Tuesday, 27 September 2022

LỊCH SỬ NHỮNG CUỘC ĐẢO CHÍNH Ở ĐIỆN KREMLIN (Sergey Radchenko  -  Foreign Affairs)

 



Lịch sử những cuộc đảo chính ở Điện Kremlin

Sergey Radchenko  -  Foreign Affairs  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

28/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/28/lich-su-nhung-cuoc-dao-chinh-o-dien-kremlin/

 

Lịch sử của những cuộc tranh giành quyền lực ở Nga cho chúng ta biết gì về tương lai của Putin?

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoàn toàn xa rời thực tế. Ông vừa tuyên bố tổng động viên một phần để đảo ngược thất bại của mình ở Ukraine, và còn tung ra những luận điệu về vũ khí hạt nhân của Nga, một dấu hiệu cho thấy ông đã rơi vào tuyệt vọng. Chiến tranh càng kéo dài, đất nước của ông càng bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Nga cũng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để giữ cho nền kinh tế của họ không sụp đổ dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc xâm lược. Thất bại trong việc chiếm Kyiv, và những bước lùi gần đây tại khu vực Kharkiv ở miền đông Ukraine đã khiến các nhà bình luận ủng hộ Putin cũng phải nghi ngờ về quyết định của ông. Trong bối cảnh đó, có lẽ nhiều người Nga đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng: Putin có thể nắm quyền và theo đuổi cuộc chiến man rợ của mình thêm bao lâu nữa. Một số ít các quan chức cấp tỉnh – những người mạnh dạn kiến nghị yêu cầu Putin từ chức – đã công khai bày tỏ điều mà nhiều thành viên của giới tinh hoa chính trị Nga đang cân nhắc một cách riêng tư. Hẳn là có ai đó trong những hành lang âm u của Điện Kremlin sẽ quyết định rằng ông ta phải ra đi.

 

 

Nhưng ngay cả khi các cấp phó của Putin kết luận rằng họ muốn phế truất Putin khỏi chiếc ghế quyền lực, thì việc loại bỏ ông vẫn sẽ rất khó khăn. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã không trải qua một cuộc đảo chính nào, dù thành công hay không thành công. Thậm chí còn chưa có một âm mưu nào nghiêm túc – chí ít là trong số những âm mưu được công khai. Cuộc đối đầu của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin với Xô-viết Tối cao vào năm 1993 – kết thúc sau khi xe tăng Nga bắn vào tòa nhà quốc hội – là điều gần nhất với một cuộc đảo chính mà đất nước từng trải qua. Nhưng ngay cả sự kiện đó cũng không đủ điều kiện để xem là đảo chính, vì nó chỉ là cuộc đối đầu công khai giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.

 

Tuy nhiên, nước Nga của Yeltsin tương đối cởi mở và dân chủ, cho phép phản đối hợp pháp ở một mức độ nào đó. Xét đến việc Putin cho trấn áp những người bất đồng chính kiến và đưa nước Nga tiến sâu trên con đường chuyên chế, lịch sử Liên Xô sẽ là một so sánh phù hợp hơn – và đem lại gợi ý tốt hơn về những gì có thể khiến cuộc đảo chính ngày hôm nay thành công, hoặc thất bại. Những câu chuyện dưới đây không thực sự có kết cục tốt đẹp, mà khá phức tạp. Các quan chức hàng đầu đã lật đổ thành công Nikita Khrushchev. Số khác lên nắm quyền trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi đất nước thiếu vắng một nguyên thủ quốc gia rõ ràng. Những quan chức này thường không thể hiện tư tưởng chỉ đạo hay nguyên tắc chính trị nào, mà đơn giản chỉ là tham vọng quyền lực. Thành công phần lớn phụ thuộc vào thời điểm và lực lượng: phải hành động nhanh chóng và quyết liệt khi nhà lãnh đạo đương nhiệm bộc lộ yếu kém.

 

Trong trường hợp của Putin, không thiếu những kẻ có thể soán ngôi ông ta. Vòng tròn thân tín, những nhà quản lý khủng hoảng và những người thừa kế tiềm năng của tổng thống là một nhóm người vô cùng đa dạng. Họ được lựa chọn vì lòng trung thành không nghi ngờ đối với Putin, nhưng lòng trung thành chỉ là một khái niệm tương đối trong một môi trường cực kỳ nguy hiểm. Không ai trong số họ có thể hoàn toàn tin tưởng Putin và cũng không ai trong số họ dám tin tưởng lẫn nhau. Nếu họ lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính, họ có thể sẽ muốn bản thân tách biệt với người tiền nhiệm về nhiều mặt, bao gồm cả – và đặc biệt là – những thất bại của ông ta ở Ukraine. Hoặc nếu họ lên nắm quyền sau khi Putin qua đời, họ có thể vạch ra một con đường mới để thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc.

 

 

ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ

 

Thời Liên Xô, đảo chính rất hiếm. Chẳng hạn, hãy xem xét nhiệm kỳ của Joseph Stalin, một nhà độc tài tàn bạo, người đã mở ra nhiều thập niên đàn áp đẫm máu, nhấn chìm ngay cả các quan chức cộng sản hàng đầu. Trong số 139 thành viên và ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1934, đã có 98 người bị bắt và bị xử bắn theo lệnh của Stalin. Nhà độc tài đầy thù hận và hoang tưởng đã nhắm mục tiêu vào những đồng đội thân cận nhất của mình, sỉ nhục họ hoặc buộc họ phải đối đầu với nhau. Khrushchev, người kế nhiệm Stalin, kể lại rằng ông đã từng nghĩ, một ngày không xa, Stalin sẽ “kéo quần của mình xuống và xả hết trước mặt chúng tôi, rồi sau đó nói rằng điều này là vì lợi ích của Tổ quốc.” Nếu chuyện kinh tởm như vậy thực sự xảy ra, có lẽ cũng chẳng ai buồn ngạc nhiên.

 

Khi nhìn lại, thật không thể tưởng tượng nổi rằng giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Liên Xô đã dung túng cho một tên bạo chúa khát máu. Vậy mà họ đã làm thế. Một phần nguyên nhân có thể là vì họ công nhận những thành tựu của Stalin với tư cách là một nhà cách mạng kỳ cựu và một nhà lãnh đạo chiến tranh. Nhưng phần còn lại, chắc chắn là vì họ lo sợ cho cuộc sống của chính mình. Để cho Stalin nắm quyền là điều nguy hiểm, nhưng âm mưu đảo chính còn rủi ro hơn. Thất bại sẽ đồng nghĩa với án tử.

 

Sau khi Stalin qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra, và những người thân cận nhất của ông đã không thể nhận một cái kết tốt đẹp. Nạn nhân đầu tiên là cánh tay đắc lực của Stalin, Bộ trưởng Nội vụ Lavrenty Beria, người bị các đồng nghiệp sợ hãi và coi thường. Ông có quyền kiểm soát lực lượng an ninh quốc gia với khả năng giám sát và bảo an, cũng như nổi tiếng về sự tàn bạo tột cùng. Ông nắm trong tay nhiều thông tin chống lại các nhà lãnh đạo cấp cao khác. Điều mà ông không có là quyền lực trong đảng và trong nước, nghĩa là kẻ khác vẫn có thể lật đổ ông, nếu họ hành động nhanh chóng.

 

Vụ lật đổ Beria diễn ra trong hỗn loạn và bí mật đến mức đến tận hôm nay, khi hầu hết các tài liệu có liên quan đã được giải mật, người ta vẫn không thể nói chính xác chuyện gì đã xảy ra. Nhưng theo phần lớn các nhân chứng, Khrushchev và Thủ tướng Georgy Malenkov đã đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên, hai người âm thầm hỏi các thành viên khác của Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao – cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của đất nước – họ sẽ phản ứng ra sao trước một động thái chống lại Beria. Sau đó, họ đưa một số sĩ quan quân đội cấp cao, trong đó có Nguyên soái Georgy Zhukov, vào Điện Kremlin. Trong một cuộc họp của Đoàn Chủ tịch, Khrushchev kể ra tội lỗi của Beria, còn Malenkov nhấn một chiếc nút bí mật, ra hiệu cho quân đội tiến vào bắt giữ một Beria vẫn đang kinh ngạc. Sau đó, Beria bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa dàn dựng, nơi ông không được phép tự bào chữa (có lẽ vì sợ rằng ông có thể làm liên lụy đến các lãnh đạo cấp cao khác từng tham gia những tội ác hèn hạ thời Stalin). Cuối cùng, Beria đã bị kết tội và bị xử tử.

 

Trong những năm sau đó, Khrushchev chuyển sang tập trung cô lập Malenkov. Chẳng ai có thể tưởng tượng một kết cục như vậy sau cái chết của Stalin: uy tín và vị thế chính trị của Khrushchev kém xa Malenkov. Nhưng Khrushchev có thể và đã hành động một cách quyết đoán, thậm chí thô bạo, suýt chút nữa khiến bản thân cũng sụp đổ theo. Trong một cuộc họp tháng 06/1957, một nhóm các nhân vật có tiếng nói nặng ký của Đoàn Chủ tịch đã cáo buộc Khrushchev có khuynh hướng độc tài và cố gắng lật đổ ông ta. Tỷ lệ phiếu bầu tại Đoàn Chủ tịch là 7 phiếu chống lại Khrushchev và 4 phiếu ủng hộ. Khrushchev gần như đã đánh mất quyền lực. Nhưng ông đã lôi kéo được Zhukov, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, và Giám đốc KGB Ivan Serov về phe mình, và họ đã giúp tập hợp những người ủng hộ ông trong Ban chấp hành Trung ương Đảng – những người đã bỏ phiếu để bác bỏ quyết định của Đoàn Chủ tịch. Vài tháng sau, Khrushchev thể hiện “lòng biết ơn” của mình bằng cách thẳng tay loại luôn Zhukov.

 

Khrushchev sống sót ở đỉnh kim tự tháp thêm bảy năm nữa trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cung đình vào tháng 10/1964. Kẻ chủ mưu chính là người Khrushchev bảo trợ, Leonid Brezhnev, người đã lợi dụng sự bất mãn ngày càng tăng trong đảng và chính phủ đối với việc nhà lãnh đạo Liên Xô liên tục tái tổ chức bộ máy, với thói quen sỉ nhục đồng nghiệp của ông ta, xu hướng áp dụng những liệu pháp kinh tế vô tác dụng, và trên hết là thói khoe khoang đến mức không thể chịu nổi.

 

Brezhnev đã cộng tác chặt chẽ với Alexander Shelepin, một người khác được Khrushchev bảo trợ và là cựu lãnh đạo KGB, cũng như người đứng đầu KGB lúc bấy giờ là Vladimir Semichastny. Họ đã tận dụng lúc Khrushchev vắng mặt. Nhà lãnh đạo Liên Xô đang đi nghỉ ở Abkhazia thì bị triệu hồi khẩn cấp về Moscow, nơi các đồng nghiệp trong Đoàn Chủ tịch trình cho ông một danh sách phê bình và kêu gọi ông từ chức. Lần này, những kẻ chủ mưu đã buộc giới tinh hoa đảng phải phục tùng. Cuộc họp toàn thể của đảng được tổ chức trong vội vã đã xác nhận rằng Khrushchev sẽ nghỉ hưu “vì lý do sức khỏe.” Brezhnev, thoạt tiên được coi là nhân vật sẵn lòng thỏa hiệp, đã dần dần củng cố quyền lực của mình bằng cách tiêu diệt các đối thủ – trước hết và quan trọng nhất, là Shelepin.

 

 

THAM VỌNG TRẦN TRỤI

 

Một đặc điểm nổi bật của những cuộc tranh giành quyền lực này là không có sự khác biệt về chính sách giữa những kẻ chủ mưu và nạn nhân của họ. Những quan điểm cho rằng Beria đại diện cho một cách tiếp cận chính sách đối ngoại khác về mặt bản chất so với Khrushchev, hay Khrushchev và Malenkov có những bất đồng sâu sắc về việc phi Stalin hóa, hiện nay phần lớn đã bị bác bỏ. Các đồng chí của Khrushchev đã viện dẫn những sai lầm của ông trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba và việc ông bất hòa với Trung Quốc là những lý do khiến ông bị lật đổ. Nhưng cuối cùng, giới tinh hoa Xô-viết coi chính sách đối ngoại là một lĩnh vực đặc biệt mà chỉ có nhà lãnh đạo cao nhất mới có kinh nghiệm và khả năng phán đoán cần thiết để đưa ra quyết định. Nó đóng vai trò thứ yếu so với các mối quan tâm trong nước. Và về cơ bản, các cuộc đảo chính cung đình xoay quanh các mối quan hệ cá nhân trong hành lang quyền lực: chúng là về những tham vọng trần trụi và các đối thủ sẵn sàng đâm sau lưng nhau.

 

Cũng đáng chú ý là sự thất bại của quân đội hoặc lực lượng an ninh trong việc tận dụng các âm mưu đảo chính. Quân đội và lực lượng an ninh đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp các nhà lãnh đạo lên nắm quyền, tuy nhiên cả Zhukov, Shelepin và Semichastny đều không thu được nhiều lợi ích từ “thành quả lao động” của họ. Sau khi Beria bị lật đổ, các lãnh đạo cấp cao của đảng đã giữ khoảng cách với quân đội và KGB. Liên Xô đã không bao giờ trở thành một chính quyền quân sự. Thật vậy, khi quân đội và KGB cố gắng tiến hành một cuộc đảo chính, như họ đã làm vào năm 1991, để chống lại cố Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, họ chỉ cho thấy mình vô cùng kém cỏi và đã nhanh chóng bị đánh bại.

 

Cuối cùng, không hề có dấu vết nào cho thấy có sự tham gia của nước ngoài trong bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào ở Liên Xô. Beria bị các đối thủ buộc tội là gián điệp phương Tây, nhưng đây là một cáo buộc phi lý. Năm 1957, Khrushchev bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Trung Quốc đã ủng hộ ông – Nhà sử học Trung Quốc Trầm Chí Hoa (Shen Zhihua) thậm chí còn lập luận rằng thỏa thuận của Khrushchev, mà sau này ông đã rút lại, trao cho Trung Quốc một quả bom hạt nhân là cách để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, sự ủng hộ này là vì: Bắc Kinh không, và không thể, can dự vào các âm mưu của Điện Kremlin. Năm 1964, Trung Quốc từng ám chỉ rằng Khrushchev sẽ bị lật đổ vì ông ta theo đuổi các chính sách chống Bắc Kinh, nhưng điều đó không đóng vai trò nào trong sự sụp đổ của ông ta, và Brezhnev vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình.

 

Người Mỹ và người Trung Quốc đã ủng hộ hai phe đối lập nhau trong âm mưu đảo chính năm 1991. Nhưng tương tự như cách Tổng thống Mỹ George H.W. Bush lặng lẽ hòa giải để tiếp tục đối thoại với phe quân đội (trước khi họ thất bại), Bắc Kinh đã nhanh chóng hỗ trợ phe quân đội và kịp thời chấp nhận nhà dân chủ cực đoan Yeltsin.

 

 

NHỮNG người có thể tham gia GIÀNH QUYỀN LỰC

 

Theo dấu những biến động trong cuộc đấu đá nội bộ của Điện Kremlin là một việc cực khó. Các liên minh chính trị ở cấp cao nhất có xu hướng thay đổi rất nhanh. Kết quả của các cuộc tranh giành quyền lực phụ thuộc vào nhận thức rằng thế nào là thành công, và hầu hết người chơi chỉ thích ngồi bên lề. Đôi khi, âm mưu chẳng dẫn đến kết quả nào cụ thể. Sau tất cả những thất bại và những vụ lạm quyền, một nhà lãnh đạo vẫn có thể cai trị trọn đời và sau đó ra đi vì nguyên nhân tự nhiên.

 

Không nghi ngờ gì, Putin sẽ thích kịch bản này nhất. Dù một số nhà quan sát suy đoán rằng những sửa đổi hiến pháp mà ông cho thông qua vào tháng 03/2020, đảm bảo rằng các cựu tổng thống sẽ khó bị tước quyền miễn trừ, được thiết kế là nhằm cho phép ông nghỉ hưu, nhưng viễn cảnh đó giờ đây dường như không thể tưởng tượng được. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã bị lôi kéo vào các vụ bê bối và trở thành mục tiêu cho các cuộc biểu tình hàng loạt, chỉ vài năm sau khi ông từ chức vào tháng 03/2019. Qua đó chứng minh cho các nhà chuyên chế khác rằng ngay cả những quá trình chuyển giao quyền lực được dàn xếp trước cũng hiếm khi hoạt động như dự định.

 

Putin nhiều khả năng đã quyết định tiếp tục tại vị. Nhưng khi triều đại đầy tham nhũng và tai tiếng của ông tiến đến dịp kỷ niệm 23 năm nắm quyền, và khi Putin gần 70 tuổi, gần như chắc chắn những người sẽ thay thế ông đang để mắt đến nhau, và suy nghĩ về các kịch bản kế nhiệm tiềm năng. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, nhà lãnh đạo có xuất thân danh giá nhưng lại có hồ sơ quân sự đáng thất vọng, khó mà là một ứng viên, dù sự ủng hộ của ông sẽ rất cần thiết cho bất kỳ âm mưu tranh giành quyền lực nào. Người đứng đầu Hội đồng An ninh, Nikolai Patrushev, đôi khi có tên trong danh sách những người kế nhiệm Putin, nhưng điều này cũng khó xảy ra, bởi ông thậm chí còn lớn tuổi hơn Putin.

 

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev đã dùng đến lập luận diệt chủng để mọi người để ý, nhưng chẳng ai coi trọng ông ta. Chủ tịch Duma Quốc gia, Vyacheslav Volodin, rõ ràng là đang bắt đầu cuộc đua, và ông ta kiểm soát cơ quan lập pháp bù nhìn vốn rất quan trọng đối với bất kỳ sự hợp pháp hóa nào dành cho nhà lãnh đạo mới. Kế đến là Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, một nhà kỹ trị tài ba và một chú ngựa ô đang phi nước đại trên những địa hình nơi ngựa ô từng ghi được những chiến công lớn trong lịch sử. Cựu Thủ tướng Sergei Kirienko, một người từng theo chủ nghĩa tự do mà Putin đã tin tưởng giao cho nhiệm vụ giám sát lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, cũng đang chuẩn bị đối đầu. Viktor Zolotov, vệ sĩ cũ của Putin và hiện là người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cũng hy vọng sẽ kế nhiệm ông chủ của mình. Tương tự là Alexander Kurenkov, một cựu vệ sĩ khác của Putin và hiện là Bộ trưởng Bộ Các Tình trạng Khẩn cấp. Ngoài ra còn có những kẻ ngoài cuộc: Ramzan Kadyrov – nhà lãnh đạo không mệt mỏi của Chechnya, và Yevgeny Prigozhin, người thân tín của Putin và là nhà tài phiệt Nga đang nắm trong tay nhóm bán quân sự Wagner.

 

Tất cả những ứng viên này đều có dính líu đến nhiều hành động bạo lực của Putin, bao gồm cuộc xâm lược Ukraine. Và nếu nhìn từ bên ngoài, khi bất kỳ ai trong số này lên nắm quyền, chương trình nghị sự đối ngoại của Nga cũng sẽ thay đổi rất ít. Nhưng cuộc chơi quyền lực của Điện Kremlin hiếm khi xoay quanh các câu hỏi về nguyên tắc, và những người kế nhiệm cũng có thể đi ngược lại những người tiền nhiệm khi thời cơ thuận lợi. Điều đó có nghĩa là người thay thế Putin không nhất thiết sẽ đi theo chương trình nghị sự chủ nghĩa tân đế quốc của ông. Thật vậy, nếu Putin bị lật đổ, người kế nhiệm của ông có thể sẽ đổ lỗi cho Ukraine về các quyết định của Putin, và sẽ cố gắng có một khởi đầu mới.

 

Tất nhiên, các nhà phân tích không thể biết liệu những tổn thất ở Ukraine có làm lung lay quyền lực của Putin hay không. Và người kế nhiệm ông cũng có thể tiếp tục cuộc chiến để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga, hoặc đơn giản là vì sức ì. Nhưng nếu Putin ra đi, thế giới nên tận dụng sự kiện đó như một cơ hội nhằm nối lại các cuộc đàm phán để Nga rút khỏi Ukraine. Một nước Nga thời hậu Putin có thể vẫn chuyên chế, nhưng nó không nhất thiết phải tiếp tục những cuộc phiêu lưu liều lĩnh ở nước ngoài.

 

----------------------------

Sergey Radchenko là Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins (SAIS) và là thành viên của Trung tâm Kissinger. Ông hiện đang làm việc tại chi nhánh châu Âu của SAIS ở Bologna, Ý.

 

Nguồn: Sergey Radchenko, “Coups in the Kremlin,” Foreign Affairs, 22/09/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats