Tuesday, 27 September 2022

BẦU CỬ GIỮA MÙA : NHỮNG CÂU HỎI (Hoàng Ngọc Nguyên)

 



BẦU CỬ GIỮA MÙA: NHỮNG CÂU HỎI  

Hoàng Ngọc Nguyên

FB Mphuong Nguyen

24-9-2022  15:08    

https://www.facebook.com/phuong.nguyen.3139/posts/pfbid029i1SVdMPVr9Lv8QugJto5Pkx49Yuv2oznVXcygZoPRngoKD4Cxg1JyfcMcPfQuP6l

 

Đến giữa tháng Chín, chỉ còn khoảng 50 ngày, hay bảy tuần, người Mỹ sẽ đi bầu cử giữa mùa – midterm elections – nhằm vào Hạ Viện (toàn phần) và Thượng Viện (1/3). Đương nhiên người ta đang nói nhiều về cuộc bầu cử này vì nó sẽ định hình chính trị nước Mỹ không chỉ trong hai năm tới mà còn sẽ có tính cách quyết định bầu cử tổng thống năm 2024, ai còn ai mất. Nước Mỹ đang ở vào một thời điểm cực kỳ thử thách. Thời mạt pháp dường như đang bao trùm loài người khắp nơi. Bởi thế mà chúng ta đang có một đuơng kim tổng thống đứng ngồi không yên và một cựu tổng thống không chịu ngồi yên. Tình hình sẽ tệ hại hơn hay chăng, đúng là phải chờ ngày 8-11 chúng ta mới có thể thấy được.

 

Trong hai năm qua, đảng Dân Chủ đã nắm được cả hành pháp (Tổng thống Joe Biden) và lập pháp – cho dù ưu thế của đảng tại Hạ Viện khá mong manh (222-213) và tại Thượng Viện (50-50) phải nhờ lá phiếu của bà Phó Tổng thống Kamala Harris. Tuy nhiên, theo lẽ thường tình của chính trị dân chủ có tính cách kềm chế của Mỹ, trong bầu cử giữa mùa, đảng đối lập thường giành được thế đa số tại lưỡng viện hoặc một trong hai viện để chận đường tổng thống. Hơn nữa, tình hình ngày càng khó khăn cho Tổng thống Biden – đối nội cũng như đối ngoại. Bởi vậy, trong cả hai tháng 7 và 8, giới quan sát chính trị vẫn cho rằng đảng Cộng Hòa có thể dễ dàng thắng lợi không chỉ trong năm nay mà cả hai năm tới.

 

Tuy nhiên, có thể “trời chẳng chiều người” (nói như ông Donald Trump, người tin tưởng Thượng Đế đã đưa ông xuống trần cứu thế). Đảng Cộng Hòa phải thắng ít nhất 5 ghế tại Hạ Viện để giành thế đa số 218-217. Trong 35 ghế Thượng Viện được bầu lại năm nay, đảng Dân Chủ đang giữ 14, Cộng Hòa 21, có nghĩa là Cộng Hòa phải giành được ít nhất 22 ghế. Những tiểu bang “chiến địa” là Arizona, Florida, Georgia, Nevada, New Hampshire, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Bảy tuần trước ngày bầu cử, người ta nghĩ tất cả đều đang ở trước mặt và chẳng có thể nói trước được gì.

 

Người ta từng nghĩ rằng đảng Dân Chủ sẽ mất ghế tại Hạ Viện vì tình hình kinh tế, bởi vì nhiều người vẫn không chịu hiểu là vì sao nạn lạm phát quá cao. Chỉ cần nhìn ngược lại vài năm, người ta có thể thấy kinh tế đình đốn khắp nơi vì COVID. Hiện nay, nếu nhìn rộng ra toàn cầu, chúng ta cũng có thể thấy suy thoái và lạm phát đang bùng phát tại khu vực châu Âu đến mức đồng euro mất giá quá nhiều trước đồng đô-la Mỹ. Ở Mỹ, người ta cũng trách ông Biden mạnh tay chi tiêu quá khi mới đăng quang (đầu năm 2021), khiến cho người dân cũng quá hào phóng và tạo áp lực lên lạm phát…

 

Nhưng nay thì giới quan sát đã thấy có những tín hiệu kinh tế đáng lạc quan (tỷ lệ thất nghiệp xuống mức kỷ lục, số người có việc làm tăng, giá xăng xuống…), cho nên thăm dò cho thấy số người ủng hộ ông Biden từ 39% tăng đến 45%, và những ứng cử viên của đảng Dân Chủ nay có thể thở phào nhẹ nhõm. Con số 45% này đương nhiên là của những người Dân Chủ, vì những người Cộng Hòa chắc chắn sẽ quay lưng lại với ông, cho dù ông có làm được gì đi nữa. Ngoài người Cộng Hòa, cả những người độc lập cũng nói không với ông Biden, phần lớn vì họ nghĩ ông Biden không phải là lựa chọn tốt nhất của đảng Dân Chủ. Cho nên, cũng khó nghĩ rằng ông Biden có thể đi xa hơn con số 45%.

 

Tuy nhiên, một thăm dò nhật báo The New York Times đưa ra ngày 16-9 cho thấy 46% cử tri có ghi danh nói họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ, trong khi chỉ có 42% cử tri ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa. Theo phân tích của người thăm dò, giá xăng, sự chống đối việc cấm phá thai cùng ác cảm với ông Trump đã làm cho số cử tri theo ứng cử viên Dân Chủ gia tăng. Và có lẽ phải nói đến thành tựu quan trọng nhất là Đạo luật Giảm Lạm Phát, được thông qua dù chỉ có sự ủng hộ của đảng Dân Chủ, bao gồm 370 tỷ đô la, khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử để giải quyết tình trạng hâm nóng toàn cầu. Theo luật này, giá thuốc theo toa do Medicare thương lượng cho người cao tuổi, với giới hạn 2.000 đô la mỗi năm, và chính phủ tiếp tục trợ cấp bảo hiểm y tế. Luật cũng đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với một số tập đoàn lớn nhất ở Mỹ, buộc các công ty phải trả phần của mình.

 

Thực ra, trong 20 tháng cầm quyền của Joe Biden (từ tháng giêng năm 2021 đến nay), ông đã cố gắng theo đuổi và hoàn thành một số mục tiêu đáng kể. Đạo luật phòng chống COVID là một thành công. Tín dụng Thuế Trẻ em thể hiện hiểu biết sự khó khăn vì đại dịch COVID của người dân: thất nghiệp và túng thiếu, nghèo khó của trẻ em. Chính quyền Biden cũng sẽ đầu tư 280 tỷ để khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển sản xuất nhu liệu kỹ thuật, đặc biệt là máy bán dẫn…Ông còn đưa ra luật về an toàn súng đạn (Gun Safety Bill), cùng với đạo luật cơ sở hạ tầng để sửa chữa hay thay thế cầu, đường và những cơ sở hạ tầng đang suy sụp ở Mỹ… Về đối ngoại, rõ rệt ông Biden đã đưa nước Mỹ “trở về mái nhà xưa” là NATO, cùng có thái độ tích cực, cương quyết trong việc ủng hộ Ukraine đánh đuổi quân Nga xâm lăng. Chính sự quyết tâm của Mỹ bảo vệ Ukraine đã làm cho đất nước này sáng giá trở lại. Biden cũng đã cho phép việc ám sát trùm khủng bố Al Qadae Ayman al-Zawahri…- tương đương với thành tích Obama chấm dứt tham vọng của Osama.

 

Mới đây nhất, nhờ ông can thiệp trực tiếp, cuộc tổng đình công của ngành đường sắt trên toàn quốc dự định ngày 16-9 đã được hủy bỏ, giúp cho kinh tế nước Mỹ tiếp tục hoạt động, khỏi phải chịu thiệt hại – ít nhất là 2 tỷ một ngày.

