trọng này.

 

Hiện nay, Mỹ dường như dẫn đầu trong cuộc đua AI. Và cũng có khả năng những hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn hiện nay sang Trung Quốc có thể cản trở bước tiến công nghệ của Bắc Kinh.

 

Nhưng Trung Quốc có thể bắt kịp, theo các nhà phân tích, vì những giải pháp AI phải mất hàng năm mới hoàn thiện được. Những công ty internet của Trung Quốc "được cho hiện đại hơn Mỹ, tùy thuộc vào thước đo tốc độ phát triển," Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ từ công ty Trivium China nói với BBC.

 

Tuy nhiên, bà cũng cho biết "khả năng sản xuất thiết bị và các phụ tùng cao cấp của Trung Quốc, theo ước tính, theo sau các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu từ 10 đến 15 năm."

 

'Cơn sốt' ChatGPT: 'Nô lệ chính trị không nguy hiểm bằng nô lệ kỹ thuật'

Việt Nam phải làm gì nếu nổ ra chiến tranh công nghệ cao?

 

.

Nhân tố Thung lũng Silicon

 

Thế mạnh lớn nhất của Mỹ là Thung lũng Silicon, một nơi quy tụ những tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là nơi sản sinh những 'gã khổng lồ' công nghệ như Google, Apple và Intel, vốn đã định hình cuộc sống hiện đại.

 

Giới cải tiến công nghệ tại Mỹ được trợ giúp thông qua nền văn hóa nghiên cứu 'có một không hai', Pascale Fung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trí thông minh nhân tạo từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết.

 

Những nhà nghiên cứu thường mất nhiều năm để cải tiến một công nghệ trong khi chưa có sản phẩm, bà Fung cho biết.

 

Ví dụ như OpenAI đã hoạt động như một công ty phi lợi nhuận trong các năm qua khi nghiên cứu mô hình học máy (machine learning) Transformers, cuối cùng được sử dụng để giúp tăng cường sức mạnh cho ChatGPT.

 

"Môi trường này không bao giờ tồn tại trong hầu hết các công ty Trung Quốc. Họ sẽ thiết lập các hệ thống học sâu (deep learning) hoặc các mô hình ngôn ngữ lớn chỉ sau khi họ thấy sự phổ biến," bà Fung nói thêm. "Đây là một thách thức mang tính nền tảng cho AI của Trung Quốc."

 

Các nhà đầu tư Mỹ cũng hậu thuẫn cho việc thúc đẩy nghiên cứu của quốc gia này. Vào năm 2019, Microsoft nói sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI.

 

"AI là một trong những công nghệ có khả năng tạo sự đổi thay lớn nhất trong thời đại của chúng ta và có tiềm năng giải quyết nhiều thách thức cấp bách trên thế giới," Giám đốc Điều hành của Microsoft Satya Nadella nói.

 

 

'Cơn sốt' ChatGPT: 'Nô lệ chính trị không nguy hiểm bằng nô lệ kỹ thuật'

BBC hỏi ChatGPT nếu AI có thể thay thế cách thức tìm kiếm của chúng ta

 

.

Thế mạnh của Trung Quốc

 

Trong khi đó, Trung Quốc lại hưởng lợi từ số lượng người tiêu dùng lớn hơn. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới hiện đang có khoảng 1,4 tỷ người.

 

Quốc gia này cũng có lĩnh vực internet phát triển, Edith Yeung, một nhà quản lý từ công ty đầu tư Race Capital nhận định.

 

Một ví dụ là gần nhưng mỗi người dân tại Trung Quốc sử dụng siêu ứng dụng WeChat. Ứng dụng này được dùng trong mọi thứ từ gửi các tin nhắn văn bản, cho đến đặt hẹn với bác sĩ và soạn thuế.

 

Kết quả là, có một tài nguyên thông tin có thể được dùng để cải thiện sản phẩm. "Mô hình AI sẽ chỉ tốt khi dữ liệu có sẵn để chúng có thể học từ đó," bà Yeung cho biết.

 

"Cho dù kết quả thế nào, Trung Quốc có ít luật lệ hơn nhiều về vấn đề riêng tư, và có nhiều dữ liệu hơn [nếu so với Mỹ]. Ví dụ như có CCTV theo dõi nhận diện khuôn mặt ở khắp mọi nơi," bà cho biết thêm. "Hãy tưởng tượng những hình ảnh do AI tạo ra sẽ hữu dụng như thế nào."

 

Trong khi cộng đồng công nghệ của Trung Quốc dường như đi sau Mỹ, các nhà phát triển của quốc gia này cũng có một thế mạnh, theo Lee Kai-Fu, người đưa ra các lập luận trong quyển sách của mình, 'AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order'.

 

"Họ sống trong một thế giới khi tốc độ là điều cần thiết, sao chép theo một cách chấp nhận được và những đối thủ sẽ làm bất cứ điều gì để chiến thắng trong một thị trường mới," ông Lee, một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực internet của Bắc Kinh và là cựu lãnh đạo Google ở Trung Quốc cho biết.

 

"Môi trường biến động này đã tạo nên một sự tương phản mạnh mẽ với Thung lũng Silicon, nơi mà việc sao chép bị coi là điều xấu xí và nhiều công ty được tạo điều kiện phát triển trên nền tảng ý tưởng gốc hoặc yếu tố may mắn."

 

Kỷ nguyên sao chép của Trung Quốc cũng có vấn đề của mình, gồm những vấn đề nghiêm trọng xung quanh vấn đề sở hữu trí tuệ. Ông Lee viết rằng điều này đã dẫn đến một thế hệ các doanh nhân sẵn sàng đương đầu và suy nghĩ nhanh chóng, sẵn sàng cạnh tranh. Kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã mở rộng nền kinh tế của mình, thường dựa trên lĩnh vực sản xuất, cho đến dựa trên công nghệ, bà Fung cho biết.

