Monday 26 September 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 26/09/2022 (The Economist)

 



 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 26/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

26/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/26/the-gioi-hom-nay-26-09-2022/

 

Lúc này ở Italy đang diễn ra tổng tuyển cử bầu cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Cuộc bỏ phiếu được dự đoán sẽ mang về chiến thắng cho liên minh cánh hữu do đảng cực hữu Anh em nước Ý dẫn đầu. Do đó, lãnh đạo đảng Giorgia Meloni nhiều khả năng sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước.

 

Theo kênh Telegraph của Pavel Chikov, một luật sư người Nga, một số nam giới Nga trong độ tuổi nhập ngũ đang bị cấm xuất cảnh. Tại biên giới giữa Nga với Gruzia, Kazakhstan và Mông Cổ, người ta đang ghi nhận hàng dài người muốn trốn nhập ngũ. Theo nhóm nhân quyền OVD-Info, 2.000 người đã bị bắt vì tham gia biểu tình phản đối lệnh động viên. Còn vào cuối tuần qua, Nga tiếp tục không kích các thành phố Ukraine trong khi người dân ở 4 khu vực do Nga kiểm soát bị buộc phải bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga.

 

Triều Tiên vừa bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông, theo quân đội Hàn Quốc. Vụ phóng diễn ra ngay sau khi một tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tham gia tập trận. Hàn Quốc gọi đây là “hành động khiêu khích nghiêm trọng.”

 

Vận động viên người Kenya Eliud Kipchoge đã phá kỷ lục thế giới do chính mình nắm giữ của bộ môn chạy marathon. Được biết anh hoàn thành chặng đua dài 26,2 dặm (42,2km) ở Berlin chỉ trong hai giờ, một phút và chín giây, nhanh hơn 30 giây so với thành tích tốt nhất trước đó. Vào năm 2019, Kipchoge thậm chí chạy quãng đường tương tự trong vòng chưa đầy hai giờ, song không được tính vì nó diễn ra ngoài khuôn khổ thi đấu chính thức.

 

Hàng nghìn người Philippines đã phải sơ tán khỏi các khu vực ven biển khi siêu bão Noru đổ bộ vào phía tây đảo Luzon, với sức gió gần 150 dặm/giờ. Còn tại Canada, bão Fiona đổ bộ vào bờ biển phía đông đã phá hủy một số ngôi nhà và đường dây điện. Cuối cùng, áp thấp Ian ở vùng Caribbe được dự báo vào Chủ nhật là sẽ mạnh lên thành bão.

 

Các ngân hàng ở Lebanon sẽ mở cửa lại từ thứ Hai, sau khi phải đóng cửa vì bị khách hàng có vũ trang tấn công đòi rút tiền. Hiệp hội ngân hàng của đất nước cho biết các ngân hàng có thể mở cửa lại dù “không có sự bảo vệ thích hợp từ nhà nước.” Trong gần ba năm qua, rút tiền đã bị hạn chế và tiền gửi bị đóng băng vì khủng hoảng kinh tế.

 

Khi Công đảng Anh bắt đầu hội nghị thường niên, lãnh đạo đảng Keir Starmer nói với BBC rằng ông sẽ đảo ngược dự luật giảm thuế cho những người có thu nhập cao nhất mà chính phủ Bảo thủ vừa công bố vào thứ Sáu. Trong một cuộc phỏng vấn khác, cũng với BBC, tân bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng nói giảm thuế như vậy sẽ giúp ích cho người Anh ở mọi mức thu nhập.

 

Con số trong ngày: 45 tỷ đô la, là tổng số tiền được các nhà đầu tư tổ chức đổ vào mảng cho thuê nhà gia đình ở Mỹ trong năm ngoái, tăng từ 3 tỷ đô la của năm 2020.

 

.

TIÊU ĐIỂM

 

Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới của OECD

 

Nước nào sẽ suy thoái trong những tháng tới — và suy thoái toàn cầu sẽ nghiêm trọng đến đâu? Bản báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OECD, được công bố vào thứ Hai, sẽ giúp trả lời phần nào câu hỏi đó.

 

Ngày càng nhiều nhà kinh tế dự đoán kinh tế châu Âu sẽ sớm suy thoái, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao làm ảnh hưởng tiêu dùng của các hộ gia đình. Nếu Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải phản ứng với chương trình cắt giảm thuế của chính phủ bằng cách tăng lãi suất, vấn đề của nước Anh sẽ càng thêm tồi tệ.

 

Trong khi đó, tình hình ở Mỹ tốt đến đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tạo ra việc làm và chi tiêu không hề có dấu hiệu giảm. Dữ liệu gần đây của lĩnh vực sản xuất cũng ổn, nếu không muốn nói là rất tốt, trong khi niềm tin của người tiêu dùng dường như tăng lên nhờ giá xăng dầu giảm. Nhưng với triển vọng lạm phát không rõ ràng và Cục Dự trữ Liên bang nhanh chóng tăng lãi suất, không có gì là quá chắn chắn.

 

Cuộc chiến bị quên lãng ở Myanmar

 

Nếu không có chiến tranh Ukraine, cuộc chiến hiện tại ở Myanmar có thể sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn. Gần đây nhất là vụ tấn công hôm 16 tháng 9 của quân đội vào làng Let Yet Kone, ở miền tây bắc đất nước, trong đó một trường học đã bị trực thăng bắn, khiến ít nhất 11 trẻ em và hai người lớn thiệt mạng. Vụ việc chắc chắn sẽ xuất hiện trong báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào thứ Hai khi tổ chức này dành một phiên họp để nói về Myanmar.

 

Kể từ khi quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính năm ngoái, tình hình ở Myanmar đã xấu đi nhanh chóng. Liên Hợp Quốc nói có hơn 13 triệu người đang bị thiếu lương thực. Hơn 1 triệu người phải di tản vì giao tranh giữa quân đội và các nhóm đối lập. Nhiều quốc gia đã áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Myanmar, nhưng sẽ có nhiều lời kêu gọi Liên Hợp Quốc làm nhiều hơn nữa để chính quyền quân sự không thể tiếp cận các nguồn thu và vũ khí. Dĩ nhiên các biện pháp từ trước đến nay hoàn toàn không có tác dụng.

 

Dự thảo ngân sách của chính phủ Pháp

 

Vào thứ Hai, bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire sẽ công bố ngân sách chính phủ cho năm 2023. Nhiệm vụ của ông khá phức tạp. Pháp đã hứa giảm thâm hụt ngân sách chính phủ xuống còn 3% vào năm 2027; song con số của năm tới dự kiến lên tới 5%. Và Pháp sẽ phải chi mạnh để hỗ trợ chi trả hóa đơn năng lượng, như đã hứa. Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi lạm phát, chính phủ có kế hoạch giới hạn tăng giá điện và khí đốt ở mức 15%.

 

Pháp cũng cần thể hiện trách nhiệm tài khoá của mình. Ủy ban Châu Âu đã tạm đình chỉ các quy tắc tài khóa của khối, vốn quy định thâm hụt quốc gia phải dưới 3%, cho đến năm 2024. Nhưng thâm hụt của Pháp trông giống với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hơn là Đức. Vì vậy, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ muốn nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi lên 64 hoặc 65 như ông đã từng hứa. Gắn việc này với vấn đề ngân sách giúp thể hiện tinh thần cải cách của ông, nhưng đổi lại sẽ là biểu tình và đình công.

 

Colombia và Venezuela nối lại quan hệ

 

Một cửa khẩu quan trọng ở Nam Mỹ sẽ mở cửa lại hoàn toàn từ thứ Hai. Nhờ quan hệ Colombia-Venezuela tan băng, các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa sẽ được đi lại giữa hai nước lần đầu tiên kể từ năm 2019.

 

Biên giới đã bị đóng khi tổng thống lúc bấy giờ của Colombia, Iván Duque, từ chối công nhận Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo của Venezuela sau cuộc bầu cử 2018. Nhưng quan hệ được cải thiện sau khi Gustavo Petro, một người cánh tả, được bầu làm tổng thống mới của Colombia vào tháng 6. Đại sứ mới đã được bổ nhiệm, và các chuyến bay sẽ được nối lại.

 

Việc mở cửa có ích cho cả hai nền kinh tế. Xuất khẩu từ Colombia sang Venezuela, bao gồm dầu cọ, chỉ đạt 331 triệu USD vào năm ngoái. Bộ trưởng Thương mại Colombia tính toán thương mại có thể đạt 1,2 tỷ đô la trong năm nay – gấp đôi ước tính trước đó. Nhưng mọi chuyện còn phụ thuộc vào quá trình phục hồi kinh tế mong manh của Venezuela. Xuất khẩu của Colombia sang Venezuela từng giảm mạnh khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ vào năm 2014. Ngoài ra hai bên còn phải đối phó với hoạt động băng đảng và buôn lậu tràn lan ở biên giới.





No comments:

Post a Comment

View My Stats