 

Vấn đề đáng lo của thời đại là trong khi người ta lên mạng sáng trưa chiều tối thì thông tin chính lưu kém hiệu lực và sự hiểu biết của người dân về những gì chính phủ làm lại ngày càng giới hạn… Hiểu biết có giới hạn thì suy nghĩ, phân tích, nhận định cũng có giới hạn. Đó chính là một thử thách cho nền dân chủ ngày nay. Bởi vậy mà ông Biden vẫn được xem là một tổng thống “unpopular”, không được “quen thuộc” như ông Trump, một người vẫn lên mạng hàng ngày ăn nói vớ vẩn cho dù chẳng làm gì cả.

 

Cuộc bầu cử giữa mùa sắp đến đây sẽ trắc nghiệm sự quan sát và suy luận của chúng ta về con người và thời thế ngày nay. Một điều căn bản cũng chính là tỷ lệ người đi bầu nói chung (thường thấp trong bầu cử giữa mùa – nhất là phía Dân Chủ). Chúng ta có thể chắc rằng phía Cộng Hòa, nhất là phe ông Trump, người ta sẽ tâp nập đi đến thùng phiếu để chống “bầu cử gian lận”, trong khi phía Dân Chủ cũng phải làm sao vận động cử tri trẻ cũng như cử tri “đa chủng” – da đen, da vàng, da nâu… đừng (nhút) nhát, đừng (biếng) nhác, trước cuộc bầu cử sống còn này.

 

Có điều chúng ta chỉ có thể kết luận khi có đầy đủ những con số trong bầu cử ngày 8-11 tới đây. Tranh chấp giữa hai đảng là một trận đấu thú vị, nhưng thú vị không kém, nếu không nói còn thú vị hơn nữa, chính là trận đấu giữa Cộng Hòa MAGA của Trump và Cộng Hòa “truyền thống”. Một đàng, cuộc bầu cử là một trắc nghiệm cho những ứng cử viên được Trump đề bạt, ủng hộ. Báo chí đã sững sờ “ca ngợi” ông cựu tổng thống đã làm cho nhiều nhân vật trong đảng của ông bẽ mặt, bởi vì có đến 92% trong số gần 200 ứng cử viên của Trump đã thắng trong vòng sơ bộ của Cộng Hòa. Có nghĩa là những người được các ông Mitch McConnell (chủ tịch khối thiểu số Thượng Viện), cựu Phó Tổng thống Mike Pence, đề bạt đều rớt đài… Nhưng ứng cử viên của Trump trong bầu cử chính thức có thể chỉ dựa được vào quần chúng Cộng Hòa cuồng Trump (MAGA) bỏ phiếu. Chưa chắc những người Cộng Hòa không theo Trump bỏ phiếu cho ứng cử viên cuồng Trump. Không nói gì những cử tri độc lập. Cho nên, chúng ta hãy chờ xem…

 

Câu hỏi không chỉ là đảng Dân Chủ có cơ may giữ thế đa số tại lưỡng viện hay chăng, mà còn là nội tình đảng Cộng Hòa rồi đây sẽ tan tác thế nào. Sau khi thất cử năm 2020, Trump từng thổ lộ tham vọng lập một đảng riêng. Hoặc một đảng có tên khác (Great America chẳng hạn), hay đảng Cộng Hòa mới mà Trump là thủ lãnh. Hay buộc đảng Cộng Hòa truyền thống sát nhập vào đảng của ông ta. Phải chăng sẽ có nội chiến ngay trong đảng con voi?

 

Có điều chắc là ông ta đang cực kỳ thú vị với quần chúng MAGA “Christian nationalism” đang nô nức sau lưng ông ta sẵn sàng bạo động, bạo lực vì “chính nghĩa” – chẳng hạn như chống việc truy tố, kết tội ông Trump ăn cắp hồ sơ mật và tổ chức bạo loạn chống kết quả bầu cử; hay chống “bầu cử gian lận” năm nay bằng cách ngăn chận người ta đi bầu…

 

Sau bầu cử năm nay, người ta phải chờ hai năm tới mới có bầu cử mới. Đó là hai năm sẽ rất dài và không dễ gì thấy chuyện trước mắt…

 

HOÀNG NGỌC NGUYÊN





No comments:

Post a Comment

View My Stats