 

"Trong vòng một thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến có thểm sự cải tiến từ những công ty internet tiêu dùng và những thiết kế hiện đại của Trung Quốc," bà Fung nói thêm.

 

‘Cha đỡ đầu’ của AI cảnh báo về mối đe doạ từ chatbot sau khi nghỉ việc ở Google

'Cơn sốt' ChatGPT: 'Nô lệ chính trị không nguy hiểm bằng nô lệ kỹ thuật'

 

.

Trung Quốc có thể bắt kịp?

 

Trong khi các công ty công nghệ của Trung Quốc chắc chắn có những thế mạnh độc nhất vô nhị, thì tác động từ chủ nghĩa chuyên chế của Bắc Kinh vẫn chưa rõ ràng.

 

Ví dụ cũng có những câu hỏi về liệu việc kiểm duyệt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của những chatbot AI của Trung Quốc hay không. Liệu chúng có thể trả lời những câu hỏi nhạy cảm về Chủ tịch Tập Cận Bình hay không?

 

"Tôi không nghĩ ra bất kỳ ai ở Trung Quốc sẽ hỏi những câu hỏi đầy tranh cãi trên Baidu hoặc Ernie ngay từ lúc đầu. Họ biết chúng bị kiểm duyệt," bà Yeung nói. "Những chủ đề nhạy cảm đang là một phần rất nhỏ trong việc sử dụng [các chatbot]. Chúng chỉ có thêm sự quan tâm từ truyền thông, bà Fung cho biết thêm.

 

Mối quan tâm lớn hơn là việc Mỹ ra sức hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ đặc biệt, có thể ngăn chặn ngành công nghiệp AI ở quốc gia này.

 

Các chip máy tính công suất cao, hoặc những chất bán dẫn, hiện là nguồn gốc của sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Chúng được sử dụng trong các sản phẩm mỗi ngày bao gồm laptop và điện thoại thông minh, và có thể được ứng dụng trong quân sự. Chúng cũng rất quan trọng trong các phần cứng, cần có để học AI.

 

Các công ty của Mỹ như Nvidia hiện đang dẫn đầu trong việc phát triển các chip AI và "một vài công ty [Trung Quốc] có thể cạnh tranh với ChatGPT" trong bối cảnh có các lệnh hạn chế xuất khẩu này," bà Fung nói.

 

Trong khi điều này sẽ tác động vào các ngành công nghệ hiện đại của Mỹ như AI, sản xuất công nghệ tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng, như điện thoại di động và laptop. Điều này bởi vì "các kiểm soát xuất khẩu được tạo nên được ngăn chặn Trung Quốc phát triển AI hiện đại, dùng cho các mục đích quân sự," bà Schaefer nói.

 

Để vượt qua vấn đề này, Trung Quốc cần có Thung lũng Silicon của mình, một nền văn hóa nghiên cứu thu hút những tài năng từ các lĩnh vực khác nhau, bà Fung nhận định.

 

"Cho đến nay, Trung Quốc chỉ dựa vào tài năng trong nước và những người gốc Hoa ở nước ngoài. Điều này là một giới hạn về lối suy nghĩ văn hóa mang tính đồng nhất," bà Fung nói thêm.

 

Bắc Kinh đã cố gắng lắp đầy khoảng trống thông qua "Big Fund", một quỹ khổng lồ cung cấp nguồn lực cho các công ty sản xuất chip.

 

Nhưng Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát lĩnh vực này. Hồi tháng Ba, Triệu Vĩ Quốc đã trở thành ông trùm công nghệ gần nhất, bị giới chức cáo buộc tham nhũng. Trọng tâm của Bắc Kinh về một số lĩnh vực nhất định có thể mang đến động lực tài chính và giải quyết tệ quan liêu, nhưng cũng đồng nghĩa là giám sát nhiều hơn, nhiều nỗi sợ hãi cùng sự bất định.

 

"Vụ bắt giữ ông Triệu là một thông điệp dành cho những công ty nhà nước: không nên gây rắc rối với tiền bạc của nhà nước, đặc biệt đối với lĩnh vực chip," bà Schaefer cho biết. "Hiện giờ đã đến lúc bắt đầu tiến hành công việc.

 

Thông điệp này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của ngành công nghiệp AI của Trung Quốc vẫn còn phải được tiếp tục theo dõi.

 

‘Cha đỡ đầu’ của AI cảnh báo về mối đe doạ từ chatbot sau khi nghỉ việc ở Google

Trí tuệ nhân tạo sẽ biến cả loài người thành nô lệ của độc tài?

 

-------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

'Cơn sốt' ChatGPT: 'Nô lệ chính trị không nguy hiểm bằng nô lệ kỹ thuật'

16 tháng 2 năm 2023

.

‘Cha đỡ đầu’ của AI cảnh báo về mối đe doạ từ chatbot sau khi nghỉ việc ở Google

2 tháng 5 năm 2023

.

Việt Nam phải làm gì nếu nổ ra chiến tranh công nghệ cao?

28 tháng 2 năm 2023

.

Giải mã ChatGPT: Cơn sốt chatbot tại Việt Nam và trên toàn cầu

1 tháng 2 năm 2023

.

ChatGPT: 'OpenAI đã sử dụng lao động rẻ ở Kenya, để dán nhãn lại dữ liệu'

22 tháng 2 năm 2023

.

Thảm cảnh khi độc tài kiểm soát trí tuệ nhân tạo

20 tháng 11 năm 2020

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats