Wednesday, 7 September 2022

TÀI LIỆU MẬT CỦA MỸ : SỰ COI THƯỜNG QUY TẮC CHƯA TỪNG THẤY CỦA TRUMP (Người Việt Online)

 



Tài liệu mật của Mỹ: Sự coi thường quy tắc chưa từng thấy của Trump

Người Việt

September 6, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/tai-lieu-mat-cua-my-su-coi-thuong-quy-tac-chua-tung-thay-cua-trump/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump không phải là người đầu tiên gặp chỉ trích vì coi thường các quy tắc trong việc bảo vệ tài liệu mật của chính phủ, tuy nhiên những tiết lộ gần đây từ các chuyên gia an ninh quốc gia cho thấy sự coi thường ở mức độ lớn lao chưa từng thấy của ông Trump với những quy định này, theo AP hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Chín.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/TS-Trump-090622-1068x712.jpg

Cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

 

Chẳng hạn cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng Thống Lyndon B. Johnson nắm giữ nhiều hồ sơ mật trong nhiều năm trước khi chuyển chúng đến thư viện Tổng Thống Johnson. Đây là những hồ sơ về việc vị tổng thống kế nhiệm, tức cựu Tổng Thống Richard Nixon, bí mật liên lạc trong những ngày cuối năm 1968 với chính phủ miền Nam Việt Nam để trì hoãn cuộc hòa đàm tại Paris nhằm chấm dứt Chiến Tranh Việt Nam.

 

Hoặc bà Fawn Hall, thư ký của cựu Tổng Thống Ronald Reagan, khai rằng mình từng thay đổi và tiêu hủy các tài liệu liên quan đến sự việc Iran-Contra nhằm bảo vệ ông Oliver North, sếp của bà tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc.

 

Ông David Petraeus, giám đốc CIA của cựu Tổng Thống Barack Obama, bị buộc phải từ chức và nhận tội nhẹ liên bang vì chia sẻ tài liệu mật với một người viết tiểu sử mà ông có quen biết. Hoặc bà Hillary Clinton, khi còn là ngoại trưởng dưới thời ông Obama, từng bị FBI điều tra trong thời gian có chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, với đối thủ lúc đó là ông Trump, vì bà gửi và nhận tài liệu có tính bảo mật cao bằng tài khoản thư điện tử cá nhân.

 

Trong cuộc lục soát của FBI tại nhà riêng của ông Trump, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, hôm 8 Tháng Tám, Bộ Tư Pháp cho thấy ông Trump xem nhẹ các quy tắc về hồ sơ chính phủ ở mức độ rộng lớn chưa từng thấy kể từ khi Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống được ra đời năm 1978.

 

Ông Richard Immerman, người từng là phó giám đốc cơ quan tình báo quốc gia từ năm 2007 đến năm 2009, nói rằng trước đó chưa từng có tổng thống hoặc viên chức cấp cao nào cố ý lấy đi một lượng lớn tài liệu như vậy.

 

Cụ thể, các nhân viên FBI tìm thấy hơn 100 tài liệu được đánh dấu phân loại, bao gồm 18 tài liệu được đánh dấu tuyệt mật, 54 được đánh dấu bí mật và 31 được đánh dấu cần giữ bí mật. FBI cũng xác định được 184 tài liệu được đánh dấu phân loại trong 15 hộp được Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia thu hồi vào Tháng Giêng. Họ cũng nhận được những tài liệu được phân loại khác trong suốt Tháng Sáu. Ngoài ra 10,000 hồ sơ chính phủ khác không được phân loại cũng được tìm thấy.

 

Hành động này của ông Trump vi phạm Đạo Luật Tổng Thống, trong đó quy định rằng những hồ sơ, tài liệu như vậy là thuộc về chính phủ. Sau khi tổng thống rời nhiệm sở, Cơ Quan Quản Trị Lưu Trữ Và Hồ Sơ Quốc Gia sẽ quản trị hồ sơ của chính quyền sắp mãn nhiệm và làm việc với các nhân viên Tòa Bạch Ốc sắp đến để quản trị tài liệu hợp lý.

 

Đạo luật được ban hành sau khi ông Nixon từ chức giữa vụ bê bối Watergate và tìm cách phá hủy những đoạn ghi âm có thời lượng đến hàng trăm tiếng đồng hồ tại Tòa Bạch Ốc. Đạo luật có hiệu lực từ thời cựu Tổng Thống Ronald Reagan.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/TS-Maralagofiles-090622-1068x604.jpg

Một số tài liệu mật được tìm thấy ở nhà cựu Tổng Thống Donald Trump tại Mar-a-Lago. (Hình: Bộ Tư Pháp Mỹ)

 

Theo Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia, các hồ sơ không có “giá trị hành chánh, lịch sử, thông tin hoặc bằng chứng” có thể được bỏ đi trước khi có sự cho phép bằng văn bản của người có trách nhiệm lưu trữ.

 

Nhân viên FBI tìm thấy tài liệu từ phòng ngủ, tủ quần áo, phòng tắm và khu vực nhà kho của ông Trump. Trước đó hồi Tháng Sáu, khi viên chức Bộ Tư Pháp gặp luật sư của ông Trump để lấy hồ sơ theo trát tòa, thì luật sư này rất cẩn thận đưa cho họ tài liệu trong một phong bì được quấn hai lớp băng keo.

