Saturday, 9 May 2020

NGÀY CHÂU ÂU 9-5, NHỚ VỀ NHÀ KIẾN THIẾT ROBERT SCHUMAN (Nguyễn Hoàng Linh - Nhịp Cầu Thế Giới)




Nguyễn Hoàng Linh  -  Nhịp Cầu Thế Giới
Thứ bảy - 09/05/2020 15:28

(NCTG) Ngày Châu Âu 9-5 được kỷ niệm vào năm nay theo đúng tinh thần “cách ly” trong mùa dịch, với nhiều hình thức “phát huy sáng kiến” như thể dục trực tuyến, tham quan qua màn ảnh nhỏ, hoặc ra ban-công ăn mừng. Bảy mươi năm trước, Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman với lời tuyên bố mang tên ông, đã đặt những nền móng đầu tiên cho Châu Âu hiện đại.

Robert Schuman (1886-1963) đặt bút ký Công ước Nhân quyền Châu Âu, ngày 4-11-1950 - Ảnh: Ủy hội Châu Âu (CE)

Sau Đệ nhị Thế chiến, các chính khách hàng đầu của Châu Âu mong muốn tạo dựng những tổ chức, liên minh kết nối các quốc gia của Lục địa già này, và tổ chức đầu tiên, ra đời ngày 5-5-1949, là Ủy hội Châu Âu, trụ sở tại TP. Strasbourg với nhiệm vụ bảo vệ những giá trị chính yếu của Châu Âu như nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. “Phát ngôn viên” nhiệt thành cho những lý tưởng đó là một chính khách Pháp-Đức, ông Robert Schuman.

Chào đời tại Luxemburg năm 1886, vốn mang quốc tịch Đức và chỉ nhập tịch Pháp vào năm 1919, tiếng mẹ đẻ của Robert Schuman là tiếng Luxemburg với thổ ngữ Đức, ngôn ngữ thứ hai của ông là tiếng Đức và chỉ khi đi học, ông mới học tiếng Pháp. Là một nhà chính trị mang trong lòng “tinh thần Châu Âu” sâu sắc, ông đã giữ các cương vị quan trọng như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính và hai lần là Thủ tướng nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp.

Ủy hội Châu Âu mang tính chất một sự hợp tác không quá khăng khít giữa các chính phủ Châu Âu - bên cạnh đó, vẫn cần một tổ chức kết nối và liên kết các quốc gia Châu Âu trong khuôn khổ một liên minh bền chặt hơn, và ít nhiều mang hơi hướng một “Hợp chúng quốc Châu Âu”. Mục tiêu chính của tổ chức ấy, như kỳ vọng, là tái thiết Châu Âu sau cuộc Thế chiến thứ Hai tương tàn, và đừng để những cuộc chiến tương tự xảy ra một lần nữa.

Con người cả đời phấn đấu cho sự hòa giải Pháp - Đức và sự nghiệp chung của Châu Âu - Ảnh tư liệu


Liên minh kể trên, theo ý tưởng của Robert Schuman, khi đó là Ngoại trưởng Pháp, phải là một tổ chức dân chủ mà nước Đức sau thời Quốc xã cũng được dự phần, để có được nền hòa bình lâu dài ở Châu Âu. Trong hai năm 1949-1950, Robert Schuman đã có nhiều cuộc diễn thuyết khắp Châu Âu và cả ở Bắc Mỹ, để cổ súy cho một cộng đồng chung Châu Âu như thế: đó là lúc ông thai nghén cho một văn kiện “để đời” trong sự nghiệp của ông.

Ngày 9/5/1950, thế giới được biết đến một đề xướng của Robert Schuman, đi vào lịch sử với tên gọi “Bản tuyên bố Schuman”, trong đó ông kêu gọi nước Đức và các quốc gia Châu Âu khác hãy cùng hợp tác trong một dự án khai thác và sản xuất than và thép, dưới sự điều hành của một liên minh chung mang tên Cộng đồng Than và Thép Châu Âu. Pháp, Đức, Ý và ba quốc gia Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxemburg) đã hưởng ứng kêu gọi đó.

Cần biết rằng, 5 năm sau Thế chiến, cả Châu Âu vẫn trong đống tro tàn chiến tranh. Làm sao tránh được những xung đột thảm khốc như thế? Thông qua việc kiểm soát chung nền công nghiệp than và thép, chiến tranh giữa hai “tử thù” lịch sử Đức và Pháp “không chỉ là không thể, mà trong thực tế còn là bất khả”, theo Robert Schuman. Thống nhất các lợi ích kinh tế sẽ khiến mức sống được nâng cao và góp phần cho một Châu Âu thống nhất hơn.

Học để trở thành tu sĩ, nhưng lại thành người tiên phong cho Châu Âu thống nhất - Ảnh tư liệu

Cộng đồng Than và Thép Châu Âu chính thức ra đời ngày 18-4-1951 với việc sáu quốc gia sáng lập ký kết Hiệp định Paris, tiền thân đầu tiên của Liên Âu, tổ chức đầu tiên được thành lập một cách dân chủ và vượt quá tầm các quốc gia riêng rẽ. Năm 1957, vẫn các nước này ký kết Hiệp định Roma thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu. Các tổ chức này, về sau, trở thành cột trụ của Liên Âu (EU, 1993).

Dấu mốc 9-5-1950 trở thành Ngày Châu Âu, có thể ví như Quốc khánh của Khối Liên Âu, và gắn liền với tên tuổi của Robert Schuman, người sau này giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Pháp, trước khi là Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, một trong hai cơ quan của lưỡng viện lập pháp Châu Âu. Sống cả đời độc thân, khiêm nhường, hết sức sùng đạo và là một nhà thần học uyên thâm, ông được xem như người cha của Châu Âu thống nhất.

Trở lại dịp 9-5 năm nay, trang Facebook của Ủy ban Châu Âu (đại diện tại Hungary) đã có hàng loạt chương trình diễn ra cả ngày, với sự xuất hiện của các ngôi sao giải trí (Béres Alexandra, Caramel...) và các chính khách (Járóka Lívia, Dobrev Klára, Várhelyi Olivér...) trong các chương trình văn nghệ hoặc phát biểu. Bảy mươi năm của Châu Âu thời “hậu chiến” với những thành tựu, sự đoàn kết... cũng được tái hiện trong dịp kỷ niệm lớn này.

Quảng trường mang tên Robert Schuman ở trung tâm Khu Châu Âu tại thủ đô Brussels, nơi tọa lạc trụ sở của nhiều định chế chính của Liên Âu như tòa nhà Berlaymont (Ủy ban Châu Âu) và tòa nhà Justus Lipsius (Hội đồng Liên minh Châu Âu)


Các định chế chủ chốt của Liên Âu ở Bỉ cũng tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến cho Ngày Châu Âu. Tại trang Facebook (tiếng Anh) của Nghị viện Châu Âu, có thể phỏng vấn trực tiếp các dân biểu Châu Âu về tương lai của liên minh này, hoặc về cuộc chiến chung chống đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn có nhiều buổi hòa nhạc và hội thảo về “Bản tuyên bố Schuman”, một động thái chủ chốt đưa nước Đức trở lại cộng đồng Châu Âu.

Là “kẻ thù” của Brussels, tuy nhiên Thủ tướng Orbán Viktor cũng chúc tụng Châu Âu trên trang Facebook của mình, và ông còn chia sẻ một clip với phát biểu của thủ tướng và tổng thống các quốc gia thành viên, cùng các vị Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (Ursula von der Leyen), Hội đồng Châu Âu (Charles Michel) và Nghị viện Châu Âu (David Sassoli) với thông điệp, chưa bao giờ Châu Âu cần đến sự hợp tác như bây giờ, thời dịch bệnh Covid-19!

Nguyễn Hoàng Linh





No comments:

Post a Comment

View My Stats