Friday, 30 September 2022

VỀ TÍNH PHÁP LÝ của các cuộc “TRƯNG CẦU DÂN Ý”do Nga tổ chức ở Ukraine  (Nguyễn Quốc Tấn Trung)

 



VỀ TÍNH PHÁP LÝ của các cuộc “TRƯNG CẦU DÂN Ý”do Nga tổ chức ở Ukraine 

Nguyễn Quốc Tấn Trung

28-9-2022  09:06   

https://www.facebook.com/t2nguyenquoc/posts/pfbid0259cRbSRDbKS4ZTnegAUe1fnCYibhDh2asn3EKKP3qCfEMZ8M3e6qHXVpFiZKBopTl

 

Nếu có các nhóm cho rằng đây là các cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp, hợp lệ, các độc giả ủng hộ Ukraine có thể tham khảo trước hai quan điểm từ các ngành luật khác nhau của Công pháp Quốc tế dưới đây:

 

                                                              ***

 

A. Pháp luật Nhân đạo Quốc tế (International Humanitarian Law)

 

Do xung đột giữa Nga và Ukraine là xung đột vũ trang quốc tế (International Armed Conflict – IAC), xung đột này sẽ được điều chỉnh bởi nhóm pháp luật IHL.

 

Cụ thể trong trường hợp này, chúng ta sẽ sử dụng Công ước Hague 1907 và Công ước Geneva thứ 4 (1949). Thẩm quyền và nghĩa vụ của Nga đối với các vùng mà họ đang chiếm đóng sẽ với tư cách của quốc gia chiếm đóng (Occupying Power) đối với lãnh thổ bị chiếm đóng (occupied territory).

 

Có rất nhiều nghĩa vụ mà Occupying Power cần phải tuân thủ, nhưng trong trường hợp này chúng ta nhắc đến hai điều:

 

1. Tôn trọng và duy trì hệ thống pháp luật sở tại của khu vực bị chiếm đóng.

 

Nói cách khác, việc một quốc gia chiếm đóng vùng lãnh thổ của quốc gia khác không có nghĩa là quốc gia đó được quyền mang hết luật pháp của mình áp đặt lên vùng lãnh thổ này (điều mà Nga đang làm).

 

Kể cả khi trong trường hợp bị chiếm đóng, pháp luật dân sự, hành chính, thương mại… trước đó của vùng lãnh thổ vẫn tiếp tục có hiệu lực.

 

Việc mang luật bầu cử của Nga vào vùng lãnh thổ không bị tranh chấp của Ukraine để tổ chức bừa trưng cầu dân ý chắc chắn vi phạm nguyên tắc này.

 

2. Một nguyên tắc minh thị hơn là, quốc gia chiếm đóng không thể tiếp quản và chỉnh sửa chủ quyền của vùng bị chiếm đóng.

 

Mọi hoạt động của Occupying Power nhắm đến việc tước đoạt chủ quyền hoàn toàn của quốc gia còn lại đối với vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng luôn được xem là bất hợp pháp.

 

Dù chiến tranh vẫn có thể xảy ra trong môi trường hiện đại vì nhiều lý do kinh tế chính trị khác nhau (ví dụ nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đánh Iraq vì dầu), việc cho phép quốc gia chiếm đóng thay đổi chủ quyền quốc gia đang bị chiếm đóng sẽ quay ngược chiều lịch sử về giai đoạn thực dân kiểu cũ.

 

Thực tế là dù Hoa Kỳ xâm lược, lật đổ chính quyền, và chiếm đóng Iraq trong thời gian dài, “quốc gia Iraq” vẫn còn tồn tại với đầy đủ các yếu tố về dân cư và địa lý của nó.

Hành vi của Nga vì vậy phá vỡ mọi nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại.

 

                                                         ***

 

B. “Tiền lệ KOSOVO”?

 

Sở thích của các nhóm Putinistas là nhắc đến Kosovo, nhưng có lẽ chỉ vì họ nghe Putin nhắc đến nó mà không tìm hiểu gì thêm.

 

Trước tiên, có thể xét đến các điểm khác biệt cơ bản như sau:

 

* NATO can thiệp quân sự bằng không quân vào năm 1999. Các hoạt động quân sự của họ kéo dài 3 tháng. Không có sự hiện diện của quân đội NATO ở mặt đất.

 

* Kosovo đưa ra tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 (tức 10 năm sau khi NATO can thiệp quân sự). Vấn đề chủ yếu nằm ở quá trình đàm phán với Serbia (do Liên Hiệp Quốc trung gian) không thành công.

 

* Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập không phải là hệ quả của việc NATO chiếm đóng hay can thiệp vùng lãnh thổ này, vì bản chất không có sự hiện diện của quân đội. Điều này được phía Serbia công nhận trong các thảo luận trước Toà án Công lý Quốc tế (Sau đó ICJ ra một cái advisory opinion hơi bèo nhèo, nhưng cũng không ảnh hưởng lắm đến lập luận).

 

* Kosovo trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập khỏi Serbia, chứ không sát nhập lãnh thổ của vào Hoa Kỳ hay các quốc gia Châu Âu.

 

(Các lập luận trên chỉ ra điểm khác biệt giữa cách mà NATO hành xử so với kiểu chợ búa của Nga. Không phải để ủng hộ Kosovo đơn phương độc lập)

 

Dù sao đi chăng nữa, để nói rằng Kosovo là “tiền lệ” trong công pháp quốc tế, người đưa ra quan điểm này cần chứng minh được cách giải quyết tranh chấp này đã được các cơ quan có thẩm quyền của LHQ (như UNGA, UNSC, ICJ…) công nhận và duy trì. Nhưng cho đến này chưa bất kỳ cơ quan quốc tế nào công nhận Kosovo hay đưa ra luận điểm bảo vệ cho tuyên bố độc lập đơn phương này.

 

Nếu cân nhắc đầy đủ tất cả các tranh chấp và tiền lệ liên quan đến phong trào ly khai (seccession movements), tư liệu và các quyết định pháp lý của Liên Hiệp Quốc đều chỉ rõ là pháp luật quốc tế không chấp nhận việc ly khai bừa bãi, gây ảnh hưởng đến hoà bình và an ninh quốc tế.

 

Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=8766042173409553&set=a.7765421436804970

 

.

92 BÌNH LUẬN 




No comments:

Post a Comment

View My Stats