 

Ông Trump tuyên bố rằng ông giải mật tất cả tài liệu mà mình sở hữu và đang làm việc nghiêm túc với Bộ Tư Pháp để trả lại các tài liệu khi xảy ra vụ lục soát Mar-a-Lago.

 

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump khẳng định rằng việc bà Clinton dùng tài khoản thư điện tử cá nhân cho những tài liệu nhạy cảm của Bộ Ngoại Giao khiến bà không đủ tư cách ứng cử. Những lời hô hào “giam bà ta lại” từ những người ủng hộ ông Trump trở thành một trong những điểm chính trong những cuộc mít tinh của ông.

 

Ông James Trusty, luật sư của ông Trump về vấn đề tài liệu này, nói rằng việc ông Trump giữ những tài liệu nhạy cảm của chính phủ tương đương với việc giữ quá hạn một cuốn sách của thư viện. Tuy nhiên ông Bill Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp dưới thời ông Trump, nói không thể chấp nhận tuyên bố “giải mật” tài liệu của ông Trump.

 

Với nhiều người từng làm việc với ông Trump, thái độ này của ông đối với hồ sơ Tòa Bạch Ốc không có gì là đáng ngạc nhiên.

 

Ông John Bolton, một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết ông Trump thường giữ lâu những tài liệu nhạy cảm, vậy nên họ từng thực hiện những biện pháp đề phòng tài liệu không bị thất lạc.

 

Hành động của ông Trump không phù hợp với cách làm của những tổng thống hiện nay.

Khi rời nhiệm sở, ông Obama giao lại những hồ sơ mà ông từng được Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia gửi đến để nghiên cứu. Những hồ sơ này được hoàn trả với hình thức giống như khi chúng được gửi đi.

 

Hoặc cựu Tổng Thống Dwight Eisenhower, người từng rời nhiệm sở nhiều năm trước khi Đạo Luật Hồ Sơ Tổng Thống thông qua, lưu giữ hồ sơ an toàn tại Fort Ritchie, Maryland, mặc dù không hề có luật nào yêu cầu ông làm vậy.

 

Ông Larry Pfeiffer, cựu nhân viên CIA và từng là giới chức cao cấp tại Tòa Bạch Ốc, nói rằng tổng thống có thể tiếp cận tài liệu tình báo mà không cần giấy tờ chứng nhận an ninh. Họ cũng không được hướng dẫn chính thức về trách nhiệm bảo vệ bí mật sau khi rời nhiệm sở.

Tuy nhiên bản hướng dẫn từ Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia yêu cầu tất cả “thông tin nhạy cảm” đều chỉ được xem trong một phòng bảo mật gọi là “SCIF.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/TS-BillBarr-090522-1068x712.jpg

Ông Bill Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp thời Trump, cho rằng việc cựu Tổng Thống Donald Trump nói tự giải mật các hồ sơ đem về nhà là điều không thể chấp nhận. (Hình minh họa: Michael Reynolds-Pool/Getty Images)

 

Trong hồ sơ gửi tòa án hồi tuần trước, FBI có đính kèm một số hình ảnh tài liệu mà họ tìm thấy ở nhà riêng ông Trump. Hình ảnh cho thấy bìa ngoài của ít nhất năm tập tài liệu được đánh dấu là “TOP SECRET/SCI,” cũng như một bìa được đánh dấu “SECRET/SCI.” Họ cũng tìm thấy hàng chục tệp tài liệu rỗng, ngoài bìa được đánh dấu phân loại nhưng bên trong không có gì.

 

Một tổng thống có thể giữ các tài liệu để xem xét sau. Và các tổng thống, hoặc ứng cử viên tổng thống trong năm bầu cử, không phải lúc nào cũng bắt buộc đọc tài liệu trong SCIF, bởi vì còn phụ thuộc vào lịch trình và địa điểm của họ.

 

Ông Pfeiffer cho biết những người xung quanh tổng thống được phép tiếp cận tài liệu tình báo sẽ được đào tạo và buộc tuân thủ các quy tắc liên quan. Nhưng việc đặc vụ tình báo áp đặt hạn chế với tổng thống là điều khó khăn, bởi vì tổng thống là người điều hành cơ quan hành pháp và đặt ra các quy tắc liên quan đến bí mật và phân loại hồ sơ.

 

 Trong những cuộc trò chuyện gần đây với phóng viên, Tổng Thống Joe Biden nói rằng mình thường đọc các thông tin tuyệt mật ở nhà riêng tại Delaware, nhưng sẽ đọc trong một không gian kín đáo, an toàn. Sau khi đọc, ông sẽ khóa lại và gửi cho quân đội. (V.Giang) [qd]

 

-------------

LIÊN QUAN

.
Kiểm chứng biện hộ của Trump trong vụ ‘cầm nhầm’ hồ sơ mật về Mar-a-Lago

September 5, 2022

.

Nghe xúi giục, Trump bị lúng túng pháp lý vì ‘thủ’ vụ hồ sơ mật

August 28, 2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats