Saturday 30 May 2020

CÂU NÓI NGU NHẤT TRONG LỊCH SỬ TỐ TỤNG VIỆT NAM (Vũ Hữu Sự)






Trong bản án giám đốc thẩm vụ án “giết người” và “cướp tài sản” xẩy ra ở Bưu điện Cầu Voi năm 2008, do ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án TANDTC, chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm, tuyên vào ngày 8/5/2020, có câu “trong quá trình tiến hành tố tụng vụ án có một số sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”. Nhận định đó là một yếu tố quan trọng để dẫn đến quyết định của bản án giám đốc thẩm: Bác kháng nghị của VKSNDTC, giữ nguyên hình phạt tử hình mà hai bản án sơ, phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải.

Câu nói đó được cộng đồng mạng xã hội, nhất là giới luật sư và chuyên gia luật, đánh giá là câu nói ngu nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam từ cổ chí kim, nhưng cũng là câu nói nguy hiểm nhất của ông Nguyễn Hòa Bình, có tác dụng “bật đèn xanh” cho toàn ngành tòa án cả nước từ nay cứ việc làm sai, cứ việc vi phạm BLTTHS. Và thật không ai ngờ nó lại được nói ra bởi người đứng đầu ngành tòa án, người mà đáng lẽ ra phải là “khuôn vàng thước ngọc” cho hoạt động tố tụng.

Vì sao như vậy?

Xin hãy đọc điều 2 (hiệu lực của bộ luật TTHS) của BLTTHS năm 2003. Điều này quy định rất rõ ràng rằng “mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của bộ luật này” (vụ án ở Bưu điện Cầu Voi xẩy ra năm 2008, nên quá trình tố tụng phải được tiến hành theo quy định của BLTTHS năm 2003). Điều đó có nghĩa là tất cả mọi hoạt động TTHS đều phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng những quy định trong bộ luật TTHS, không được phép sai sót. Bất cứ một sai sót nào cũng là vi phạm pháp luật. BLTTHS năm 2003 cũng như tất cả các bộ luật khác đương thời, không có điều nào cho phép những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng công nhận những “sai sót” trong khi tiến hành hoạt động TTHS. Cũng không có điều nào quy định những sai sót nào có thể “làm thay đổi bản chất của vụ án”? và những sai sót nào “không làm thay đổi bản chất của vụ án”? Điều đó có nghĩa là bất cứ một sai sót nào cũng làm thay đổi bản chất của vụ án, dẫn đến những bản án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Vụ án “giết người” và “cướp tài sản” diễn ra ở bưu điện Cầu Voi, trong quá trình tố tụng, đã có rất nhiều “sai sót” (sai sót chỉ là cách nói của ông Nguyễn Hòa Bình để biện hộ cho cấp dưới. Thực chất đó là những vi phạm tố tụng). Chỉ xin dẫn ra một vài “sai sót” đã được rất nhiều luật sư, nhà báo nêu ra.

Thứ nhất, một số bút lục đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Bút lục không thể tự ra khỏi hồ sơ, nó chỉ có thể được các điều tra viên lấy ra khỏi tập hồ sơ để mang bỏ nơi khác. Đây là hành vi cố ý chứ hoàn toàn không phải vô ý. Vậy điều tra viên cố ý rút những bút lục đó ra khỏi hồ sơ, làm sai lệch hồ sơ vụ án để làm gì? câu hỏi này chỉ có thể được trả lời nếu VKSNDTC, theo thẩm quyền của mình, khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 375 BLHS năm 2015.

Thứ hai, cái thớt, con dao và cái ghế là vật chứng của vụ án, trên đó đều có dính máu, đã không được thu thập và giám định theo đúng quy định tại các điều 74; 75 BLTTHS năm 2003. Thớt và dao đã bị tiêu hủy rồi được điều tra viên ra chợ mua cái khác thay vào. Cái ghế cũng được đổi bằng ghế khác.Việc thay đổi những vật chứng đó nhằm mục đích gì?

Chỉ cần hai điều đó thôi, cũng đủ nói lên trong quá trình tố tụng vụ án, những người tiến hành tố tụng đã có những “sai sót” lớn đến thế nào. Và những “sai sót” đó rõ ràng đã làm thay đổi bản chất của vụ án. Khi thừa nhận rằng trong quá trình tiến hành tố tụng vụ án trên đã có một số “sai sót”. Nhưng lại nói rằng những “sai sót” đó không làm thay đổi bản chất của vụ án, thì ông Nguyễn Hòa Bình đã căn cứ vào điều nào? của bộ luật nào?

Như đã chứng minh ở những bài trước, khi ngồi ghế chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án bưu điện Cầu Voi, ông Nguyễn Hòa Bình đã lạm quyền (không phải thẩm phán những vẫn ngồi xét xử) và vi phạm các điều 21; 49; 53 BLTTHS năm 2015. Và bằng câu nói liều “có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”, ông lại thêm một lần nữa vi phạm BLTTHS. Vì, như đã nói ở trên, BLTTHS không có điều nào cho phép người tiến hành tố tụng chấp nhận những “sai sót” trong quá trình tiến hành tố tụng cả.

Cũng không có điều nào quy định rằng những “sai sót” nào “làm thay đổi bản chất của vụ án” và những “sai sót” nào thì “không làm thay đổi bản chất của vụ án”. Câu nói đó của ông Nguyễn Hòa Bình còn vô cùng nguy hiểm, bởi nó cho phép những người tiến hành tố tụng hình sự ở mọi cấp toà trên cả nước, từ nay cứ việc làm liều, cứ việc ngồi xổm lên BLTTHS, để rồi chỉ việc lấp liếm bằng câu “những sai sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án” là xong. Có thể nói bằng việc ngồi chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án bưu điện Cầu Voi mới rồi, ông Nguyễn Hòa Bình đã tự mình vô hiệu hóa BLTTHS và “bật đèn xanh” cho các tòa án cấp dưới làm việc đó./.







No comments:

Post a Comment

View My Stats